Vụ Mái ấm Hoa Hồng: Bước đầu ghi nhận 10 trường hợp ‘trẻ em sinh trẻ em’
Sáng 8.9, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, bước đầu ghi nhận trong số 15 trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng được đưa về Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp thì có 10 em có mẹ là học sinh.
Sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài điều tra Tội ác trong một mái ấm (số ra ngày 4, 5.9), Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã cử tổ công tác phối hợp Phòng LĐ-TB-XH Q.12 để đến Mái ấm Hoa Hồng trực tiếp kiểm tra vụ việc. Tại thời điểm kiểm tra, ghi nhận Mái ấm Hoa Hồng có 15 nhân viên phục vụ và có 86 trẻ (vượt quá 47 em so với giấy phép đăng ký là 39 trẻ). Trong đó, có 85 trẻ thuộc diện trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, 1 trẻ còn lại là con của nhân viên trong mái ấm này. Trong số 85 em, có 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi; 36 trẻ từ đủ 12 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi; 30 trẻ từ 36 tháng tuổi đến dưới 72 tháng tuổi; 3 trẻ từ đủ 6 tuổi đến 12 tuổi; 1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện.
Các cơ quan chức năng đã cách ly khẩn cấp các trẻ ngay trong ngày 4.9 và chuyển về 3 cơ sở xã hội trực thuộc Sở LĐ-TB-XH để chăm sóc, nuôi dưỡng là Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức và Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp.
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp đã tiếp nhận 15 trẻ (7 nam và 8 nữ) dưới 12 tháng tuổi từ Mái ấm Hoa Hồng và đưa về Khoa Sơ sinh của đơn vị để chăm sóc. Lúc mới tiếp nhận, trung tâm đã đánh số thứ tự cho các bé từ 1 đến 15 do tình huống khẩn cấp và chưa được cung cấp hồ sơ, giấy tờ, ngoại trừ hình ảnh chụp các bé kèm biên bản bàn giao.
Tuy nhiên, đáng lưu ý, bước đầu ghi nhận về hoàn cảnh của các em, biết được có 10/15 trẻ có mẹ là học sinh. Còn lại các bé sơ sinh có hoàn cảnh không có cha, mẹ hay mẹ đi làm ăn xa, mẹ đã qua đời…
Đối với các trẻ được chuyển về Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức, theo báo cáo của UBND P.Trung Mỹ Tây, danh sách trẻ (chủ yếu sinh năm 2021, 2022) từ Mái ấm Hoa Hồng hiện chỉ ghi nhận rằng các em được chuyển đến cho bà Giáp Thị Sông Hương nuôi dưỡng và chưa có thông tin về người thân của các em.
Thực trạng trẻ em sinh con
Hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn đang phối hợp làm rõ nguồn gốc 47 trẻ vượt quá quy mô cho phép tại Mái ấm Hoa Hồng là ở đâu ra và xem xét liệu có yếu tố trục lợi hay không. Các yếu tố khác về thân nhân, hoàn cảnh gia đình của các em cũng được đặc biệt quan tâm, xem xét nghiên cứu.
Trẻ sơ sinh ở Mái ấm Hoa Hồng đang được chăm sóc tận tình tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp. ẢNH: NGUYỄN ANH
Riêng 10/15 trẻ tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp được ghi nhận có mẹ đang ở lứa tuổi học sinh là một thực trạng đau lòng.
Thực tế, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã nêu vấn đề “trẻ em sinh trẻ em” vào đầu năm nay, cụ thể là tại buổi sơ kết 1 năm triển khai thí điểm “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.HCM” hồi tháng 3.2024. Đây là mô hình ra mắt vào tháng 3.2023, đặt tại Bệnh viện Hùng Vương với mong muốn thông qua công tác khám và điều trị sẽ phát hiện các dấu hiệu của bạo lực, xâm hại để cung cấp các giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Vào thời điểm sơ kết này, mô hình đã hỗ trợ 51 ca là nạn nhân của bạo lực, cưỡng bức, xâm hại tình dục. Đáng nói, trong đó, có tới 48/51 ca là trẻ vị thành niên. Cụ thể hơn, có 14 ca 14 tuổi, 16 ca 15 tuổi và nạn nhân nhỏ nhất chỉ mới 10 tuổi.
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, 51 ca được hỗ trợ chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi năm 2023, Bệnh viện Hùng Vương ghi nhận có 34.360 ca sinh thì có 423 ca là trẻ vị thành niên, 9.762 ca phá thai thì có 105 ca là nhóm trẻ ở độ tuổi tương tự. Điều này có nghĩa là mỗi ngày đều có từ 1 – 2 trẻ vị thành niên mang thai đến bệnh viện này để sinh hoặc bỏ thai. Tuy nhiên, chỉ có 51 ca (trong tổng số 528 trẻ vị thành niên sinh con, phá thai) đồng ý chia sẻ, xác nhận là nạn nhân của bạo lực, xâm hại.
Tính tới tháng 6.2024, mô hình này đã hỗ trợ 58 người bị bạo lực, xâm hại. Trong đó, nếu chia theo nhóm tuổi thì có 1 ca 10 tuổi, 2 ca 11 tuổi, 2 ca 12 tuổi, 4 ca 13 tuổi, 15 ca 14 tuổi, 20 ca 15 tuổi, 8 ca 16 tuổi, 2 ca 17 tuổi, còn lại 4 ca rơi vào độ tuổi 32, 33, 34, 38.
Các chuyên gia về công tác trẻ em rất quan ngại về thực trạng này, bởi những đứa trẻ mới 13 – 14 tuổi đã phải đối diện với việc mang thai và sinh con. Việc này đặt ra nhiều thách thức không chỉ về vấn đề sức khỏe mà còn về việc các em sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau ra sao. Chưa kể, đó chỉ là thống kê ở Bệnh viện Hùng Vương chứ chưa phải toàn bộ các bệnh viện khác tại TP.HCM.
[ VIDEO ĐIỀU TRA] Bóng tối trong mái ấm tình thương: Chặn đứng tội ác
Liên quan loạt bài điều tra Tội ác trong một mái ấm (số ra ngày 4, 5.9) của Báo Thanh Niên, các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt. Cho đến nay, Phòng LĐ-TB-XH Q.12 đã thu hồi giấy phép hoạt động của Mái ấm Hoa Hồng. Đồng thời, Phòng Nội vụ Q.12 sẽ tham mưu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức liên quan trong công tác quản lý nhà nước để xảy ra sai phạm tại Mái ấm Hoa Hồng.
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 2 bảo mẫu là Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (46 tuổi, quê Đồng Nai) và Diệp Ngọc Tuyền (47 tuổi, quê Sóc Trăng) về tội “hành hạ người khác”. Công an TP.HCM sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tạm giữ một số người có liên quan và thu hồi giấy phép Mái ấm Hoa Hồng
Liên quan loạt bài điều tra 'Tội ác trong một mái ấm' của Báo Thanh Niên, ngày 5.9, Công an Q.12 (TP.HCM) đã tạm giữ một số người có liên quan và thu hồi giấy phép hoạt động tại Mái ấm Hoa Hồng (TP.HCM).
Liên quan đến loạt bài điều tra "Tội ác trong một mái ấm" của Báo Thanh Niên, ngày 5.9, UBND Q.12 (TP.HCM) cho biết, Công an Q.12 đang tạm giữ một số người có liên quan và ban hành quyết định đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động tại Mái ấm Hoa Hồng.
Theo một nguồn tin khác, công an đang điều tra về hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng.
Công an đưa bà Hương (chủ Mái ấm Hoa Hồng) về trụ sở. Ảnh TRẦN DUY KHÁNH
Theo một nguồn tin khác, trong số những người bị tạm giữ có bà Giáp Thị Sông Hương (chủ Mái ấm Hoa Hồng) và bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (46 tuổi, bảo mẫu có hành vi bạo hành trẻ). Trong khi đó, ngay trong ngày 4.9, một tổ công tác khác thuộc lực lượng công an lập tức lên đường đến một tỉnh miền Tây để truy xét bảo mẫu Tuyền (thời điểm công an kiểm tra, bà Tuyền không có mặt tại mái ấm).
Trước đó, ngày 4.9, Báo Thanh Niên khởi đăng loạt bài điều tra "Tội ác trong một mái ấm", phản ánh các bảo mẫu thường xuyên bạo hành, ngược đãi trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng (L52 Tô Ký, P.Trung Mỹ Tây, Q.12).
Ngay sau đó, các sở, ngành và cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý vụ việc. Theo nội dung báo cáo từ UBND Q.12, Mái ấm Hoa Hồng được thành lập năm 2023 theo quyết định của Phòng LĐ-TB-XH Q.12. Người đại diện theo pháp luật là bà Giáp Thị Sông Hương (ở Q.Gò Vấp).
Bảo mẫu Cẩm bị công an đưa về trụ sở. Ảnh TRẦN DUY KHÁNH
Theo giấy phép thì đây là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí có chức năng trợ giúp, nuôi dưỡng các trẻ em cơ sở, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị mồ côi, sống lang thang.
Giấy phép hoạt động cho thấy quy mô của cơ sở không được nhận chăm sóc quá 39 trẻ. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra (hôm 4.9), cơ sở này có đến 86 trẻ. Trong đó, 15 trẻ sơ sinh; 36 trẻ từ 1 - 2 tuổi; 31 trẻ từ 3 - 5 tuổi đang học tại Trường mầm non Sóc Bông; 3 trẻ từ 6 - 12 tuổi và 1 trẻ đang điều trị bệnh tại bệnh viện. Có 15 nhân viên đang phục vụ tại Mái ấm Hoa Hồng.
Đối chiếu quyết định thành lập thì nơi đây đã vi phạm quy định khi tiếp nhận, chăm sóc 86 trẻ (vượt 47 trẻ so với quy mô 39 trẻ trong giấy phép).
Đáng chú ý, trước đó, Phòng LĐ-TB-XH Q.12 cùng các đơn vị liên quan đã kiểm tra mái ấm 2 lần nhưng không phát hiện sai phạm.
Sau loạt bài điều tra của Báo Thanh Niên, UBND Q.12 đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB-XH Q.12, UBND P.Trung Mỹ Tây phối hợp tổ công tác của Sở LĐ-TB-XH thực hiện phân loại trẻ và lập hồ sơ để đưa 86 trẻ đang chăm sóc tại Mái ấm Hoa Hồng về chỗ ở mới.
Cơ quan chức năng làm việc tại Mái ấm Hoa Hồng hôm 4.9. Ảnh TRẦN DUY KHÁNH
Ngay trong ngày 4.9, cơ quan chức năng đã đưa các trẻ về các cơ sở bảo trợ thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM để tiếp tục, chăm sóc nuôi dưỡng theo quy định.
32 trẻ vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, 36 trẻ vào Làng Thiếu niên Thủ Đức, 15 trẻ vào Làng trẻ em Gò Vấp; 2 trẻ được gia đình tiếp nhận; 10 trẻ đang nằm bệnh viện điều trị bệnh viêm phổi.
Đối với Mái ấm Hoa Hồng, UBND Q.12 đã chỉ đạo ban hành quyết định đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động.
UBND Q.12 cũng đã chỉ đạo công an quận đưa chủ Mái ấm Hoa Hồng và các bảo mẫu, nhân viên mái ấm có liên quan về trụ sở để lấy lời khai.
Hiện, Công an Q.12 đang tạm giữ các cá nhân, củng cố hồ sơ pháp lý để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Về trách nhiệm trong công tác quản lý, UBND Q.12 đã giao Phòng Nội vụ tham mưu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý nhà nước để xảy ra sai phạm tại Mái ấm Hoa Hồng.
Bộ LĐ-TB&XH đề nghị xử lý vụ bạo hành trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã có Công điện gửi đến Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị xử lý vụ bạo hành trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng và báo cáo trước ngày 6-9. Liên quan đến vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng (L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH...