Vụ lấp hành lang xả lũ sông Hồng để… trồng cỏ: Pháp luật nghiêm cấm
Liên quan đến việc Công ty CP đầu tư và phát triển xây dựng thương mại Bình An đổ đất san lấp bãi bồi nằm trong hành lang xả lũ sông Hồng để trồng cây, ươm cỏ cho sân golf, trả lời PV Thanh Niên hôm qua 25.6, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão TP.Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội), nói chưa nắm được thông tin vụ việc.
Khu đất 10 ha nằm trong vùng xả lũ sông Hồng đang bị san lấp – Ảnh: Nam Anh
“Nếu đây là dự án hay công trình gì đó thì phải có thông báo gửi tới các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại thì chúng tôi là đơn vị quản lý chuyên ngành nhưng chưa hề nhận được công văn, hay thông báo gì. Trong thời gian sớm nhất, chi cục sẽ chỉ đạo cán bộ chuyên môn tiếp cận hiện trường vụ san lấp để có hình thức xử lý theo đúng luật định. Bởi lẽ về luật là không cho phép thi công, xây dựng trong khu vực hành lang thoát lũ”, ông Thịnh cho hay.
GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi VN, là người từng có thời theo dõi, phản biện nhiều công trình nghiên cứu khoa học quy hoạch thoát lũ trên sông Hồng, cũng cho biết: Doanh nghiệp đổ đất san lấp nền là làm cứng hóa, nâng chiều cao đáy sông, làm thu hẹp dòng chảy thoát lũ và đây là điều cấm kỵ, không có quy định pháp luật nào cho phép. Điều này đi ngược lại với nguyên tắc bảo vệ hành lang thoát lũ khi hằng năm phải tiến hành nạo vét, khơi thông dòng sông đảm bảo chức năng thoát lũ. Theo ông, việc gìn giữ hành lang thoát lũ như bây giờ là đã được nghiên cứu, tính toán dự phòng cho những trận lũ cực lớn từng có trong lịch sử. Gần đây nhất là trận lũ muộn năm 1996, khi đó hồ chứa Thủy điện Hòa Bình đã hết dung tích, hệ thống sông Hồng đầy nước, dung tích chứa lũ không còn nhưng dự báo bão tiếp tục về thì Thủ tướng Chính phủ phải ra lệnh phân lũ vào đập Đáy, chấp nhận nhiều vùng dân cư bị ngập lụt, người dân phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán, thiệt hại rất lớn. Trong khi đó, công trình san lấp là nằm trong vùng chậm lũ, phân lũ hạ lưu sông Hồng, kéo dài từ Phú Thọ, Vĩnh Phúc và về Hà Nội.
Video đang HOT
Tính toán của Viện Quy hoạch thủy lợi cho thấy vùng chậm lũ, phân lũ này có dung tích gần 1 tỉ m3. Nó được ví như cái phao để cứu sông Hồng trong tình huống có lũ lớn. Nếu lòng sông tiếp tục bị bồi lấp, diện tích chứa lũ không còn, giả sử có lặp lại trận lũ lớn như năm 1996 thì không thể tưởng tượng nổi hậu quả thiệt hại sẽ ở mức độ nào.
Hà An – Phan Hậu
Theo Thanhnien
Lấp hành lang xả lũ sông Hồng để... trồng cỏ
Hàng chục héc ta khu vực bãi nằm ngoài triền đê thuộc hành lang xả lũ của lưu vực sông Hồng, đoạn chảy qua địa phận các P.Long Biên (Q.Long Biên, TP.Hà Nội) đang bị Công ty CP đầu tư và phát triển xây dựng thương mại Bình An san lấp để trồng cây, ươm cỏ cho sân golf.
Hiện trường bãi bồi đang bị san lấp - Ảnh: Nam Anh
Đứng từ trên cầu Vĩnh Tuy (hướng đi từ Hà Nội ra Long Biên), có thể quan sát thấy hàng chục héc ta đất bãi dưới chân cầu Vĩnh Tuy đang được san lấp gấp rút. Tại bãi có một chiếc xe ủi chuyên gạt đất để phủ mặt bằng. Diện tích đang được san lấp nằm cách đê khoảng 400 m và cách mép nước sông Hồng khoảng vài trăm mét. Khối lượng đất để san lấp được lấy ở một bãi bồi cách đó khoảng 1 km. Tại đây có cả chục chiếc máy xúc, xe tải chỉ chuyên để khai thác và vận chuyển đất.
Theo khảo sát của Thanh Niên, khu vực đất bãi bồi đang bị san lấp thuộc hành lang xả lũ của sông Hồng. Vì thế, khu vực này không được cấp phép xây dựng, cũng như canh tác. Chị Nguyễn Thị T. (38 tuổi, ngụ tại tổ 1, P.Long Biên, Q.Long Biên) cho biết trước đây vì thiếu đất canh tác, nhiều hộ dân trong phường đã từng ra bãi đất bồi trên để trồng ổi, chuối và nhiều cây ăn trái khác. Tuy nhiên, do bãi đất bồi là hành lang xả lũ thuộc lưu vực sông Hồng nên chính quyền phường đã không đồng ý. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà thời gian vài tháng trở lại đây lại có nhiều người cùng với xe ủi, xe tải chở đất về san lấp bãi đất bồi đó.
Có mặt tại hiện trường bãi đất bồi hàng chục héc ta ven sông Hồng kể trên, chúng tôi nhận thấy sau khi san lấp bằng lớp đất đỏ cao hàng mét, người ra còn cho đổ khối lượng lớn cát đen, rồi dùng máy đầm nền, như vẫn làm ở các công trình khác.
Dân di dời, doanh nghiệp... trồng cỏ
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, Công ty CP đầu tư và phát triển xây dựng thương mại Bình An là chủ đầu tư trong việc lấp bãi đất bồi nằm trong khu xả lũ sông Hồng, thuộc địa bàn P.Long Biên. Ông Kiều Mạnh Thắng, Giám đốc công ty này, cho biết công ty đang tham gia hoạt động phúc lợi cùng P.Long Biên để phục vụ chỉnh trang, tôn tạo mặt bằng tại khu bãi ven sông nói trên. Công ty chỉ tiến hành dọn dẹp đất cát có lẫn chất hữu cơ, san gạt và trung chuyển tạo mặt bằng để trồng cây và ươm cỏ làm nguồn cỏ cho các sân golf trên địa bàn TP.Hà Nội.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, diện tích bãi bồi đó đã được san lấp cao hơn khá nhiều so với mặt bằng cũ. Trong khi đó, toàn bộ diện tích bãi đất nằm trong hành lang thoát lũ sông Hồng đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt đúng theo quy hoạch hành lang thoát lũ do Viện Quy hoạch thủy lợi xây dựng từ ngày 10.12.2009. Theo đó, tất cả các công trình, dân cư ở đó nằm từ giới chỉ thoát lũ kéo dài đến mép bờ sông đều phải giải tỏa. Đã có 15.000 hộ dân thuộc diện tích đó phải di dời. Chỉ tính riêng khu vực Bồ Đề, Long Biên, Cự Khối đã có gần 700 hộ di chuyển.
Để tìm hiểu rõ hơn về dự án "mọc" trên diện tích thuộc hành lang thoát lũ sông Hồng, cùng ngày Thanh Niên đã liên hệ với lãnh đạo UBND P.Long Biên, lãnh đạo Q.Long Biên, nhưng đều bất thành. Các nhân viên văn phòng của P.Long Biên và Q.Long Biên khi được hỏi thì đều trả lời lãnh đạo bận đi họp.
Hà An - Thanh Tâm
Theo Thanhnien
Ám ảnh những dòng sông "khắc khoải chờ chết" của Hà Nội Nước đen sì, đặc quánh rác bẩn, đủ các loại rác sinh hoạt mắc lại lừng chừng bốc mùi hôi thối... Đây là những hình ảnh trên sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Tô Lịch, những dòng sông hiếm hoi trong nội đô còn sót lại của Hà Nội. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm của những con sông này, thường xuyên...