Vụ lấn sông Đồng Nai: Yêu cầu Đồng Nai báo cáo về quá trình triển khai thực hiện
Sau khi kiểm tra thực tế tại dự án lấn sông Đồng Nai, đại diện 4 Bộ đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cần có báo cáo giải trình thêm về quá trình triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường.
Đoàn kiểm tra gốm 4 Bộ khảo sát thực tế tại khu vực dự án đang lấn sông Đồng Nai
Ngày 21/4, đoàn công tác gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) do Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai dẫn đầu, cùng đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải đã đi kiểm tra thực địa, làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về việc thực hiện dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” đóng tại phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Trong buổi sáng cùng ngày, đoàn công tác đã đi cano khảo sát trên sông Đồng Nai, ghi lại hình ảnh tại các vị trí đang lấn ra sông. Tại hiện trường, đại diện chủ đầu tư dự án, đã giải thích về các vị trí lấn sông, vật liệu và các phương án xây dựng.
Sau khi khảo sát thực địa, đoàn công tác đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai xoay quanh dự án lấn sông đang gây xôn xao trong dư luận. UBND tỉnh Đồng Nai đã báo cáo với đoàn công tác các Bộ về quá trình nguyên cứu, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”.
Sau khi khảo sát thực tế và các vấn đề UBND tỉnh Đồng Nai đã báo cáo, đoàn công tác gồm 4 Bộ đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cần có báo cáo giải trình thêm về quá trình triển khai thực hiện dự án để các Bộ có văn bản chỉnh thức gửi Bộ TN&MT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 5/2015.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai từng ra thông báo cáo báo chí, nêu rõ các “căn cứ”, cơ sở để thực hiện triển khai dự án lấn sông Đồng Nai.
Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai thông tin trong quá trình lập dự án, UBND phường Quyết Thắng (TP. Biên Hòa) đã tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại địa phương về phương án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án với nhiều thành phần tham gia. Kết luận cuộc họp thống nhất phương án quy hoạch, đề nghị đẩy nhanh tiến độ và có quan tâm đời sống các hộ dân có đất bị quy hoạch.
Video đang HOT
Sau đó, hồ sơ quy hoạch đã được thông qua Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch tỉnh Đồng Nai, xin ý kiến tham vấn góp ý của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật (gồm đại diện các Hội Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, Hội Thủy lợi Đồng Nai, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ Môi trường, Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh), hội nghị kết luận dự án có nhiều ưu điểm, hoàn toàn có tính khả thi triển khai thực hiện; đánh giá cao tác động tích cực của dự án trong việc góp phần cải tạo và bảo vệ sông Đồng Nai, nâng cao môi trường sống, tăng diện tích cây xanh đô thị, góp phần phát triển thương mại – dịch vụ trên địa bàn.
Chủ đầu tư dự án lấn sông Đồng Nai đang xin tạm ngưng thi công
Ngày 27/8/2011 Cục Đường thủy nội địa có Văn bản số 1087/CĐTNĐ-QLHT; thống nhất chủ trương tuyến kè bờ sông Đồng Nai thuộc dự án gia cố bờ sông Đồng Nai tại bờ trái từ KE-01 đến KE-07 được thể hiện trên bình đồ 1/2000 do Công ty TNHH khảo sát thủy đạc lập tháng 7/2011, và đề nghị gửi hồ sơ về Chi cục đường thủy nội địa phía Nam xem xét cho ý kiến theo phân cấp thẩm quyền.
Ngày 2/1/2013 Chi cục đường thủy nội địa phía Nam có Văn bản số 01/CCĐTNĐPN-KTKH thống nhất thỏa thuận vị trí kè của dự án. Đến ngày 11/6/2014 Chi cục đường thủy nội địa phía Nam có Văn bản số 285/CCĐTNĐPN-KTKH thỏa thuận cụ thể tọa độ các điểm tim đỉnh kè; đồng thời xác nhận tuyến kè nằm ngoài luồng và hành lang bảo vệ luồng trên sông Đồng Nai, về mặt giao thông thủy là phù hợp.
Ngày 13/9/2013, UBND tỉnh duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. Diện tích lập quy hoạch là hơn 15 ha; trong đó: Khu vực hiện hữu, cải tạo gần 4,8 ha; Khu vực phê duyệt mới hơn 10 ha. Dân số khu cải tạo: 650 – 700 người, khu phát triển mới: 2.300 – 2.350 người. Diện tích chiếm đất của các công trình xây dựng chiếm khoảng 15,4%; diện tích cây xanh (bao gồm cả cây xanh trong các công trình) khoảng 18%; diện tích sân đường nội bộ và đậu xe khoảng 20%; còn lại khoảng 46,6% là đất giao thông công cộng.
Quy hoạch sau khi được duyệt giao Sở Xây dựng, UBND thành phố Biên Hòa, UBND phường Quyết Thắng, Công ty Toàn Thịnh Phát công bố công khai theo quy định tại trụ sở UBND phường và Văn phòng các khu phố có liên quan, và panô công khai quy hoạch trước vị trí dự án.
Đến ngày 21/7/2014 UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận đầu tư dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. Toàn bộ khu vực ven sông từ Sở Giáo dục và Đào tạo đến đình Phước Lư thuộc phường Quyết Thắng nằm trong diện quy hoạch giải tỏa để thực hiện dự án cảnh quan ven sông Đồng Nai.
Dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” đang gặp phải phản ứng từ nhiều tổ chức
UBND tỉnh Đồng Nai thỏa thuận cho Công ty Toàn Thịnh Phát thực hiện dự án, phê duyệt, quy hoạch chi tiết của dự án đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền theo quy định, và được sự thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Dự án đảm bảo đầy đủ thủ tục theo quy định, hoàn toàn không cho phép phân lô bán nền, các đơn vị chủ đầu tư cấp 1 và cấp 2 có trách nhiệm xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và các công trình xây dựng theo quy hoạch…
Ngày 27/3/2015, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có Văn bản chấp thuận cho Công ty Toàn Thịnh Phát tạm dừng thi công dự án kể từ ngày 28/3/2015. Trong đó, UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Biên Hòa và các Sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc tạm dừng dự án thi công và thực thi các biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối tại khu vực dự án, không để xảy ra bất kỳ sự cố nào.
Trung Kiên – Vĩnh Thủy
Theo Dantri
Chủ đầu tư xin tạm dừng dự án lấn sông Đồng Nai
Ngày 27/3, Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho tạm ngừng thi công dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai để tham khảo thêm ý kiến các bộ ngành.
Chủ đầu tư dự án Cải tạo cảnh quan và Phát triển đô thị ven sông Đồng Nai xin tạm dừng thi công
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát (chủ đầu tư dự án), việc công ty chủ động xin tạm dừng dự án trên tinh thần cầu thị là để lắng nghe thêm ý kiến các bộ ngành có liên quan như: Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bên cạnh đó dự án cũng cần làm rõ hơn những tác động mà nó mang lại.
"Sau 6 tháng triển khai thực hiện, dự án Cải tạo cảnh quan và Phát triển đô thị ven sông Đồng Nai đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số báo đài ngoài tỉnh đã phản ánh thông tin nhiều chiều, gây xôn xao dư luận, tạo tâm lý lo lắng, hoang mang, làm cho các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh hiểu sai lệch mục tiêu, ý nghĩa dự án. Trên tinh thần lắng nghe, cầu thị, tiếp nhận thông tin, Công ty nhận thấy cần có thời gian để các nhà khoa học đóng góp ý kiến, phản biện, cũng như đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo giải quyết thấu đáo các vấn đề có liên quan. Ngày 27/3, Công ty đã gửi công văn xin phép tỉnh Đồng Nai cho phép tạm dừng thi công dự án" - Thông tin được đăng tải trên website của Công ty Toàn Thịnh Phát.
Việc lấn 100m ra sông Đồng Nai đã hoàn thành được 90%
Về phía tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc hình thành dự án cải tạo cảnh quan, phát triển đô thị ven sông Đồng Nai hình thành từ ý tưởng của cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đem lại sự phát triển phù hợp quy hoạch và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân trong khu vực; được sự nghiên cứu, đánh giá của các cơ quan khoa học chuyên ngành có chức năng; và được tiến hành thực hiện, phê duyệt theo đúng thẩm quyền. Đến nay dự án thực hiện đầy đủ thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng và đang được thực hiện đúng tiến độ được duyệt.
Cũng trong ngày 27/3, đoàn các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái học miền Nam và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã tiến hành khảo sát hiện trường khu vực thực hiện Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai và phỏng vấn người dân sinh sống bên vùng dự án. Ngoài ra, các nhà khoa học đã tiến hành lấy mẫu nước nhằm đánh giá hiện trường dự án sông Đồng Nai.
Đoàn các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái học miền Nam và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã tiến hành khảo sát hiện trường khu vực thực hiện Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam cho rằng, dự án lấn sông khi triển khai cần nhìn nhận về mặt kỹ thuật có cho phép hay không. Tiếp đó là giá trị phát triển bền vững, công trình này không phải làm cho 5-10 năm, mà phải nghĩ đến thời gian lâu hơn. Một dự án như vậy nói không ảnh hưởng dòng chảy và tác động môi trường thì rất vô lý. "Ngoài ảnh hưởng đến dòng chảy, xói mòn bờ sông thì môi trường sinh thái cũng sẽ có nguy cơ biến mất. Khi tạo vật cản bê tông lớn, lấn chiếm ra 100m trên mặt sông, theo nguyên tắc sẽ hình thành bậc thang trụ, như vậy việc lấn sông thực tế sẽ ra tới 400-500m. Khi đáy sông thay đổi sẽ tạo dòng xoáy hàm ếch phía dưới, gây tình trạng sạt lở bờ bên kia là điều không tránh khỏi" - Tiến sĩ Long khẳng định.
Trong sáng 28/3, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ làm việc tới tỉnh Đồng Nai để làm rõ các vấn đề liên quan dự án này.
Trung Kiên
Theo Dantri
Vì sao dự án lấn sông Đồng Nai vẫn "sống khỏe"? Cơ sở nào để công trình lấn sông của tỉnh Đồng Nai vẫn "thoải mái" triển khai bất chấp phản ứng từ nhiều phía? Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, trong quá trình lập dự án, UBND phường Quyết Thắng (TP. Biên Hòa) đã tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại địa phương về phương án Quy hoạch...