Vụ kiện 11,6 tỷ đồng đeo bám Vinapco
Hơn 10 năm sau vụ tiêu cực đình đám, Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Hàng không Việt Nam ( Vinapco) vẫn chưa thể giải quyết xong vụ kiện với CTCP Dầu khí Đông Xuyên (trụ sở tại Bà Rịa - Vũng Tàu) về số tiền 11,6 tỷ đồng.
Năm 2004, vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Vinapco bị phát giác. Từ đó tới nay, Công ty Vinapco chưa thể giải quyết xong các hợp đồng.
Theo đơn khởi kiện, năm 2003-2004, Xí nghiệp Thương mại dầu khí Hàng không Việt Nam, đơn vị trực thuộc Công ty Vinapco (trụ sở tại quận Long Biên, Hà Nội) và Công ty Đông Xuyên ký 3 hợp đồng tiếp nhận, bảo quản, bơm rót dầu JET A1 tại tàu nhập khẩu lên kho Công ty Đông Xuyên (Bà Rịa -Vũng Tàu). Hợp đồng đã quy định cụ thể về tỷ lệ hao hụt bảo quản và bơm rót, phí chống tràn dầu, chi phí tiếp nhận đơn hàng lên kho, phương thức thanh toán…
Quá trình thực hiện hợp đồng, do phát sinh một số vấn đề, hai bên đã ký thêm phụ lục hợp đồng sửa đổi bổ sung. Trường hợp bên B chưa có cầu cảng tiếp nhận dầu trực tiếp vào kho và phải thực hiện chuyển thẳng, Công ty Đông Xuyên được hưởng tỷ lệ hao hụt, chi phí tiếp nhận lên kho. Công ty Đông Xuyên đã sử dụng tàu, xà lan như buồng nổi chứa hàng.
Công ty Vinapco đã thanh toán đầy đủ chi phí hơn 405 triệu lít dầu. Trong đó, có hợp đồng số 60 và 95 đã thực hiện xong nhưng hai bên chưa có biên bản thanh lý.
Tháng 10/2004, Công ty Vinapco bị thanh tra hoạt động kinh doanh, trong đó có nội dung liên quan đến Công ty Đông Xuyên. Ngày 25/10/2004, cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Tham ô tài sản. Thời điểm này, hai công ty đã kiểm tra, rà soát, tính chi phí từ tháng 1/2003 tới tháng 10/2004, trong đó có 178 triệu lít dầu không được bơm lên bồn mà chuyển thẳng đi các nơi. Xí nghiệp thương mại dầu khí Hàng không đã thanh toán 3,1 tỷ đồng tiền và 1,09 triệu lít dầu JET A1.
Sau các buổi làm việc, Công ty Đông Xuyên đã chuyển vào tài khoản của Công ty Vinapco tương đương 12 tỷ đồng, trong đó 7 tỷ đồng có ủy nhiệm chi. Quá trình điều tra tại Công ty Vinapco cho thấy, số lượng 1,09 triệu lít dầu là khoản bị khai khống để tư lợi và là vật chứng trong vụ án.
Đến tháng 8/2011, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đình chỉ vụ án hình sự tham ô tài sản. Về vấn đề xử lý vật chứng, cơ quan điều tra trả lại số tiền 12 tỷ đồng cho Công ty Vinapco.
Video đang HOT
Năm 2012, cho rằng 12 tỷ đồng là tiền chênh lệch phát sinh trong quá trình tiếp nhận, bảo quản, bơm rót, Công ty Đông Xuyên khởi kiện đòi lại số tiền trên.
Vụ kiện này được đưa ra xét xử năm 2012. Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất, Tòa án nhân dân quận Long Biên chấp nhận đơn khởi kiện, tuyên bố biên bản làm việc giữa hai công ty là giao dịch vô hiệu. Công ty Vinapco phải hoàn trả số tiền 11,6 tỷ đồng.
Không đồng ý bản án trên, Công ty Vinapco kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Năm 2013, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm. Công ty Vinapco tiếp tục khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm. Quyết định của Hội đồng thẩm phán -Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị theo hướng hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
Năm 2015, vụ việc được đưa ra xét xử sơ thẩm lần thứ 2, Công ty Đông Xuyên thắng kiện. Do đó, ngày 15/6/2016, Công ty Vinapco tiếp tục kháng cáo lên Tòa án nhân dân TP. Hà Nội. Bị đơn cho rằng, cần thiết thu thập hóa đơn, chứng từ để xác định chi phí thực tế của Công ty Đông Xuyên. Trong khi đó, nguyên đơn khẳng định các hợp đồng trên là dạng hợp đồng khoán gọn, “lời ăn lỗ chịu”, thực tế Công ty Đông Xuyên phải bỏ ra chi phí lớn hơn.
Hội đồng xét xử xem xét, nhận định yêu cầu của bị đơn là không cần thiết và kết luận, Công ty Vinapco phải thanh toán số tiền 11,6 tỷ đồng cho Công ty Đông Xuyên.
Như vậy, sau nhiều phiên tòa, các quyết định vẫn là Công ty Vinapco phải trả lại số tiền 11,6 tỷ đồng cho Công ty Đông Xuyên. Liệu Vinapco sẽ tiếp tục kháng cáo hay thực hiện quyết định này, chấm dứt hơn 10 năm đeo đẳng với vụ kiện?
Hà Linh
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Hạ màn tranh chấp căn nhà số 96 Hàng Trống
Theo đuổi vụ kiện tranh chấp "mảnh đất vàng" trong nhiều năm song Công ty TNHH Duy Nghĩa buộc phải trả lại nhà số 96 phố Hàng Trống cho Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Việt Hà
Công ty Duy Nghĩa buộc phải bàn giao nhà, đất số 96 Hàng Trống cho Công ty Việt Hà quản lý
Mặc dù được triệu tập hợp lệ nhưng tại phiên tòa phúc thẩm đầu tháng 3/2016, đại diện của bị đơn là Công ty TNHH Duy Nghĩa tiếp tục vắng mặt lần thứ hai. Việc vắng mặt này thể hiện bị đơn tự ý từ bỏ quyền lợi của mình. Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Việt Hà cũng rút đơn kháng cáo. Do đó, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã quyết định đình chỉ xét xử kháng cáo và bản án sơ thẩm đương nhiên phát sinh hiệu lực.
Hạ màn tranh chấp, Công ty Duy Nghĩa phải tháo dời vật tư, trang thiết bị, tài sản và bàn giao căn nhà trên cho Công ty Việt Hà.
Trước đó, tại cấp sơ thẩm, cả hai bên nguyên đơn và bị đơn đều tranh cãi "nảy lửa" và đồng loạt kháng án để bảo vệ quyền lợi. Tuy nhiên đến phút chót, cả hai đã lựa chọn kết thúc khá lặng lẽ.
Căn nhà số 96 phố Hàng Trống vốn thuộc sở hữu của Nhà nước và được Xí nghiệp Mỹ phẩm Hà Nội, tiền thân của Công ty Việt Hà ký hợp đồng thuê lại từ năm 1985 với diện tích 155m2. Quá trình sử dụng, Xí nghiệp đã cải tạo thành căn nhà 4 tầng trên khuôn viên 261,8m2. Kể từ thời điểm đó, Xí nghiệp Mỹ phẩm Hà Nội đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Duy Nghĩa.
Bản hợp đồng thể hiện hai bên thống nhất lập cửa hàng chung kinh doanh các mặt hàng vải lụa tơ tằm, thủ công mỹ nghệ... Xí nghiệp Mỹ phẩm Hà Nội đã đưa toàn bộ nhà đất số 96 phố Hàng Trống góp vốn cho Công ty Duy Nghĩa với giá trị thuê nhà là 1,5 tỷ đồng. Công ty Duy Nghĩa ký hợp đồng đầu tư sửa chữa, cải tạo nhà với số vốn 2 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, Công ty Việt Hà được nhận số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. Hai bên thống nhất thời hạn hợp đồng kéo dài 10 năm (năm 2001 - 2011).
Năm 2002, Xí nghiệp Mỹ phẩm Hà Nội sáp nhập với Công ty Bia Việt Hà và bàn giao toàn bộ tài sản trong đó có căn nhà số 96 phố Hàng Trống. Do thời hạn hợp đồng vẫn còn, Công ty Bia Việt Hà tiếp tục kế thừa thực hiện hợp đồng để Công ty Duy Nghĩa sử dụng nhà.
Trong năm đó, UBND TP. Hà Nội có quyết định đổi tên Công ty Bia Việt Hà thành Công ty Sản xuất kinh doanh và Đầu tư Việt Hà. Năm 2005, Công ty tiếp tục chuyển tổ chức theo mô hình công ty mẹ - con. Đến năm 2007, đổi tên công ty mẹ thành Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Việt Hà thuộc UBND TP. Hà Nội. Đến khi hợp đồng hết hạn, Công ty Duy Nghĩa vi phạm cam kết, không bàn giao nhà nên Công ty Việt Hà khởi kiện ra tòa.
Ở cấp sơ thẩm, phía bị đơn viện dẫn, thời điểm nhận hợp đồng, tình trạng căn nhà số 96 phố Hàng Trống đã cũ nát. Công ty phải bỏ tiền đầu tư xây dựng, cải tạo thành nhà 4 tầng. Tháng 5/2010, Công ty Việt Hà đặt vấn đề thanh lý hợp đồng nhưng bị đơn đề nghị kéo dài thời gian để sắp xếp hoạt động kinh doanh.
Trùng thời điểm này, UBND TP. Hà Nội phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất thuộc quản lý của nhà nước. Căn nhà số 96 phố Hàng Trống thuộc diện thu hồi, bán tài sản trên đất và chuyển quyền sử dụng đất.
Lý giải về việc không đồng ý trả lại nhà, bị đơn cho rằng Hợp đồng hợp tác kinh tế năm 2001 không còn hiệu lực. Công ty Việt Hà không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên không đủ tư cách khởi kiện và quyền quản lý căn nhà trên thuộc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội.
Bên có quyền và nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội cũng cho rằng, việc ký kết hợp tác kinh doanh là vi phạm hợp đồng thuê nhà, đồng thời đề nghị giải quyết thẩm quyền.
Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm đã tuyên bố Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa hai công ty là vô hiệu, buộc Công ty Duy Nghĩa bàn giao nhà, đất cho Công ty Việt Hà quản lý. Khi bàn giao, bị đơn phải tháo dỡ trang vật tư, thiết bị nội thất, tài sản...
Ngoài ra, bản án còn tuyên buộc nguyên đơn là Công ty Việt Hà phải sung công quỹ nhà nước số tiền 326 triệu đồng.
Sau phiên tòa sơ thẩm, cả bị đơn và nguyên đơn đều chống án. Công ty Duy Nghĩa cho rằng bản án sơ thẩm đã không xem xét đến quyền lợi của bị đơn và đề nghị hủy bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, đến khi Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xem xét, bị đơn đã liên tiếp vắng mặt không rõ lý do.
Đỗ Mến
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Đại gia Lê Ân tiếp tục "vác" đơn đi kiện Ông Lê Ân vừa gửi đơn đến TAND TP.Vũng Tàu, yêu cầu ngưng ngay việc san lấp, xây dựng dự án trường học trên diện tích đất thuộc sở hữu của Ngân hàng TMCP Vũng Tàu VCSB. Theo tin từ báo Một thế giới, ông Lê Ân - Chủ tịch Hội đồng thanh lý của Ngân hàng TMCP Vũng Tàu (VCSB) vừa gửi...