Vũ khí Nga: Tương lai ảm đạm
Một số khách hàng lớn của Nga không che giấu ý định tìm nhà cung cấp vũ khí khác hoặc nỗ lực cải thiện khả năng tự cung cấp
Bản báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI, trụ sở ở Thụy Điển) đã vẽ nên bức tranh u ám của ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí Nga trong tương lai – bị chèn ép một bên là phương Tây, còn bên kia (ngày càng tăng) là Trung Quốc.
Trung Quốc lấn lướt
SIPRI dự báo một khi Trung Quốc đuổi kịp về công nghệ và độ tin cậy, Nga sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa nếu muốn giữ vị thế xuất khẩu vũ khí hiện nay. Suốt thập kỷ qua, Nga đã giữ vững thị phần của mình bất chấp sự trì trệ nào đó về kỹ thuật, trong lúc vũ khí Trung Quốc ngày một tinh vi. Thế nhưng, về lâu dài, thành tựu này khó có thể duy trì.
Ưu thế chính của Trung Quốc nằm ở ngân sách quốc phòng lớn và không ngừng gia tăng. Mức tăng trưởng chi tiêu quân sự của Trung Quốc lúc nào cũng cao hơn tăng trưởng kinh tế trong vòng 2 thập niên qua và xu hướng này không có dấu hiệu thay đổi. Điều đó tạo ra nhu cầu khổng lồ cho vũ khí trong nước ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục mua trang thiết bị quân sự của Nga dù không đều đặn.
So với Bắc Kinh, Moscow có quy mô kinh tế nhỏ hơn, tăng trưởng cũng không ấn tượng. Điều này có nghĩa là nhu cầu trong nước không đủ lớn để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Nga tăng trưởng đáng kể. Chưa hết, tình trạng thiếu kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực thiết bị quân sự càng đe dọa triển vọng xuất khẩu vũ khí của Nga về lâu dài.
Về mặt cấu trúc, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc xem ra đang đi theo hướng hứa hẹn hơn Nga. Đặc biệt, Trung Quốc dường như nỗ lực đưa năng suất của nền kinh tế dân sự vào ngành công nghiệp quốc phòng.
Trong khi đó, Nga lại không đạt thành công tương tự trong việc phát triển lĩnh vực công nghệ tư nhân mạnh mẽ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cho thấy khả năng nắm bắt và tích hợp công nghệ nước ngoài (kể cả của Nga) thông qua các phương cách hợp pháp hoặc bất hợp pháp.
Ưu thế của Nga nằm ở vai trò xuất khẩu vũ khí lâu đời, dẫn đến mối quan hệ sâu đậm và tích cực với nhiều khách hàng. Thế nhưng, đây là những khả năng Trung Quốc có thể xây dựng được. Hơn nữa, trong khi Nga từ lâu vẫn hưởng lợi từ việc phương Tây nói không với thương vụ bán vũ khí cho một số quốc gia đặc biệt, Trung Quốc lại không hề cho thấy sự ngần ngại nào như thế.
Video đang HOT
Theo tạp chí The Diplomat, một trong những cơ hội còn lại của Nga là chào bán vũ khí cho các quốc gia mà Trung Quốc không chịu bán vì những lý do chiến lược nhưng quy mô các thị trường này vẫn còn hạn chế… Chưa hết, một nguy cơ khác của Nga trên thị trường vũ khí quốc tế là một số khách hàng lớn không che giấu ý định tìm nhà cung cấp khác, như Mỹ, hoặc nỗ lực cải thiện khả năng tự cung cấp trang thiết bị quân sự.
Nhiều nước muốn mua tên lửa của Nga Ảnh: RT
Vẫn có sức hút mạnh mẽ
Nói gì thì nói, Nga hiện vẫn là nguồn cung cấp vũ khí chính cho một số khách hàng ở thế giới đang phát triển. Ngoài ra, nước này đạt thành công trong việc ký kết hợp đồng vũ khí với khách hàng ở Cận Đông và Đông Nam Á. Moscow cũng gia tăng nỗ lực bán vũ khí ở Mỹ Latin, tập trung vào Venezuela. Trong khi đó, Trung Đông và Bắc Phi là những khu vực mua nhiều vũ khí của Nga. Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã ký hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 của Moscow.
Theo SIPRI, Nga nắm giữ vị trí nước xuất khẩu vũ khí đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ, trong nhiều năm qua. Cụ thể, 21% lượng vũ khí bán ra trên toàn cầu năm 2016 đến từ Nga. Nếu tính cả giai đoạn 2000-2016, vũ khí xuất khẩu của Nga chiếm trung bình 25% thị trường toàn cầu mỗi năm. Trang thiết bị quân sự của Nga vẫn có sức hút mạnh mẽ với các nước đang phát triển bởi sự đa dạng và giá cả cạnh tranh. Tên lửa và máy bay tiếp tục chiếm một phần đáng kể trong số vũ khí xuất khẩu của Nga.
Là khách hàng quan trọng ở châu Á, Trung Quốc đã mua của Nga nhiều loại máy bay và tàu chiến tiên tiến, bên cạnh các hệ thống vũ khí và cả tên lửa. Chẳng hạn, từ năm 1996, Moscow đã bán cho Bắc Kinh chiến đấu cơ Su-27, chiến đấu cơ đa năng Su-30, tàu khu trục lớp Sovremenny được trang bị tên lửa đối hạm Sunburn và tàu ngầm diesel dự án 636 lớp Kilo. Trung Quốc còn là quốc gia đầu tiên mua chiến đấu cơ Su-35 của Nga (24 chiếc, trị giá 2 tỉ USD) sau khi 2 bên đạt thỏa thuận vào năm 2015.
Trong năm 2015, Nga còn bán vũ khí cho một loạt quốc gia khác, như nối lại hợp đồng bán hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 cho Iran sau khi thỏa thuận bị hủy năm 2010. Trong khi đó, Ấn Độ đồng ý mua ít nhất 200 trực thăng Ka-226 trị giá đến 1 tỉ USD, còn Algeria mua 14 chiến đấu cơ Su-30MKI. Đáng chú ý, Pakistan đã mua 4 trực thăng tấn công MI-35 của Nga sau khi được Moscow dỡ bỏ cấm vận vũ khí năm 2014.
Theo Ngô Sinh
Người lao động
Campuchia đã có xe thiết giáp chở quân sánh ngang BTR-80
Theo số liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố, trong năm 1994, Quân đội Hoàng gia Campuchia đã nhận 24 xe thiết giáp chở quân OT-64A từ Cộng hòa Czech.
OT-64 SKOT là chiếc xe bọc thép chở quân (APC) được phát triển bởi Ba Lan và Tiệp Khắc trong thập niên 1960. Thân xe cũng như hệ thống vũ khí do FCS của Ba Lan cung cấp, trong khi công việc lắp ráp hoàn thiện được thực hiện tại nhà máy Tatra đặt tại Cộng hòa Czech ngày nay.
Những chiếc OT-64 đầu tiên được bàn giao vào năm 1964, dây chuyền sản xuất ngừng hoạt động đầu thập niên 1990 do những biến động chính trị tại Đông Âu.
Mặc dù Cộng hòa Czech đã thay thế OT-64 bằng Pandur II và Ba Lan với Rosomak, nhưng chiếc APC này vẫn còn trong biên chế quân đội Algeria, Ai Cập, Ấn Độ, Uruguay... cùng một vài quốc gia khác.
Xe thiết giáp chở quân OT-64 SKOT
Về cơ bản, OT-64 có nhiều nét tương đồng với BTR-60 nhưng đi kèm theo một số cải tiến rất đáng ghi nhận. Cụ thể, nhờ động cơ di chuyển ra giữa thân mà khoang chở lính có thể bố trí ở phía sau, giúp binh sĩ ra vào bằng cửa đuôi, khắc phục triệt để điểm yếu cố hữu của dòng BTR. Bên cạnh đó, kíp lái ra vào xe thông qua 2 cửa riêng biệt phía trước.
OT-64 SKOT có trọng lượng 14,5 tấn; chiều dài 7,44 m; chiều rộng 2,55 m; chiều cao 2,51 m; kíp lái 2 người và chở theo được tới 18 lính bộ binh cơ giới. Vỏ thép hàn dày 6 - 13 mm của nó chống được đạn xuyên giáp cỡ 7,62 mm và mảnh pháo, xe có hệ thống điều hòa áp suất lốp trung tâm cũng như phòng chống vũ khí hủy diệt hàng loạt (NBC).
Động cơ diesel tăng áp Tatra 928-14 công suất 180 mã lực cho tốc độ trên đường tốt lên tới 94 km/h; tầm hoạt động 710 km/h; leo được dốc 60%; đi trên mái taluy nghiêng 30%; vượt vật cản cao 0,5 m; băng qua hào rộng 2 m; vận tốc bơi của OT-64 SKOT đạt 9 km/h nhờ 2 chân vịt lắp ở đuôi xe.
Cửa ra vào phía sau xe thiết giáp OT-64 SKOT, đây là thiết kế ưu việt so với dòng BTR của Liên Xô
Nguyên bản OT-64 SKOT của Tiệp Khắc không được trang bị vũ khí, nó chỉ có vai trò duy nhất là chở quân, trong khi biến thể của Ba Lan lắp một khẩu súng máy 7,62 mm. Biến thể tiền sản xuất trang bị súng máy hạng nặng 12,7 mm DShK hoặc 7,62 mm bố trí chính giữa xe, yêu cầu xạ thủ phải lộ diện ra ngoài khi bắn.
OT-64 SKOT, phiên bản lắp súng máy hạng nặng DShK 12,7 mm
Sau đó chiếc APC này đã được tích hợp tháp súng điều khiển bằng tay hình nón tương tự như loại lắp trên BTR-60, vũ trang bằng trọng liên KPVT 14,5 mm cùng súng máy đồng trục 7,62 mm. Đây chính là phiên bản phổ biến nhất OT-64A, SKOT-2A/OT64C, tuy vậy số lượng binh sĩ mang theo bị giảm xuống chỉ còn 10 người.
Dựa trên nền tảng ban đầu, nhà sản xuất còn cho ra đời thêm phiên bản cứu thương, chỉ huy, trinh sát pháo binh, hậu cần, công binh, cối tự hành và cả xe mang tên lửa chống tăng.
Nhìn chung OT-64 SKOT ưu việt hơn BTR-60 rất nhiều nhờ thiết kế mang xu hướng hiện đại của dòng APC ngày nay, thậm chí nó còn qua mặt cả BTR-80 ở khả năng bảo vệ cho binh lính. Với OT-64 SKOT, Quân đội Hoàng gia Campuchia đã có trong biên chế một loại xe thiết giáp chở quân tiên tiến, khiến một vài quốc gia láng giềng phải cảm thấy ngưỡng mộ.
Theo Soha News
Nổ lớn tại Viện nghiên cứu tội phạm của Bỉ Hãng tin BBC cho biết một vụ nổ lớn đã làm hư hại nghiêm trọng các phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu tội phạm học tại Brussels, Bỉ Vụ việc xảy ra vào khoảng 2 giờ 30 sáng (giờ địa phương). Một chiếc ô tô đã đâm vào hàng rào của Viện nghiên cứu tội phạm học Brussels, gây nổ và cháy...