Vụ khách hàng tố mất 26 tỷ đồng tại VP Bank: Người rút tiền lên tiếng sau tin đồn “bỏ trốn”
Ngày 27/8, ông Phạm Văn Trinh – nguyên kế toán Công ty Quang Huân, người bị bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc, tố cáo giả mạo chữ ký để chiếm đoạt tiền của công ty đã lên tiếng cung cấp thông tin liên quan tới vụ việc. Trước đó, đã rộ lên tin đồn nghi vấn ông Trinh đã bỏ trốn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Bizlive
Theo ông Trinh, thì: “Khi mở tài khoản cho Công ty Quang Huân tại VPBank, bà Xuân nói bận nên bảo tôi cứ ký vào mẫu đăng ký mở tài khoản của ngân hàng, sau này bà sẽ đổi lại chữ ký. Vì vậy, chữ ký đăng ký với bên ngân hàng là chữ ký của tôi, chứ tôi không giả mạo chữ ký của bà Xuân”.
Như vậy, theo thông tin này của ông Trinh, thì ngay tại hồ sơ đăng ký mở tài khoản doanh nghiệp của công ty Quang Huân tại VP Bank, chữ ký của bà Xuân là do ông ký. Điều này sẽ kéo theo hệ quả, là mẫu chữ ký chủ tài khoản do VP Bank lưu lại cũng chính là chữ ký của ông Trinh.
“Sau đó, bà Xuân nói tôi mua 2 cuốn séc và yêu cầu tôi ký vào các cuốn séc này rồi đưa lại cho bà ấy. Khi cần rút tiền, bà Xuân đóng dấu vào séc và đưa lại cho những người được chỉ định đi nhận tiền. Những lần đi nhận tiền, có nhân viên công ty hay con gái, con rể… bà Xuân đi cùng bằng ô tô. Số tiền này sau đó được nộp vào tài khoản của bà Xuân ở một số ngân hàng khác hoặc đưa cho người khác theo đề nghị của bà Xuân để thanh toán tiền hàng” – ông Trinh tiếp tục trình bày.
Theo ông Trinh, ông đã nói rõ điều này ngay tại buổi làm việc với VP Bank vào cuối tháng 11/2015, sau khi bà Xuân đã tố cáo sự việc. Tại buổi làm việc này và sau đó, ông đã nhiều lần đề nghị được đối chất với bà Xuân và Vp Bank nhưng chưa được gặp lần nào.
Đồng thời, ông Trinh cho biết, con dấu của công ty do bà Xuân giữ, tức là bà Xuân đương nhiên sẽ biết và phải đóng dấu lên séc thì ông mới rút được tiền. Nên không thể nói bà Xuân không biết việc ông và một số người khác đã rút tiền từ tài khoản công ty tại VP Bank
Bổ sung ý kiến của ông Trinh, luật sư Phạm Tuấn Anh – Văn phòng Phú và Luật sư – cho biết, trên các séc rút tiền của công ty Quang Huân từ VP Bank, ngoài chữ ký của chủ tài khoản thì phải có dấu công ty đóng trên đó. Và ông Trinh sẽ chờ kết luận giám định của cơ quan công an về việc có hay không việc giả chữ ký bà Xuân và giả con dấu công ty Quang Huân.
Tuy nhiên, bí ẩn lớn nhất trong vụ việc này là thời gian ông Trinh trình bày về việc ký thay bà Xuân khi mở tài khoản (11/2015), cho đến khi báo chí lên tiếng về vụ việc (8/2015) đã kéo dài tới hơn 8 tháng, mà VP Bank vẫn im lặng và chỉ để bà Xuân tự tiến hành tố cáo ra cơ quan công an.
Video đang HOT
Rõ ràng, ngân hàng đã biết việc ông Trinh thừa nhận và đã kiểm chứng việc tiền của công ty Quang Huân đã được rút ra khỏi tài khoản, đồng thời là đại diện doanh nghiệp đã “tố” cán bộ ngân hàng thông đồng với nhân viên công ty để chiếm đoạt tiền.
Trong trường hợp này, ngân hàng đã có đủ yếu tố để độc lập phát công văn mời cơ quan vào cuộc làm rõ việc có hay không hành vi lừa đảo trong các giao dịch này. Tuy nhiên, các văn bản chính thức của VP Bank phát đi lại chỉ thể hiện ngân hàng đã bàn giao hồ sơ vụ việc cho cơ quan công an vào tháng 8/2016. Vậy thì lý do gì khiến VP Bank lại “ngâm” vụ việc lâu đến vậy ?
Theo báo cáo của VP Bank với NHNN, thì tháng 11/2015, sau khi ghi nhận trình bày của ông Trinh về việc ký thay bà Xuân, ngân hàng đã gửi văn bản tới bà Xuân – đề nghị bà trong tư cách đại diện cho công ty Quang Huân – phát công văn của công ty gửi ngân hàng yêu cầu làm rõ vụ việc. Căn cứ trên công văn đó ngân hàng sẽ phát công văn chính thức mời cơ quan công an vào cuộc làm rõ.
Lý do vì tài khoản của công ty Quang Huân là tài khoản doanh nghiệp và do thế ngân hàng khó có thể căn cứ vào tố cáo của một cá nhân (bà Xuân) để tự mời cơ quan công an mở cuộc điều tra đối với khách hàng doanh nghiệp của mình.
Tuy nhiên, khó hiểu là cho đến thời điểm hiện tại, bà Xuân chỉ đứng đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng với tư cách cá nhân, mà chưa bao giờ đại diện cho công ty Quang Huân phát công văn yêu cầu VP Bank phải làm rõ vụ mất tiền của công ty này – theo báo cáo của VP Bank.
Một cán bộ của VP Bank cho biết, ngân hàng có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng nên chỉ khi chính khách hàng, hoặc cơ quan chức năng yêu cầu thì ngân hàng mới chấp hành làm rõ vụ việc.
Cán bộ này cũng cho biết, trên thực tế VP Bank vẫn tiến hành các hoạt động xác minh vụ việc trong nội bộ ngân hàng. Kết quả việc tự rà soát, kiểm tra này đã được công bố một phần, liên quan tới những thông tin báo chí đã đăng tải về vụ việc (8/2016). Theo đó thì VP Bank đã áp dụng đúng quy trình nghiệp vụ trong mở tài khoản, nhận gửi tiền và cho rút tiền theo yêu cầu của khách hàng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trước câu hỏi trong giai đoạn xác minh này, VP Bank đã độc lập tiến hành hay có sự phối hợp của những cơ quan khác, kết quả xác minh chi tiết hơn là gì ? – cán bộ này từ chối trả lời. Các cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ và hiện ngân hàng đã bàn giao toàn bộ hồ sơ sang cơ quan công an nên không thể cung cấp thêm thông tin. Giao dịch và tình hình tài chính của công ty Quang Huân khá phức tạp nên ngân hàng chờ kết luận của cơ quan chức năng – vị này cho biết.
Theo Tin Mới
26 tỷ đồng trong tài khoản biến mất, ngân hàng thoái thác trách nhiệm
Một doanh nghiệp (DN) đã đến Báo SGGP kêu cứu về việc hơn 26 tỷ đồng gửi trong tài khoản Ngân hàng VPBank bị biến mất nhưng ngân hàng thoái thác trách nhiệm với lý do nhân viên làm sai đã nghỉ việc, vụ việc đang giao cho cơ quan điều tra!
Tiền mất, ngân hàng đứng ngoài cuộc, còn cơ quan điều tra thì dù khách hàng đã nộp đơn tố cáo gần một năm nhưng vụ việc vẫn chưa được xử lý... Chẳng lẽ không có nơi nào chịu trách nhiệm, khiến người dân và doanh nghiệp sống trong hoang mang?
Cán bộ ngân hàng mua séc, 26 tỷ đồng của DN bốc hơi!
Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân (trụ sở ở Củ Chi, chuyên mua bán nông sản) mở tài khoản tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) từ cuối tháng 3-2015. Trong mùa mua bán nông sản, khách hàng thanh toán tiền hàng vào tài khoản này ước tính khoảng 26 tỷ đồng.
Cuối vụ, khoảng tháng 7, bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Quang Huân, đến rút tiền thì tá hỏa bởi 26 tỷ đồng trong tài khoản đã biến mất, chỉ còn lại vài trăm ngàn đồng đủ "giữ" tài khoản. Bà muốn kiểm tra tài khoản thì nhân viên ngân hàng yêu cầu bà làm thủ tục đổi chữ ký, vì cho rằng chữ ký của bà không giống như chữ ký đã giao dịch trước đây!
Nhìn sao kê tài khoản, bà càng ngạc nhiên hơn nữa là trong lúc bà chạy đôn chạy đáo mua bán ở kho thì tài khoản của bà giao dịch "rút, chuyển" liên tục từ số tiền khách thanh toán chuyển vào tài khoản của mình. Việc ký séc, chi séc diễn ra liên tục, trong khi bà chưa hề mua séc lần nào. Hóa ra, trong bản sao kê ghi rõ, người mua séc của công ty bà chính là nhân viên Ngân hàng VPBank Đoàn Thị Thúy Hằng và người rút séc là chồng bà Hằng, tên Nguyễn Huy Nhựt, cùng 2 người bạn tên Đỗ Đình Bảo, Phạm Văn Trinh.
Trong thời gian ngắn, cứ số tiền khách chuyển vào tài khoản bao nhiêu thì Nhựt, Bảo, Trinh dùng séc (do chính nhân viên ngân hàng Đoàn Thị Thúy Hằng mua) để rút tiền mặt hoặc chuyển vào Công ty Thanh Tâm do vợ Phạm Văn Trinh đứng tên.
Điều đáng nói là ngay khi tạo tài khoản, bà Trần Thị Thanh Xuân có đăng ký thông báo giao dịch Mobile banking vào số điện thoại cá nhân bà. Trong sao kê tài khoản cũng thể hiện ngân hàng thu phí Mobile banking đầy đủ, nhưng bà không hề nhận được bất kỳ tin nhắn nào về các giao dịch trên.
Có hay không việc ngân hàng tiếp tay?
Hành trình khiếu nại của bà Trần Thị Thanh Xuân từ tháng 7-2015 đến nay gần như đi vào ngõ cụt khi ngân hàng thoái thác trách nhiệm với lý do nhân viên mua séc của ngân hàng đã nghỉ việc, hồ sơ đã chuyển cho công an điều tra, chỉ có công an mới có quyền mời nhân viên đó lên làm việc, chứ với nhân viên nghỉ việc thì ngân hàng không có quyền mời!
Tiếp phóng viên Báo SGGP, bà Đàm Thanh Hương, Trưởng Nhóm dự án truyền thông Ngân hàng VPBank, cho xem bộ hồ sơ đăng ký mở tài khoản có chữ ký ghi tên Trần Thị Thanh Xuân (Giám đốc Công ty Quang Huân) nhưng thật ra chữ ký đó là của Phạm Văn Trinh - một trong số những người tham gia rút tiền.
Trong hồ sơ, tất cả chữ viết đều không phải là chữ viết của bà Xuân. Bà Xuân cho rằng đó là hồ sơ giả do nhân viên ngân hàng Thúy Hằng cùng chồng và Phạm Văn Trinh câu kết giả hồ sơ và con dấu công ty của bà. Bà cũng cung cấp các chữ ký và chữ viết trước đây Phạm Văn Trinh ký tại các phòng công chứng, cơ quan thuế để đối chiếu thì đúng đó là chữ ký và chữ viết của Trinh nhưng lại ghi tên giám đốc Xuân.
Dù phía ngân hàng cho chúng tôi xem hồ sơ, nhưng tất cả đều là bản photo, chữ viết kê khai theo các mẫu của ngân hàng không phải của Giám đốc Thanh Xuân (chủ tài khoản). Ngay trong các hợp đồng được ký trực tiếp của Công ty Quang Huân với Giám đốc chi nhánh Ngân hàng VPBank cũng được ký chữ ký của Phạm Văn Trinh. Chúng tôi yêu cầu xem lại camera các ngày giao dịch để làm rõ người ký hợp đồng thì ngân hàng hẹn lại ngày khác.
Chữ ký và chữ viết thật của Phạm Văn Trinh tại phòng công chứng trùng với chữ ký mang tên Giám đốc Trần Thị Thanh Xuân trong tờ séc
Bà Xuân cũng yêu cầu ngân hàng cho xem bản chính hồ sơ thì không được ngân hàng cung cấp vì... quy định bảo mật! Trong lúc nóng bỏng, chính chủ tài khoản bị mất tiền muốn xem lại hồ sơ của mình thì ngân hàng gây khó dễ, đòi hỏi phải "làm đơn, đóng dấu" mới giải quyết. "Nếu ngân hàng bảo mật tốt cho khách hàng như thế thì tôi đâu bị mất tiền...", bà Xuân than trời!
Nhìn qua hồ sơ ngân hàng và bản đối chiếu, mắt thường cũng có thể nhận thấy ngay chữ ký đó là của Phạm Văn Trinh và chữ viết không phải của bà Xuân. Do vậy, có cơ sở để bà Xuân đặt vấn đề "nếu không có sự câu kết của nhân viên ngân hàng thì không thể nào một người đàn ông lại có thể mạo nhận phụ nữ giao dịch với ngân hàng mà ngay tên gọi đã có chữ "Thị" được".
Bà Xuân yêu cầu ngân hàng làm rõ việc nhân viên ngân hàng Đoàn Thị Thúy Hằng đã đứng tên mua séc của công ty bà và tiếp tay cho các giao dịch đánh cắp tiền từ tài khoản của bà, nhưng không được ngân hàng hợp tác, cứ bảo nhân viên đã nghỉ việc. Trong khi, theo pháp luật, nhân viên dù đã nghỉ việc, nhưng trước đây nhân viên đó tiến hành các giao dịch với tư cách là người của ngân hàng thì mọi vi phạm của nhân viên gây ra, ngân hàng phải chịu trách nhiệm.
Quá bức xúc, bà Xuân gửi đơn tố giác đến Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TPHCM từ tháng 9-2015. Vụ việc rõ ràng và đơn giản nhưng chẳng hiểu vì sao, đến nay đã gần 1 năm vẫn chưa được công an xử lý.
Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng
26 tỷ hay chỉ 11.3 tỷ đồng 'bốc hơi' tại VPBank? Cho đến nay trong vụ việc khách hàng VPBank tố bị mất tiền đã xuất hiện 2 con số khác nhau, 11,3 tỷ và 26 tỷ đồng. Đâu mới là con số đích thực? TP.HCM chỉ đạo nhanh chóng điều tra Liên quan đến việc khách hàng báo mất 26 tỷ đồng trong tài khoản của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank),...