Vụ hồ tôm đầu độc môi trường: Những quyết định “giật mình” của huyện Nghi Xuân
Liên quan đến dự án nuôi tôm quy mô 2,5ha suốt nhiều năm xả thẳng chất thải ra môi trường gây ô nhiễm trầm trọng, chính quyền huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) thanh minh rằng sở dĩ chỉ xử phạt 2 triệu đồng vì không phát hiện ra hành vi xả thải…
Không phát hiện hành vi xả thải!
Hàng ngàn khối nước thải tuồn thẳng ra môi trường như thế này, trong khi người dân phát hiện ra nhưng chính quyền lại không thấy
Mặc dù huyện Nghi Xuân đã “giải quyết” xong vụ dự án nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh ở xã Xuân Đan gây ô nhiễm môi trường bằng hình thức xử phạt hành chính số tiền 2 triệu đồng song người dân nơi đây vẫn chưa đồng tình.
Rất nhiều câu hỏi chưa được cơ quan chức năng huyện Nghi Xuân trả lời thỏa đáng như căn cứ vào điều khoản nào mà UBND huyện Nghi Xuân đưa ra mức xử phạt quá nhẹ với số tiền chỉ 2 triệu đồng? Cơ quan chức năng đã điều tra, xác định có bao nhiêu khối nước thải chưa qua xử lý đã bị xả ra môi trường?…
Tiếp tục trả lời báo chí, ông Lê Hữu Phong, Phó Phòng TN&MT huyện Nghi Xuân cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra huyện đã xuống kiểm tra và lập biên bản đồng thời ra quyết định xử phạt hành chính 2 triệu đồng đối với cơ sở nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh vì không xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Ngoài ra, huyện còn yêu cầu chủ hồ tôm phải khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ để xây dựng hệ thống xử lý nước thải”.
“Tại thời điểm kiểm tra, chúng tôi chỉ phát hiện cơ sở nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh không có hồ xử lý nước thải chứ không phát hiện hành vi xả thải. Với lỗi vi phạm này, theo quy định mức xử phạt tối đa là 1,5 – 2 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả”, ông Phong nói.
Vậy thì suốt 6 năm qua, lượng nước thải của dự án nuôi tôm này đã đi đâu? Người dân phát hiện ra hành vi xả thải gây ô nhiễm của dự án suốt nhiều năm qua thế nhưng chính quyền huyện Nghi Xuân lại không thấy.
Và một điều mâu thuẫn giữa chính quyền các cấp, trong khi ông Phan Trọng Tri, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Đan (huyện Nghi Xuân) lại cho rằng tất cả sự việc liên quan đến dự án nuôi tôm đã được báo cáo lên cấp trên.
“Dự án nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh xả thải gây ô nhiễm môi trường đã được xã báo cáo lên huyện, phòng tài nguyên, cảnh sát môi trường. Năm 2017, Phòng TN&MT huyện Nghi Xuân về lập biên bản và đầu năm nay (2018) phòng cũng tiếp tục về. Trong tuần vừa rồi, chúng tôi cũng có xuống. Nước thải từ hồ tôm ra môi trường có mùi hôi, màu ngà đen, đặc. Và chúng tôi cũng đã có báo cáo lên cho huyện”, ông Tri cho biết.
Video đang HOT
Câu trả lời của vị Phó Phòng TN&MT huyện Nghi Xuân khiến dư luận không khỏi “giật mình” và nghi ngờ có sự bao che cho sai phạm.
Một điều khá mập mờ, khó hiểu về việc tại sao chính quyền huyện Nghi Xuân không dám cung cấp văn bản xử phạt dự án nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh?
“Chúng tôi chỉ cung cấp thông tin để cơ quan báo chí biết được việc đó còn về mặt hồ sơ thì không thể cung cấp được. Hiện cơ quan chức năng đang trong quá trình theo dõi, nếu có phát hiện vi phạm sẽ tiếp tục xử phạt”, ông Phong nói.
Tiếp tục cho mở rộng dự án
Hiện dự án đã mở rộng thêm gần 2ha
Liên quan đến dự án nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh khiến dư luận đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bởi mới đây, sau khi xử phạt hành chính số tiền 2 triệu đồng, UBND huyện Nghi Xuân ngay lập tức cho phép dự án này mở rộng thêm diện tích thêm khoảng gần 2 ha.
Chiều ngày 3/10, ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết, UBND huyện Nghi Xuân vừa có quyết định cho ông Nguyễn Viết Khánh thuê thêm đất để mở rộng dự án nuôi tôm
“Bây giờ thì hồ sơ thủ tục đầy đủ. Trước đây cũng nằm trong diện tích cho thuê nhưng vướng rừng phòng hộ nên thu hồi. Sau rà soát lại không phải rừng phòng hộ nên giờ cho thuê lại”, ông Hưng cho biết.
Việc phát triển kinh tế bất chấp pháp luật, xem thường môi trường dân sinh của ông Nguyễn Viết Khánh khiến người dân nơi đây không khỏi lo lắng. Và nỗi lo ấy càng hiện hữu hơn khi huyện Nghi Xuân lại tiếp tục cho mở rộng diện tích.
“Xử phạt 2 triệu đồng thì làm sao mà có tính răn đe. Họ làm ăn mà coi thường vấn đề môi trường, coi thường pháp luật mà giờ lại tiếp tục cho họ mở rộng. Chúng tôi thật sự rất lo lắng, thất vọng nhưng chẳng biết kêu ai nữa bởi 6 năm qua chúng tôi đã phản ánh rất nhiều rồi”, một hộ dân sống dân dự án nuôi tôm thất vọng nói.
Trước đó, Dân trí đã liên tiếp phản ánh dự án nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh (xóm Bình Phúc, xã Xuân Đan) triển khai từ năm 2012 với quy mô 6 hồ (mỗi hồ chứa khoảng 2.000 khối nước) với tổng diện tích 2,5ha nhưng lại không có hồ xử lý chất thải và trong nhiều năm qua cứ “thẳng tay” xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Và suốt thời gian qua, những người dân sống xung quanh dự án này đã phải sống khốn đốn vì ô nhiễm và phải đi kêu cứu các cơ quan chức năng.
Xuân Sinh
Theo Dantri
Vụ vựa tôm đầu độc môi trường suốt 6 năm: Cán bộ "làm tròn trách nhiệm"?
Trong suốt 6 năm, dù có các đoàn kiểm tra, nhưng chủ cơ sở nuôi ở xã Xuân Đan (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn ngang nhiên xả hàng ngàn khối chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Phải chăng cơ quan chức trách ở đây đã "bó tay", bất lực trước chủ vựa tôm?
Suốt 6 năm dự án nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh vô tư xả thải ra môi trường như thế này
Để làm rõ hơn việc dự án nuôi tôm ở xóm Bình Phúc (xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân) của ông Nguyễn Viết Khánh gây ô nhiễm, PV Dân trí đã liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng nơi đây.
Tuy nhiên điều PV nhận được từ cấp xã cho đến huyện khá bất ngờ, khi họ đều nói rằng đã "làm tròn trách nhiệm" của mình.
Ông Phan Trọng Tri, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Đan (huyện Nghi Xuân) cho biết tất cả sự việc liên quan đến dự án nuôi tôm đã được báo cáo lên cấp trên.
"Dự án nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh xả thải gây ô nhiễm môi trường đã được xã báo cáo lên huyện, phòng tài nguyên, cảnh sát môi trường. Năm 2017, Phòng TN&MT huyện Nghi Xuân về lập biên bản và đầu năm nay (2018) phòng cũng tiếp tục về. Trong tuần vừa rồi chúng tôi cũng có xuống. Nước thải từ hồ tôm ra môi trường có mùi hôi, màu ngà đen, đặc. Và chúng tôi cũng đã có báo cáo lên cho huyện", ông Tri cho biết.
Thế nhưng phía Phòng TN&MT huyện Nghi Xuân lại cho rằng lỗi để xảy ra sự việc là do cấp xã!.
Ông Lê Hữu Phong, Phó Phòng TN&MT huyện Nghi Xuân thừa nhận rằng đã nhiều lần kiểm tra và phát hiện dự án nuôi tôm được triển khai nhưng không hề có hệ thống xử lý chất thải.
"Huyện đã yêu cầu dự án phải thực hiện hồ xử lý và chỉ được nuôi khi có hệ thống xử lý môi trường. Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở, lập biên bản và xử lý vi phạm nhưng đối tượng này (ông Khánh- PV) không hợp tác", ông Phong nói.
Nước thải chưa qua xử lý chảy từ hồ tôm ra biển...
Sau khi báo Dân trí phản ánh, chủ dự án mới cho lấp dòng chảy
"Huyện cũng đã có văn bản giao cho xã phải có trách nhiệm quản lý, giám sát nhưng xã quản lý chưa chặt nên có những thời điểm họ xả thải ra ngoài mà chưa qua xử lý. Còn việc xả thải mới đây mà báo phản ánh thì chúng tôi mới biết chứ xã không có báo cáo gì", vị này thanh minh và cho biết không thể cung cấp những biên bản xử lý hồ tôm vì chưa có kết luận chính thức!
"Làm tròn trách nhiệm" nhưng vẫn để ô nhiễm kéo dài!
Khi PV đặt câu hỏi: Tại sao dự án nuôi tôm mặc dù chưa hoàn thiện hệ thống xử lý về chất thải và việc này được phát hiện ngay từ thời gian đầu nhưng vẫn tiến hành cho nuôi thả? Tại sao khi cấp xã có dấu hiệu buông lỏng quản lý, làm ngơ cho dự án nuôi tôm xả thải mà huyện không có ý kiến gì trong suốt 6 năm qua? Vị Phó Phòng TN&MT cho rằng huyện đã "làm tròn trách nhiệm"!
"Về công tác quản lý thì phòng đã lập biên bản, tham mưu cho huyện và huyện đã giao trách nhiệm cho xã. Xã phải có trách nhiệm xử lý, giám sát, báo cáo thường xuyên lên cho huyện nhưng chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình", ông Phong nói.
Một điều lạ thường là hàng năm đều có các đoàn kiểm tra của huyện, sở ngành về kiểm tra nhưng chỉ nhắc nhở. Đặc biệt là huyện Nghi Xuân đã lập nhiều biên bản, yêu cầu chỉ được nuôi thả tôm khi dự án hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường nhưng chủ dự án vẫn không thực hiện. Và suốt 6 năm qua dự án nuôi tôm này cứ mặc nhiên hành dân, đầu độc môi trường.
Rõ ràng, dù có biện hộ gì đi nữa thì việc để một cơ sở nuôi tôm thản nhiên xả bẩn ra môi trường suốt 6 năm mà không hề bị xử lí là điều không thể chấp nhận được. Phải chăng, cơ quan chức trách ở đây đã "chào thua", bất lực trước chủ vựa tôm này?
Xuân Sinh
Theo Dantri
Hạnh phúc ngọt ngào của người cựu binh sau 40 năm bám rừng, khai hoang Thương binh Hoàng Ngọc Trà đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để khai phá vùng đất hoang vu, lạnh lẽo. Sau hàng chục năm với biết bao thăng trầm, giờ đây ông đã sở hữu trong tay trang trại tiền tỷ, là niềm mơ ước của bao người. Dám làm điều người khác sợ hãi Ông Trà đang chăm sóc vườn...