Vụ hàng loạt học sinh bị ngộ độc ở Khánh Hòa: Bộ Y tế điều chuyên gia chống độc đầu ngành vào hỗ trợ điều trị
Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng loạt học sinh ở Khánh Hòa nhập viện, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế đã điều chuyên gia chống độc đầu ngành vào hỗ trợ công tác điều trị cho các cơ sở y tế trên địa bàn
Thông tin với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đầu giờ chiều ngày 21/11, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng loạt học sinh trường Tiểu học – THCS – THPT Ischool Nha Trang phải nhập viện rải rác trong những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã ngay lập tức điều động các chuyên gia chống độc của Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai vào Khánh Hòa hỗ trợ công tác điều trị. Đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng tham gia đoàn vào Khánh Hòa.
Đồng thời, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết thêm ông đã tiếp tục trao đổi với Lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị ngành y tế Khánh Hòa tập trung cao độ nhân lực, trang thiết bị, thuốc và phương tiện… để điều trị, chăm sóc cho các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm.
Lãnh đạo Trường Ischool Nha Trang thăm hỏi học sinh ngộ độc đang được điều trị tích cực.
Trước đó ngay từ ngày thứ 6 tuần trước – ngày 18/11, khi nhận được thông tin ban đầu về vụ việc, qua đường dây nóng, Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã trao đổi với Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa để nắm bắt tình hình, đồng thời đề nghị ngành y tế tỉnh tập trung công tác chăm sóc, điều trị các trường hợp học sinh bị ngộ độc.
Đồng thời PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng đã yêu cầu Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai trao đổi, hỗ trợ các cơ sở y tế của Khánh Hòa về chuyên môn điều trị qua hệ thống hội chẩn telehealth.
Trong trường hợp ngành y tế Khánh Hòa cần hỗ trợ trực tiếp nhân lực và phương tiện, thuốc phục vụ điều trị, thì báo cáo ngay với Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám chữa bệnh), để Cục báo cáo Lãnh đạo Bộ điều động chuyên gia đến hỗ trợ.
Theo công văn của trường Tiểu học – THCS – THPT Ischool Nha Trang gửi Lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa và Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, đến ngày 20/11, ghi nhận của nhà trường đã có 476 học sinh và 19 thầy cô giáo đã vào thăm khám, điều trị nội trú tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trong đó có 209 học sinh, 7 thầy cô vẫn phải tiếp tục điều trị và nhiều trường hợp tái nhập viện. Do đó, lãnh đạo nhà trường đã đề nghị các cơ quan y tế tăng cường tối đa nguồn lực trong xử trí và điều trị các trường hợp ngộ độc.
Đến nay, trong số các trường hợp bị ngộ độc phải nhập viện đã có 1 trường hợp tử vong trên đường chuyển đến bệnh viện tuyến trên.
Cũng liên quan đến vụ ngộ độc này, ngay từ ngày 18/11, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức cấp cứu, điều trị đối với các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, trường hợp bệnh nhân có diễn biến nặng phải chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời.
Đồng thời cần tổ chức điều tra, xác định rõ nguyên nhân vụ việc. Tiến hành kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường Tiểu học – THCS – THPT Ischool Nha Trang; truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Cần xử lý nghiêm nếu có các vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Video đang HOT
Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu đình chỉ hoạt động tạm thời bếp ăn trường Tiểu học – THCS – THPT Ischool Nha Trang cho đến khi có kết quả điều tra xác định nguyên nhân và chỉ được hoạt động trở lại khi đã đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đồng thời, Cục đề nghị ngành y tế Khánh Hòa tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục về kiến thức an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm; công tác kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn trường học về điều kiện an toàn thực phẩm.
Kiểm soát chặt chẽ việc bảo đảm vệ sinh cá nhân, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, bảo quản đối với các thực phẩm ăn ngay cung cấp cho học sinh, chỉ cho phép sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo quản ở điều kiện phù hợp theo yêu cầu.
Ông Phạm Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Ischool Nha Trang chia sẻ, đây là một việc rất đau lòng trong suốt 12 năm hoạt động của nhà trường.
Ngay trong thời gian này, nhà trường vẫn đang tập trung toàn bộ nguồn lực cùng cơ quan y tế và các phụ huynh chăm sóc sức khỏe cho các em, nhất là các em đang bị nặng.
Trường Ischool Nha Trang cũng đã đến nhà học sinh chia sẻ, động viên phụ huynh và hỗ trợ gia đình lo các thủ tục cuối cùng.
Sở Y tế Khánh Hòa đã phối hợp với nhà trường kiểm tra, xác định nguyên nhân ngộ độc thực phẩm, tích cực điều trị, phục hồi sức khỏe cho các em học sinh.
Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Khánh Hòa đã phối hợp cùng các đơn vị chức năng kiểm tra đơn vị cung cấp các suất ăn cho Trường Ischool Nha Trang là hộ kinh doanh Bùi Phúc Lam (đường Hai Bà Trưng, Nha Trang).
Các mẫu xét nghiệm đã được gửi đến Viện Pasteur Nha Trang để xác định nguyên nhân độc tố. Dự kiến đến ngày 23/11 sẽ có kết quả.
Tân bộ trưởng Bộ Y tế: Tập trung giải quyết việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế
Chia sẻ với báo chí sau khi được phê chuẩn bổ nhiệm, tân Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ khó khăn của ngành y tế hiện rất nhiều.
Tình trạng khan hiếm thuốc khiến nhiều loại thuốc tăng giá - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chia sẻ với báo chí sau khi được phê chuẩn bổ nhiệm, tân Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ khó khăn của ngành y tế hiện rất nhiều.
Và bà Đào Hồng Lan rất tin tưởng vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cục, vụ, viện, bệnh viện có chuyên môn rất giỏi và mọi người sẽ giúp bà hoàn thành nhiệm vụ.
Nâng cao chất lượng chữa bệnh
Tân Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Bà Lan cho biết ngoài việc bảo vệ thành quả chống dịch COVID-19, bà tập trung cho các nhiệm vụ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của người dân.
Trong đó, bà tập trung chỉ đạo tháo gỡ, vướng mắc của việc thiếu thuốc, trang thiết bị. Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, đặc biệt là Luật dược, Luật đấu thầu, Luật giá và các nghị định hướng dẫn để tháo gỡ căn cơ, bài bản, đảm bảo có căn cứ thực hiện cho chặng đường dài tiếp theo.
Hiện bộ cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, bổ sung các quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư thông qua dự án Luật đấu thầu (sửa đổi). Bộ cũng tích cực để làm sao đẩy nhanh việc cấp phép giấy gia hạn lưu hành thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để có căn cứ cho doanh nghiệp tham gia cung ứng trên thị trường. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương, bệnh viện chủ động tháo gỡ khó khăn thuộc thẩm quyền của mình.
"Cùng với đẩy nhanh tốc độ mua sắm, đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc, bộ cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về cơ sở để làm sao chủ động, linh hoạt cho địa phương và cơ sở triển khai thực hiện", bà Lan nói.
Cải thiện chế độ tiền lương
Nói về tình trạng cán bộ, nhân viên y tế đồng loạt nghỉ việc, bà Lan cho hay thời gian qua, bộ đang rất tích cực phối hợp với các bộ, ngành để đề xuất cải thiện chế độ tiền lương đối với đội ngũ nhân viên ngành y tế. Trước mắt sẽ trình nghị định 56 sửa đổi chế độ đối với nhân viên y tế tuyến cơ sở, dự phòng. Quá trình triển khai nghị quyết 27 về chính sách cải cách tiền lương, bộ cũng sẽ có những đề xuất phù hợp.
"Việc chăm sóc sức khỏe người dân hiện nay đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao, vì vậy chất lượng nhân lực ngành y tế rất quan trọng. Chúng tôi xác định giải pháp việc đào tạo nguồn nhân lực từ đầu vào, cho đến việc bồi dưỡng đội ngũ hiện nay và tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, có giải pháp hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế làm việc.
Một trong những giải pháp căn cơ đó là thực hiện những cơ chế về tài chính y tế đảm bảo hoạt động đầy đủ của hệ thống cơ sở. Tập trung làm những việc này mới giải quyết căn bản các vấn đề của y tế hiện nay", bà Lan nhấn mạnh.
Công tác trong ngành y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) bày tỏ sự thông cảm với những trọng trách, áp lực mà bất kỳ ai nhận nhiệm vụ bộ trưởng Bộ Y tế phải mang. Theo bà Lan, tất cả những yếu kém của ngành y tế hiện nay đã tồn tại nhiều năm, qua nhiều đời bộ trưởng và trách nhiệm không chỉ của riêng ai.
Hiện nay có ý kiến bộ trưởng mới không có chuyên môn sẽ khó giải quyết dứt điểm được những tồn tại trong ngành, đó đúng là một lo ngại. Nhưng dù chuyên môn có giỏi đi chăng nữa mà nếu không có sự vào cuộc, không có chủ trương, định hướng tốt, thực sự coi y tế, an sinh xã hội là một vấn đề hết sức quan trọng thì cũng khó giải quyết.
"Bao nhiêu đời bộ trưởng trước đây có trình độ chuyên môn cao trong ngành cũng chưa giải quyết được. Đôi khi bộ trưởng không phải chuyên môn trong ngành sẽ dũng cảm quyết định những vấn đề quan trọng, quyết tâm vì người dân, vì sự phát triển của ngành", bà Lan nói.
Do đó, bà Lan mong muốn bộ trưởng mạnh dạn quyết những vấn đề liên quan đến những cái quan trọng nhất, mong muốn lớn nhất của ngành như tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Đừng chỉ hài lòng với các báo cáo của các sở y tế, phải lắng nghe sự thật và quyết tâm để giải quyết.
Thực ra, ngành y tế không thiếu những người có trình độ để làm, nhưng làm sao để kết hợp lại và phát huy được. Còn như hiện nay, cứ theo cơ chế cũ, lối mòn, những cơ chế cũ kỹ, lạc hậu cuối cùng người dân là người phải trả giá khi chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng của ngành đi xuống.
* Bác sĩ BÙI ĐỨC NGUYÊN (đang công tác tại một bệnh viện ở Hà Nội):
Mong tân bộ trưởng giúp tăng lương, giảm giờ làm
Thời gian vừa qua với nhân viên y tế chúng tôi có rất nhiều áp lực về tâm lý, nhất là sau các vụ như Việt Á... Cạnh đó hiện nay thời gian, áp lực làm việc của bác sĩ quá lớn trong khi thu nhập không tương xứng dẫn đến nhiều người chán nản, xin nghỉ ra các bệnh viện tư làm. Nên chúng tôi mong trong thời gian sớm nhất bộ trưởng quan tâm hơn để có thể có cơ chế tăng lương, thu nhập, giảm giờ làm cho anh em bác sĩ, nhân viên y tế các bệnh viện công.
Ngoài ra, hiện nay tình hình an ninh ở nhiều bệnh viện rất phức tạp. Không ít bác sĩ, nhân viên y tế đã bị người nhà bệnh nhân đánh, gây thương tích khiến anh em sợ hãi, ảnh hưởng tâm lý rất lớn. Do vậy, chúng tôi mong muốn bộ trưởng sớm có biện pháp để bảo vệ an toàn cho các nhân viên y tế khi làm nhiệm vụ.
Cuối cùng, hiện các bác sĩ mất rất nhiều thời gian và công sức để làm các thủ tục hành chính như xin cấp chứng chỉ hành nghề... Nên rất mong tân bộ trưởng có phương án giảm bớt thủ tục hành chính để các bác sĩ dành thời gian chuyên tâm làm công tác chuyên môn, cứu chữa cho người bệnh và nghiên cứu khoa học.
INFOGRAPHIC Trình Quốc hội phê chuẩn bà Đào Hồng Lan làm Bộ trưởng Y tế Sáng 21.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình Quốc hội đề nghị phê chuẩn Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan làm Bộ trưởng Bộ Y tế. Theo chương trình, việc bỏ phiếu quyết định đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm cũng như thông qua nghị quyết Quốc hội về việc bổ nhiệm sẽ được tiến hành trong đầu giờ chiều...