Vụ “Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt”, hot mom Hà Thành chia sẻ: Nếu dùng từ “kỷ luật”, có lẽ nhận được nhiều sự đồng tình hơn
“Nhìn chung, trong giáo dục không thể nào thiếu những hình thức phạt/ kỷ luật. Quan trọng là ta sử dụng nó như thế nào, với ai, trong trường hợp nào, mức độ ra sao,…” , hot mom Tia Liêu chia sẻ.
“Giáo dục trẻ như nào cho đúng” là vấn đề không bao giờ hết nóng. Với sự phát triển của xã hội, chúng ta cũng thay đổi nhiều quan điểm về giáo dục. Có quan điểm nhận được sự đồng tình, cũng như có quan điểm bị phản bác.
Mới đây, ý kiến “Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt” của Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội nhận về rất nhiều luồng tranh cãi. Nhiều phụ huynh đồng tình, cho rằng trẻ ngày nay được nuông chiều thái quá, dẫn đến việc hỗn hào, không nghe lời và người lớn phải nghiêm khắc hơn.
“Cha mẹ nên nghiêm khắc với con trẻ, trước khi xã hội thay chúng ta làm điều đó”, một phụ huynh nêu quan điểm.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương.
Tuy nhiên bên cạnh những ý kiến đồng tình thì cũng nhiều ý kiến phản đối, cho rằng chia sẻ của nữ Tiến sĩ chưa chính xác. Bởi ngoài phạt, người lớn có thể giúp trẻ tốt hơn bằng nhiều cách, trong đó có “kỷ luật tích cực”.
Từng là giảng viên của Đại học Kinh tế Quốc dân và hiện có 3 con nhỏ, chị Tia Liêu – Giám đốc event bar 1900 cũng rất quan tâm đến lĩnh vực giáo dục. Nói về quan điểm của Tiến sĩ Vũ Thu Hương, hot mom Hà Thành cũng đã có những chia sẻ thiết thực xoay quanh vấn đề này.
Nếu dùng từ “kỷ luật”, nữ Tiến sĩ có lẽ sẽ nhận được nhiều sự đồng tình hơn
Hot mom chia sẻ: “Từ “phạt” ở đây có thể gây hiểu lầm cho rất nhiều phụ huynh. Nếu Tiến sĩ sử dụng từ “kỷ luật”, có lẽ sẽ có nhiều người đồng tình hơn. Quan trọng hơn nữa, bản chất của kỷ luật chính là giáo dục, chứ không phải hình thức trút giận hay bắt trẻ phải trả giá cho lỗi sai của mình. Kỷ luật giúp trẻ nhận ra lỗi sai và rút kinh nghiệm. Mình thấy nhiều người để từ “phạt”, “kỷ luật” đi quá xa, và ranh giới của việc này rất mong manh”.
Hot mom cho biết, thời gian này cô đọc nhiều tài liệu về việc khen và kỷ luật. Theo đó, nhiều người thường bỏ qua lời khen, tính kỷ luật trong lời khen hay ngôn từ giao tiếp với trẻ,… “Ở nhà trường, chắc chắn thầy cô phải áp dụng hình thức kỷ luật với những trẻ vi phạm các quy tắc, giới hạn đạo đức. Việc phạt/ kỷ luật nếu trẻ không đạt được kỷ vọng của người lớn là không nên. Nhưng việc phạt/ kỷ luật nếu trẻ vi phạm các giới hạn đạo đức mà nhà trường, phụ huynh cần giáo dục con thì lại cần thiết”.
Video đang HOT
Hot mom Tía Liêu và các con.
Nói rõ hơn về điều này, hot mom lấy ví dụ: “Chẳng hạn con làm bài kiểm tra không được điểm cao vì chưa chú tâm ôn tập kỹ thì đây không phải là lỗi vi phạm, khiến con phải bị phạt. Nhưng ta có thể đưa ra một hình thức kiểm điểm khác, hoặc đưa ra lời động viên, khích lệ. Nó sẽ hiệu quả hơn với “phạt”.
Nhìn chung, trong giáo dục, không thể nào thiếu những hình thức phạt/ kỷ luật. Quan trọng là ta sử dụng nó như thế nào, với ai, trong trường hợp nào, mức độ ra sao,… Vậy nên, mình không hoàn toàn bất đồng với quan điểm của Tiến sĩ Hương”.
“Mình có phạt/ kỷ luật con nhưng tùy độ tuổi”
Nói về nuôi dạy con, hot mom Tia Liêu chia sẻ, con trai út của chị rất hiếu động nên đôi khi không thể kiềm chế bản thân và có những hành động nghịch ngợm. Lúc này, hot mom sẽ phạt con úp mặt vào tường trong một khoảng thời gian, cho đến khi bé nhận ra hành động của mình là sai và nói chuyện lại với bố mẹ, đồng thời rút kinh nghiệm.
Còn với hai cô con gái lớn, Tia Liêu chủ yếu sẽ “take away screentime”. Cụ thể, vợ chồng hot mom sẽ không cho con sử dụng các phương tiện giải trí như iPad, smartphone trong một khoảng thời gian, để các con tự điều chỉnh bản thân.
“Mình cảm thấy trong việc giáo dục con trẻ, những hình thức khen thưởng, động viên, nhắc nhở và kỷ luật luôn luôn phải song hành với nhau. Nó là nghệ thuật mà cả phụ huynh và giáo viên đều phải trau dồi học hỏi.
Có khen cũng không nên khen quá để con tự mãn. Chúng ta trách phạt con thì cũng không quá mức để con cảm thấy tự ái. Tương tự, kỷ luật cũng không quá mức, khiến con sợ hãi, sau này không dám thành thật với bố mẹ. Và khi nhắc nhở thì không thể thiếu sự động viên sau đó”, hot mom Tia Liêu cho hay.
Quan điểm nhận cơn mưa đồng tình của nữ Tiến sĩ: Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ!
Nữ tiến sĩ chia sẻ: "Trẻ không bị phạt dễ nảy sinh tính coi thường cha mẹ, coi thường người lớn, coi thường mọi luật lệ, quy tắc lễ phép".
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội là một chuyên gia giáo dục vô cùng tâm huyết với nền giáo dục của Việt Nam. Những hoạt động, bài viết, quan điểm... của chị luôn nhận được sự yêu mến, trân trọng và có sức lan tỏa tới thầy cô, học sinh và các bậc cha mẹ.
Mới đây, Tiến sĩ Vũ Thu Hương có bài chia sẻ về vấn đề "Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt" với trẻ nhỏ. Bài viết sau đó nhận được nhiều sự đồng tình của các bậc phụ huynh. Chúng tôi xin được chia sẻ lại cụ thể quan điểm của chị dưới đây:
GIÁO DỤC BẰNG KHUYÊN NHỦ, KHÔNG PHẠT?
Cách đây gần 10 năm, ở nước ta xuất hiện phong cách giáo dục "không phạt". Người ta lên án gay gắt mọi hình phạt dành cho trẻ. Dĩ nhiên, đánh, chửi, xúc phạm trẻ là không được rồi. Nhưng giờ, họ lên án cả "chép phạt", "phạt tập thể dục"... thì tôi thật sự không thể hiểu nổi. Hậu quả đã đến và trẻ phải gánh chịu:
1. Một lượng không nhỏ trẻ 6 tuổi không thể học được do bố mẹ dạy theo phong cách này.
Trung bình 1 trường có từ 5 - 10 cháu. Cái gì cũng dỗ dành, thương lượng. Đi học là vất vả, là vượt khó. Trẻ sau vài buổi đầu hào hứng với cái mới thì chán, KHÔNG THÍCH. Lúc này, trẻ bắt đầu ăn vạ, phá phách, gây sự để khỏi học hành.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương.
Gia đình bối rối, nhà trường hoảng sợ. Các cô giáo sợ phụ huynh kiện nên cũng KHÔNG DÁM PHẠT, chỉ dỗ dành khuyên nhủ. Trẻ càng được đà lấn tới. Vì thế, có không ít trẻ không vượt qua được lớp 1.
Cô giáo lúc này thường tư vấn cho phụ huynh "thuê riêng 1 người ngồi trong lớp dạy bạn ấy". Các phụ huynh có tưởng tượng được đứa trẻ có 1 cô giáo riêng sẽ học tập thế nào trong 12 năm phổ thông hay không?
2. Trẻ phản ứng với mọi hình thức kỉ luật của cô giáo:
Mới đây, một giáo viên trẻ dạy lớp 3 chia sẻ: Cô lấy "tập viết" ra để làm hình thức phạt cho trẻ chưa ngoan. Các con ăn cơm trưa xong sớm, các bạn khác ngồi chơi còn các bạn bị phạt phải "tập viết". Một ngày nọ, 1 bạn học sinh vi phạm kỉ luật vào buổi chiều, cô giáo hẹn bạn ấy chép phạt vào trưa hôm sau. Đúng giờ trưa, các học sinh vừa ăn xong, gia đình bạn ấy lập tức đón con về để né tránh hình phạt.
Đó là chưa kể họ rêu rao nói xấu cô giáo khắp nơi và nói: Con họ sợ đi học.
Các bậc phụ huynh có cảm nghĩ gì khi đọc về cách ứng xử của gia đình này? Rõ ràng chính các phụ huynh đã tìm mọi cách để cô giáo không làm gì nổi con họ dù các con hư đến đâu. Và bây giờ, trong giới giáo viên truyền nhau phong cách giáo dục "Mặc kệ nó" để họ được sống yên ổn. Tư cách đạo đức, kĩ năng và kiến thức của trẻ sẽ ra sao với kiểu giáo dục "KHÔNG PHẠT" này?
3. Không dạy được trẻ, các nhà trường tìm cách "tống cổ" những đứa trẻ bất trị hoặc những gia đình bất trị (có bố mẹ cư xử thô lỗ hoặc can thiệp vào việc giáo dục nhà trường hoặc soi lỗi các cô giáo) ra ngoài trường.
Để nói thật với họ, điều đó không hề khó. Trẻ bất trị thì vi phạm là rất nhiều. Các trường làm theo quy định của bộ giáo dục, kỉ luật "cảnh cáo", "khiển trách" trẻ và ghi học bạ. Quá sợ "bị ghi học bạ", các bố mẹ vội vàng cho con rút hồ sơ và xin đi trường khác.
Tuy nhiên, các trường khác cũng rất "thông minh". Họ chẳng dại mà nhận những đứa trẻ như vậy. Nào là "kiểm tra không đạt", nào là "quá thời gian nhận hồ sơ",... họ có đủ các lý do để từ chối những đứa trẻ này. Cũng chẳng trách được họ. Họ cũng có quá nhiều công việc để làm.
Khi ấy phải làm việc với một số gia đình kiểu: "Cô phải kí cam kết KHÔNG ĐƯỢC ĐẺ để dạy các cháu cho hết năm học", "cô phải kí cam kết là chỉ dỗ dành, khuyên nhủ con tôi", "cô phải hiền với các cháu, nếu không tôi gặp hiệu trưởng",... chẳng dễ chịu gì.
4. Sẽ rất mệt cho các giáo viên gặp phải những trẻ này bởi sẽ có lúc cô kiềm chế được, có lúc không. Nếu chẳng may cô không kiềm chế nổi thì có thể hành động thiếu kiểm soát.
5. Vì không bị phạt, trẻ không hề có ý thức tuân thủ các quy định. Ngoài ra, trẻ còn tìm cách "giật dây" người lớn, tìm cách để cha mẹ phản ứng với cô giáo để tránh những thứ mình không muốn.
Chẳng hạn nhiều những trẻ đi học nhưng vở viết nguệch ngoạc, không ghi thứ ngày tháng, viết vỏn vẹn vài chữ lem nhem. Ngồi học thì ngáp vặt, làm việc riêng, chơi game khi học online, chat chit,...
6. Một số bất trẻ bất trị qua được cấp 1 và học tiếp lên cấp 2, cấp 3 nhưng lúc này một số vấn đề sẽ lộ ra. Nhiều trẻ bất trị vi phạm quy định, gây gổ, đánh bạn, thậm chí trộm tiền chơi game,... Lúc này, cha mẹ mới hối hận vì phong cách giáo dục "không phạt".
7. Trẻ không bị phạt còn dễ nảy sinh tính coi thường cha mẹ, coi thường người lớn, coi thường mọi luật lệ, quy tắc lễ phép. Thái độ coi thường ngông nghênh đó có thể tới đỉnh điểm khi các con dám phản ứng dữ dội với cha mẹ (viết giấy từ mặt bố mẹ, tuyên bố con không cần bố mẹ....), hỗn với giáo viên, gây sự với người xung quanh.
....
Phong cách giáo dục "KHÔNG PHẠT" đang dần hủy hoại giới trẻ. Kèm thêm với đó là phong cách "soi và can thiệp nhà trường ở mọi chi tiết" và chúng ta đang làm hỏng môi trường giáo dục trẻ.
TS giáo dục nói: "Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ", phụ huynh phản ứng dữ dội Quan điểm của TS. Vũ Thu Hương về phong cách giáo dục "không phạt" đang nhận được sự quan tâm, tranh luận của các bậc phụ huynh. Quan điểm dạy trẻ của Tiến sĩ giáo dục gây tranh cãi Mới đây, chia sẻ của Tiến sĩ (TS.) Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội...