Vụ giao đất ở Văn Giang: Nguyên thứ trưởng Đặng Hùng Võ nhận lỗi
Xung quanh việc giao đất để xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ trực tiếp nhận lỗi với người dân Văn Giang.
Nhiều người dân Văn Giang tham gia đối thoại – Ảnh: Nguyễn Khánh
Chiều 8/11, tại hội trường của Bộ Tài nguyên – môi trường (TN-MT), sau gần ba giờ đối thoại cùng người dân về những văn bản của Bộ TN-MT ký trình Thủ tướng xung quanh việc giao đất để xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội (đoạn từ huyện Văn Giang đến xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu), đồng thời xây dựng khu đô thị thương mại – du lịch Văn Giang theo phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng hạ tầng, nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ – người trực tiếp ký trình Thủ tướng – đã nhận lỗi trước các hộ dân huyện Văn Giang (Hưng Yên).
Ông Võ nói: “Tôi công nhận chuyện về thẩm quyền là không đúng, chưa phù hợp. Thứ hai, việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất mà không điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cũng không đúng. Ở cương vị khi đó mà không giám sát được những chệch choạc thì mình chịu trách nhiệm. Những cái gì làm thất thoát cho bà con thì là lỗi của tôi”.
Đề cập băn khoăn của người dân về những nội dung mà tờ trình của Bộ TN-MT gửi Thủ tướng do mình trực tiếp ký trình, ông Võ chia sẻ: “Với văn bản này, có thể trước đây tôi đã không soát hết. Có một điểm tôi muốn đính chính, đây là tờ trình về việc thu hồi đất chứ không phải là tờ trình về việc giao đất để xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội và xây dựng khu đô thị thương mại – du lịch Văn Giang”.
Về chất vấn của người dân liên quan đến việc ký trình trong thời gian quá nhanh, ông Võ nói: “Việc nối cầu Thanh Trì của Hà Nội qua đường liên tỉnh đi Hưng Yên là chủ trương quan trọng. Trước thời điểm giao nhau giữa Luật đất đai 1993 và Luật đất đai 2003, Chính phủ chỉ đạo phải xử lý ngay những dự án như đường 5B và đường nối cầu Thanh Trì đi Hưng Yên. Lúc đó tôi cho rằng việc thực hiện ngay dự án nối cầu Thanh Trì đi Hưng Yên là con đường chiến lược. Tôi nghĩ sẽ mang lại lợi ích cho người dân Hà Nội, Hưng Yên và cả người dân Văn Giang. Đây là dự án trọng điểm cần phải đẩy nhanh tiến độ nên cũng đã cân nhắc có ký trình ngay hay không. Nếu không trình thì tất cả phải làm lại từ đầu theo Luật đất đai 2003. Còn ký trình sẽ có người nghĩ tại sao tỉnh trình hôm trước, mình trình hôm sau (Hưng Yên ký trình việc giao đất ngày 28/6/2004, Bộ TN-MT ký trình việc giao đất ngày 29/6/2004, ngày 1/7/2004 Luật đất đai 2003 có hiệu lực – PV)”.
Ông Võ khẳng định tới đây ông sẽ có văn bản gửi Bộ TN-MT nói cụ thể về những điểm chưa phù hợp để Bộ TN-MT có ý kiến.
Video đang HOT
Trong khi đó, trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định: “Đây là việc đối thoại giữa cá nhân bác ấy (ông Võ – PV) với người dân chứ không phải là chủ trương của Bộ TN-MT. Việc bác ấy phát biểu chỉ là dưới góc độ cá nhân, bộ không có ý kiến gì vì lần đối thoại này không phải do bộ tổ chức. Trước đó bộ cũng đã cùng Thanh tra Chính phủ đối thoại với các hộ dân Văn Giang. Còn việc bác Võ có ý kiến với bộ, bộ sẽ lắng nghe. Nhưng hiện nay phải chờ xem ý kiến của bác ấy thế nào, sau đó bộ sẽ cùng xem xét”.
Dự án khu đô thị thương mại – du lịch Văn Giang
Tháng 6/2004, Thủ tướng có quyết định thu hồi 554ha đất tại ba xã Phụng Công, Xuân Quan, Cửu Cao (huyện Văn Giang, Hưng Yên) giao cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng triển khai dự án xây dựng khu đô thị thương mại – du lịch Văn Giang (Ecopark).
Năm 2009, tỉnh Hưng Yên đã bàn giao đợt 1 cho chủ đầu tư với diện tích 57,19ha. Trong đó, diện tích đất giao cho dự án đô thị là 49,87ha, diện tích đất giao để làm đường giao thông liên tỉnh 7,32ha.
Theo kế hoạch, tỉnh Hưng Yên tiếp tục bàn giao 72ha đất nông nghiệp tại xã Xuân Quan cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án vào cuối tháng 4/2012. Theo đó, trong số 72ha đất bàn giao đợt này, ngoài 5,8ha đất nông nghiệp thuộc 166 hộ ở diện phải cưỡng chế, còn 66,2ha của các hộ đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ, bàn giao đất. Ngày 24/4, tỉnh Hưng Yên đã thực hiện cưỡng chế thu hồi 5,8ha đất nông nghiệp của 166 hộ thuộc xã Xuân Quan để bàn giao cho chủ đầu tư.
Theo đại diện các hộ dân Văn Giang, kiến nghị của người dân gửi các cơ quan mong muốn làm rõ tính pháp lý của các văn bản liên quan đến việc thu hồi đất, trong đó có hai tờ trình của Bộ TN-MT trình Chính phủ trước khi Thủ tướng ký quyết định thu hồi 554ha đất tại Văn Giang. Theo đó, các hộ dân Văn Giang kiến nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh thu hẹp dự án, trả lại phần đất cho các hộ dân chưa nhận tiền bồi thường để người dân tiếp tục trồng cây cảnh.
Theo xahoi
GS Đặng Hùng Võ nhận thiếu sót trước dân Văn Giang
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, đã thừa nhận thiếu sót khi kết thúc cuộc đối thoại trực tiếp với những người dân bị thu hồi đất cho Dự án khu đô thị nhà vườn Ecopark ở Văn Giang (Hưng Yên) vào chiều 8/11.
Đây là lần đầu tiên một quan chức đã về hưu đối thoại với người dân về việc làm của mình khi còn đương chức.
Cụ thể, ông Võ muốn làm rõ nội dung của 2 tờ trình do ông ký duyệt, gửi Thủ tướng Chính phủ năm 2004. Đây là hai tờ trình về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2004-2005 của tỉnh Hưng Yên giao đất để xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hưng Yên-Hà Nội (đoạn từ huyện Văn Giang đến xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) và xây dựng khu đô thị Thương mại-Du lịch Văn Giang tại tỉnh Hưng Yên theo phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
Người dân Văn Giang cho rằng hai tờ trình này không phù hợp với các quy định, quy trình về thu hồi đất đai lúc đó. Tờ trình do ông Võ ký đã trực tiếp góp phần khiến họ bị thu hồi, mất đất.
GS Đặng Hùng Võ đối thoại thẳng thắn với người dân Văn Giang
Trước cuộc gặp mặt này, GS Đặng Hùng Võ đã viết trên Facebook và trả lời nhiều tờ báo rằng các quyết định của ông là đúng pháp luật việc thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án ở Văn Giang vào thời điểm đó là đúng đắn và tốt cho sự phát triển kinh tế của 2 địa phương Hà Nội và Hưng Yên.
Trước câu hỏi của người dân Văn Giang, tại sao quá trình quyết định thu hồi diện tích đất hơn 500ha lại diễn ra chóng vánh trong 3 ngày, GS Võ cho rằng, việc ký gấp văn bản trình Thủ tướng ngay trước thời điểm Luật Đất đai 2003 hết hiệu lực nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, giúp tỉnh Hưng Yên tránh phải làm lại từ đầu khi nhiều quy định thay đổi.
Đông đảo người dân Văn Giang tới dự đối thoại
Theo Luật sư Trần Vũ Hải (Luật sư đại diện cho người dân Văn Giang) tờ trình của GS Võ đã làm người dân Văn Giang mất đất trong khi đường thì chưa có, chủ đầu tư thì lại đã xây dựng cơ sở hạ tầng và bán lấy lãi, còn lại người dân chưa được hưởng lợi gì.
Trước những luận cứ pháp lý mà luật sư Hải đưa ra, ông Võ đã thừa nhận đầu đề của Tờ trình số 99 của Bộ TN-MT năm 2004 đã sai 2 chữ, lẽ ra phải là "thu hồi đất" chứ không phải "giao đất". Ông cho biết sẽ có văn bản gửi cơ quan chức năng nói rõ về vấn đề này.
Cuối cùng, GS Đặng Hùng Võ đã thừa nhận việc ký thu hồi đất trong vụ việc này không đúng thẩm quyền. Ông Võ hứa với nông dân Văn Giang sau buổi này sẽ có bài viết liên quan nhằm giải thích rõ hơn vụ việc. Thẳng thắn nhìn vào khuyết điểm, thiếu sót của mình, ông Võ thừa nhận: "Làm gì thất thoát cho bà con là lỗi của tôi".
Theo 24h
Mở rộng đối tượng được thuê đất Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là nghị quyết rất quan...