Vụ gian lận thi cử ở Sơn La : Thêm 3 Đảng viên bị kỷ luật cảnh cáo
Ủy Ban kiểm tra các cấp tỉnh Sơn La vừa ban hành thêm 3 Quyết định kỷ luật các đảng viên do có vi phạm liên quan đến vụ gian lận thi cử ở tỉnh này.
Theo đó, các Quyết định số 147, 148, cùng ngày 7/11/2019, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã quyết định xử lý kỷ luật ông Trần Văn Phúc, Bí thư Chi bộ, Hiệu Trưởng trường THPT Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La và bà Nguyễn Thị Dung, Bí thư Chi bộ, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, Sơn La bằng hình thức cảnh cáo; Quyết định số 42, ngày 12/11/2019 của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Sơn La quyết định xử lý kỷ luật bà Nguyễn Thị Hương, Chi ủy viên Chi bộ 1, Đảng ủy Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La bằng hình thức cảnh cáo.
Cả 3 trường hợp này đều là các đối tượng trung gian, đã nhờ “xem điểm” cho một số thí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia tỉnh Sơn La năm 2018.
Các trường hợp Nguyễn Thị Ngọc Thúy, đảng viên Chi bộ Khoa học – Xã hội, Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc và Nguyễn Thị Kim, đảng viên, Chi bộ Thể dục – Sử – Địa – GDCD – Văn Phòng, Đảng bộ Trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La, tỉnh Sơn La hiện nay chưa đủ căn cứ để xem xét xử lý, chờ sau khi Tòa án nhân dân xét xử vụ án, bản án có hiệu lực pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền sẽ xem xét xử lý kỷ luật theo quy định.
Như vậy, cho đến nay, trong vụ gian lận thi cử tại Sơn La năm 2018, tổng cộng đã có 95 Đảng viên bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức từ kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm cho đến khai trừ và cách tất cả các chức vụ trong Đảng, cũng như mọi chức vụ về mặt chính quyền.
Video đang HOT
Hiện nay còn 4 trường hợp chưa xử lý kỷ luật; trong số này có 2 trường hợp là những đảng viên ngoài Đảng bộ tỉnh Sơn La (Trực thuộc Đảng ủy Cục C10, Đảng ủy Công an Trung ương) và 2 trường hợp đang trong giai đoạn thai sản, chưa xem xét hình thức kỷ luật./.
Theo PV/VOV-Tây Bắc
Kỷ luật cán bộ có con sửa điểm thi : Có nể nang!
Nhiều cán bộ có con được nâng điểm ở Sơn La vi phạm giống nhau nhưng lại nhận kỷ luật chênh lệch, tạo ra sự bất bình trong dư luận.
Theo thông báo của UBKT Tỉnh ủy Sơn La về việc thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm liên quan đến gian lận thi cử tại địa phương, trong số 46 đảng viên là cha, mẹ của thí sinh được nâng điểm trái quy định, có nhiều trường hợp sai phạm giống nhau nhưng nhận mức kỷ luật khác nhau.
Ví dụ, trường hợp ông Lê Trong Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố bị xử lý cảnh cáo vì có nhờ ông Hoàng Tiến Đức, cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh và ông Nguyễn Minh Khoa, nguyên Phó phòng an ninh chính trị nội bộ xem điểm cho con trai và cháu ruột.
Trong khi đó ông Dương Đức Toàn, Bí thư chi bộ, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Sơn La lại chỉ bị khiển trách vì không nhận nhờ xem điểm cho con trai và cháu gái. Trong khi ông Hoàng Tiến Đức có khai nhận thông tin nhờ xem điểm trước từ ông Toàn.
Sở GD&ĐT Sơn La là cơ quan có nhiều cán bộ bị kỷ luật vì có con được nâng điểm thi.
Hay như việc xử lý kỷ luật trường hợp ông Đỗ Kim Quang, Nguyên giám đốc VNPT Sơn La và ông Nguyễn Quang Việt, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Sơn La cũng làm dư luận bức xúc. Vì ông Quang nhận có nhờ thì bị cảnh cáo, còn ông Việt từ đầu đến cuối nói không nhờ ông Đức xem điểm cho con trai thì chỉ bị khiển trách! Không lẽ mọi người tự nhiên lại đi nâng điểm không cho con ông để rồi chịu tội.
Ngày 8/11/2019, trao đổi với Đất Việt về những nghịch lý trên, bà Lê Thị Thu Ba - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp bày tỏ: Sau khi vụ án sửa điểm thi xảy ra ở 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang thì Trung ương xác định việc xử lý là cốt lõi trong việc lập lại trật tự của nền giáo dục nước nhà.
Chính vì vậy không thể xét theo sai phạm thông thường mà cần phải nhận định sự việc tác hại đến giáo dục quốc dân thế nào mới thấy được hết mức độ nghiêm trọng của nó.
Không nên căn cứ vào lời khai của phụ huynh học sinh mà cần căn cứ vào việc người thân của phụ huynh, cán bộ đó có được sửa điểm hay không.
Nếu có được sửa điểm thì không thể coi lời khai của cán bộ nói "nhờ xem điểm" là đúng thực tế, dù cán bộ có thừa nhận hay không thừa nhận thì trong trường hợp này trách nhiệm của các phụ huynh cũng phải bằng nhau.
Đối với những cán bộ là đảng viên, đang công tác trong các cơ quan nhà nước cần phải xem xét trách nhiệm rõ hơn bởi có yếu tố địa vị, chức quyền để tác động.
"Thậm chí cần phải xem xét tăng nặng đối với những cán bộ không không thừa nhận chuyện nâng điểm cho người thân bởi thái độ không hợp tác, có biểu hiện khai gian dối để né trách nhiệm thì mới đúng chính sách pháp luật của nước ta. Chứ không phải căn cứ vào lời khai của phụ huynh mà đưa ra hình thức kỷ luật là không đúng. Chẳng ai đi làm cái việc không công, chỉ nhờ "xem điểm" mà lại đi sửa điểm, nâng điểm cho thí sinh!" - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói.
Theo bà Thu Ba, cũng cần xem xét các bị can trong vụ sửa điểm ở Sơn La nộp lại số tiền nhận được từ hành vi nâng điểm là bao nhiêu. Lời khai của các bị can này như thế nào, thí sinh đó có được nâng điểm hay không để làm căn cứ chứ không thể tin vào lời khai của các phụ huynh. Bởi quy luật thông thường thì những người phạm tội luôn tìm cách chối tội, nhất là đối với những người có địa vị, ở trong tình cảnh chưa bị phát hiện.
Việc xử lý theo cảm tính thì chắc chắn dư luận cảm thấy không thỏa mãn nên có phản ứng là điều dễ hiểu. "Để lấy lại uy tín của ngành giáo dục sau vụ sửa điểm thi thì không còn cách nào khác là phải xử lý các sai phạm nghiêm minh, công tâm. Còn không thì sẽ vẫn gây mất niềm tin trong quần chúng nhân dân" - bà Thu Ba nói.
"Với trường hợp của Sơn La, dư luận hoàn toàn có thể đặt ra nghi vấn có sự bao che cho các cán bộ có con sửa điểm thi. Sự bao che đó có thể đến từ nể nang, quen biết, hoặc là chính người thân lại ra kết luận kỷ luật nhau... nếu thấy có sự thiếu công tâm ở đây thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương hay các đoàn công tác của Quốc hội cần phải vào cuộc toàn diện, kiểm tra ở tất cả các tỉnh thành xảy ra sửa điểm thi. Nhận thấy các tỉnh này làm không nghiêm túc thì cơ quan Trung ương phải có biện pháp xử lý với chính cán bộ ký quyết định kỷ luật đó" - bà Lê Thị Thu Ba kết lại.
Vân Thanh
Theo baodatviet
Kỷ luật cảnh cáo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bị kỷ luật cảnh cáo do có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác. Thủ tướng vừa ban hành quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vũ Văn Ninh, nguyên Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2011 - 2016, do có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác. Ngày...