Vụ giàn khoan: Việt Nam đủ bằng chứng khởi kiện TQ
Nếu Việt Nam khởi kiện vụ việc này ra Tòa án quốc tế thì khả năng thắng kiện tới 90%. Thắng theo nghĩa, những gì luật pháp quốc tế quy định về vùng biển thuộc Việt Nam thì nó sẽ là của Việt Nam.
Xung quanh vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương – 981 tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, chiều 11/5, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, chuyên gia nghiên cứu về Luật Biển Quốc tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển Việt Nam.
Thưa ông, trước chứng cứ rõ ràng về việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương – 981 vào thăm dò ở vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dùng vũ lực uy hiếp, đâm tàu công vụ của Việt Nam khiến nhiều kiểm ngư viên bị thương. Vậy đến thời điểm này, chúng ta có nên xem xét khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế?
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao: Theo tôi, ở thời điểm này, Việt Nam hoàn toàn có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Bởi lần này, Trung Quốc vào tận vùng biển Việt Nam, không chỉ có tàu dân sự mà họ đưa tàu công vụ cùng tàu quân sự và có hành vi dùng vũ lực đâm tàu công vụ của Việt Nam. Những hành động đó thực chất là hành vi xâm lược. Theo quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc, nghiêm cấm các nước sử dụng vũ lực và dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc đã vi phạm vào quy định đó.
Trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc, nếu Việt Nam không quyết liệt thì sẽ mất đường ra Biển Đông, nhân dân khó thực hiện các hoạt động kinh tế ở biển. Vì vậy, Việt Nam phải hành động trên nhiều mặt trận khác nhau, mặt trận ngoại giao, mặt trận pháp lý. Trên thực địa, Việt Nam phải kiên trì, kiên quyết và khôn khéo để khẳng định và bảo vệ được chủ quyền của chúng ta ở vùng đặc quyền kinh tế, không để Trung Quốc tạo ra một tiền lệ và họ sẽ lấn tới.
Ở đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, giờ Trung Quốc đang ngang nhiên xây dựng nhiều công trình trái phép. Đây là vấn đề chủ quyền lãnh thổ, mà đã là chủ quyền lãnh thổ thì được coi là hành vi xâm lược. Trung Quốc cứ rêu rao rằng đó là của họ, họ làm đúng pháp luật. Vậy thì Việt Nam có thể thách thức rằng, nếu như Trung Quốc cho rằng đó là hành vi hợp pháp với luật pháp quốc tế thì hãy cùng Việt Nam ra trước tòa án công lý quốc tế Liên Hợp Quốc để lập hồ sơ và cho tòa án phán xét. Trong trường hợp Trung Quốc từ chối không công nhận thẩm quyền của Tòa án quốc tế thì điều đó sẽ vạch rõ sự thật hợp pháp hay không hợp pháp, hành vi muốn thôn tính biển đảo của Trung Quốc.
Hành vi mang tính xâm lấn của Trung Quốc như tuyên bố cấm đánh bắt hải sản ở vùng biển nằm trong vùng đặc quyền của Việt Nam; rồi hành vi mời gọi các nhà thầu nước ngoài vào để khai thác thăm dò. Đặc biệt là hành vi dùng vũ lực trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những hành động đó đang xâm lấn quyền chủ quyền của Việt Nam, vi phạm công ước Luật Biển năm 1982. Với những chứng cứ đó, chúng ta hoàn toàn có đủ hồ sơ để khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam
Video đang HOT
Lúc này, nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, Việt Nam có khả năng thắng không thưa ông?
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao: Nếu theo căn cứ pháp lý thì Trung Quốc chắc chắn đuối lý, họ đang mong muốn với chính sách bá quyền của nước lớn, với đồng tiền sẽ chia rẽ được các nước nhỏ, lợi dụng, gây sức ép các nhà lãnh đạo. Điều đó đã thể hiện rõ mưu đồ của Trung Quốc thông qua những hành động gần đây, đặc biệt với việc họ đặt giàn khoan ở trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo tôi, nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế thì khả năng thắng kiện tới 90%. Thắng theo nghĩa, những gì luật pháp quốc tế quy định về vùng biển thuộc Việt Nam thì nó sẽ là của Việt Nam.
Chúng ta sẽ có được sự công nhận của công lý quốc tế, công nhận về chủ quyền, quyền chủ quyền của chúng ta đối với những vùng biển, những hòn đảo mà phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam không thể Trung Quốc “lập lờ” bằng sức ép chính trị, sức ép kinh tế và bằng vũ lực để lấn áp, xâm chiếm chúng ta. Trung Quốc đang muốn lập trật tự, họ như một tay “nhà giàu” mới nổi tham gia vào cuộc chơi trên trường quốc tế. Họ đối đầu với cả Mỹ và đang loay hoay tìm một không gian riêng. Đó là một sai lầm trong thời đại hiện nay.
Ngày 11/5, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức phiên họp mở rộng bất thường, đưa ra bản tuyên bố trước hành động ngang nguợc này của Trung Quốc. Vậy bản tuyên bố nhằm mục đích gì thưa ông?
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao: Trước hết, bản tuyên bố của Liên đoàn Luật sư Việt Nam phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và gần đây nhất là ở thềm lục địa, vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là tuyên bố phản ánh lập trường của Việt Nam trên những vấn đề pháp lý quốc tế và quốc gia, bày tỏ quyết tâm sẵn sàng cùng với Chính phủ Việt Nam góp phần vào việc đấu tranh pháp lý bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Trong lời tuyên bố, bức tranh tổng thể về chính sách bành trướng lấn chiếm ở Biển Đông trong suốt thời gian dài của Trung Quốc được nêu lên. Điều đó thể hiện rõ, Trung Quốc có sự toan tính kỹ, từ việc đưa giàn khoan vào vùng biển đặc quyền Việt Nam đến chuỗi các hành động lấn chiếm xuống phía Nam và thôn tính vùng Biển Đông của chúng ta. Liên đoàn Luật sư coi đó như là căn cứ pháp lý vô cùng quan trọng để chúng ta có thể lập hồ sơ đưa Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế.
Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì lúc này để bảo vệ chủ quyền trên vùng biển thuộc lãnh thổ của mình?
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao: Trước tình hình hiện nay, ngoài việc khởi kiện, Việt Nam sẽ lấy tư cách thành viên Liên Hợp Quốc đề nghị Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc họp và bàn về vấn đề này. Tất nhiên, chúng ta cũng hiểu rằng theo cơ chế của hội đồng này mà Trung Quốc là 1 trong 5 thành viên thường trực thì cũng khó. Nhưng việc chúng ta nêu vấn đề của Trung Quốc ra Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cho thấy quyết tâm của Việt Nam. Đồng thời, cũng như một biện pháp tấn công về mặt ngoại giao đối với Trung Quốc, trước hành vi sử dụng vũ lực, vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc để đánh động cho toàn thế giới thấy rằng Việt Nam cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.
Theo Khampha
Tuần hành phản đối Trung Quốc "đốt nóng" báo giới quốc tế
Các cuộc mít tinh, tuần hành của người Việt Nam hai ngày qua, để phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam đã khiến báo giới quốc tế thực sự bị "đốt nóng".
"Tuần hành lớn tại Việt Nam xung quanh giàn khoan gây tranh cãi của Trung Quốc"; "Các cuộc tuần hành của người Việt Nam chống Trung Quốc lên cao, căng thẳng khu vực gia tăng"; "Phản đối hiếm thấy tại Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc rút lui trong tranh cãi về chủ quyền biển"; "Người Việt xuống đường phản đối giàn khoan Trung Quốc"...là những dòng tít lớn đang xuất hiện ngày một dày trên các tờ báo và các trang tin lớn của thế giới, phản ánh không khí hừng hực của người Việt Nam xuống đường tuần hành phản đối việc Trung Quốc ngang ngược xâm phạm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.
Hình ảnh người Việt Nam xuống đường phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền xuất hiện khắp các mặt báo thế giới
Các hãng tin lớn hàng đầu thế giới như AFP, AP, Reuters...đều có những bài tường thuật chi tiết về không khí tuần hành chống sự xâm phạm chủ quyền trái phép của Bắc Kinh tại Hà Nội, TP HCM và các tỉnh, thành phố khác.
"Khoảng 1000 người, từ cựu chiến binh tới học sinh, sinh viên đã giương cao những biểu ngữ tuyên bố "Trung Quốc ngừng ăn cắp dầu của Việt Nam" hay "quyết chiến với Trung Quốc", và hát những bài hát yêu nước tại một công viên đối diện đại sứ quán Trung Quốc", hãng tin AFP của Pháp tường thuật.
"Đây là cuộc xuống đường chống Trung Quốc lớn nhất tôi từng thấy ở Hà Nội", bài báo dẫn lời cụ Đặng Quang Thắng, 74 tuổi, tham gia biểu tình cho biết. "Sự kiên nhẫn của chúng tôi có giới hạn. Chúng tôi đến đây để thể hiện ý chí của người Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền bằng mọi giá. Chúng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ tổ quốc".
Các cuộc tuần hành cũng diễn ra tại thành phố Đà Nẵng ở miền Trung và thành phố Hồ Chí Minh ở phía Nam trong ngày Chủ nhật, bài viết cho biết thêm.
Nhiều tờ báo lớn trên thế giới trong đó có tờ Tấm Gương của Anh và Kênh tin tức châu Á tại Singapore đã đăng tải lại bài viết này, kèm theo hình ảnh những người Việt Nam vẫy cờ tổ quốc, giơ cao băng rôn phản đối sự vi phạm chủ quyền thô bạo của Trung Quốc.
Từ nước Mỹ xa xôi, tờ Thời báo New York đã đăng tải lại bài viết của hãng tin Reuters về không khí biểu tình chống Trung Quốc, kèm bình luận Việt Nam đã phản ứng mạnh mẽ trong lần này bất chấp nguy cơ có thể khiến người láng giềng mà Việt Nam có kim ngạch thương mại song phương tới 50 tỷ USD trong năm ngoái "nổi giận".
"Việt Nam đã phản ứng mạnh mẽ trong lần này, với những đe dọa về khởi kiện quốc tế, và tuyên bố đáp trả quân sự trước sự hung hăng của Trung Quốc", bài báo viết.
Tinh thần yêu nước, quyết phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của người Việt Nam đang được khẳng định
Trong khi đó, hãng tin tài chính Bloomberg của Mỹ cũng có bài tường thuật hoạt động xuống đường tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông.
"Khoảng 1000 người đã tuần hành trên các đường phố TP HCM, trong khi hàng trăm người tập trung trước một quảng trường bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Hà Nội...Cũng có những cuộc biểu tình quy mô nhỏ hơn ở Đà Nẵng và Huế, miền Trung Việt Nam", tác giả khẳng định.
Tại Hong Kong, tờ Bưu điện hoa nam buổi sáng (SCMP) thì dẫn lại bài viết của hãng tin AP phản ánh không khí sục sôi tại Hà Nội với nhận định: "Sự giận dữ của người Việt Nam đối với Trung Quốc hiện đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, sau khi Bắc Kinh triển khai một giàn khoan Hải Dương 981" vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.
Bài viết của AP còn đăng tải ý kiến của nhiều nghị sỹ Mỹ, chỉ trích hành vi của Trung Quốc. Trong ngày thứ Sáu, một nhóm gồm 6 nghị sỹ Mỹ, do Chủ tịch ủy ban đối ngoại Thượng viện dẫn đầu, đã ra thông báo gọi những hành động của Trung Quốc là "gây rối nghiêm trọng", sau khi Bắc Kinh tuyên bố hồi tuần sẽ di chuyển một giàn khoan dầu vào vùng thuộc thềm lục địa của Việt Nam.
"Động thái gần đây của Trung Quốc trong việc dùng các tàu quân sự và tàu khác để hộ tống một giàn khoan dầu vào Biển Đông, ngoài khơi Việt Nam - và các chiến thuật hiếu chiến được các tàu Trung Quốc sử dụng sau đó, bao gồm cả việc đâm vào tàu Việt Nam là gây rối nghiêm trọng", các thượng nghị sỹ tuyên bố. "Những hành động này đe dọa sự lưu thông tự do của thương mại toàn cầu".
Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN-24 về tình hình Biển Đông Ngay 11/5, Chu tịch Hội nghị cấp cao Hiêp hôi cac quôc gia Đông Nam A (ASEAN) lân thư 24 đã ra tuyên bô vê tinh hinh hiện nay ở Biên Đông. Các nhà lãnh đạo ASEAN trong phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 tại thủ đô Myanmar Nay Pyi Taw (Ảnh: Đức Tám). Tuyên bô nêu ro:...