Vụ dùng “sổ đỏ” giả vay ngân hàng hơn 70 tỷ đồng: “Siêu lừa” Lê Bá Quỳ đã được “giúp” như thế nào?
CQĐT CATP Hà Nội đã hoàn tất và chuyển Viện KSND TP kết luận điều tra bổ sung vụ án Lê Bá Quỳ cùng đồng phạm can tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bản kết luận điều tra bổ sung này đã làm rõ vai trò của một số cán bộ tín dụng trong việc để Lê Bá Quỳ vay được hàng chục tỷ đồng.
Lê Bá Quỳ và tang vật vụ án bị CQĐT thu giữ
Như Báo ANTĐ đã đưa tin, trước đó, CQĐT CATP Hà Nội đã hoàn tất quá trình điều tra vụ án, làm rõ trong các năm 2009 và 2010, Lê Bá Quỳ đã thông đồng với Phùng Văn Thuý, nhân viên hợp đồng của Phòng Tài nguyên & môi trường huyện Gia Lâm, để Thuý lấy trộm của cơ quan hơn 30 “phôi” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, Quỳ đi “đặt” làm 21 “sổ đỏ” giả mang tên Quỳ và vợ Quỳ là Nguyễn Thị Lệ Thuỷ. Thời gian này, Quỳ thành lập 4 công ty, lập các hợp đồng kinh tế khống ký kết mua bán hàng hoá, nguyên vật liệu giữa các công ty đó, sau đó dùng “sổ đỏ” giả vay tiền của 6 ngân hàng với tổng số tiền hơn 70 tỷ đồng. Ngoài ra, Lê Bá Quỳ còn dùng 1 “sổ đỏ” giả và 1 xe ô tô đã thế chấp tại một ngân hàng để vay, chiếm đoạt của 1 cá nhân gần 2,3 tỷ đồng. CQĐT xác định hành vi của Quỳ có đủ yếu tố cấu thành các tội danh làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án này, CQĐT CATP Hà Nội khởi tố bị can đối với 5 cán bộ ngân hàng về tội danh vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, gồm: Phạm Văn Sơn, Nguyễn Thị Hồng Tú, Nguyễn Phú Cường, Bùi Văn Hải và Nguyễn Văn Tiệp. Sau đó, Viện KSND TP ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung 3 nội dung, trong đó nội dung quan trọng nhất đề cập đến vai trò, trách nhiệm của các cán bộ tín dụng.
Kết quả điều tra bổ sung cho thấy, Phạm Văn Sơn là cán bộ tín dụng được giao nhiệm vụ thẩm định hồ sơ, kiểm tra, thẩm định, định giá tài sản thế chấp khi Công ty Quỳ Leather của Lê Bá Quỳ làm thủ tục vay vốn. Sơn đã không làm đúng các quy định của ngân hàng, tự ý nâng Công ty Quỳ Leather lên doanh nghiệp loại A để được ưu đãi khi vay vốn, trong khi công ty này mới thành lập được 1 tháng. Phạm Văn Sơn thừa nhận chỉ thẩm định trên hồ sơ vay vốn, không đi kiểm tra thực tế hoạt động của doanh nghiệp, không kiểm tra cụ thể tài sản thế chấp mà vẫn báo cáo thẩm định đề xuất cho Công ty Quỳ Leather vay vốn, dẫn đến việc Quỳ dùng 2 “sổ đỏ” giả thế chấp vay, chiếm đoạt hơn 14 tỷ đồng.
Tương tự, Bùi Văn Hải khi tiến hành thủ tục cho vay vốn đối với Công ty Thuỷ’s Ceramics đã không kiểm tra cụ thể hoạt động của công ty này nên không phát hiện được “Thuỷ’s Ceramics” thực chất không hoạt động, từ đó tạo điều kiện để Lê Bá Quỳ dùng 3 “sổ đỏ” giả vay được hơn 15 tỷ đồng. Đồng phạm tích cực với Hải trong phi vụ này Nguyễn Phú Cường, hiện bị truy tố về tội danh vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Công ty “ma” “Thuỷ’s Ceramics” còn kéo theo sự “nhúng chàm” của cán bộ tín dụng Nguyễn Văn Tiệp. Khi thẩm định hồ sơ, kiểm tra định giá tài sản, do làm sai quy định, thẩm định nên Tiệp không phát hiện được “Thuỷ’s Ceramics” không hoạt động. Không chỉ vậy, Tiệp không trực tiếp đi đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản thế chấp mà để Quỳ tự đi làm. Từ đó, Quỳ đã dùng 4 “sổ đỏ” giả vay của cơ quan Tiệp 11 tỷ đồng, mới trả được 4 tỷ đồng. Bị can thứ năm là Nguyễn Thị Hồng Tú, cũng liên quan đến phi vụ vay vốn của “Thuỷ’s
Ceramics”.
Tú đã không làm đúng các quy định của ngân hàng nên không phát hiện được “Thuỷ’s Ceramics” không hoạt động, và không phát hiện được 4 “sổ đỏ” Quỳ thế chấp là giả. Mặc dù việc đi đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản thế chấp là của bộ phận khác nhưng Tú vẫn nhiệt tình viết đơn đề nghị ngân hàng cho Tú trực tiếp đi đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản thế chấp. Sau đó, Tú giao cho Quỳ tự đi làm. Hậu quả của hành vi này là Quỳ đã vay, chiếm đoạt được hơn 13 tỷ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan công an có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi của số cán bộ ngân hàng trên phạm vào tội danh vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo ANTD
Lộ mặt "siêu lừa" Lê Bá Quỳ
Thành lập 4 công ty TNHH, "chế" giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, thông đồng với đối tượng trộm "phôi" "sổ đỏ" của cơ quan Nhà nước... kẻ liều lĩnh đó là Lê Bá Quỳ (SN 1969), nhà ở huyện Gia Lâm.
Hàng loạt hành vi phạm pháp trên của Lê Bá Quỳ nhằm vay, chiếm đoạt tiền của Nhà nước và các cá nhân, từ đó tìm cách "bùng". Bị hại của Quỳ và đồng phạm trong vụ án này, ngoài các cá nhân còn có gần 10 tổ chức tín dụng ở nhiều quận, huyện của Hà Nội.
CQĐT xác định, từ năm 2009, Lê Bá Quỳ đã thông đồng, bàn bạc với Phùng Văn Thúy (SN 1979), nhân viên hợp đồng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm để lấy trộm hơn 30 "phôi" giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ những "phôi" thật này, Quỳ đã liên kết với một số đối tượng để làm "sổ đỏ" giả mang tên Lê Bá Quỳ và vợ là Nguyễn Thị Lệ Thủy, mục đích để thế chấp vay tiền ngân hàng. Cùng thời điểm này, Lê Bá Quỳ thành lập 4 công ty, gồm Công ty TNHH My Quý, Công ty CP Quỳ Leather, Công ty TNHH một thành viên Thủy's Ceramics và Công ty TNHH Lê Thanh Thanh. CQĐT làm rõ, trong 4 công ty trên, chỉ có Công ty TNHH My Quý do Quỳ trực tiếp làm giám đốc là có hoạt động kinh doanh. Những công ty còn lại Quỳ thuê người làm giám đốc, kế toán, thực chất để có tư cách pháp nhân đi vay tiền ngân hàng. Không chỉ vậy, Quỳ còn dùng pháp nhân của 4 công ty này để lập các hợp đồng kinh tế khống, ký kết làm giả việc mua bán hàng hóa, nguyên vật liệu giữa 4 công ty với nhau và dùng 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để vay tiền của 6 ngân hàng.
Hành vi phạm pháp của Lê Bá Quỳ bị lộ tẩy qua quá trình CAH Gia Lâm truy xét, điều tra vụ mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm. Quá trình CAH Gia Lâm điều tra, một cá nhân đã đến tố cáo việc bị mua phải mảnh đất có "sổ đỏ" giả, có liên quan đến Lê Bá Quỳ. Theo tường trình của cá nhân này, mảnh đất giao dịch với Quỳ là có, tuy nhiên khi tìm hiểu, thực chất, người có quyền sử dụng hợp pháp mảnh đất trên lại không phải là Lê Bá Quỳ. Ngay sau đó, Lê Bá Quỳ bị triệu tập đến CQĐT CAH Gia Lâm, và đã phải khai nhận hành vi phạm pháp. Vụ án được chuyển đến CQĐT CATP Hà Nội để điều tra theo thẩm quyền. Đến thời điểm này, CQĐT làm rõ Lê Bá Quỳ đã vay được hơn 70 tỷ đồng, và mới trả nợ được hơn 10 tỷ đồng cho ngân hàng. Trong vụ án này, có trách nhiệm liên đới của một số cá nhân công tác tại một ngân hàng lớn ở huyện Gia Lâm, khi đã duyệt hồ sơ cho Quỳ vay tiền nhưng "bỏ qua" khâu kiểm tra thực tế tài sản của khách hàng.
Ngoài ra, Lê Bá Quỳ còn khai nhận khoảng tháng 1-2010, anh ta dùng 3 "sổ đỏ" giả mang tên Lê Bá Quỳ - Nguyễn Thị Lệ Thủy để ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho anh Trần Việt Anh, nhà ở quận Hai Bà Trưng, và Đặng Thị Ngọc, nhà ở Đống Đa, để vay gần 10 tỷ đồng của hai cá nhân này. Để phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án, CQĐT đề nghị 2 bị hại Trần Việt Anh và Đặng Thị Ngọc liên hệ đến Đội 9-Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CATP Hà Nội, số 40B Hàng Bài, Hoàn Kiếm, để giải quyết. Gặp ĐTV Nguyễn Hồng Quang; ĐT: 043.9396712.
Theo ANTD