Vụ dùng nhục hình: nhiều điểm cần phải xét lại
“Kết quả xử lý của các cơ quan tố tụng có nhiều dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt người phạm tội, mức hình phạt quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội; thẩm quyền truy tố, xét xử chưa hợp lý”, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Nga nói.
LTS: Vụ án 5 cán bộ công an TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đánh chết nghi can Ngô Thanh Kiều vừa được đưa ra xét xử. Kết quả điều tra, truy tố, xét xử gây nhiều bức xúc trong dư luận. Trao đổi với TS, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho hay, “kết quả xử lý của các cơ quan tố tụng có nhiều dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt người phạm tội, mức hình phạt quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội”.
Bà Lê Thị Nga phân tích cụ thể bảy vấn đề quanh vụ việc này.
Tại thời điểm hiện nay, dù chưa có trong tay Bản án sơ thẩm, nhưng qua theo dõi thông tin trên báo chí, trao đổi với một số người tham gia tố tụng và một số người có thẩm quyền ở địa phương trực tiếp theo dõi phiên tòa, đối chiếu với các quy định của pháp luật, chúng tôi thấy nhiều bức xúc của dư luận cử tri là có căn cứ.
Kết quả xử lý của các cơ quan tố tụng và nhất là cáo trạng, diễn biến tại phiên tòa, nội dung tuyên án sơ thẩm của TAND Thành phố Tuy Hòa có nhiều dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt người phạm tội, mức hình phạt quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội; thẩm quyền truy tố, xét xử chưa hợp lý.
Thân nhân nạn nhân Ngô Thanh Kiều tại phiên tòa. Ảnh: TS
Về những dấu hiệu của việc bỏ lọt người, lọt tội
Có căn cứ rõ ràng của việc những người có thẩm quyền của Công an Tuy Hòa đã bắt, giữ người trái pháp luật Điều 123 BLHS (bắt người không có lệnh, bắt vào ban đêm không thuộc trường hợp bắt khẩn cấp, quả tang, bắt truy nã). Tội phạm đã hoàn thành, không có căn cứ pháp lý để khẳng định “chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” như kết luận của VSKND và TAND Thành phố Tuy Hòa. Về trách nhiệm, ông Lê Đức Hoàn – Phó Trưởng Công an Thành phố Tuy Hòa, Trưởng Ban chỉ đạo chuyên án 312T và những cán bộ tham gia vào việc bắt anh Kiều phải bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi này.
Với trách nhiệm là Phó trưởng Công an Thành phố Tuy Hòa – Trưởng Ban chuyên án, trực tiếp phân công cán bộ cấp dưới thực hiện nhiệm vụ điều tra nhưng ông Hoàn không quản lý, giám sát, kiểm tra cán bộ điều tra để xẩy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là chết người, hành vi này có đủ dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 285 BLHS). Việc VKSND, TAND Thành phố Tuy Hòa đánh giá hành vi này “chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” là thiếu căn cứ.
Ngoài ra, có thông tin cho biết ông Hoàn là người chỉ đạo toàn bộ chuyên án, có mặt tại phòng xét hỏi nhưng không ngăn cản việc dùng nhục hình, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Nếu thông tin này được kiểm chứng là đúng thì ông Hoàn còn có dấu hiệu đồng phạm của tội “ Dùng nhục hình”. Các nội dung này cần được kiểm tra, làm rõ.
Về việc xác định tội danh
Các thông tin cho biết anh Ngô Thanh Kiều bị bắt từ 3h sáng ngày 15/3/2013, bị bỏ đói (xét nghiệm tử thi không có thức ăn trong dạ dày), bị các cán bộ công an dùng dùi cui đánh với 72 vết thương trên người dẫn đến tử vong. Các tội danh cần được đặt ra để xem xét có thể là: Giết người; Cố ý gây thương tích, Cố ý gây thương tích trong thi thi hành công vụ; Dùng nhục hình.
Dư luận cử tri, các thẩm phán, luật sư và các chuyên gia luật có nhiều kiến nghị cho rằng: việc xác định tội danh như tuyên án của TAND Thành phố Tuy Hòa là chưa chính xác. Chúng tôi đề nghị cơ quan tố tụng cần phải phân tích kỹ hành vi của các bị cáo, căn cứ vào Bộ luật hình sự để xác định đúng tội danh. Đặc biệt lưu ý là trong trường hợp này, có nhiều căn cứ cho thấy việc bắt anh Kiều là trái pháp luật và anh Kiều chưa bị khởi tố bị can.
Theo pháp luật hiện hành, đối với cơ quan tố tụng, hoạt động tiền tố tụng có thể được bắt đầu từ giai đoạn xử lý tin báo, nhưng đối với công dân, lúc này anh Kiều vẫn là công dân bình thường, hoạt động điều tra tố tụng chưa có hiệu lực đối với người chưa có quyết định khởi tố bị can, đó mới chỉ là hoạt động xác minh.
Video đang HOT
Phó CN Ủy ban Tư pháp QH Lê Thị Nga
Trong khi đó, tội “Dùng nhục hình” chỉ áp dụng đối với chủ thể đặc biệt là người có thẩm quyền được giao, được phân công nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đây là điểm mà cơ quan tố tụng cần hết sức lưu ý khi xác định hành vi của các cán bộ công an trên có thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội “Dùng nhục hình” hay không? Đáng lưu ý là, theo thông tin cho biết: hiện hồ sơ và lời khai tại phiên tòa cũng cho thấy: không có sự phân công bằng văn bản các cán bộ công an trên thực hiện nhiệm vụ điều tra, xác minh đối với anh Kiều, do đó cần làm rõ các cán bộ này có phải là người thực hiện công vụ không? Bản án chưa thuyết phục được công luận về điểm này. Cấp phúc thẩm cần phải kiểm tra, xác định rõ.
Có hay không có đồng phạm trong việc dùng nhục hình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng?
Qua phản ánh cho thấy: nội dung tuyên án chưa đánh giá một cách khách quan và chính xác có hay không có đồng phạm trong việc dùng nhục hình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến việc xác định khung hình phạt và mức án tuyên cho các bị cáo thiếu thuyết phục.
Thông tin cho biết: duy nhất bị cáo Thành bị truy tố ở Khoản 3 Điều 298 (phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng), còn các bị cáo khác chỉ bị truy tố ở khoản 1 với mức hình phạt nhẹ. Nếu xác định có đồng phạm thì tất cả những bị cáo này đều phải chịu trách nhiệm về hậu quả cuối cùng là gây chết người và đều phải bị truy tố ở khoản 3 Điều 298 BLHS, chỉ có thể cá thể hóa hình phạt qua xác định vai trò của các bị cáo.
Nhưng theo nội dung cáo trạng và nội dung tuyên án được phản ánh thì hành vi của bị cáo Thành và hành vi của các bị cáo khác được xác định như những hành vi phạm tội độc lập, mỗi bị cáo hành động độc lập và chịu trách nhiệm về riêng hành vi của mình. Điều này là chưa thuyết phục. Bởi sẽ là bất hợp lý khi bắt một người vào trụ sở Công an Thành phố Tuy Hòa – một cơ quan công quyền, sau đó từng cán bộ công an một, mỗi người dùng dùi cui đánh nhiều cái vào người anh Kiều lên đến tổng thể 72 vết thương cho đến chết nhưng không có đồng phạm. Việc xác định có hay không có đồng phạm sẽ ảnh hưởng lớn đến xác định khung hình phạt của từng bị cáo. Vấn đề này cần phải làm rõ.
Đối với 5 cán bộ công an, cần phải xác định rõ người nào được giao nhiệm vụ xác minh vụ án (lưu ý việc giao này phải theo đúng trình tự thủ tục quy định). Nếu những người không có chức trách, nhiệm vụ mà tự ý vào đánh anh Kiều thì phải xác định rõ tội danh là “Giết người” hoặc “Cố ý gây thương tích” chứ không thể là tội “Dùng nhục hình” – tội gắn với chủ thể đặc biệt là người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra.
Về mức hình phạt đối với các bị cáo
Bà Lê Thị Nga cho hay, bà đã gửi kiến nghị đến lãnh đạo cơ quan hữu quan (Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC) đề nghị chỉ đạo kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền. Kiến nghị cũng đã được gửi đến ông Nguyễn Xuân Phúc -Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Ông Nguyễn Bá Thanh – Trưởng Ban nội chính Trung ương; Bà Lê Thị Thu Ba – Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương để biết và xử lý theo thẩm quyền.
Cả phía gia đình bị hại và dư luận cho rằng, với tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội của các bị cáo, tác động đối với dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân đối với hoạt động tư pháp và uy tín của Nhà nước thì các mức án đã tuyên là nhẹ, thiếu nghiêm minh (bị cáo Thành chỉ bị tuyên ở mức thấp nhất của khung hình phạt tại khoản 3 Điều 298 BLHS, 1 bị cáo bị phạt 2 năm tù, 1 bị cáo bị phạt 1 năm 6 tháng tù và hai bị cáo được cho hưởng án treo).
Cần phải kiểm sát bản án để xác định tính đúng đắn của các mức hình phạt đã tuyên.
Về giám định pháp y
Theo thông tin cho biết: Anh Kiều bị 72 vết thương tích, kết quả giám định cho thấy: Phần lớn các cơ quan nội tạng bị tổn thương như não, tim, phổi, gan, thận, dạ dày, ruột non, ruột già, tinh hoàn… bị sung huyết, sung huyết các tạng cấp tính và phù não cấp. Nhưng nguyên nhân chết lại được cơ quan giám định pháp y xác định là do chấn thương sọ não. Nhiều ý kiến cho rằng: Kết luận nguyên nhân chết như vậy là có dấu hiệu chưa chính xác, ảnh hưởng đến việc xác định tội danh của các bị cáo, gây bất bình cho gia đình bị hại và công luận. Chúng tôi đề nghị cấp phúc thẩm làm rõ tình tiết này, nếu có căn cứ nghi ngờ tính chính xác của Kết luận giám định thì cần thiết phải trưng cầu giám định lại ở cơ quan giám định khác theo quy định.
Về thẩm quyền xử lý vụ án
Với nội dung quyết định khởi tố của vụ án thì việc Cơ quan điều tra của VKSNDTC tiến hành điều tra là đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, đến giai đoạn truy tố và xét xử, do tính chất nghiêm trọng và phức tạp của vụ án, nên việc để VKSND và TAND Thành phố Tuy Hòa truy tố và xét xử là không hợp lý. Để đảm bảo khách quan và thuận lợi cho hoạt động xét xử, trong trường hợp này, TAND tỉnh Phú Yên cần căn cứ khoản 2 Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự lấy vụ án lên để xét xử.
Về thủ tục tố tụng
Tại phiên tòa và trên báo chí, các luật sư cho rằng việc xét xử có nhiều dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng. Điều này cần được VKSND kiểm sát theo thẩm quyền để đảm bảo tính đúng đắn và nghiêm minh của pháp luật.
Như vậy, rõ ràng, kết quả điều tra, truy tố, xét xử vụ án trên có tác động lớn đến dư luận xã hội, gây phản ứng mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, để đảm bảo pháp luật được chấp hành công bằng và nghiêm minh, góp phần khôi phục và củng cố lòng tin của người dân đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, chúng tôi kiến nghị: Vụ án này cần phải được sớm kháng nghị theo trình tự phúc thẩm để làm sáng tỏ các nội dung nêu trên và có câu trả lời thỏa đáng cho công luận.
Hồng Ngọc (ghi)
Theo_VietNamNet
Vụ 5 công an dùng nhục hình: Bàng hoàng, phẫn nộ, thất vọng
Đó là cảm nhận của ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó TGĐ VTV về bài trả lời phỏng vấn của Chánh án Tòa án TP Tuy Hòa, khi trả lời báo chí về phiên tòa xử 5 công an dùng nhục hình đánh chết một công dân.
Xin trích đăng bài viết của ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó TGĐ Đài truyền hình Việt Nam:
Trong đa số các công việc, người ta chỉ được nhân danh chính bản thân mình. Cao hơn nữa (và phải được công nhận có những phẩm chất, tư cách phù hợp) mới có thể nhân danh tập thể, đơn vị...
Rất cao mới có thể nhân danh một ngành, một hệ thống, đoàn thể, tổ chức. Còn nhân danh cả đất nước, quốc gia chỉ có thể là hàng nguyên thủ và số rất ít người nếu được ủy nhiệm trong những tình huống cụ thể.
Người nhà nạn nhân nghe tuyên án.
Nếu tôi không lầm, duy chỉ trong công việc xét xử là ở mọi cấp thấp cao đều có thể tuyên lên quyết định của mình, mở đầu bằng lời "Nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...".
Bởi lẽ sinh mệnh, quyền tự do, danh dự của mỗi con người là điều cực kỳ quý giá, nên không thể định đoạt với danh nghĩa thấp hơn danh nghĩa quốc gia.
Bởi lẽ công lý là điều thiêng liêng nhất, chỉ có thể nhân danh quốc gia mà tuyên đọc. Ở đây không thể có cái gì là nhân danh cá nhân hay một nhóm người, một đơn vị, một tổ chức, một ngành nghề, thậm chí một hệ thống. Ở đây không chấp nhận áp lực từ một hay nhiều bộ phận, chỉ có áp lực duy nhất, áp lực cao cả: pháp luật của quốc gia và gương mặt lương tâm của quốc gia.
Ông Lương Quang, chánh án Tòa án nhân dân TP Tuy Hòa, người vừa xử vụ án gây xáo động trong dư luận, qua báo chí đã nói rằng chịu nhiều áp lực. Nhưng rõ ràng những áp lực mà ông thổ lộ qua báo chí khác xa với áp lực mà ta nói đến ở trên.
Đọc bài trả lời phỏng vấn của chánh án Lương Quang, mỗi câu đều khiến người ta run lên vì kinh ngạc, bàng hoàng, phẫn nộ và thất vọng, cùng vô số trạng thái khác, chẳng cái nào là dễ chịu.
Nhiều người rơi nước mắt trước hình ảnh đứa con thơ của nạn nhân hôn di ảnh cha.
Không kinh ngạc sao được khi người có trách nhiệm phải phân xử độc lập, chỉ tuân thủ theo pháp luật, lại nói rằng đây là việc "nhạy cảm", "phải biết chọn giải pháp nào để an toàn" (!).
Không bàng hoàng sao được khi ông chánh án vừa dõng dạc "nghiêm minh là phải đúng pháp luật", ngay sau đó lại nói ra cái quan niệm "sai - đúng" là: "Có những việc biết lẽ ra là như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để đảm bảo mối quan hệ cho tốt" (!).
Không xót xa, không phẫn nộ sao được khi ông Quang vừa nói rằng sự thật trên đầu nạn nhân có tới 11 vết thương, và "70 vết thương trên người... nhìn thấy kinh" (ai cũng biết rằng người đó đã bị đánh đến chết, rằng phiên tòa ông Quang chủ trì là phiên tòa xử một vụ án mạng), cùng lúc ông lại nói rằng các bị cáo là những người bị "tai nạn nghề nghiệp".
Xin nhắc lại, năm thủ phạm làm chết một mạng người ngay ở nơi thừa hành công vụ bằng cách thức không thể biện minh, năm người sai trái lời thề, xúc phạm chức trách của mình - là những người bị "tai nạn nghề nghiệp", theo lời vị chánh án (!).
Có cách nào để không thấy chua chát và mỉa mai khi vị chánh án của phiên tòa - người phải làm thiên chức là tìm ra cho được phán quyết đúng nhất với sự thật, người phải chỉ mặt tội ác và đem lại công lý - lại kêu than về những "phức tạp", lại công khai nói rằng chẳng muốn "ôm rơm nặng bụng", "làm cho hết trách nhiệm thôi"?
Thân nhân của nạn nhân mang di ảnh và hình chụp nạn nhân tới tòa.
Có cách nào để hiểu nổi chuyện người cầm cán cân công lý, biết rằng "diễn biến vụ án còn những việc chưa rõ" nhưng lại chép miệng mà quyết theo kiểu "có cái cũng đành vậy chứ" và "xét xử còn có phúc thẩm", hay "luật quy định như vậy nhưng trên thực tế tôi thấy không khả thi"?
Nhưng sau khi cảm giác kinh ngạc, đau xót, phẫn nộ và bất bình khi đọc lời bộc lộ của ông chánh án dịu lại, thì âm ỉ trong người ta là sự lo lắng. Lo lắng cụ thể hơn là về ông Lương Quang. Nổi lên ở ông là... sự hồn nhiên.
Tôi đọc thấy trong muôn vàn phản ứng bất bình đang đầy trong dư luận có vài lời nói đến sự "thật thà" của ông chánh án bộc lộ qua những câu trả lời phỏng vấn. Vâng, đó là sự hồn nhiên. Đó là sự thật thà. Nhưng với nội dung vụ án này, đó là sự hồn nhiên và thật thà không thể chấp nhận được.
Theo Người đưa tin
Vụ 5 công an dùng nhục hình: Hoan hô ông chánh án! Trong vụ án 5 công an dùng nhục hình, sự thật thà của ông Lương Quang, Chánh án TAND TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, đã giúp dư luận nhận ra bộ mặt thật của các cơ quan tố tụng khi giải quyết vụ án này. Mấy ngày gần đây, tôi theo dõi rất kỹ diễn biến vụ xử 5 công an dùng...