Vụ đụng độ ở bãi cạn Scarborough: Philippines chờ TQ giữ lời
Trung Quốc đã tỏ ý muốn rút tàu khỏi khu đầm phá tại bãi cạn tranh chấp Scarborough, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết hôm 15-6.
Tàu hải giám Trung Quốc xuất hiện gần khu vực tranh chấp với Philippines ở biển Đông. Ảnh: REUTERS
“Hiện tàu Trung Quốc vẫn đang hiện diện tại bãi đá ngầm Scarborough và chúng tôi đang đợi phía Bắc Kinh rút toàn bộ số tàu của họ ra khỏi khu vực”, ông Del Rosario nói với các phóng viên trong cuộc gặp tại khách sạn Manila Peninsula ở thành phố Makati.
Cuộc họp báo diễn ra bên lề lễ ký kết thành lập Ủy ban hợp tác song phương với Ngoại trưởng Malaysia U Wunna Maung Lwin đang có chuyến thăm tới Philippines.
Trung Quốc đã cam kết sẽ rút tàu trong “vài ngày tới”, ông Del Rosario tiết lộ.
“Chúng tôi đang chờ đợi phía Bắc Kinh giữ đúng cam kết của mình”, ông Del Rosario nhấn mạnh.
Theo các báo cáo từ Lực lượng Bảo vệ bờ biển, hiện có khoảng 20 tới 26 tàu cá Trung Quốc đang hoạt động tại khu vực bãi cạn trong ngày 14-6.
Trước đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định rằng, cách duy nhất để giải quyết các bế tắc hiện nay với Trung Quốc là thông qua trung gian quốc tế. Đồng thời ông Rosario cũng tuyên bố rằng Philippines vẫn giữ ý định đưa tranh chấp về chủ quyền bãi cạn Scarborough với Trung Quốc ra giải quyết tại tòa án quốc tế về Luật Biển.
Theo NLD
Video đang HOT
Dân Philippines có vẻ muốn giải quyết "êm" với Trung Quốc
Trong khi hầu hết người Philippines cho rằng chính phủ họ không nên chùn bước trước sức ép từ phía Trung Quốc về Biển Đông thì một số người dân nước này cho rằng Manila nên cải thiện những nỗ lực ngoại giao để giải quyết tranh chấp.
Đa số người dân Philippines ủng hộ cứng rắn với Trung Quốc nhưng nhiều người cũng muốn tăng cường ngoại giao giữa hai nước.
Khi cuộc tranh cãi về chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippine về Biển Đông tiếp diễn, thì người Philippines lại đang lo lắng về tác động của cuộc tranh chấp này đối với mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Tuần trước, Trung Quốc phủ nhận quân đội nước này đang tăng cường sự chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đối đầu quân sự.
Trong khi hầu hết người Philippines cho rằng chính phủ của họ đã đúng khi không nhượng bộ sức ép của Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông và cuộc tranh chấp đã có dấu hiệu dịu bớt trong những ngày gần đây, thì một số khác lại cho rằng đáng lẽ Manila có thể xử lý tốt hơn bằng con đường ngoại giao và có thể tìm đến cộng đồng người Hoa-Philippines để làm cầu nối với đại lục.
"Cả hai bên đều đã tìm cách giảm nhẹ vấn đề trước mắt bằng cách đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở vùng biển này", Aileen Baviera, giáo sư của Trung tâm nghiên cứu châu Á tại trường đai học Philippines nhận xét. Tuy nhiên theo bà, gốc rễ của cuộc tranh chấp vẫn chưa được giải quyết, "Các tuyên bố chủ quyền của hai nước về vùng biển này vẫn còn đó".
Mặc dù bãi cạn nằm cách đất liền Philippines 140 hải lý, nếu theo Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển thì thuộc khu vực đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của Philippines, nhưng Bắc Kinh vẫn tuyên bố khu vực này thuộc về Trung Quốc.
"Chúng ta không thể chùn bước về vấn đề này, chúng ta không thể nói rằng (vùng biển này) thuộc về Trung Quốc", Ricky Carandang, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, nói.
Một biểu hiện của sự suy giảm quan hệ với Trung Quốc do cuộc tranh chấp giữa hai nước hiện nay là các công ty kinh doanh tại khu phố Trung Hoa ở Manila đang gặp khó khăn. Các nhà buôn vàng và các hiệu thuốc Bắc ở đây gần như trống trơn và số du khách Trung Quốc đến Philippines giảm mạnh.
"Chúng tôi đã mất 65 đơn đặt hàng do lệnh cảnh báo về du lịch của Trung Quốc. Điều đó đã ảnh hưởng lớn đến công việc làm ăn của chúng tôi", Bety Ong, giám đốc điều hành tại khách sạn Lido Paris ở khu phố Trung Hoa than vãn. Cô là thế hệ người Trung Hoa thứ 4 sống tại Philippines và vừa về thăm Trung Quốc.
"Tôi vừa bay về từ Bắc Kinh hôm 13/5 và chuyến bay đó trống nửa số ghế", cô cho biết.
Tuy nhiên, hiện Philippines chưa có đại sứ tại Bắc Kinh và để đáp trả lời than vãn của Trung Quốc vì thiếu giao tiếp giữa hai bên, tuần trước Manila đã gửi 2 đặc phái viên lâm thời đến giải quyết các vấn đề về kinh doanh và chuẩn bị cho chuyến thăm của các quan chức Philippines đến Trung Quốc.
"Chúng tôi đã ghi nhận quan điểm của Philippines đề cao mối quan hệ song phương và chúng tôi hi vọng sẽ được chứng kiến những bước đi cụ thể từ phía Philippines để tạo ra bầu không khí cần thiết và môi trường thuận lợi cho hợp tác song phương", phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh.
Một số người cho rằng các hoạt động trao đổi giao lưu văn hóa có thể giúp cải thiện mối quan hệ hai bên. "Lúc này, điều quan trọng hơn bao giờ hết là tiến hành các dự án phi chính trị giữa hai quốc gia", Doreen Yu, một biên tập viên của tờ báo Philippine Star, phát biểu.
Cô Yu đã tổ chức một cuộc giao lưu về múa ba lê giữa Manila và Thượng Hải nhưng dự án hiện đang bị trì hoãn do các vũ công Trung Quốc chưa xác nhận liệu có họ có đến tham dự sự kiện này sau vụ đối đầu hồi tháng Tư.
Cuộc khủng hoảng diễn ra ngay trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Philippines diễn ra vào năm sau. Điều này có nghĩa là một số chính trị gia của nước này có thể đang dùng cuộc khủng hoảng này để khơi dậy tình yêu nước. "Điều đáng lo ngại là một ai đó hoặc một tổ chức nào đó có động cơ xấu sẽ giương cao lá cờ yêu nước giả tạo", Yu nói.
Luận điểm chống Trung Quốc gay gắt đã góp phần cho các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trên khắp Manila - mặc dù các cuộc biểu tình này chỉ thu hút được vài trăm người. Tuy vậy, một số người Philippines cho rằng các nhà lãnh đạo quốc gia nên chọn những từ ngữ hợp lý hơn khi bình luận về Trung Quốc. "Việc dùng những từ biểu cảm như "bắt nạt" nghe thì hay nhưng lại không tốt về mặt ngoại giao", Teresita Ang See, giám đốc trung tâm văn hóa Trung Quốc-Philippines tại Manila nhận xét.
Cô Ong cho biết cô đã nói chuyện với một số sinh viên Trung Quốc có ý định rút ngắn thời gian học tập tại Manila và quay về nhà.
"Bố mẹ họ muốn họ quay về nhà. Một số người ở Trung Quốc lo ngại rằng sẽ có hành động trả đũa người Trung Quốc ở đây nhưng đó chỉ là sự thiếu hiểu biết về văn hóa Philippines. Chúng tôi là dân tộc rộng lượng, thấu hiểu và theo đạo Thiên Chúa", cô Ong nói.
Do sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc ngày càng gia tăng, Hoa Kỳ đã tìm kiếm thêm bạn mới tại khu vực Đông Nam Á. Tổng thống Philippines Benigno Aquino có thể sẽ kí kết thêm hợp tác về quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Philippines khi ông đến thăm Nhà Trắng vào cuối năm 2012. Hoa Kỳ và Philippines là đồng minh theo hiệp ước kể từ năm 1951.
Nhưng theo Teresita Ang See, sự tham gia của Hoa Kỳ vào cuộc tranh chấp có thể đem đến rắc rối. "Họ nên tránh dính líu vào vụ việc", bà nhận xét và cho rằng cuộc tập trận song phương vừa qua giữa Hoa Kỳ và Philippines có thể đã thúc đẩy Trung Quốc tăng cường hiện diện tại bãi cạn Scarborough.
Philippines cho biết nước này muốn giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế.
"Đưa cuộc tranh chấp ra trước luật pháp quốc tế sẽ có lợi do điều đó sẽ giúp đưa cuộc xung đột ra một diễn đàn trung lập và có tính pháp lý nhiều hơn là tính chính trị", giáo sư Baviera nói.
Tuy nhiên, Philippines với sức mạnh quân đội yếu ớt không muốn tiếp tục tình trạng căng thẳng quân sự nghiêm trọng,. "Không bên nào muốn leo thang", ông Carandang nói.
Hôm qua, Trung Quốc lên tiếng "phản đối mạnh mẽ" động thái của Philippines nhằm đưa bên thứ ba vào giải quyết tranh chấp về bãi cạn Scarborough tại biển Đông.
Động thái này sẽ "làm gia tăng hơn nữa tình hình và thậm chí là sẽ thay đổi bản chất của vấn đề", người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh.
Tuyên bố của Trung Quốc đưa ra sau khi giới truyền thông Philippines dẫn lời Bộ trưởng ngoại giao nước này rằng một số quốc gia đang giúp Philippines đạt được "năng lực quốc phòng tối thiểu" hậu thuẫn cho các hoạt động ngoại giao của nước này giải quyết tranh chấp với Trung Quốc.
Khi được hỏi về thông tin trên từ phía Philippines, ông Hồng Lỗi cho biết Trung Quốc vẫn luôn dùng các kênh ngoại giao để yêu cầu Philippines sửa chữa những sai lầm của mình và giảm căng thẳng cho tình hình. Theo Tân Hoa Xã, ông Hồng Lỗi cũng tái khẳng định rằng đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough) là "một phần không thể tách rời" của lãnh thổ Trung Quốc.
Theo Infonet
Philippines ngăn người dân tự ra bãi cạn tranh chấp Tổng thống Philippines Benigno Aquino yêu cầu nhóm người biểu tình hủy chuyến đi ra bãi cạn Scarborough/ Hoàng Nham, nơi đang có tranh chấp với Trung Quốc. Ông Nicanor Faeldon, người dự định dẫn đầu nhóm biểu tình ra bãi cạn Scarborough/ Hoàng Nham hôm nay. Ảnh: AFP Một nhóm gồm 20 người, dẫn đầu là cựu sĩ quan hải quân Philippines...