Vụ đưa 2 cô gái vào cơ sở xã hội: Công an, ủy ban phường đã làm sai
Theo Quyết định 29/2017 của UBND TP.HCM, chỉ khi nào phát hiện, xác định được người có hành vi xin ăn hay sinh sống nơi công cộng thì cơ quan có thẩm quyền mới tập trung đối tượng và xác minh nơi cư trú…
Từ chiều 27.9, hai cô gái Nguyễn Thị Tuyết Nhung (21 tuổi, quê Tiền Giang) và Lê Thị Kiều (16 tuổi, quê Đồng Nai) đã được Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM cho về sau khi báo chí phản ánh việc họ bị đưa vào trung tâm vì đi uống cà phê mà không mang theo giấy tờ tùy thân.
Mẹ Nhung: “Con tôi có gọi về”
Ngày 28.9, PV Pháp Luật TP.HCM đã gặp bà Lê Thị Mỹ Nghĩa – mẹ của Nhung (54 tuổi, quê Tiền Giang; tạm trú phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM) và được biết Nhung, Kiều đã về quê. Liên lạc qua điện thoại, hai cô đều rất e dè, không muốn nói chuyện.
Bà Nghĩa kể một tháng nay Nhung từ Tiền Giang lên ở với bà và bà chưa đăng ký tạm trú cho Nhung. Khoảng 4 giờ chiều 18.9, Nhung và Kiều đến quán cà phê MU (phường Tam Bình, quận Thủ Đức) uống cà phê. Khi tổ công tác phường Tam Bình đi kiểm tra, Nhung và Kiều không mang theo giấy tờ tùy thân nên bị đưa về công an phường.
5 giờ chiều cùng ngày, bà Nghĩa đi làm về thì nhận được điện thoại của Nhung kêu mang giấy tờ đến Công an phường Tam Bình. “Tôi hoảng quá, lục tìm thì thấy sổ hộ khẩu phôtô công chứng nên mang theo. Sau đó, tui đi được một đoạn thì Nhung gọi điện thoại nói đã bị chuyển qua Trung tâm Hỗ trợ xã hội” – bà Nghĩa kể. Bà Nghĩa chạy tới Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP thì gặp một phụ nữ xưng là cán bộ ở đây nói ngày mai đến giải quyết. Sáng 19.9, bà đem sổ hộ khẩu, CMND đến bảo lãnh con thì cán bộ trung tâm không cho và nói phải chờ trong vòng 30 ngày mới giải quyết.
Hai cô Nhung, Kiều đã được thả ra từ chiều 27.9.
Bà Nghĩa bức xúc kể tiếp: “Tôi năn nỉ, một cán bộ mới nói ưu tiên cho tôi rồi cho một tờ giấy bảo đem về công an xã ở Tiền Giang chứng rồi mang lên. Tôi tức tốc bắt xe về quê để chứng. Ai dè đến ngày 22-9, mang lên nộp thì họ nói đến khi nào thả sẽ báo cho biết. Tôi bực mình quá, đáng ra mình nộp rồi là con được thả liền chứ sao đến năm ngày sau vẫn không thay đổi gì nên nhờ báo chí vào cuộc”.
Công an, UBND phường: Hai cô không hợp tác
Cùng ngày, Trung tá Huỳnh Văn Dư, Trưởng Công an phường Tam Bình, cho biết việc kiểm tra quán cà phê MU nằm trong kế hoạch do có phản ánh là có hoạt động cờ bạc núp bóng tại đây. “Hôm đó tổ công tác của phường tới quán thì chủ quán không xuất hiện, chỉ có đại diện chủ quán và ba người khác (trong đó có hai cô Nhung, Kiều). Tổ công tác yêu cầu hai cô xuất trình giấy tờ tùy thân nhưng không được nên mời về trụ sở công an phường làm việc” – Trung tá Dư nói.
Theo Trung tá Dư, công an phường đã tạo điều kiện cho hai cô liên hệ gia đình mang giấy tờ đến bảo lãnh nhưng hai cô không hợp tác dù đều có ĐTDĐ. “Chúng tôi yêu cầu hai cô cung cấp thông tin nơi thường trú, tạm trú nhưng không được. Hai cô không liên hệ với gia đình, có thể họ sợ gia đình biết nên không cung cấp” – Trung tá Dư nói thêm.
Video đang HOT
Sau đó, công an phường tham mưu cho lãnh đạo UBND phường Tam Bình thống nhất hướng xử lý là đưa hai cô vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP. “Nếu hai cô liên hệ được với người thân và người thân đang đến để làm việc với công an phường thì mình vẫn chờ. Hoặc hai cô cung cấp cho mình được địa chỉ thường trú, tạm trú thì mình vẫn cử cán bộ đi xác minh dù xa hay gần” – Trung tá Dư khẳng định.
Theo văn bản trả lời báo chí của chủ tịch phường Tam Bình, ông Lê Nguyễn Trọng Quốc, tại công an phường, hai cô Nhung, Kiều khai các thông tin gồm: Nguyễn Thị Tuyết Nhung, SN 1996, quê Tiền Giang, không đăng ký tạm trú tại TP.HCM, có mẹ ở TP.HCM nhưng không rõ ở đâu và không liên lạc được. Ngô Thị Kiều, SN 2000, quê quán Đồng Nai, không đăng ký tạm trú tại TP.HCM, không có thân nhân tại TP.HCM. Suốt quá trình làm việc, hai cô không trình được bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Dù công an phường yêu cầu cả hai gọi điện thoại nhờ người thân mang giấy tờ đến bảo lãnh về nhưng hai cô không hợp tác, không gọi điện thoại cho ai. Đến 19 giờ 45 ngày 18-9, công an phường phối hợp với cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội lập hồ sơ đưa Nhung, Kiều vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP. Việc này là theo quy định của UBND TP về quản lý người ăn xin không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TP.
Sai đối tượng quy định!
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và quản lý xử lý vi phạm hành chính – Sở Tư pháp TP, cho biết do không tiếp cận hồ sơ, không nắm được hết nội tình vụ việc nên khó đánh giá được mức độ đúng sai. Tuy nhiên, về mặt quy định thì ngày 19.7.2017 UBND TP đã ban hành Quyết định 29 về việc quản lý người xin ăn không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TP.
Theo Quyết định 29/2017, “người xin ăn” là người đi xin dưới bất kỳ hình thức nào như đàn hát để xin, giả danh tu sĩ Phật giáo để đi khất thực hoặc những hành vi đi xin nhưng có tính đối phó khi kiểm tra như bán vé số dạo, bán bánh kẹo và các hành vi tương tự. “Người sinh sống nơi công cộng” là người thực hiện hoạt động sinh hoạt thường ngày như tắm, giặt, ăn, ngủ nơi công cộng. Khi phát hiện người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng, các quận/huyện thực hiện tập trung đối tượng và thực hiện xác minh nơi cư trú…
Với nội dung báo chí phản ánh thì hai cô Nhung, Kiều không phải là người xin ăn, cũng không phải là người sinh sống nơi công cộng (Quyết định 29/2017 quy định nơi công cộng là “vỉa hè, lòng lề đường, gầm cầu, quảng trường, công viên, vườn hoa, nơi vui chơi giải trí, nhà ga, trạm dừng xe buýt, bến xe, bến tàu, bến cảng, chợ và những nơi công cộng khác” chứ không phải quán cà phê).
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Sơn Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, khẳng định chỉ khi nào phát hiện, xác định được người có hành vi ăn xin, sinh sống nơi công cộng thì cơ quan chức năng mới tập trung đối tượng và thực hiện xác minh nơi cư trú. Do vậy, trường hợp hai cô gái đi uống cà phê không mang theo giấy tờ tùy thân mà bị lực lượng chức năng kiểm tra, lập hồ sơ đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM là hoàn toàn trái quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền công dân và danh dự của họ.
Thừa nhận có sự nóng vội Trung tá Huỳnh Văn Dư thừa nhận việc đưa hai cô Nhung, Kiều vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP có phần chủ quan, nóng vội. “Mình còn nóng vội trong công tác phòng, chống tội phạm. Từ chỗ nóng vội tới chỗ nóng lòng. Với trường hợp này, nếu mình xử lý nhẹ nhàng hơn, nếu mình linh động mời tổ phụ nữ ngồi tâm sự, hỏi các cô tại sao không khai địa chỉ cụ thể để họ phối hợp thì chuyện đã không xảy ra” – ông nói. Sắp tới, theo chỉ đạo của trưởng Công an quận Thủ Đức, các bên liên quan sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ sự việc, đánh giá đúng sai như thế nào để có hướng giải quyết. Chủ tịch UBND phường Tam Bình Lê Nguyễn Trọng Quốc cũng cho biết phường đang lập hồ sơ báo cáo về vụ việc theo chỉ đạo từ cấp trên.
Sở LĐ-TB&XH hẹn trả lời sau Để làm rõ hơn vụ việc, PV Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM nhưng được yêu cầu phải có ý kiến của lãnh đạo Sở LĐ-TB&XHTP. Liên hệ với lãnh đạo Sở, chúng tôi được yêu cầu để lại câu hỏi và Sở sẽ trả lời sau khi có sự tham mưu của phòng Hỗ trợ xã hội.
Theo Nhóm PV (Pháp luật TP.HCM)
Từ vụ 2 cô gái không mang giấy tờ: Ai thuộc diện vào trung tâm bảo trợ xã hội?
Sau sự việc đưa 2 cô gái trẻ vào trung tâm bảo trợ xã hội, nhiều người đặt câu hỏi, ai thuộc diện được chăm sóc tại các trung tâm này?
Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM, nơi 2 cô gái đã phải ở lại nhiều ngày.
Trung tâm bảo trợ xã hội được tiếp nhận những ai?
Vừa qua 2 cô gái Nguyễn Thị Tuyết Nhung (21 tuổi, quê Tiền Giang) và Ngô Thị Kiều (16 tuổi, quê Đồng Nai) bị đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội (HTXH) TP.HCM (thuộc hệ thống trung tâm bảo trợ xã hội của Sở Lao động và thương binh xã hội TP.HCM) không mang theo giấy tờ tùy thân khi đang ở quán cà phê ở phường Tam Bình (quận 11, TP.HCM) và được cho là không hợp tác với lực lượng chức năng của phường trong việc khai báo nơi cư trú.
Hai cô gái bị đưa vào trung tâm HTXH từ ngày 18.9 tới ngày 27.9 mới được hồi gia. "Lạy trời đất, em đã được cho về. Những ngày ở trong đó em rất sợ", Tuyết Nhung nói như vậy với PV sau khi rời khỏi trung tâm HTXH.
Sự việc xảy ra với Nhung và Kiều đã gây xôn xao dư luận mấy ngày qua, nhiều người đặt câu hỏi, những đối tượng nào sẽ được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội và nhà xã hội?
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh) và luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho biết, trung tâm bảo trợ xã hội và nhà xã hội là cơ sở hoạt động vì mục đích nhân đạo, cưu mang những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người không tự lo được cho cuộc sống.
Vì vậy, Chính phủ đã quy định cụ thể những đối tượng nào sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội tại điều 25, Nghị định Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (Nghị định 136/2013/NĐCP).
Theo điều 25, Nghị định 136/2013/NĐCP, đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội gồm: Đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp; đối tượng tự nguyện sống tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội.
Luật sư Tuấn Anh và luật sư Thơm cho biết, các quy định về việc tiếp nhận, đưa đối tượng vào trung tâm bảo trợ xã hội, nhà xã hội như Quyết định về quản lý người xin ăn không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TP.HCM của UBND TP.HCM đều phải căn cứ theo các quy định Nghị định 136/2013/NĐCP.
"Những người được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hộ phải thuộc các đối tượng được quy định tại điều 25 của Nghị định 136/2013/NĐCP", luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.
"Chưa đảm bảo trình tự pháp luật"
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, căn cứ quy định tại Điều 25 Nghị định 136/2013 và Quyết định 29/2017 của UBND TP HCM, trường hợp đưa 2 cô gái này vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM là không thuộc đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.
Để đưa một người vào trung tâm bảo trợ xã hội thì chỉ khi có căn cứ người đó không có địa chỉ thường trú/tạm trú rõ ràng. Việc xác định một người không có địa chỉ thường trú/tạm trú rõ ràng phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó tạm trú/thường trú.
"Chỉ có vài giờ đồng hồ mà cơ quan chức năng đã lập hồ sơ đưa 2 chị này vào trung tâm hỗ trợ xã hội là chưa bảo đảm theo trình tự pháp luật", luật sư Hùng nhận định và cho rằng hai cô gái chưa xuất trình được giấy tờ tùy thân chứ không thuộc diện người ăn xin, lang thang, không có nơi cư trú ổn định như UBND phường Tam Bình nêu.
Trao đổi thêm với PV về trường hợp 2 cô gái Nguyễn Thị Tuyết Nhung và Ngô Thị Kiều bị đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội, luật sư Trần Tuấn Anh và luật sư Nguyễn Anh Thơm đều chung đánh giá, việc cơ quan chức năng đưa hai cô gái này vào trung tâm bảo trợ là nóng vội.
"Theo quy định tại điều 25 của Nghị định 136/2013/NĐCP, không quy định đối tượng sống lang thang, không có nơi cư trú ổn định sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại trung tâm bảo trợ xã hội, nhà xã hội.
Khi cơ quan chức năng muốn đưa 2 cô gái hoặc người nào đó vào cơ sở bảo trợ xã hội thì phải chứng minh được họ là xin ăn và không có nơi cư trú ổn định hoặc thuộc các đối tượng quy định tại điều 25 của Nghị định 136/2013/NĐCP.
Ngược lại, nếu hai cô gái không phải các đối tượng trên thì việc cơ quan chức năng đưa hai cô gái vào trung tâm bảo trợ xã hội là sai quy định, gây ảnh hưởng tới quyền tự do đi lại, sinh hoạt của công dân đã cược Hiến pháp ghi nhận", luật sư Thơm nói.
Luật sư Trần Tuấn Anh thì cho rằng, trong trường hợp hai cô gái Nhung và Tuyết không xuất trình giấy tờ và nói rằng mình là người vô gia cư thì cơ quan chức năng phải có nhiệm vụ xác minh xem khai báo này có thật hay không.
"Không thể loại trừ những đối tượng có nơi cư trú, có khả năng lao động, tự chăm sóc bản thân nhưng cố tình khai man để được vào ở trung tâm.
Vì vậy, nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước là phải xác minh trước khi đưa đối tượng vào trung tâm. Người dân không có nghĩa vụ phải chứng minh, người dân chỉ có nghĩa vụ báo cáo khi cơ quan Nhà nước có yêu cầu. Sau đó, cơ quan Nhà nước phải thẩm tra, xác minh lại việc công dân khai có đúng hay không để có biện pháp xử lý phù hợp.
Nếu hai cô gái không phải người xin ăn, có nơi cứ trú hoặc không thuộc đối tượng quy định tại điều 25 của Nghị định 136/2013/NĐCP thì không được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng", luật sư Tuấn Anh nói.
Các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 136/2013/NĐCP Đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống và không có người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng gồm: Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng và trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không còn khả năng lao động mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác; Người cao tuổi thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội theo quy định của pháp luật về người cao tuổi; Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật. Các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp bao gồm: Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động; Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú; Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Các đối tượng thuộc diện bảo vệ khẩn cấp được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội tối đa không quá 3 tháng. Ngoài ra, một số đối tượng được chăm sóc nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nếu tự nguyện sống hoặc có nhu cầu sống tại đây.
Theo Danviet
Giải trình vụ việc 2 thiếu nữ bị giữ 10 ngày vì không mang CMND Không trình được CMND khi công an kiểm tra, hai cô gái ở quán cà phê bị đưa vào trung tâm xã hội vài giờ sau đó vì "không có nơi cư trú ổn định". Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP HCM cho biết vừa cho gia đình bảo lãnh chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (21 tuổi, quê Tiền Giang) và Ngô...