Vụ Đồng Tâm: “Cán bộ sai cũng bị xử lý”
Ông Nguyễn Hoài Nam – Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội – cho biết, khi nào có kết luận thanh tra đất đai ở Đồng Tâm, thành phố sẽ công bố. Sai chỗ nào thì xử lý chỗ đó, kể cả cán bộ làm sai cũng bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngày 30/6, HĐND TP Hà Nội tổ chức họp báo trước kỳ họp thứ 4 khóa XV. Tại đây, ông Nguyễn Hoài Nam – Trưởng ban Pháp chế – dành nhiều thời gian làm rõ những câu hỏi của phóng viên về vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Ông Nam cho biết, thực hiện theo kết luận Thủ tướng Chính phủ, TP Hà Nội đã chỉ đạo thanh tra đất đai tại Đồng Tâm. Đến ngày 21/6, quá trình thanh tra chính thức kết thúc.
Người dân Đồng Tâm đang mong đợi kết luận thanh tra đất đai trên địa bàn (Ảnh: Tiến Nguyên)
“Khi có kết luận thanh tra, chắc chắn 7 ngày sau thành phố sẽ công bố theo quy định của pháp luật”, ông Nam cho hay.
Còn trách nhiệm của HĐND TP Hà Nội, ông Nam cho biết, hiện nay đang giám sát và theo dõi các bước triển khai theo quy định của pháp luật. Khi nào có kết luận thanh tra HĐND TP Hà Nội sẽ giám sát các bước thực hiện kết luận.
“Đúng – sai, ai đúng – ai sai, sai chỗ nào xử lý chỗ đó, kể cả cán bộ mà sai cũng bị xử lý theo quy định của pháp luật chứ không dừng lại trong việc xin lỗi người dân”, ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Tại buổi họp báo, ông Nam cũng thông tin một số diễn biến gần đây nhất liên quan đến vụ việc ở Đồng Tâm. Cụ thể, Viện Kiểm sát huyện Mỹ Đức đã có cáo trạng, trong tháng 7 tới sẽ xét xử một số cán bộ, lãnh đạo xã Đồng Tâm và phòng ban chuyên môn của huyện có sai phạm trong vấn đề quản lý đất đai.
Trước đó, ngày 21/6, ông Nguyễn Anh Huy – Trưởng đoàn thanh tra (Phó Chánh Thanh tra TP Hà Nội) vừa ký thông báo gửi các sở ngành liên quan và UBND huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm, Lữ đoàn 28 Quân chủng Phòng Không không quân thông báo kết thúc thanh tra tại Đồng Tâm.
Thông báo cho biết, vào lúc 12h00 ngày 21/6/2017, tại vị trí đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, Đoàn Thanh tra đã thông báo kết thúc việc thanh tra trực tiếp tại đơn vị, dưới sự chứng kiến của đại diện Ban Dân nguyện Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, Lữ đoàn 28, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, UBND huyện Mỹ Đức, UBND xã Đồng Tâm.
Video đang HOT
Căn cứ quy định tại Điều 31 Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn Thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, Đoàn Thanh tra thông báo kết thúc việc thanh tra tại các đơn vị từ ngày 21/6/2017.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, dự kiến Hà Nội sẽ hoàn chỉnh và thông báo kết luận thanh tra trên vào đầu tháng 7.
Quang Phong
Theo Dantri
Cấp cơ sở kém, mâu thuẫn mới bùng phát thành điểm nóng
"Có thể nói, sự mâu thuẫn lúc nào cũng có, nhưng chính quyền phải quản lý nó ở mức độ vừa phải, nghĩa là ở giai đoạn công khai đã xử lý được, không cho dẫn tới giai đoạn căng thẳng, đối đầu. Như vậy sẽ thể hiện chính quyền sáng suốt và lành mạnh", GS -TSKH Phan Xuân Sơn - Viện Chính trị học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh điều này khi trao đổi với Dân Việt.
GS -TSKH Phan Xuân Sơn -Viện Chính trị học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Trong xử lý điểm nóng, cấp cơ sở là mắt xích yếu nhất
Thưa GS, không chỉ vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, thời gian qua, nhiều nơi xảy ra điểm nóng có phải do sự bức xúc tích tụ lâu không được giải quyết kịp thời?
- Nói đến điểm nóng, không phải tự nhiên có. Điểm nóng nghĩa là xung đột ở giai đoạn cao, trước đó nó đã đi qua mấy giai đoạn. Thứ nhất là giai đoạn ngầm. Thứ hai là công khai bộc lộ ra bên ngoài. Thứ ba là giai đoạn căng thẳng. Thứ tư là giai đoạn đối đầu và thứ năm là giai đoạn cao hơn nữa mà ít người để ý, đó là không tương dung nhau, nghĩa là một mất, một còn.
Bản chất dẫn đến điểm nóng nằm ở giai đoạn ngầm, nghĩa là sự bức xúc diễn ra trước đó rất lâu nhưng không được phát hiện kịp thời để giải tỏa. Việc không phát hiện ra chủ yếu là do năng lực của người quản lý hay nói cách khác do năng lực của chính quyền cấp cơ sở kém.
Việc để cho sự bức xúc càng ngày càng tích tụ lại, dồn các bên vào thành các phía xung đột thì khi có cớ gì đó thì nó sẽ bùng ra. Như vụ Đồng Tâm, khi Viettel vào triển khai dự án, người dân phải ra khỏi khu đất đó, người dân có hành vi phản kháng, dẫn tới việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, bắt giữ 4 người dân để điều tra, đó là cái cớ dẫn đến căng thẳng bùng phát sau này.
Người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội chào đón Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung về đối thoại cuối tuần qua. Ảnh: M.P
Có nhiều vụ việc khi xảy ra căng thẳng, chính quyền cơ sở dường như tê liệt, người dân họ muốn tìm cấp cao hơn để đối thoại, giải quyết, GS có suy nghĩ gì?
- Qua nghiên cứu về quá trình xử lý các điểm nóng chính trị - xã hội Việt Nam từ vụ xảy ra ở Thái Bình (năm 1997), đến nay đã 20 năm, chúng tôi thấy trong hệ thống chính trị thì cấp cơ sở là mắt xích yếu nhất. Cấp cơ sở là cấp gắn trực tiếp với người dân, được xem là cấp rất quan trọng bởi người dân có tin tưởng vào Đảng và Nhà nước hay không là thông qua hệ thống chính quyền cơ sở.
Cấp cơ sở yếu bởi trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo còn thấp, không có sự đồng đều giữa các vùng miền, nhiều cán bộ chưa được đào tạo bài bản. Trong khi đó, những diễn biến về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước càng ngày càng đa dạng, phức tạp từ vấn đề nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hóa, đô thị hóa, vấn đề dân tộc, tôn giáo, ô nhiễm môi trường... Những vấn đề đó đều động chạm đến cấp cơ sở.
Trong hệ thống thứ bậc của bộ máy, chính quyền cơ sở phải giải quyết rất nhiều chỉ thị, mệnh lệnh từ cấp trên. Có nhiều chỉ thị rõ ràng, nhưng có không ít chỉ thị mâu thuẫn, rồi quy định pháp luật xung đột nhau. Hiện nay, 70% điểm nóng là liên quan đến đất đai, trong khi chính sách đất đai của chúng ta vẫn còn những bất cập.
Ở nhiều địa phương, cán bộ bộc lộ sự quan liêu, tham nhũng, xa rời quần chúng nên người dân mất niềm tin. Khi căng thẳng, bức xúc xảy ra, chính quyền gần như tê liệt. Không riêng vụ việc ở Đồng Tâm, nhiều nơi người dân cũng không tin vào chính quyền cơ sở khi có những chuyện đụng chạm, xung đột, khó khăn gì đó muốn tìm đến cấp trên để giải quyết. Vì thế dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp.
Vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm không phải lần đầu. Dường như chúng ta chưa rút được kinh nghiệm qua những điểm nóng xảy ra trước đó, thưa GS?
- Để xảy ra nhiều điểm nóng, nhiều vụ xung đột giữa chính quyền và người dân chứng tỏ dự báo về phát triển đất nước của địa phương, rồi quá trình giải quyết các mâu thuẫn của chính quyền địa phương còn kém. Cũng phải thấy trong quản lý kinh tế - xã hội của chúng ta có một số vấn đề như luật pháp, cơ chế chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển nhanh.
Trong quá giải quyết những vụ việc phức tạp như ở Đồng Tâm phải luôn luôn dựa vào sự lãnh đạo của Đảng. Phải tin vào dân, dựa vào dân. Dân là ai, chính là những người đang đứng trước mặt chúng ta, thậm chí đang nặng lời, có hành vi quá khích, nhưng phải tin họ là những người hướng thiện, những người nhận ra lẽ phải để cùng giải quyết vấn đề". GS - TSKH Phan Xuân Sơn
Một vấn đề nữa, thời gian qua có một bộ phận không nhỏ cán bộ đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng, trục lợi, lợi dụng những vướng mắc, kẽ hở trong cơ chế chính sách để vơ vét cho cá nhân, khiến hình ảnh của người cán bộ, hình ảnh chính quyền xấu đi trong mắt nhân dân. Khi người dân đã không còn tin tưởng vào chính quyền, họ làm đủ thứ khiến cho tình hình trầm trọng thêm.
Có thể nói, sự mâu thuẫn lúc nào cũng có, nhưng chính quyền phải quản lý xung đột ở mức độ vừa phải, nghĩa là ở giai đoạn công khai đã xử lý được, không cho dẫn tới giai đoạn căng thẳng, đối đầu. Như thế mới thể hiện chính quyền sáng suốt và lành mạnh. Nếu như để xảy ra những vụ việc như ở Đồng Tâm, rõ ràng thể hiện năng lực của chính quyền yếu kém, thể hiện sự bất bình của người dân rất cao và tất nhiên nó ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
Phải tháo gỡ căng thẳng ngay ở giai đoạn ngầm
Để tránh xảy ra điểm nóng, điều quan trọng nhất là chính quyền phải phát hiện ra những bức xúc của người dân để giải quyết, tránh để tích tụ, thưa GS?
- Các mâu thuẫn như ở Đồng Tâm ban đầu giống tảng băng chìm, ẩn sâu dưới các hiện tượng khác trong đời sống xã hội. Đầu tiên phải sớm phát hiện ra những vấn đề nằm trong tảng băng chìm đó. Muốn phát hiện được, người cán bộ lãnh đạo phải có năng lực, phải thấy được trong tầm quản lý của mình có những vấn đề gì đang đặt ra, phải gần dân để phát hiện kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của người dân, khi nó còn đang ở giai đoạn ngầm phải tháo gỡ ngay.
Người lãnh đạo cấp cơ sở phải thấy được khi vấn đề mâu thuẫn đang ở giai đoạn hình thành, cái gì thuộc thẩm quyền của mình tháo gỡ được thì phải làm ngay đừng để tồn tại lâu. Cái gì vượt quá thẩm quyền phải kiến nghị cấp trên để giải quyết.
Làm như thế, mục tiêu là để an dân, giúp cho đời sống ngày càng nâng cao, địa phương ngày càng phát triển. Muốn làm được việc đó, người cán bộ lãnh đạo trước hết phải vì dân, tâm trong sạch, gắn bó với dân, hiểu dân, không quan liêu, không trục lợi, không chủ nghĩa cá nhân... Đào tạo được đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất như vậy thì chắc chắc vấn đề nội bộ địa phương đó sẽ không có nhiều sự căng thẳng giữa người dân và chính quyền.
Là người làm công tác đào tạo đội ngũ cán bộ nguồn cho các địa phương và bộ, ngành, qua vụ việc ở Đồng Tâm, GS rút ra vấn đề gì bổ sung vào công tác giảng dạy?
- Trong nguyên tắc xử lý xung đột, chúng ta phải thấy, nếu những mâu thuẫn thuộc về bạo loạn, lật đổ, liên quan đến các thế lực thù địch thì chính quyền phải kiên quyết, cứng rắn. Còn những mâu thuẫn trong nội bộ xuất phát từ bức xúc của người dân trước vấn đề cán bộ tham ô, tham nhũng, suy thoái về đạo đức, giải quyết vấn đề không thấu đáo... chúng ta phải xử lý theo nguyên tắc cả nhà nước và nhân dân cùng thắng.
Phải thấy rằng, người dân không phải ngẫu nhiên tụ tập đông người, làm thế vừa tốn công, tốn sức, tốn tiền, rồi có những hành vi căng thẳng. Họ làm như vậy nghĩa là có vấn đề. Chính quyền muốn tháo gỡ được ngòi nổ căng thẳng phải thỏa mãn được những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân, đồng thời phải giữ được an ninh trật tự, ổn định đời sống nhân dân. Chúng tôi gọi cách giải quyết này là kịch bản hai bên cùng thắng, Nhà nước thắng, nhân dân cũng thắng.
Xin cảm ơn GS!
Theo Danviet
Đồng Tâm - 8 ngày thành "điểm nóng" Tiếng vỗ tay vang lên khi Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cùng các cán bộ, chiến sỹ bước ra khỏi nhà văn hóa thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức kết thúc 8 ngày địa phương này là "điểm nóng". Điểm nóng Đồng Tâm đã được hạ nhiệt sau một tuần căng thẳng. Ngày 15.4, cơ quan chức năng tiến...