Vụ đôi nam nữ rơi xuống sông vì cầu phá dỡ: “Chật vật” truy trách nhiệm!
Ông Trần Quốc Bảo, đại diện chủ đầu tư, khẳng định các thủ tục đảm bảo công tác an toàn lao động đầy đủ, công trường có tư vấn giám sát; nhưng tai nạn vẫn xảy ra. Cho đến thời điểm này vẫn chỉ có thể nói “trách nhiệm nằm ở đâu đó”.
Chủ đầu tư kiểm điểm và rút kinh nghiệm
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Huy Thăng – Tổng Giám đốc Ban quản lý các dự án Đường thủy, Bộ GTVT (gọi tắt là BQL) cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, đơn vị đã kiểm tra, rà soát lại quy định, thủ tục, kiểm tra hiện trường về công tác đảm bảo an toàn trong quá trình thi công tháo dỡ cầu tạm An Thạnh và các hoạt động liên quan để làm rõ sự việc, trách nhiệm của cá nhân, bộ phận liên quan.
Ông Thăng nói: “Sự việc đáng tiếc đã xảy ra và chắc chắn phải có trách nhiệm ở đâu đó và phải làm rõ theo quy định của pháp luật. Ở đây không trực tiếp xảy ra tai nạn trong quá trình thi công mà xảy ra trong quá trình tháo dỡ một hạng mục có liên quan. Sự cố này liên quan đến hoạt động dân sinh xảy ra vào buổi tối, trời mưa và có đơn vị vào thi công nên phải xác định trách nhiệm liên đới. BQL đã báo cáo vụ việc này đã được báo cáo lên Bộ GTVT”.
Hiện trường vụ tai nạn
Ông Thăng cho biết thêm, BQL cũng có kiểm tra hiện trường thi công, nhắc nhở. Tuy nhiên, quá trình thi công có xảy ra sai sót, về trách nhiệm cá nhân, tập thể trong việc này sẽ được xử lý theo quy định pháp luật. Sau sự cố này, BQL sẽ làm rõ nhiều vấn đề để rút kinh nghiệm cho nhiều công trình sau này.
Trong khi đó, ông Trần Quốc Bảo – Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy, Bộ GTVT, nói: “BQL đã họp kiểm điểm trách nhiệm và rà soát những thủ tục. Các thủ tục đảm bảo công tác an toàn thi công trường đầy đủ, có tư vấn giám sát. Tuy nhiên, việc để xảy ra tai nạn là không thể chấp nhận được. Sự việc đang được cơ quan công an tiến hành điều tra”.
Ông Bảo cho biết thêm, theo báo cáo của nhà thầu thi công – Công ty xây dựng Thế Toàn, cầu tạm đang tháo dỡ là cầu đôi. Chiều hướng từ Thạnh An về Bến Lức đã tháo xong. Còn ở chiều ngược lại đã tháo dỡ được một nửa. Hàng rào của công trường cách cầu mới An Thạnh 40 m. Tối xảy ra vụ việc, trước hàng rào lưới B40 có chiếc xe cẩu nhưng sau đó chiếc xe cẩu được điều đi.
Bảo vệ công trường có nhắc là rào lưới lại, tuy nhiên có rào hay không thì không biết. Nhưng khi xảy ra vụ việc thì thấy hàng rào đổ. Theo ông Bảo, Công an huyện Bến Lức đến lập biên bản hiện trường, lấy lời khai nhân chứng, bà con xung quanh, kể cả người bị nạn. Công an cũng yêu cầu tiếp tục tháo dỡ cầu tạm để đảm bảo tiến độ.
Ông Bảo nói: “Để xảy ra tai nạn thì trách nhiệm chính thuộc về nhà thầu thi công và tư vấn giám sát. BQL là chủ đầu tư cũng có trách nhiệm liên đới. Còn trách nhiệm tới đâu thì chờ điều tra xong mới rõ. Cho dù công trình có rào chắn và đầy đủ các biện pháp về an toàn an toàn lao động nhưng khi xảy ra tai nạn vẫn phải chịu trách nhiệm chứ không thể chối bỏ. Chuyện xui rủi hay bất cẩn thì để công an điều tra và kết luận”.
Dù bị nhắc nhở, đơn vị thi công vẫn không dựng rào chắn
Trong khi đó, ông Phùng Văn On – Phó Ban An toàn giao thông tỉnh Long An, cho biết sáng hôm sau khi xảy ra vụ tai nạn, tại khu vực thi công tháo dỡ cầu tạm vẫn không lắp rào chắn, biển cảnh báo người đi đường. Đơn vị thi công cũng nhiều lần bị nhắc nhở về công tác đảm bảo an toàn. Ban ATGT tỉnh đã có báo cáo đến cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc.
Còn ông Đặng Hoàng Tuấn – Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An, cho biết, trước khi xảy ra sự việc đôi nam nữ chạy vào cầu tạm rồi rơi xuống sông, đơn vị tháo dỡ cầu là Công ty TNHH TMXD Thế Toàn (quận Bình Thạnh, TPHCM), cũng đã bị Đội Thanh tra giao thông số 6 lập biên bản, nhắc nhở vì không thực hiện bảo đảm an toàn khi thi công tháo dỡ cầu tạm.
Video đang HOT
Biên bản vi phạm an toàn giao thông của công ty Thế Toàn (ảnh H.P)
Theo ông Tuấn, ngày 9/9 cầu mới An Thạnh thông xe thì ngày 10/9, đơn vị trên bị lập biên bản vì không thực hiện bảo đảm ATGT khi tháo dỡ cầu tạm. Đội thanh tra giao thông số 6 lập cũng yêu cầu công ty Thế Toàn phải đặt rào chắn hai bên đầu cầu tạm không cho người qua lại.
Theo quy định, sau khi lập biên bản 7 ngày nếu đơn vị thi công không thực hiện các biện pháp khắc phục thì Thanh tra giao thông sẽ ra quyết định xử phạt. Tuy nhiên, chưa kịp ra quyết định xử phạt thì đêm 20/9 đã xảy ra tai nạn.
Như vậy, thông tin do Ban ATGT tỉnh Long An, Thanh tra Sở GTVT Long An cung cấp hoàn toàn khác với báo cáo của đơn vị thi công. Còn chủ đầu tư cũng cho rằng thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở công tác đảm bảo an toàn công trường. Vậy cái chết thương tâm của chị Võ Hoàng Anh Thư là do sự thiếu trách nhiệm trong vấn đề đảm bảo an toàn công trường tháo dỡ cầu tạm An Thạnh hay là sự xui rủi, bất cẩn của nạn nhân?
Có dấu hiệu hình sự
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TPHCM, Giám đốc Công ty Luật Đức Chánh), nếu đúng là công trình tháo dỡ cầu tạm An Thạnh không hề có biển báo, rào chắn,… để cảnh báo người tham gia giao thông thì đơn vị thi công mà cụ thể là những cá nhân có trách nhiệm trong việc thi công công trình này đã có dấu hiệu tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông quy định tại khoản 1 Điều 220 Bộ luật hình sự.
“Theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 15 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 thì hành vi vi phạm các quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không quy định tại khoản 1 Điều 220 Bộ luật hình sự là một trong các hành vi sau: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn… ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa”- Luật sư Nguyễn Đức Chánh nói.
Ở đây người có trách nhiệm trong việc sửa chữa, quản lý việc thi công tháo dỡ cầu tạm An Thạnh không chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà còn có thể bị buộc phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại trong việc gây ra tổn thất về tính mạng và tài sản.
Theo luật sư Chánh, việc bồi thường thiệt hại gồm các chi phí hợp lý cho việc mai táng (hương, nến, hoa, xe tang và các khoản phí phục vụ chôn cất hoặc hỏa táng…), khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết (nếu có). Ngoài ra, bên có lỗi còn phải bồi thường khoản tiền bồi đắp tổn thất tinh thần.
Quốc Anh
Theo dantri
Hoãn phiên tòa vụ "Dùng nhục hình" 7 thanh niên bị oan sai
Sáng ngày 24/9, TAND tỉnh Sóc Trăng đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án "Dùng nhục hình" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến 7 thanh niên bị oan sai.
Quang cảnh phiên tòa sáng ngày 24/9.
Vụ án có 3 bị cáo, trong đó bị cáo Nguyễn Hoàng Quân (SN 1977, nguyên Điều tra viên, Đội trưởng Đội hướng dẫn, điều tra án xâm phạm nhân thân, Phòng PC45, Công an tỉnh Sóc Trăng) và bị cáo Triệu Tuấn Hưng (SN 1981, nguyên Điều tra viên, Đội phó Đội hướng dẫn, điều tra án xâm phạm nhân thân, Phòng PC45, Công an tỉnh Sóc Trăng) cùng bị truy tố về tội "Dùng dục hình"; bị cáo Phạm Văn Núi (SN 1958, nguyên Kiểm sát viên, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng) bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Các bị hại trong vụ án gồm Thạch Sô Phách, Trần Văn Đỡ và Khâu Sóc, cùng ngụ huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Phiên tòa ngoài bị cáo, bị hại, còn có trên 40 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tại phiên tòa hôm nay (24/9) có mặt đầy đủ 3 bị cáo Quân, Hưng và Núi. Bị cáo Triệu Tuấn Hưng có đến 5 luật sư bào chữa, tuy nhiên 2 luật sư vắng mặt; còn bị cáo Núi có 1 luật sư bào chữa nhưng cũng xin vắng mặt buổi sáng.
Các bị hại Phách và Sóc có mặt, còn Đở vắng mặt. Ngoài ra, còn có 42 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm các cán bộ, điều tra viên Công an Sóc Trăng, người thân của các bị hại nhưng vắng mặt khoảng 20 người.
Các bị cáo Triệu Tuấn Hưng (đứng), Nguyễn Hồng Quân (giữa) và Phạm Văn Núi tại phiên tòa sáng 24/9.
Sau khi thẩm tra lý lịch các bị cáo, bị hại và những người có liên quan, Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Thái Rết đề nghị đại diện Viện kiểm sát, bị cáo, luật sư có ý kiến thêm về phiên tòa.
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa là Kiểm sát viên Nguyễn Việt Hùng đề nghị phiên tòa tiếp tục được xét xử.
Trong khi đó, bị cáo Triệu Tuấn Hưng đề nghị hoãn phiên tòa vì vắng mặt 2 luật sư, bị hại và nhiều người có liên quan. Còn 2 bị hại Quân và Núi đề nghị tòa tiếp tục xét xử.
Ngoài ra, cả 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Triệu Tuấn Hưng có mặt tại tòa cũng đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.
Sau khi có ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, bị cáo và luật sư, HĐXX đã hội ý và tuyên hoãn phiên tòa ngay trong sáng ngày 24/9. Dự kiến phiên tòa sẽ được đưa ra xét xử trở lại vào ngày 1- 2/10/2015.
2 bị hại Thạch Sô Phách (trái) và Trần Văn Đở.
Theo cáo trạng, đêm ngày 5, rạng sáng ngày 6/7/2013, tại địa bàn ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là ông Lý Văn Dũng (hành nghề xe ôm). Ngày 8/7/2013, CQĐT Công an tỉnh Sóc Trăng ra quyết định xác lập chuyên án truy xét và thành lập Ban chuyên án. Các thành viên Ban chuyên án gồm nhiều cán bộ, điều tra viên, trong đó có Nguyễn Hoàng Quân và Triệu Tuấn Hưng.
Qua công tác truy xét, ngày 10/7/2013, CQĐT triệu tập và lưu giữ tại Công an huyện Trần Đề và Phòng PC45 để làm việc đối với Thạch Sô Phách, Trần Hol, Trần Cua.
Ngày 12/7/2013, Thạch Sô Phách khai nhìn thấy Đở, Hol, Cua, Thạch Mươl đánh nạn nhân Lý Văn Dũng. Ngày 13/7/2013, CQĐT triệu tập Nguyễn Thị Bé Diễm và Trần Văn Đở làm việc. Sáng 14/7/2013, Diễm khai chứng kiến Đở, Phách, Hol, Cua, Sóc, Mươl đánh, đâm nạn nhân Dũng. CQĐT tiến hành lập biên bản về việc Phách và Diễm ra tự thú, đồng thời ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Đở, Hol, Cua, Sóc, Mươl.
Ngày 21/7/2013, CQĐT ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Phách, Mươl, Sóc, Đở, Cua, Hol về tội "Giết người" và Diễm về tội "Không tố giác tội phạm". Các quyết định tố tụng đều được VKSND Sóc Trăng phê chuẩn.
Trong các ngày 18/11/2013 và 21/11/2013, Lê Thị Mỹ Duyên (SN 2000, ngụ Kiên Giang) và Phan Thị Kim Xuyến (SN 1998, ngụ Sóc Trăng) ra tự thú khai nhận đã giết ông Lý Văn Dũng để cướp tài sản. Lời khai của Duyên và Xuyến phù hợp với hiện trường vụ án và các chứng cứ khác. Ngày 29/11/2013, CQĐT ra quyết định khởi tố bị can đối với Duyên và Xuyến về tội "Giết người" và "Cướp tài sản".
Do phát hiện bị oan sai nên các ngày 10/12/2013, 25/1/2014, 26/2/2014, CQĐT ra các quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với Diễm, Mươl, Sóc, Cua, Đở, Phách, Hol. Ngày 21/5/2014, CQĐT Công an tỉnh Sóc Trăng ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với 7 bị can này do không thực hiện hành vi phạm tội.
Sau khi được trả tự do, Diễm, Mươl, Sóc, Hol, Cua, Đở, Phách đã tố giác trong các ngày từ 10/7/2013 đến 20/7/2013, họ đã bị các cán bộ, Điều tra viên dùng nhục hình dưới nhiều hình thức nên buộc phải khai nhận có tham gia giết ông Lý Văn Dũng.
Qua điều tra, CQĐT Viện KSNDTC xác định, khoảng 22h ngày 13/7/2013, tại trụ sở Phòng PC45, Triệu Tuấn Hưng dùng khóa số 8 treo cao một tay của Trần Văn Đở theo chiều thẳng đứng vào khung sắt của sổ, chỉ để hai đầu bàn chân chạm sàn nhà, sau đó dùng tay đánh, dùng đầu gối thúc vào bụng Đở. Đến khoảng 23h cùng ngày, Nguyễn Hoàng Quân tiếp tục treo tay còn lại của Đở và dùng tay, chân đấm, đá ép Đở khai nhận có tham gia giết ông Lý Văn Dũng.
CQĐT Viện KSNDTC cũng xác định, chiều ngày 14/7/2013, tại trụ sở Phòng PC45, trong lúc làm việc với Thạch Sô Phách, Triệu Tuấn Hưng lấy hai khóa số 8 treo cao hai tay Phách vào cửa sổ, dùng dùi cui cao su đánh mạnh nhiều cái vào chân, tay của Phách. Ngày 20/7/2013, Hưng tiếp tục dùng khóa số 8 treo hai tay và dùng dùi cui đánh nhiều cái vào chân, tay của Phách. Dã man hơn, Hưng còn dùng khăn lau bàn gói cục nước đá lạnh đặt vào bộ phận sinh dục để ép buộc Phách khai nhận tội. Do không chịu được đau đớn nên Phách đã buộc phải nhận tội có tham gia giết ông Dũng.
Cũng theo CQĐT Viện KSNDTC, chiều ngày 14/7/2013, tại Hội trường Phòng PC45, Nguyễn Hoàng Quân túm tóc đập mạnh đầu Khâu Sóc vào tường, dùng tay tát nhiều cái vào mặt, dùng dùi cui đánh nhiều cái vào lưng để ép Sóc khai có tham gia giết ông Dũng.
Theo CQĐT Viện KSNDTC, mặc dù các bị can Nguyễn Hoàng Quân và Triêu Tuấn Hưng không khai nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, căn cứ lời khai của Thạch Sô Phách, Trần Văn Đở, Khâu Sóc cũng như nhân chứng Nguyễn Văn Lượng, Hồ Trung Hiếu (cùng là cán bộ Đội hướng dẫn, điều tra án xâm phạm, Phòng PC45, được giao nhiệm vụ canh giữ Đở) đã chứng kiến Quân, Hưng dùng nhục hình với Đở tại phòng làm việc. Những lời khai trên phù hợp với kết quả nhận dạng, kết quả thực nghiệm điều tra và các chứng cứ khác...Vì vậy, có đủ cơ sở kết luận hành vi "Dùng nhục hình" của các bị can Quân và Hưng.
Đối với bị can Phạm Văn Núi, theo CQĐT Viện KSNDTC, ngày 8/7/2013, CQĐT Công an tỉnh Sóc Trăng ra quyết định khởi tố vụ án "Giết người" và tiến hành các hoạt động tố tụng, Phạm Văn Núi được phân công nghiên cứu đã đề xuất lãnh đạo Viện KSND Sóc Trăng phê chuẩn các quyết định tố tụng của CQĐT. Tuy nhiên, Núi đã không phát hiện được việc CQĐT đã bắt khẩn cấp không đúng các quy định; lời khai của Mươl, Sóc, Diễm, Hol, Cua, Đở có mâu thuẫn nhưng Núi không trực tiếp gặp, hỏi người bị bắt trước khi đề xuất lãnh đạo phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp. Qua đó, Núi đã thiếu trách nhiệm dẫn đến việc để CQĐT khởi tố 7 người bị oan sai về các tội "Giết người" và "Không tố giác tội phạm".
Huỳnh Hải
Theo Dantri
Nhận hối lộ của lâm tặc, cả trạm bảo vệ rừng bị bắt Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng tối 21-9 đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam Lý Thanh Tùng, nguyên cán bộ Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông (thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa) về tội nhận hối lộ. Trong thời gian làm việc tại Trạm Cà Nhông (biên chế...