Vụ đánh hội đồng nữ sinh lớp 9: Nên xử lý hình sự hay đem đi giáo dưỡng?
Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, nhóm hành hung có thể đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; trong khi chuyên gia tâm lý Võ Văn Nam cho rằng, cần giáo dục để các em nhận ra hành vi sai trái.
Ngày 22/3, sau giờ tan học, nhóm 5 nữ sinh lớp 9A, THCS Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên đã đóng cửa lớp, lột đồ, đánh đập một bạn nữ cùng lớp. Một người đứng ngoài quay video. Những hình ảnh được ghi lại cho thấy, suốt cuộc hành hung, nạn nhân không có sự phản kháng cũng không nhận được sự ngăn cản nào. Nữ sinh bị đánh phải nhập viện và được chẩn đoán là phản ứng stress cấp (tình trạng stress mới xuất hiện trong vài ngày).
Theo lời nạn nhân, nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt thường ngày trong lớp học. Đây không phải là lần đầu tiên nữ sinh này bị bắt nạt, hành hung bởi các bạn cùng lớp.
Chia sẻ về sự việc, tiến sĩ tâm lý học Võ Văn Nam nhận định, đây là ‘một hành động vô nhân tính’. “Theo dõi những hình ảnh trong video ai cũng đều bức xúc. Đặc biệt, những người làm giáo dục như chúng tôi không khỏi đau lòng bởi cả một đám đông cô lập và ức hiếp một bạn học sinh trong lớp. Đó là hành động rất dã man, mất đi tình người. Tôi cũng không biết tại sao các nhà giáo dục ở đó không kịp thời uốn nắn, ngăn cản để sự việc hết sức đau lòng đó xảy ra”.
Tiến sĩ Võ Văn Nam.
Nhắc đến lý do khiến các vụ bạo hành học đường xảy ra thường xuyên, ông Nam cho biết: “Tôi chưa dám khái quát về những lý do chung dẫn đến bạo lực học đường nhưng trong trường hợp này, khi theo dõi thông tin về hoàn cảnh gia đình em, có thể thấy học sinh này rất cơ cực. Sự cơ cực đó có thể khiến em tự ti, thấy mình lép vế, khiến em dễ trở thành kẻ bị bắt nạt”.
“Em ấy là nạn nhân của bạn bè, của môi trường sống và là nạn nhân của chính mình. Bởi em quá thụ động, quá nhút nhát, không dám dùng bản lĩnh để tự bảo vệ cho chính mình. Trong hoàn cảnh ấy nếu các em biết phản kháng, biết cầu cứu bạn cùng lớp, cùng trường hay chỉ cần hô hoán, báo động lên thì có thể sẽ có người ủng hộ em thay vì để nhóm học sinh kia lấn át trong suốt thời gian dài”.
Ông Nam cũng nhấn mạnh, hành vi ỷ mạnh hiếp yếu một người có hoàn cảnh khó khăn như vậy là rất vô giáo dục.
Video đang HOT
Khi được hỏi về việc nên hay không nên sử dụng pháp luật để răn đe trong các vụ bạo lực học đường, ông Nam cho rằng: “Sử dụng pháp luật là biện pháp đối chứng trị liệu, có thể giúp các em nhận thức nhất thời, khiến các em sợ mà không dám tái phạm”. Ông nhấn mạnh, về lâu dài, các em cần được giáo dục để hiểu được mức độ nghiêm trọng mà hành vi của mình gây ra.
Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường (Văn Phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: “Nên xem xét xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cần”.
“Đây là một trong những vụ việc hết sức nghiêm trọng trong ngành giáo dục, thể hiện tình trạng bạo hành, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng và khó kiểm soát; gây ra hoang mang, lo lắng cho các bậc phụ huynh và xã hội”.
Luật sư Cường đặc biệt lưu tâm đến sự vô cảm của những người xung quanh: “Nạn nhân gào khóc, hoảng loạn, van xin nhóm đối tượng hung hãn kia nhưng không có bất cứ sự can ngăn từ phía các bạn học sinh khác hay các thầy cô giáo trong trường. Sự việc cho thấy sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của cán bộ, giáo viên trường này đối với việc quản lý, giáo dục các em. Tôi thấy rất đau xót khi có nhiều thông tin cho biết việc này không chỉ xảy ra lần đầu tiên, trong lớp còn có những quyền lực ngầm, thế lực ngầm để bắt nạt các bạn hiền lành, nhút nhát”, ông nói.
Luật sư Đặng Văn Cường.
Theo ông, dưới góc độ pháp luật, đây là hành vi cần phải xem xét xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào năng lực hành vi của chủ thể và hậu quả của vụ việc. Để thực hiện điều đó, song song với việc điều trị cho nạn nhân, cơ quan công an cần vào cuộc điều tra nguyên nhân, động cơ của nhóm đối tượng này; làm rõ hậu quả xảy ra, mức độ thương tích, tổn hại sức khỏe đến đâu và xác minh độ tuổi của các đối tượng này để có những biện pháp xử lý phù hợp.
“Cả nhóm đối tượng xông vào đánh đập, lột truồng nữ sinh lớp 9 rồi ghi hình để đăng tải trên mạng xã hội. Đó là những hành vi không thể chấp nhận được ở tuổi học trò, có thể khiến nạn nhân trầm cảm, tâm thần thậm chí có thể ảnh hưởng đến tương lai lâu dài. Chính vì vậy, vụ việc cần được xử lý nghiêm minh, công bằng, đúng pháp luật để thể hiện tính răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội”, luật sư Đặng Văn Cường nói.
Căn cứ vào các điều luật, ông Cường cho biết: Người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm. “Từ đủ 16 tuổi” là qua sinh nhật lần thứ 15. Để xem xét trách nhiệm hình sự thì cơ quan điều tra cần phải căn cứ vào giấy khai sinh cụ thể của từng em để tính toán xem đối tượng hành hung nạn nhân đã qua lần sinh nhật thứ 15 hay chưa.
Còn đối với người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được liệt kê tại khoản 2, Điều 12 Bộ luật Hình sự (trong đó có Tội cố ý gây thương tích với thương tích từ 31% đến 61%). Tội làm nhục người khác thì chỉ xử lý đối với những đối tượng đã từ đủ 16 tuổi. Trong trường hợp đủ 16 tuổi rồi mà thương tích của nạn nhân dưới 11% nhưng nếu có tính chất côn đồ, vẫn xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích.
Ngoài ra, các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì có thể áp dụng biện pháp hành chính là đưa vào trường giáo dưỡng để giáo dục đặc biệt.
Do vậy, theo luật sư Cường, cơ quan cảnh sát điều tra cần thu thập thông tin về giấy khai sinh của 5 học sinh đã có hành vi hành hung nữ sinh để xem xét độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời tiến hành giám định thương tích của nạn nhân để xác định hậu quả của vụ việc, làm căn cứ đánh giá, xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định.
Luật sư Đặng Văn Cường nói thêm: “Ngoài việc làm rõ trách nhiệm hình sự từ yếu tố chủ thể và căn cứ và hậu quả mà các đối tượng này đã gây ra cho nạn nhân, các cơ quan chức năng của huyện Ân Thi và tỉnh Hưng Yên cần áp dụng đúng đắn, triệt để các quy định pháp luật nêu trên để đảm bảo nguyên tắc công bằng, nguyên tắc pháp chế, tránh xảy ra những trường hợp tương tự, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận”.
Cũng theo luật sư, để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường cần làm trong sạch bộ máy quản lý giáo dục, lựa chọn giáo viên có chất lượng, có trình độ, đạo đức xứng tầm với nghề cao quý. Đồng thời, cần tăng cường công tác giáo dục ý thức, nhận thức về pháp luật. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Đối với những trường hợp đến mức xử lý hình sự thì phải xử lý và tuyên truyền để răn đe, phòng ngừa chung.
Thúy Quỳnh
Theo VNE
Nhóm nữ sinh đánh hội đồng bạn bị xử lý hình sự, còn trách nhiệm của GV, nhà trường ở đâu?
Sự việc xảy ra vào ngày 22/03/2019 và một tuần mới bị lộ ra, gây bức xúc mạnh mẽ trong dư luận.
Theo một clip ghi lại được đăng tải trên mạng xã hội, thì nữ sinh lớp 9 tên Y. hiện học tại trường trung học cơ sở Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên bị 5 bạn học sinh khác lột đồ, đánh hội đồng một cách dã man. Clip này được lan truyền trên mạng xã hội ngày 29/03/2019, sau đúng một tuần kể từ khi xảy ra vụ việc, khiến dư luận vô cùng bức xúc. Theo hình ảnh trong clip này, nữ sinh Y. bị bạn lột hết quần áo, đạp đầu, giật tóc ngay tại trước lớp dưới sự chứng kiến của các bạn học khác nhưng không có ai căn ngăn. Ngay sau đó, nữ sinh Y. bị đánh đã nghỉ học và phải nhập viện trong trạng thái tinh thần hoảng loạn.
Theo nguồn tin từ Thông tấn xã Việt Nam, điều đáng nói nhất trong sự việc trên đó là sự việc xảy ra ngay tại lớp học và diễn ra suốt trong thời gian dài mà không có sự can ngăn của các bạn cùng lớp và giáo viên chủ nhiệm. Thầy Nhữ Mạnh Phong, hiệu trưởng nhà trường xác nhận có biết sự việc. Thầy cũng cho biết, Y. là học sinh hiền lành, ít nói và nguyên nhân dẫn đến sự việc trên hiện vẫn đang được làm rõ. Nhà trường đã tạm đình chỉ học tập với 5 nữ sinh và giao giáo viên xác minh làm rõ sự việc. Theo một học sinh giấu tên trong lớp, Y nhút nhát nên hay bị các bạn khác bắt nạt. Đây không phải là lần đầu Y. bị đánh và lần này bị đánh là nhiều nhất.
Theo Báo Công an, thì ông Nguyễn Văn Doanh (chú ruột của nữ sinh Y.) cho biết sau khi sự việc xảy ra thì cháu bị bất ổn về tinh thần và đang được điều trị tại Bệnh viện tâm thần kinh Hưng Yên. Gia đình Y. có hoàn cảnh éo le, cả bố và mẹ cháu đều sức khỏe yếu, tâm lý không bình thường nên ông Doanh là người đứng ra giám hộ cháu Y.
Sau khi sự việc xảy ra, ông Doanh đã có liên hệ ban lãnh đạo nhà trường, nhưng cô giáo hẹn sang tuần giải quyết, mà không tỏ ra thái độ sốt sắng, hỏi han đến tình hình sức khỏe của nạn nhân. Ngoài ra, cô giáo yêu cầu cả lớp im lặng và xóa hết các clip ghi lại hình ảnh trên. Đến vài hôm sau thì ban lãnh đạo nhà trường mới tổ chức buổi gặp mặt giữa gia đình cháu Y. với 5 gia đình của các nữ sinh đã hành hung cháu Y. Tại buổi làm việc, hiệu trưởng nhà trường đã không nói rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề, chỉ cho gia đình nạn nhân biết rằng các clip ghi lại hình ảnh đã được xóa hết. Bức xúc với cách giải quyết của nhà trường, ông Doanh đã có đơn tường trình gửi đến cơ quan chức năng yêu cầu xử lý vụ việc. Hiện Trưởng Công an xã Phù Ủng cho biết đã báo cáo sự việc lên Công an cấp huyện và các cơ quan chức năng huyện Ân Thi vào cuộc điều tra làm rõ.
Ảnh trái: Trường THCS Phù Ủng. Nguồn: Báo Thanh niên. Ảnh phải: Nữ sinh Y. đang được điều trị tại bệnh viện. Nguồn: Tin tức Việt Nam
Nhiều câu hỏi mà dư luận đặt ra xoay quanh vấn đề xem xét trách nhiệm hình sự của nhóm 5 nữ sinh lột đồ, đánh hội đồng bạn một cách dã man, đồng thời, có xử lý trách nhiệm hình sự giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng là người trực tiếp nắm rõ vụ việc nhưng cố tình giấu nhẹm? Sự thờ ơ, vô cảm của những người làm nghề giáo này có đang gián tiếp "giúp súc" cho hành vi côn đồ mà họ có trách nhiệm dạy dỗ gây ra?
Về hành vi lột hết quần áo, đạp đầu, giật tóc, đánh đập bạn mình một cách dã man, đối với một người trưởng thành (từ đủ 18 tuổi trở lên) chắc chắn sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức án phạt từ phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm, hoặc tù chung thân và tội làm nhục người khác theo Điều 155 của Bộ luật hình sự này, với mức án từ phạt tiền ở mức 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng cho đến 07 năm, tùy mức độ hậu quả gây ra.
Tuy nhiên, với nhóm 5 nữ sinh lớp 9 này, các em có độ tuổi từ 14 tuổi đến 16 tuổi nên không thể xử lý trách nhiệm hình sự như với một người đã trưởng thành, trên 18 tuổi. Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành, các em chỉ có thể bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với mức án nhẹ hơn mức án dành cho người phạm tội trên 18 tuổi, tức là phạt cải tạo không giam giữ đến 18 tháng, hoặc phải ngồi tù từ 03 tháng đến 10 năm, trong trường hợp ở mức độ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chỉ có thể bị xử phạt tối đa 12 năm tù. Mức án cụ thể, còn phụ thuộc vào kết quả giám định thương tật do hành vi của nhóm 5 nữ sinh gây ra với em Y. Còn về trách nhiệm của cô giáo, hiệu trưởng nhà trường trong vụ việc này thì sao? Được biết, hiệu trưởng nhà trường và cô giáo chủ nhiệm đang bị tạm đình chỉ công tác để thực hiện công tác điều tra. Hiện lớp học đang chuyển cho một giáo viên khác đứng lớp phụ trách.
Liên quan đến vụ việc này, nhiều người cho rằng phải xử lý trách nhiệm hình sự thật nặng với cô giáo, nhà trường có liên quan đến vụ việc này, vì biết nhưng cố tình giấu nhẹm, để tiếp tay cho bọn trẻ thực hiện hành vi côn đồ của mình? Nhưng chiếu theo quy định hiện tại của Bộ luật hình sự, khó có cơ sở để xử lý trách nhiệm hình sự đối với cô giáo, hiệu trưởng nhà trường trong vụ việc này. Nhưng có thể xử lý kỷ luật (bước đầu là tạm đình chỉ, và tiếp đến có thể là chuyển công tác, cách chức...) và xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời, buộc nhà trường phải bồi thường thiệt hại cho em Y. và gia đình nạn nhân vì hành vi gây thiệt hại của nhóm 5 nữ sinh cùng lớp gây ra do đang trong thời gian trường học trực tiếp quản lý. Mức bồi thường thiệt hại, bao gồm thiệt hại về sức khỏe và danh dự, nhân phẩm, theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.
Theo webtretho
Người quay clip nữ sinh lớp 9 bị lột quần áo , đánh phải nhập viện có vô can? Liên quan đến sự việc nữ sinh lớp 9 bị 5 bạn lột đồ, đánh hội đồng đến nhập viện tâm thần ở Hưng Yên, chuyên gia pháp lý nhận định, người đứng quay clip ghi lại cảnh hành hung cũng phải xem xét trách nhiệm. Có dấu hiệu hình sự Trao đổi với Dân Việt, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường...