Vụ Đàn Xã Tắc: Ông Dương Trung Quốc gửi thư lên Thủ tướng
Đại diện cho Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó chủ tịch Hội – nhà sử học Dương Trung Quốc vừa có thư gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bí thư Thành uỷ và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội về dự án cầu vượt tại khu vực có di tích Đàn Xã Tắc…
Nhà Sử học Dương Trung Quốc
Theo đó, với chức năng của mình, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã bày tỏ quan điểm và đưa ra những kiến nghị cụ thể về dự án xây dựng cầu vượt tại khu vực có di tích Đàn Xã Tắc (Ô Chợ Dừa, Hà Nội), một dự án đang gây nhiều quan ngại đối với công tác bảo tồn di tích lịch sử và tạo nên những dư luận trái chiều trong xã hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Trước hết, ông Dương Trung Quốc khẳng định, di tích Đàn Xã Tắc có một giá trị đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội. Nó vừa xác định những dấu tích của một thành phần kiến trúc truyền thống trong quần thể các kinh đô của các triều đại Việt Nam gắn với tín ngưỡng quốc gia thờ đất và lúa của tổ tiên và các triều đại phong kiến. Dưới lớp di tích đàn Xã Tắc, còn di tích sớm nhất của con người trên vùng đất trung tâm Hà Nội cách ngày nay khoảng 3.500 năm và di tích cư trú hồi đầu công nguyên. “Nó phải là đối tượng được điều chỉnh của Luật Di sản để bảo vệ và phát huy những giá trị của di sản quốc gia” – ông Dương Trung Quốc khẳng định.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, việc giải quyết hài hoà giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển là một nguyên tắc mà mọi ngành phải tuân thủ trên cơ sở luật pháp hiện hành. Việc phát hiện dấu tích của Đàn Xã Tắc trong quá trình cải tạo và xây dựng hệ thống giao thông của thành phố Hà Nội, sau đó là việc thực hiện đúng những nguyên tắc trên dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hoá – Thể thao & Du lịch cũng như lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã tạo nên một không gian di tích định vị di tích Đàn Xã Tắc là một thành công. Giải pháp chấp nhận hạn chế việc mở rộng không gian khai quật, xử lý nghiệp vụ để lấp lại các hố khai quật sau khi làm hồ sơ và thu thập hiện vật, tiếp tục điều chỉnh thiết kế con đường để dành một không gian hợp lý cho cả khu di tích và mặt đường là một bằng chứng tốt đẹp về sự phối kết giữa nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan tạo nên sự đồng thuận của xã hội.
Nhận định về nguyên nhân khiến dự án xây cầu vượt tại khu vực này gây dư luận, tạo ra những dư luận trái chiều, ông Dương Trung Quốc cho rằng, trước hết là do công tác chỉ đạo của thành phố chưa quan tâm đến ý kiến tư vấn của những cơ quan và tổ chức có liên quan.
“Lẽ ra, những thông tin trực tiếp liên quan đến dự án phải được chủ động công bố với dư luận và tới các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong đó có Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và nếu biết thông qua các cơ quan thông tin đại chúng để hướng dẫn và thu thập ý kiến thì chắc chắn chúng ta vẫn có thể tìm ra được những phương án khả thi và tối ưu thoả mãn các nhu cầu của thực tiễn, trong đó có việc giải toả ách tắc giao thông tại khu vực này, điều mà toàn xã hội trong đó có Hội chúng tôi luôn ủng hộ” – ông Dương Trung Quốc khẳng định.
Lo “hội chứng cầu vượt”
Cũng nhân sự kiện xây cầu vượt này, ông Dương Trung Quốc thẳng thắn góp ý: “Nhìn vào lịch sử xây dựng và phát tiển của Thủ đô, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng xin lưu ý tới lãnh đạo Hà Nội về sự cần thiết phải có có một quy hoạch tổng thể và giải pháp lâu dài đối với viêc phát triển một đô thị có quy mô ngày càng lớn và có bề dày lịch sử vẫn tự hào là ngàn năm tuổi. Thực trạng giao thông của Hà Nội hiện tại là sự tích tụ quá lâu của tầm nhìn còn manh mún và ứng phó tình huống kéo dài trong thời gian qua. Làm cầu vượt trước mắt có hiệu quả nhưng nếu lạm dụng sẽ thành “hội chứng cầu vượt” không bảo đảm cho sự phát triển lâu dài.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững, tránh những xung đột giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển, ông Dương Trung Quốc cho biết, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng đề nghị Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội nghiêm chỉnh thực thi Luật Di sản trong việc phải sớm tiến hành Quy hoạch Khảo cổ học như luật định.
“Đây là trách nhiệm của Thành phố, nhất là với một Thủ đô có bề dày lịch sử như Hà Nội. Tình trạng phải ứng phó tình huống như dự án cầu vượt Đàn Xã Tắc, hay gần đây là việc phá thành mở đường tại khu vực đường Hoàng Hoa Thám cần được khắc phục” – Đại biểu Quốc hội, Nhà Sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Video đang HOT
Bằng công văn này, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề nghị Lãnh đạo Thành phố sớm có một cuộc họp giữa các chuyên gia của các lĩnh vực có liên quan (trong đó có Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, một số hội nghề nghiệp về khảo cổ học, di sản…) cùng với cơ quan lập dự án trao đổi để tìm được sự đồng thuận về nhận thức và các giải pháp tối ưu cho mục tiêu giải quyết ách tắc giao thông tại khu vực Đàn Xã Tắc để sớm đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô và của nhân dân Hà Nội.
Ông Dương Trung Quốc khẳng định, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam luôn hợp tác và thực hiện trách nhiệm của mình trong sự việc này.
Liên quan đến sự kiện này, cũng trong sáng nay, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã phát đi kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo. Theo đó, ông Thảo khẳng định việc xây cầu vượt này là cần thiết và phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, người đứng đầu Thành phố cũng đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu để có được phương án tối ưu nhất, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt, vừa có thể đảm bảo bảo tồn di tích Đàn Xã tắc lâu dài.
Ông Nguyễn Thế Thảo cũng yêu cầu chủ đầu tư phải tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham gia của các hiệp hội, các nhà khoa học, các nhà sử học, văn hóa và ý kiến cộng đồng. Cùng với đó, chủ đầu tư cũng phải xin ý kiến thỏa thuận của các Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng để sớm trình UBND Thành phố phê duyệt ngay trong tháng 5/2013, đồng thời công bố công khai quy hoạch trước khi triển khai xây dựng.
Theo vietbao
"Dẹp Đàn Xã Tắc như bỏ bàn thờ tổ tiên"
"Nếu nói tâm linh là ở trong tâm thức của con người, thì trong nhà bỏ bàn thờ đi" - Nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam, Đại biểu Quốc hội trao đổi về đề xuất bỏ Đàn Xã Tắc để xây cầu vượt tại ngã năm Ô Chợ Dừa (Hà Nội).
Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề xuất xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc. Người đại diện của Hiệp hội này cho rằng, xóa đi Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân. Là một người nghiên cứu lịch sử, ông nghĩ gì?
Đáng tiếc rằng, ý kiến đó của người đang có trách nhiệm, vị trí, tác động đến đời sống xã hội. Có lẽ, người này cần xem lại tri thức, tư cách. Điều đó cũng phản ánh phần nào đời sống văn hóa người Việt chúng ta, thực dụng đến mức có thể quên tất cả làm lợi cho mình.
Thưa ông, Hiệp hội này cũng cho rằng, Đàn Xã Tắc có thể là phế tích của một triều đại phong kiến đã bị phá hủy, biến mất mà không ai đoái hoài, ghi nhớ. Đây cũng không phải là khu tâm linh trời và đất của đất nước ta. Tâm linh là ở trong tâm thức của con người?
Đàn Xã Tắc là nơi tế thần đất và thần nông, hằng năm vua đứng lên thay mặt nhân dân tế. Đó là nghi thức truyền thống hàng nghìn năm. Nếu nói tâm linh là ở trong tâm thức của con người, thì trong nhà bỏ bàn thờ đi. Nhà ai cũng vậy, bao giờ nơi rộng nhất cũng là để bàn thờ tổ tiên.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Nếu nói tâm linh là ở trong tâm thức của con người, thì trong nhà bỏ bàn thờ đi" (Ảnh: Vietnamnet)
Thưa ông ở khu vực khai quật trước đây và hiện nay được bảo vệ bởi các đảo giao thông đã đủ xác định phạm vi của di tích chưa hay còn rộng hơn nữa?
Chúng ta biết rằng, tên gọi Đàn Xã Tắc là một không gian thu nhỏ để thực hành nghi lễ. Nhưng chúng ta phát hiện năm 2006 khi triển khai thực hiện đường vành đai 1 đi qua khu vực Kim Liên. Nên giải pháp được chọn lúc ấy là giải quyết tình huống, chưa khai quật hết.
Phương án lúc đó cũng chấp nhận chỉ để lại một không gian nhất định, vừa bảo đảm giao thông, vừa giữ được một phần di tích. Sau này, không loại trừ một ngày nào đó khai quật lại.
Chúng tôi cho rằng, quá trình phát hiện, khai quật, xử lý Đàn Xã Tắc đã quan tâm đến nhu cầu phát triển xã hội không phải rằng "hậu cổ hoàng kim". Giải pháp lúc đó rõ ràng, mọi người đều có thể chấp nhận được.
Theo ông, nếu xây cầu vượt qua Đàn xã tắc có xâm phạm di tích và vi phạm luật di sản không?
Tôi không thể khẳng định được bởi tôi chưa biết thông tin, quy mô, vị trí xây cầu. Tôi cũng là thành viên của Hội đồng di sản quốc gia nhưng chưa được biết, UBND Thành phố Hà Nội chưa xin ý kiến.
Đàn Xã Tắc là di tích lịch sử quốc gia, được Luật Di sản bảo hộ. Khi xây bất cứ công trình nào ở đây, phải theo pháp luật. Nếu có khó khăn tìm giải pháp, có thể tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn, trong đó, có cả những nhà chuyên môn về khoa học xã hội và nhân văn.
Gần đây, vì sao công chúng phản ứng? Vì công chúng chỉ biết, nơi linh thiêng lại xây cầu vượt, nên phản ứng là đương nhiên. Muốn được sự ủng hộ của nhân dân, cần công khai xem cầu vượt đi như thế nào? Rõ ràng, Hà Nội chưa mấy quan tâm đến ý kiến quần chúng.
Nếu không vì công trình giao thông, hòn đá "ghi dấu mốc" Đàn Xã Tắc này có thể được thay bằng một công trình thờ tự
Nhưng hiện nay, vấn đề ùn tắc giao thông trở nên cấp bách. Bên cạnh bảo tồn di tích, cũng cần phải giải tỏa nỗi khổ ùn tắc cho người dân?
Giao thông có liên quan đến không gian địa lý, đời sống người dân, quy hoạch thành phố... Ai cũng biết, ở khu vực ấy đang có ùn tắc, ngay cả tên gọi Ô Chợ Dừa là cửa ngõ Thủ đô xưa, chứng tỏ đây là đầu mối giao thông quan trọng.
Người dân cần chia sẻ với nhà nước giải quyết vấn đề giao thông nhưng có phải chỉ có cách duy nhất xây cầu vượt không? Cầu vượt có tác dụng của nó, nhưng cần phải tính đến quy hoạch thành phố lâu dài, không nhất thiết cứ ngã tư nào cũng xây cầu vượt. Ở nhiều quốc gia, họ cũng xây cầu vượt nhưng đó chỉ được coi là giải pháp tình huống, quy hoạch thành phố mới là quan trọng nhất.
Từ khi một vài cầu vượt phát huy vai trò, chúng ta đâu dâu cũng muốn xây cầu vượt. Sau này, không hiểu Hà Nội như nào nếu cứ ngã tư là cầu vượt. Chúng ta không nên quên bài học lãng phí cầu qua đường trên cao chưa được bao lâu đã vứt đi.
Là lãnh đạo của Hội Sử học, ông có ý kiến gì để vừa giải quyết được vấn đề giao thông, vừa bảo vệ di tích Đàn Xã Tắc?
Tôi muốn nhấn mạnh, những công trình nhạy cảm, vừa có nhu cầu giao thông, vừa cần bảo vệ di tích thì không chỉ có ý kiến của lãnh đạo, cần có ý kiến nhân dân. Không có cái gì không thể giải quyết được, vấn đề chúng ta chưa bàn bạc kỹ, chưa dân chủ.
Trước đây, khi khai quật Đàn Xã Tắc, lúc đầu có ý kiến phải bảo tồn toàn bộ giá trị của nó, sau đó tìm được tiếng nói chung, vừa bảo đảm giao thông, vừa giữ được một phần di tích.
Tôi không có chuyên môn về giao thông, nhưng tôi nghĩ có nhiều phương án, không phải duy nhất chỉ có cầu vượt. Không vì một vài hiệu quả của cầu vượt phát huy tốt, rồi chỗ nào cũng làm. Cần phải biết khai tác trí tuệ của dân để tìm ra giải pháp.
Ngày 22/4, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết vừa có công văn gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị sớm khởi công cầu vượt qua Đàn Xã Tắc.
Theo Hiệp hội này, dừng công trình cầu vượt qua Đàn Xã Tắc sẽ khiến "tắc Xã Đàn". Lúc đó, không rõ trời đất có linh thiêng không, hay chỉ thấy hàng chục vạn người dân phải khổ sở vì ách tắc giao thông, vì ô nhiễm khói bụi..
Hiệp hội Vận tải cũng nêu quan điểm: "Đàn Xã Tắc có thể là phế tích của một triều đại phong kiến đã bị phá hủy. Cho rằng đây là khu tâm linh trời và đất của đất nước ta là ngộ nhận. Tâm linh là ở trong tâm thức của con người. Khu vực Đàn Xã Tắc không thể coi là văn hóa tâm linh của người Việt. Bởi lẽ khu vực này đã biến mất mà không ai đoái hoài, ghi nhớ".
Hiệp hội này cũng cho rằng: Xóa bỏ Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là "xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân". Khôi phục, tôn thờ Đàn Xã Tắc quá mức là "phản cảm với khu di tích gò Đống Đa cách đó chưa đầy 1 km", nơi gắn với chiến công hiển hách của vua Quang Trung.
Theo 24h
"Người NGU mới nói phá Đàn Xã Tắc để xóa đi tàn dư phong kiến" Nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói như vậy khi hay tin Hiệp hội Vận tải đề xuất nên phá Đàn Xã Tắc để... xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát. Đề xuất xây cầu vượt "trên đầu" Đàn Xã Tắc gây nhiều ý kiến tranh cãi Hiệp hội Vận tải Hà Nội phát đi một tờ trình, trong...