Vụ dân bị giam oan 7 tháng: Hàng loạt sơ hở từ cấp sơ thẩm
Bị hại chỉ khởi kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng nhưng tòa lại đề nghị điều tra hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Và mặc dù không có đủ căn cứ rõ ràng nhưng cấp sơ thẩm vẫn phạt tù hai người dân.
Như Dân Việt đã đưa tin, ông Nguyễn Văn Võ (SN 1963, trú tại thôn 3, xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thưởng (SN 1962) đã bị TAND huyện Tuy Đức tuyên phạt án tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong đó, ông Võ đã bị giam 7 tháng.
Vợ chồng ông Võ đã gửi đơn yêu cầu TAND huyện Tuy Đức công khai xin lỗi.
Tuy nhiên, sau đó, TAND tỉnh Đắk Nông hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại. Sau đó, Công an huyện Tuy Đức ra các quyết định đình chỉ điều tra vụ án, điều tra các bị can do không chứng minh được các bị can đã thực hiện tội phạm.
Trước đó, vào năm 2008, vợ chồng ông Võ sang nhượng 400m2 đất tại xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức cho bà Đoàn Thị Huệ và bà Vũ Thị Hằng với giá 100 triệu đồng (sau này, bà Hằng chuyển nhượng lại phần đất của mình cho bà Huệ).
Sau khi chuyển nhượng, ông Võ đã giao sổ đỏ cho người mua. Bà Hằng, bà Huệ sử dụng diện tích đất được sang nhượng, không có bất cứ tranh chấp nào.
Đến năm 2016, bà Huệ đề nghị vợ chồng ông Võ ra UBND xã Quảng Tâm để làm thủ tục sang tên thửa đất nói trên. Tuy nhiên, do thấy người được sang tên không phải là bà Huệ mà là một người có tên là Nguyễn Văn Cường nên vợ chồng ông Võ không đồng ý ký các thủ tục sang nhượng.
Vì việc này, năm 2017, bà Hằng và bà Huệ đã khởi kiện dân sự đối với vợ chồng ông Võ về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên sau khi tiếp nhận, ông Phạm Văn Quân, thẩm phán TAND huyện Tuy Đức chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra vì cho rằng vợ chồng ông Võ có dấu hiệu phạm tội hình sự.
Ngày 5/10/2018, TAND huyện Tuy Đức đã tuyên phạt bà Nguyễn Thị Thưởng 2 năm tù treo, ông Nguyễn Văn Võ 2 năm tù giam cùng về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Video đang HOT
Đơn yêu cầu của vợ chồng ông Võ.
Theo một cán bộ Viện KSND tỉnh Đắk Nông, cấp sơ thẩm chưa điều tra thu thập đủ chứng cứ chứng minh phạm tội.
Cấp sơ thẩm nhận định các bị cáo chiếm đoạt số tiền 100 triệu đồng trong khi các bị cáo đã giao 400m2 đất cho bị hại là mâu thuẫn.
Cáo trạng cho rằng: “Cuối năm 2016, bà Huệ yêu cầu ông Võ bà Thưởng đến UBND xã Quảng Tâm để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình. Tuy nhiên, ông Võ bà Thưởng không thực hiện yêu cầu không bàn giao đất… nhằm mục đích không giao quyền sử dụng diện tích đất nói trên nói trên và chiếm đoạt số tiền 100 triệu đồng” là không đúng với sự thật.
Bởi bà Huệ yêu cầu các bị cáo ký giấy tờ để làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn Cường chứ không phải chuyển nhượng cho bà Huệ. Và nếu đồng ý ký hợp đồng chuyển nhượng với ông Cương thì ông Võ vi phạm nghĩa vụ chuyển nhượng trước đó đổi với bà Hằng, bà Huệ.
Cán bộ Viện KSND tỉnh Đắk Nông cho biết, sau khi chuyển nhượng đất (giấy sang nhượng viết tay) cho bà Huệ và bà Hằng, vợ chồng ông Võ đã bàn giao thực địa và cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bên được chuyển nhượng đã sử dụng, không có tranh chấp.
Bà Huệ khẳng định đang sở hữu diện 400m2 đất mà vợ chồng ông Võ chuyển nhượng. Do đó số tiền 100 triệu đồng là tiền hợp pháp của vợ chồng ông Võ có được.
Ngoài ra, đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Nông cho biết, cấp sơ thẩm cho rằng các bị cáo: “Sau khi có số tiền 100 triệu đồng từ hợp đồng mua bán đất, thấy giá trị cao nên nảy sinh ý định chiếm đoạt” nhưng lại không chỉ ra được các bị cáo chiếm đoạt tài sản gì; cho rằng: “Để thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo sử dụng thủ đoạn gian dối, bác bỏ, không thừa nhận đã ký kết, lập hợp đồng mua bán với người bị hại” song thực tế các bị cáo đã bàn giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bị các bị hại, không cất giữ bất kỳ giấy tờ thủ tục nào liên quan đến diện tích đất 400m2 đã chuyển nhượng này.
Bên cạnh các sơ hở của cấp sơ thẩm trong vụ án này, đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Nông, TAND tỉnh Đắk Nông cũng chỉ ra một số sơ hở khác của TAND huyện Tuy Đức.
Đó là, nếu xác định tài sản bị chiếm đoạt là quyền sử dụng đất đối với diện tích 400m2 thì cấp sơ thẩm phải tiến hành định giá tài sản, cụ thể là định giá đối với quyền sử dụng đất này để xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt là bao nhiêu.
Ngoài ra, thẩm phán Phạm Văn Quân là người được giao giải quyết vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bị hại bà Hằng, bà Huệ với các bị cáo. Quá trình giải quyết vụ án này, thẩm phán Phạm Văn Quân đã ban hành quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự để chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra vì cho rằng các bị cáo có dấu hiệu phạm tội.
Do đó, khi giải quyết vụ án hình sự này, bị cáo và người bào chữa yêu cầu thay đổi thẩm phán với lý do “có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ”. Yêu cầu này là có căn cứ nhưng HĐXX sơ thẩm không chấp nhận là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Ngày 17/12, ông Võ cho biết đã gửi đơn yêu cầu TAND huyện Tuy Đức tổ chức công khai xin lỗi vợ chồng ông trên báo chí và tại nơi cư trú. Đồng thời bồi thường thiệt hại cho ông theo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Ông sẽ có đơn yêu cầu sau khi xin lỗi công khai và tập hợp đầy đủ tài liệu chứng minh thiệt hại.
Theo danviet.vn
Xin lỗi 7 người bị oan suốt 40 năm
Cụ Thương (94 tuổi) cho biết sau 40 năm, gia đình cụ đã có thể ngẩng cao đầu mỗi khi đi ra đường.
Ngày 31/10, VKSND tỉnh Tây Ninh tổ chức buổi xin lỗi công khai 7 nạn nhân trong một gia đình bị oan sai suốt 40 năm. Buổi xin lỗi được tổ chức tại UBND xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, nơi vụ án xảy ra.
40 năm và nỗi đau không thể bù đắp
Những người bị oan được xin lỗi gồm: ông Nguyễn Thành Nghị (đã mất), bà Võ Thị Thương (94 tuổi), ông Hồ Long Chánh, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, ông Nguyễn Văn Chiến, bà Nguyễn Thị Lan và ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng "nhỏ").
Phát biểu xin lỗi với những người bị oan, ông Nguyễn Văn Dựa, Phó viện trưởng VKSND tỉnh, nói: "Để xảy ra vụ oan sai có phần lỗi của VKSND tỉnh Tây Ninh và VKSND huyện Trảng Bàng. Trong quá trình điều tra, những người có liên quan không thực thi đúng pháp luật, thu thập chứng cứ và để xảy ra oan sai".
Theo ông Dựa, thời gian giam giữ gần 4 năm là quá dài, để lại nỗi đau dai dẳng cho các nạn nhân. Vụ án xảy ra đến nay đã gần 40 năm, trong số các nạn nhân được xin lỗi có người đã mất. Đây là nỗi đau không gì có thể bù đắp được.
"Với trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, hôm nay, trước mặt các nạn nhân và người dân, đoàn thể, thay mặt lãnh đạo VKS tỉnh Tây Ninh và cơ quan tố tụng trước đây, tôi gửi lời xin lỗi chân thật nhất của ngành kiểm sát Tây Ninh đến với nạn nhân và người dân" - ông Dựa nói.
Các nạn nhân trong cùng một gia đình tại buổi xin lỗi.
Thức trắng đêm chờ giây phút này!
Ông Nguyễn Công Trung, đại diện ủy quyền cho 7 nạn nhân, chấp nhận lời xin lỗi muộn của VKSND tỉnh Tây Ninh. Ông Trung cho rằng nếu buổi xin lỗi này có mặt ông Nghị (đã mất) thì sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều. Ngoài ra, ông cũng mong VKS tỉnh sẽ xúc tiến nhanh việc tạm ứng bồi thường oan sai cho các nạn nhân.
Có mặt tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Cảm (em ruột ông Dũng, bà Lan) chia sẻ niềm vui: "Suốt đêm tôi không thể nào ngủ được, chỉ mong đến sáng để đến dự buổi xin lỗi. Tôi là người từng chứng kiến anh mình bị bắt, bị còng lên xe giải đi. Khi đi lấy chồng, tôi bị nhà chồng coi khinh, cho là em kẻ cướp" - bà Cảm nói.
Sau buổi xin lỗi, cụ Thương, nạn nhân lớn tuổi nhất, cho biết khi nhận được quyết định xin lỗi thì sức khỏe của cụ đã khá hẳn lên. Cụ và gia đình từ nay đã có thể ngẩng cao đầu mỗi khi đi ra đường.
"Đêm qua tôi cùng các con cháu không thể ngủ được. Gia đình tôi quá vui mừng, chỉ mong trời nhanh sáng để đến buổi xin lỗi. Sau bao ngày chờ đợi, sống chui sống lủi, không dám nhìn đời, nhìn người, cuối cùng chúng tôi cũng lấy lại được danh dự cho mình. Trước khi đi tôi cũng thắp nén nhang thông báo với ông ấy (ông Nghị - PV) là hôm nay người ta xin lỗi" - cụ Thương tâm sự.
Cụ Thương rưng rưng nói rằng sẽ tha thứ tất cả bởi gia đình đã chịu đựng nỗi đau quá lớn không gì có thể bù đắp được. Cụ mong sẽ không có thêm một gia đình nào phải rơi vào vòng lao lý như những gì gia đình mình đã trải qua.
Yêu cầu VKS bồi thường oan 60 tỷ đồng
Tối 26/7/1979, một vụ cướp xảy ra tại xã Đôn Thuận. Công an nhanh chóng bắt được một người đàn ông tình nghi. Rồi từ lời khai của người này, lần lượt 8 người trong gia đình cụ Thương bị bắt đưa về công an huyện điều tra.
Hơn 4 năm bị tạm giam nhưng cơ quan điều tra tỉnh Tây Ninh không chứng minh được hành vi phạm tội nên quyết định trả tự do cho những người này. Tuy vậy, những quyết định đình chỉ vụ án vẫn không được trao cho họ. Riêng ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng "lớn") là người duy nhất nhận được quyết định đình chỉ, đã được VKSND tỉnh Tây Ninh công khai xin lỗi và bồi thường 615 triệu đồng.
Tới ngày 4/4, VKSND tỉnh Tây Ninh mới trao quyết định đình chỉ điều tra cho 7 người còn lại. Các nạn nhân yêu cầu VKS bồi thường tổng cộng 60 tỷ đồng tổn thất tinh thần và tổn thất thực tế. Hiện hai bên vẫn chưa thống nhất được số tiền bồi thường.
Theo Hoàng Yến/Pháp Luật TP.HCM
Cụ bà 94 tuổi 40 năm oan sai: 'Ông ơi, người ta giải oan cho mình rồi' Ở cái tuổi 94, cụ Võ Thị Thương bồi hồi nhớ đến cảm giác chòm xóm, anh em thân thích quây quần mà gần 40 năm kể từ ngày bị bắt oan cụ chưa một lần dám mơ tới. 40 năm qua, Cụ Võ Thị Thương cùng chồng mình là cụ Nguyễn Thành Nghị (đã mất) đã phải hứng chịu nỗi hàm oan...