Vụ đám đông hôi của khi xe tải cháy, tài xế đứng khóc dưới lăng kính pháp luật!
Về vụ việc “Tài xế đứng khóc vì đám đông lao vào hôi của xe tải bị cháy” qua đoạn video ghi cảnh hàng chục người dân lao vào hôi của trên xe tải tải chở hàng bị gặp nạn ở Bình Định ngày 1/11 trên Quốc lộ 1D, đoạn qua phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), luật sư Trương Anh Tú nhận định có cơ sở xử lý hình sự.
Theo luật sư Trương Anh Tú – Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Hôi của không phải là một hành vi đúng đắn của một con người, hoàn toàn trái với đạo lý, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Hôi của xuất phát từ lòng tham và sự ích kỷ, dù họ ý thức được đó không phải là tài sản của mình nhưng lại dung túng bản thân, cho bản thân cái quyền ngang nhiên lấy tài sản của người khác. Sự tham lam đã lấn át lý trí và lòng tự trọng khiến họ – những người hôi của – có thể biết rõ việc mình làm là sai nhưng vẫn làm, bỏ qua việc bị cả xã hội lên án.
Dĩ nhiên, có nhiều lúc đám đông cũng có lý, khiến chúng ta phải tôn trọng và làm theo. Tuy nhiên trong trường hợp này, về khía cạnh đạo đức, đám đông hôi của đã đánh mất những giá trị nhân bản “tình người”, “lá lành đùm lá rách”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ người khác trong lúc hoạn nạn khó khăn, tinh thần đoàn kết truyền thống của người Việt Nam đã bị rũ bỏ, thể hiện sự xuống cấp về mặt đạo đức trong xã hội của đám đông hôi của.
Sau khi đám cháy được dập tắt, nhiều người dân lao vào hôi của trên xe tải cháy mặc cho tài xế khóc van xin.
Lái xe khóc trong bất lực.
Trong đám đông đó, không phải hoàn toàn chỉ có người dân lao động nghèo khổ nhưng họ vẫn lao vào hôi của, đó chính là hội chứng đám đông mà căn nguyên sâu xa nhất của tệ nạn hôi của cũng như nhiều vấn nạn khác, là trách nhiệm cá nhân đã bị coi nhẹ trong cộng đồng, tâm lý đám đông, với việc ” bắt chước” tính “adua” làm theo người khác cho dù biết hay không biết việc làm của người mình đang “bắt chước” có đúng hay sai. Trong trường hợp nói trên, trách nhiệm cá nhân cần phải được làm rõ, dù nhỏ đến lớn đều phải bị chế tài, xử lý và trừng phạt theo pháp luật.
Do đó, mặc dù giá trị tài sản do đám đông chiếm đoạt không có giá trị cao nhưng hành vi của từng cá nhân này đã có dấu hiệu của Tội “ Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 137 Bộ luật hình sự:
“ 1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Hành hung để tẩu thoát;
Video đang HOT
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng”.
Theo đó, đối với những người có hành vi hôi của nói trên thõa mãn đầy đủ các dấu hiệu về chủ thể (từ đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi) đã có lỗi cố ý nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Trương Anh Tú: Có cơ sở xử lý hình sự vụ đám đông hôi của khi xe tải cháy, tài xế đứng khóc.
Về mặt khách thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là xâm phạm đến quan hệ về tài sản (quan hệ sở hữu) và có hành vi chiếm đoạt tài sản công khai, với thủ đoạn lợi dụng đám đông và hoàn cảnh hỏa hoạn, tai nạn để vơ vét tài sản trên xe tải ( hành vi này khác với tội cướp giật ở chỗ không cần sự nhanh chóng).
Đặc điểm nổi bật của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là người phạm tội (các cá nhân trong đám đông) ngang nhiên lấy tài sản trước mắt người quản lý tài sản (người lái xe tải) mà họ không làm gì được (không có biện pháp nào ngăn cản hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội hoặc nếu có thì không đem lại hiệu quả, tài sản vẫn bị người phạm tội lấy đi một cách công khai). Tính chất công khai và trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội ( người hôi của) không giấu giếm hành vi phạm tội của mình, trước, trong và sau khi bị mất tài sản, người bị hại (người lái xe) biết ngay người lấy tài sản của mình (biết mà không thể giữ được).
Từ những phân tích ở trên thì những người tham gia hôi của trong vụ việc ngoài việc bị lên án về mặt đạo đức, xử phạt vi phạm hành chính, hành vi hôi của đã có dấu hiệu của Tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 137 Bộ luật hình sự, theo đó các cá nhân hôi của có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chịu hình phạt tù từ sáu tháng đến 3 năm, nếu xác định được gí trị hàng hóa trên hai triệu đồng, do đó CQCSĐT thành phố Quy Nhơn cần xác minh làm rõ những tình tiết liên quan, nhất là việc định giá tài sản và qua clip để xác định những đối tượng hôi của.
Anh Thế ( ghi)
Theo Dantri
Lái xe khóc lóc, van xin người khác đừng lấy hàng trên chiếc xe cháy
Mặc cho lái xe tải chở hàng bị cháy khóc lóc, năn nỉ xin đừng lấy hàng, nhưng đám đông vẫn lao vào tranh nhau "hôi của"...
Ngày 2/11, đại diện Công an phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn, Bình Định) cho biết, cơ quan nay đang phối hợp với ngành chức năng địa phương tiến hành khám nghiệm hiện trường, làm rõ vụ việc một số người có hành động "hôi của" trên xe tải chở hàng gặp nạn trên QL 1D đoạn qua phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, xảy ra sáng 1/11.
Hiện trường vụ cháy xe ô tô tải chở hàng xảy ra tại Bình Định hôm qua (1/11)
Trước đó, như báo Dân trí đã thông tin, vào khoảng 9h30 sáng 1/11, trên Quốc lộ 1D (đoạn thuộc khu vực phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) xảy ra vụ cháy xe tải chở hàng mang BKS 51C- 558.31 do tài xế Lê Tấn Duy (25 tuổi, ở tỉnh Phú Yên).
Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Định điều 2 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường. Khoảng 30 phút sau, ngọn lửa được dập tắt.
Thế nhưng điều bất ngờ xảy ra, khoảng đầu giờ chiều cùng ngày, trên trang mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi cảnh hàng chục người dân lao vào "hôi của" trên xe tải chở hàng bị cháy này. Trong khi đó, tài xế đứng khóc, bất lực nhìn đám đông vơ vét hàng hóa.
Sau khi đám cháy được dập tắt, nhiều người dân lao vào hôi của trên xe tải cháy mặc cho tài xế khóc van xin
Đoạn video cho thấy, ô tô tải gặp nạn bị cháy, nhiều mặt hàng như sữa, mì tôm, dầu ăn, nước mắm, bột giặt, bếp từ, xoong nồi,... trên xe bị cháy, hư hỏng. Hàng chục người mặc áo mưa, tay cầm túi nilon chạy đến, lục xới để lấy các thùng hàng còn sót lại.
Chứng kiến cảnh đó một người đàn ông lớn tiếng nói: "Đừng có lấy! Hàng đang còn nguyên, trả lại cho người ta". Thế nhưng, đám đông vẫn chạy đến vơ vét hàng hóa, thậm chí leo lên cả thùng xe lục lọi, xới tung lên tìm hàng còn dùng được mặc cho tài xế khóc nức nở, van xin. "Người thân của chị bị cháy như thế này rồi bị người ta lấy thì chị thấy sao?"- lái xe tải gặp nạn ngồi khóc lóc nói với một phụ nữ đang cúi lấy hàng.
Lái xe khóc trong bất lực
Trong số đó cũng có người cố gắng la hét can ngăn không được lấy hàng nhưng đám đông vẫn hả hê lục xới lấy hàng còn sử dụng được
Sáng 2/11, khi gặp chúng tôi phụ lái xe tải vẫn chưa hết buồn vì sự cố xe cháy rồi bị người dân lao vào lấy hàng nên anh không muốn chia sẻ gì thêm. "Xe bị nạn đã xui xẻo lắm rồi, hàng hóa có thể bị chủ đền. Tôi đã van xin họ đừng lấy nhưng họ không còn tình. Sự việc đã rồi thì mình đành chịu"- lái phụ xe tải gặp nạn buồn nói.
Chủ tài khoản Facebooker Bình Nguyễn - người chia sẻ video, viết: "Hôm nay, tôi đi bán hàng nhìn cảnh này mà buồn quá. Tài xế khóc lóc, còn người dân cứ hôi của. Không hiểu người ta nghĩ gì?, trong khi xe hàng thì cháy hết".
Doãn Công
Theo Dantri
Điều tra viên gây oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén chưa đủ tiêu chuẩn hành nghề luật sư Đó là khẳng định của bà Đỗ Hoàng Yến - Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) về sự việc ông Cao Văn Hùng - cựu điều tra viên trong hai vụ án oan sai của ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) - đang hành nghề luật sư tại Thủ đô Hà Nội. Cựu điều tra viên Cao Văn Hùng...