Vụ Công ‘mô tô’: Mua rẻ bán đắt hay buôn lậu?
Giả định: Rất có thể sự việc vừa xảy ra với đại gia Công “mô tô” và nhóm cán bộ chi cục quản lý thị trường, chi cục thuế tỉnh Hải Dương không đơn giản là việc làm khống hồ sơ để mua rẻ – bán đắt mà không loại trừ dấu hiệu của hành vi buôn lậu (?!).
Trụ sở chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương.
Thủ thuật “hô biến” cũ mèm
Theo tìm hiểu thực tế của nhóm PV tại địa bàn tỉnh Hải Dương, hàng hóa muốn chuyển từ cảng Hải Phòng lên tập kết tại TP.Hải Dương rồi túa đi các tỉnh thành ngoài việc đi theo đường quốc lộ 5, còn có thể đi theo đường qua địa phận huyện Ninh Giang. Con đường này theo nhìn nhận của cánh lái xe thì kín đáo và dễ dàng hơn nhiều so với đoạn quốc lộ 5 ngày đêm rầm rập xe qua lại. Không loại trừ trường hợp, Huỳnh Văn Xuân đã nhận ra ưu thế này và tìm cách lân la móc ngoặc với nhóm cán bộ quản lý thị trường và thuế nơi đây (?!).
Tiền lệ: Vụ “hô biến” xe máy lậu thành xe xịn ở Hà Giang:
Để củng cố cho lập luận này cũng như rộng đường dư luận, chúng tôi xin đưa đến bạn đọc một trường hợp “hô biến” xe máy lậu thành xe xịn đã từng xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang cách đây không lâu với các chiêu trò tương tự.
Theo tài liệu còn lưu giữ, vào cuối năm 2009, đầu năm 2010, tại Hà Giang đã xảy ra việc 50 chiếc xe mô tô phân khối lớn được một số cán bộ đầu ngành huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang móc nối với các đối tượng buôn lậu, làm hồ sơ khống nhằm hợp thức hóa nguồn gốc cho lô xe này với giá rẻ thông qua hình thức thanh lý khống và thời điểm cuối năm 2009, đầu năm 2010. Hai mắt xích quan trọng nhất trong vụ buôn lậu khủng này được cơ quan xác định là Phạm Văn Hùng (trú tại tổ 20, đường Lê Quý Đôn, phường Đề Thám, tỉnh Thái Bình) và một người tên Thắng (trước đây là cán bộ PC16 công an tỉnh Hà Giang). Các đối tượng đã bỏ ra khoảng nửa tỷ đồng để “chi phí” cho phi vụ làm ăn này.
Tiếp tay cho vụ buôn lậu mô tô khủng này có tới hơn 10 cán bộ các ngành công an, viện kiểm sát, tài chính huyện Quang Bình. Do tính chất phức tạp của vụ việc, công an tỉnh Hà Giang đã chuyển hồ sơ lên C46 Bộ Công an để điều tra làm rõ, tuy nhiên tới giữa năm 2013, C46 đã chuyển lại hồ sơ cho cơ quan CSĐT công an tỉnh Hà Giang điều tra xử lý.
Video đang HOT
Để “ăn” trót lọt lô hàng siêu khủng này, các đối tượng buôn lậu đã móc nối với một số cán bộ đầu ngành huyện Quang Bình dựng lên việc phát hiện 2 lô xe mô tô phân khối lớn vô chủ tại xã Tân Bắc và xã Yên Thành (huyện Quang Bình), sau đó tổ chức thanh lý khống số xe trên với giá thấp hơn từ vài chục đến vài trăm lần giá thực.
Theo hồ sơ còn lưu tại phòng tài chính huyện Quang Bình, ngoài 3 chiếc xe Honda Spacy 125cm3 nhập nguyên chiếc thì 47 chiếc xe còn lại đều là xe phân khối lớn được các hãng danh tiếng sản xuất có giá bán trên thị trường từ vài nghìn lên đến hàng chục nghìn USD, nhưng lại được “thanh lý” với giá từ 3,7 đến 4,7 triệu đồng.
Để hợp thức hóa trong quá trình thanh lý, một số cán bộ huyện Quang Bình đã lập các biên bản phát hiện hàng vô chủ rồi nhờ công an 2 xã này xác nhận sau đó liên hệ với công an, kiểm sát, tài chính của huyện để làm thủ tục thanh lý số xe theo đúng quy định. Tuy nhiên, toàn bộ số hàng trên các đối tượng buôn lậu chỉ gửi tên xe, số khung, số máy của từng chiếc xe để các cán bộ huyện này ghi vào biên bản, các công việc cụ thể trong quá trình “làm xe” hai mắt xích Hùng và Thắng chỉ liên lạc qua điện thoại. Và ngay cả hội đồng định giá thanh lý, các thành viên trong hội đồng cũng chưa ngồi họp với nhau lần nào?
Tuy nhiên, quá trình điều tra đã xác định không hề có hội đồng định giá nào cả mà chính đối tượng Hùng đã trực tiếp định giá cho số xe trên. Thông qua giao dịch bằng điện thoại, các cán bộ tiếp tay cho Hùng sẽ ghi vào biên bản để qua các phòng ban của huyện để hợp thức hóa số xe này. Qua tìm hiểu được biết những chiếc xe trong 2 lô xe nhập lập thời điểm 2009 đã được mua từ Mỹ, chuyển qua đường hàng không về đến Campuchia. Từ đây, các xe được tháo rời và chuyển qua biên giới Việt Nam để trốn thuế. Sau khi vận chuyển trót lọt, số xe này được đưa về tỉnh Thái Bình để lắp ráp rồi tìm cách làm giấy tờ hợp pháp cho số xe trên.
Có sự tiếp tay cho gian thương
Để che mắt chính những “ân nhân” giúp đỡ để hợp thức hoá lô xe mô tô khủng này, các đối tượng buôn lậu đã chi ra một số tiền khá lớn và qua nhiều mối quan hệ, móc nối làm hồ sơ sau đó lại đứng ra mua lại số xe này. Nhờ chiêu thức này mà các xe khi ghi trong biên bản giấy tờ khiến một số cán bộ đã “trót” giúp đỡ Hùng và Thắng chẳng thể hiểu nổi nó hình thù to nhỏ như thế nào. Đây cũng là một trong những chiêu trò tinh vi của các đối tượng buôn lậu nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Sau khi đã có “lý lịch” chuẩn cho từng chiếc xe, một số xe được chuyển vào TP.Hồ Chí Minh để tiêu thụ.
Một ví dụ điển hình đó là trong 2 lô xe này bằng phương pháp giả vờ phát hiện hàng vô chủ rồi tổ chức thanh lý, chiếc xe nhập lậu có giá trung bình từ 80.000- 120.000 USD đã được hội đồng thanh lý huyện Quang Bình, Hà Giang “bán khống” cho một người tên Hùng với giá 9,2 triệu đồng. Sau khi có đủ thủ tục, Hùng đã mang xe đăng ký tại phòng cảnh sát giao thông tỉnh Thái Bình, lấy biển kiểm soát 16A6-0077 trước khi bán nó vào TP.Hồ Chí Minh với giá trên 2,4 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ xe khủng tại tỉnh Hà Giang, theo một nguồn tin khá tin cậy cung cấp cho PV, đến thời điểm hiện tại vụ việc đã được cơ quan CSĐT tỉnh Hà Giang hoàn tất hồ sơ điều tra. Đối tượng cầm đầu trong phi vụ buôn lậu này đã được làm rõ, một số cán bộ tiếp tay cho phi vụ làm ăn này phần lớn đã phải chịu một hình thức kỷ luật nhất định.
Lãnh đạo chi cục QLTT Hải Dương hoàn toàn bất ngờ trước sự việc (?!)
Ở một diễn biến khác, trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Hải – chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương cho biết, các nhân ông hoàn toàn bất ngờ với thông tin các cán bộ của ông bị cơ quan công an bắt giữ. “Trước khi họ bị bắt, tôi cũng có nghe thông tin công an về kiểm tra. Tôi yêu cầu báo cáo thì anh em cho biết là họ (công an – PV) chỉ về kiểm tra thôi chứ không có gì. Thế nên khi bị bắt chúng tôi rất bất ngờ. Hiện tại, chúng tôi cũng chỉ biết chờ đợi kết luận từ cơ quan điều tra và sẵn sàng phối hợp để làm việc”. Nhận định về nhóm cán bộ bị bắt giữ, ông Hải cho biết họ đều là những cán bộ năng nổ và có chuyên môn vững vàng tại cơ quan mình quản lý.
Theo Người Đưa Tin
Thủ tướng: "Không thể "né" hôn nhân đồng giới"
Nhận định hôn nhân đồng giới là một thực tế xã hội đang đòi hỏi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, đây là vấn đề của toàn cầu, không thể "né". Thủ tướng thống nhất đưa vấn đề vào luật Hôn nhân-Gia đình sửa đổi để thảo luận, cân nhắc cặn kẽ.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình được đưa ra thảo luận tại Chính phủ trong phần cuối phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Chính phủ. Nhiều vấn đề lớn, quan trọng lần lượt được đề cập như việc áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình; vấn đề giải quyết hậu quả của việc nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; vấn đề xác định tài sản chung của vợ chồng trong chế độ tài sản theo luật định; vấn đề xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; vấn đề hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài...
Bộ trưởng - Chủ nhiệm UB Dân tộc Giàng Seo Phử "can gián" quy định công nhận việc mang thai hộ, chấp nhận hôn nhân đồng giới. Theo ông Phử, những vấn đề này chưa phù hợp với truyền thống, thói quen suy nghĩ của người Việt Nam.
"Có thừa nhận hôn nhân đồng giới thì trong thâm tâm cũng vấn thấy "gờn gợn". Tuy nhiên, bộ phận người đồng tính cũng là những công dân trong xã hội, đảm bảo quyền lợi cho họ cũng là vấn đề cần xem xét" - ông Phử diễn giải.
Ngược lại quan điểm này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại cho rằng nên ủng hộ quy định cho phép mang thai hộ bởi thực tế có những cặp vợ chồng rất muốn có con. Đó là mong muốn chính đáng của mỗi người, mỗi gia đình nhưng vì người vợ không thể mang thai được, cuộc sống gia đình cũng thiếu hạnh phúc, nhiều nguy cơ mâu thuẫn.
Bà Tiến phân tích thêm, thực tế, không cho phép thì vẫn có những cách thức làm chui, bất hợp pháp để nhờ mang thai hộ. Nữ Bộ trưởng dẫn chứng, nhiều người nổi tiếng, giàu có ở Việt Nam cũng đã chọn cách ra nước ngoài để "làm dịch vụ", chủ yếu sang Thái Lan.
Nhấn mạnh ý nghĩa đây là một quy định mang tính nhân văn, Bộ trưởng Y tế khẳng định hoàn toàn ủng hộ vấn đề này.
Tuy nhiên, bà Tiến lại nêu nhiều băn khoăn đối với quy định về ly thân được bổ sung thêm trong dự thảo luật.
Bộ trưởng Y tế đặt câu hỏi, nhiều gia đình, cả 2 vợ chồng vẫn sống cùng một nhà, cùng chia sẻ trách nhiệm tài chính, chăm sóc, nuôi dạy con cái nhưng tư tưởng, tình cảm thì mỗi người có thế giới riêng, có phòng riêng. Nêu giả thiết "đăng ký" sống ly thân, bà Tiến nghi ngại ít người muốn "khai báo" thật về đời sống riêng, về tình trạng hôn nhân, gia đình, đời sống của vợ chồng mình.
"Đưa chế định này ra có làm vấn đề thêm phức tạp? Có quy định này, người sống ly thân thật mà không khai báo thì có phạm luật, có chế tài xử lý?" - nữ Bộ trưởng đặt vấn đề.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường "trấn an", chế định ly thân trong dự thảo luật được quy định rất chặt chẽ. Ông Cường giải thích thêm "ban soạn thảo day dứt, nghĩ nhiều về việc này cũng vì mục đích bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em". Bộ trưởng đề xuất giữ nội dung này để trình Quốc hội cho ý kiến thêm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc, mục đích là bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong gia đình nhưng cần xem xét những điều kiện chặt chẽ như vợ chồng phải cùng khai báo, cam kết về việc thiết lập trạng thái ly thân với cơ quan chức năng.
Lưu ý thêm về quan điểm cho phép mang thai hộ, không cấm hôn nhân đồng tính, Thủ tướng cho rằng, thực tế xã hội đòi hỏi, yêu cầu thì cần nêu các ý kiến khác nhau ra để thảo luận, cân nhắc cặn kẽ vì đây không còn là "chuyện của Việt Nam nữa" mà đều là những vấn đề của toàn cầu.
Cũng trong ngày 13/8, Chính phủ thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Dự án luật được bổ sung những quy định mới và sửa đổi những quy định không phù hợp, không khả thi của Luật hiện hành nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về môi trường; đảm bảo kiểm soát ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước và bổ sung một số nội dung mới liên quan đến tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, an ninh môi trường; coi trọng công tác phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường;... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý ban soạn thảo cần làm rõ các quy định về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về môi trường trong Luật, tránh sự chồng chéo và nhầm lẫn giữa các khái niệm. Thủ tướng cho rằng không đưa vấn đề tổ chức bảo vệ môi trường lưu vực sông liên tỉnh vào Luật, tuy nhiên cần làm rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm xử phạt những vi phạm liên quan đến môi trường lưu vực sông.
P.Thảo
Sạt lở đảo đá trên Vịnh Hạ Long là do hiện tượng tự nhiên Ngày 13/8, bà Phạm Thùy Dương, Trưởng BQL Vịnh Hạ Long cho biết, đã có nhận định sơ bộ ban đầu về sự cố đổ lở hòn 649 trên Vịnh Hạ Long là hoàn toàn do hiện tượng tự nhiên, do sự vận động kiến tạo địa chất trên vịnh. Bà Dương cho biêt, nhân định trên được đưa ra sau khi Đoàn...