Vụ con “quan” thành công chức: Người trong cuộc nói gì?
Những người được tỉnh Gia Lai tuyển dụng sai quy định cho rằng bản thân luôn hoàn thành tốt công việc, vì là công chức “con ông cháu cha” nên càng phải gương mẫu hơn.
Sáng 18.10, một số trường hợp được tuyển dụng công chức sai quy định theo quyết định số 39/2010/QĐ-UBND tỉnh Gia Lai (quyết định số 39), quy định chế độ hỗ trợ đào tạo sau đại học và chính sách thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh Gia Lai đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động.
Trong số 9/13 trường hợp mà phóng viên đã xác minh được, có 7 trường hợp công chức là “con ông cháu cha”.
Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai chuẩn bị thành lập hội đồng kiểm tra để sát hạch đối với 13 trường hợp theo quy định.
Trong số những người này thì ông Nguyễn Huỳnh Tâm (SN 1987), là con trai ông Nguyễn Thanh Bình, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT). Theo ông Tâm, năm 2014 ông là nhân viên hợp đồng, năm 2015 ông tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh Đại học Tôn Đức Thắng và được tuyển dụng vào sở này theo quyết định số 39. Khi về nhận công tác, bản thân ông luôn cố gắng phấn đấu, học hỏi và hoàn thành tốt công việc. Do là con của phó giám đốc sở, nên ông cũng chịu áp lực mà nỗ lực làm việc hơn.
“Vì là con của lãnh đạo nên tôi phải gương mẫu hơn, chấp hành đầy đủ các nội quy của cơ quan. Bản thân tôi luôn cố gắng phấn đấu, luôn luôn hoàn thành tốt công việc”, ông Tâm nói.
Video đang HOT
Tại sở này, ngoài ông Tâm còn có ông Phạm Trần Khoa (SN 1992), con trai của ông Phạm Thế Dũng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. Ông Khoa tốt nghiệp Đại học Khoa học và Công nghệ Lunghwa Đài Loan, được tuyển dụng ngày 1.7.2015. Theo ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở KH-ĐT, đây là hai trường hợp làm việc rất tốt.
Trao đổi với phóng viên, hai trường hợp không thuộc diện “con ông cháu cha” cho biết khi báo chí phản ánh, bản thân họ cũng rất phân tâm, lo lắng. Tuy nhiên, trong cuộc thi sát hạch sắp tới họ tự tin rằng sẽ hoàn thành tốt công việc với năng lực hiện có.
Ông T., đang công tác tại một sở nói sau khi báo chí phản ánh, nhiều người gọi điện hỏi thăm nên bản thân ông cũng bị phân tâm. Tuy nhiên, do công việc rất bận nên ông không có nhiều thời gian nghĩ nhiều. Đánh giá về ông T., Giám đốc sở này, cho biết trước đây ông T. tốt nghiệp ĐH Bách khoa TP.HCM loại giỏi, công tác tại một công ty trên địa bàn. Trong quá trình làm việc chung, nhận thấy ông T. là người có năng lực, nên sở đã vận động, làm công tác tư tưởng để ông T. chuyển về sở công tác. “Từ khi về sở, ông này làm rất tốt nhiệm vụ và đã được bổ nhiệm làm phó phụ trách Phòng Kỹ thuật, quản lý chất lượng của sở”, Giám đốc sở nơi ông T. đang công tác nói.
Một trường hợp khác là ông Phạm Hồng Bằng (hiện đang công tác tại Phòng Nội vụ huyện Đắk Đoa). Ông Bằng cho biết sau khi tốt nghiệp thạc sĩ triết học, ông nộp hồ sơ và được tuyển dụng theo quyết định số 39 vào Phòng Nội vụ huyện Đắk Đoa. Khi nhận công tác ông được phân công phụ trách mảng tôn giáo. “Bố mẹ tôi là cán bộ xã đã về hưu. Khi biết tin tôi nằm trong 13 trường hợp tuyển dụng sai, phải tổ chức sát hạch lại thì cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, tôi tin rằng khi tổ chức sát hạch thì với năng lực của mình tôi có thể vượt qua”, ông Bằng nói.
Theo Hoàng Thanh (Người lao động)
Bão số 10 đi qua, hơn 5.000 trụ tiêu hư hại
Do ảnh hưởng của cơn bão số 10 nên trong những ngày qua trên địa bàn Gia Lai đã xuất hiện mưa to, gió lớn kèm tố lốc. Hàng trăm trụ tiêu cùng hoa màu của bà con các huyện Đăk Đoa, Mang Yang bị hư hại, gãy đổ...
Cơn bão số 10 đi qua đã khiến cho hàng ngàn trụ tiêu cùng hoa màu của các hộ dân tại các xã Đăk Sơ Mei, Đăk Krong (Đăk Đoa, Gia Lai) gãy đổ. Thiệt hại ban đầu ước tính lên đến hàng trăm triệu đồng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thơm (31 tuổi, trú Đê Thung, Đăk Krong) trồng hơn 2.000 trụ tiêu. Tuy nhiên sau cơn bão, hơn 1.200 trụ của nhà bà Thơm bị gãy đổ, khó có khả năng phục hồi.
"Mấy hôm nay gia đình tôi chi hơn 100 triệu đồng thuê công, mua trụ chống các cây tiêu bị ngã. Vườn tiêu tôi đầu tư hơn 1 tỷ đồng, chuẩn bị được thu nhưng giờ cố gắng nuôi cây không bị chết đã là may", bà Thơm buốt lòng chia sẻ.
Do ảnh hưởng cua cơn bão số 10, có hơn 5 ngàn trụ tiêu của người dân tại huyện Đăk Đoa bị thiệt hại.
Cũng như các hộ dân khác, ông Nguyễn Xuân Cất (49 tuổi, trú thôn 17, xã Đăk Sơ Mei) cho biết gia đình ông có 700 trụ tiêu bắt đầu phủ trụ và 200 gốc chanh dây kinh doanh. Chiều 14/9, có một cơn giông lớn quét qua khiến toàn bộ chanh dây và tiêu của gia đình ông bị đổ rạp hoàn toàn.
"Sau một đêm gia đình tôi thiệt hại khoảng 70 triệu. Nguồn thu nhập của gia đình tôi chỉ trông chờ vào vườn tiêu với chanh dây này, giờ thì tan hoang hết cả", ông Cất buồn rầu nói.
Tiêu đổ rạp khiến người dân lo lắng
Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Tấn Lợi - Chánh văn phòng UBND huyện Đắk Đoa cho biết, theo thống kê sơ bộ, đã có hơn 5 ngàn trụ tiêu ở huyện Đắk Đoa bị hư hại do mưa kèm lốc xoáy.
Tại xã Đắk Krong có 12 hộ bị thiệt hại nặng, tập trung chủ yếu ở thôn Đê Thung với hơn 3 nghìn trụ bị gãy đổ (trong đó, có 2 nghìn trụ tiêu kinh doanh). Tại xã Đắk Sơ Mei có 12 hộ bị thiệt do lốc xoáy làm gãy đổ nhiều diện tích hồ tiêu và cây hoa màu. Riêng cây hồ tiêu có 7 hộ bị thiệt hại hơn 2 nghìn trụ.
Theo ông Ngô Ngọc Sinh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu các địa phương kiểm tra, thống kê thiệt hại của cơn bão số 10 và sớm báo cáo về UBND tỉnh để có hướng xử lý khắc phục.
Phạm Hoàng
Theo Dantri
Phát hiện một phụ nữ tử vong trong nhà tắm với nhiều vết thương Khoảng 9h sáng 8.3, tại khối phố 9, thị trấn Đắk Đoa, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) đã xảy ra một vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân là bà Đinh Thị H (46 tuổi), tử vong trong tình trạng có nhiều vết thương ở đầu. Theo thông tin ban đầu từ người dân có mặt tại hiện trường cung cấp,...