Vụ cô gái bị xăm “quái vật”: “Đa kim ngân phá luật lệ”?
Ngay sau khi vụ “Cô gái bị xăm “quái vật” bị đình chỉ đã có nhiều ý kiến phẫn nộ cho rằng: đối với hành vi của Nguyễn Thị Anh và Nguyễn Thị Hương (bị can trong vụ án) cần phải chịu sự xử lý nghiêm khắc của pháp luật.
Nạn nhận Nguyễn Thị G trở lại Hà Nội khám vết thương
Trước hàng ngàn ý kiến phản hồi của bạn đọc trong và ngoài nước gửi về tòa soạn tỏ thái độ bất bình trước vụ việc trên, phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) – người đầu tiên phân tích góc độ pháp lý và đề nghị cơ quan Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can khi vụ việc mới xảy ra. Theo luật sư Trương Anh Tú thì vụ việc cần phải xem xét trên nhiều góc độ:
Về góc độ pháp luật, theo quy định tại Điều 105, Bộ luật tố tụng hình sự quy định những trường hợp khởi tố theo yêu cầu người bị hại bao gồm: “ Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất“.
Trong vụ việc này, Nguyễn Thị Anh và Nguyễn Thị Hương bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 1 Điều 104 và tội “Làm nhục người khác” theo Khoản 1 Điều 121 BLHS. Đây là hai tội chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nếu thuộc khoản 1. Do đó người bị hại hoàn toàn có quyền yêu cầu hoặc rút đơn yêu cầu.
Trong trường hợp người bị hại rút đơn trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì “ vụ án phải được đình chỉ” và người bị hại “ không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút đơn yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức”. Như vậy, theo quy định của pháp luật, người bị hại đã rút đơn thì không có quyền yêu cầu lại và vụ án phải được đình chỉ giải quyết.
Nguyễn Thị Anh bị bắt đưa về trụ sở Công an. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Về góc độ thực tiễn, chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng: đối với một cô gái tuổi đời còn non trẻ, quyết định rút đơn yêu cầu trong khi không có sự hỗ trợ, tư vấn nào từ phía luật sư, luật gia thì liệu tính tự nguyện của việc rút đơn ấy đến đâu? Mặc dù nhận được số tiền bồi thường lớn nên cô gái mới rút đơn nhưng điều đó có đồng nghĩa với việc quyền lợi của cô gái được đảm bảo hay không? Khi mà sắc đẹp và sức khỏe là tài sản quan trọng của người phụ nữ, là thứ mà người phụ nữ nào cũng nâng niu, chăm chút từng ngày. Hủy hoại sắc đẹp đôi khi đối với người phụ nữ là sự hủy hoại tương lai, hủy hoại hạnh phúc của họ; đồng thời họ còn bị “sốc”, bị tổn thương nghiêm trọng về mặt tinh thần.
Video đang HOT
GS.BS Nguyễn Thị Dụ, Giám đốc Bệnh viện cùng PV Dân trí đang giới thiệu cho cho G. xem những lời chia sẻ, động viên của bạn đọc Dân trí.
Trong vụ việc lần này, các nhà hảo tâm, các bác sỹ đã tận tâm, tận sức quyên góp tiền bạc, sức lực giúp đỡ cô gái một phần để cô gái có đủ chi phí “tái tạo” lại vẻ đẹp của mình nhưng đồng thời đó cũng là cách họ động viên cô gái kiên cường đứng lên tố cáo những hành vi trái pháp luật. Những con người đó, những tấm lòng đó mong mỏi sự việc lần này sẽ là lời răn đe nghiêm khắc của pháp luật. Vì lẽ đó, trước khi rút đơn, cô gái phải có sự cân nhắc và đối với trường hợp của cô gái, các luật sư sẽ hoàn toàn có thể tư vấn miễn phí cho cô vì vậy cô cũng nên tìm đến sự trợ giúp của họ.
Mặt khác, với một sự việc mà mức độ phổ biến rộng lớn như trên thì việc đình chỉ vụ án do người bị hại nhận được tiền bồi thường thiệt hại và rút đơn yêu cầu sẽ ảnh hưởng lớn đến nhận thức pháp luật của người dân.
Trường hợp này bồi thường thiệt hại chỉ nên xem là tình tiết giảm nhẹ đối với bị can, chứ không thể “xóa nhòa” tội ác của bị can một cách “nhẹ như lông hồng” như vậy được. Với vụ án rúng động cả nước này cần phải được xét xử nghiêm minh để ngăn chặn tâm lý của những kẻ “ trọc phú” sẽ “ dùng tiền” để hợp pháp hóa hành vi vi phạm pháp luật của mình, tránh tình trạng “ Đa kim ngân phá luật lệ“.
Do đó, nên chăng với những vụ việc mà hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bị hại và ảnh hướng lớn tới dư luận, các cơ quan chức năng cần phải xem xét đến tầm ảnh hưởng của nó đối với nhận thức pháp luật của người dân để đưa ra các quyết định đúng đắn nhất.
Luật sư Trương Anh Tú trả lời phỏng vấn Báo Dân trí
Như Dân trí đã đưa tin, TAND TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với các bị can Nguyễn Thị Anh (tên còn gọi Trâm Anh, 35 tuổi, ngụ P.Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) và Nguyễn Thị Hương (22 tuổi, nhân viên của Trâm Anh) về các hành vi: “Cố ý gây thương tích” và “Làm nhục người khác”.
Theo hồ sơ vụ án, Trâm Anh có cửa hàng bán tạp hóa, bán card, sim điện thoại và tiệm cà phê nên cần người bán. Do hoàn cảnh khó khăn, năm 2008, N.T.G rời vùng quê Nghệ An vào TP. Vũng Tàu làm thuê cho Trâm Anh. Cùng làm với N.T.G còn có chị ruột của G. là N.T.L và một số cô gái đồng hương Nghệ An khác như: Nguyễn Thị Hương (21 tuổi), Hồ Thị Quỳ, Phan Thị Tính (18 tuổi), Thái Thị Tuất (21 tuổi)…
Do nghi ngờ N.T.G có quan hệ bất chính với chồng mình nên ngày 26/11/2011, Trâm Anh cho người bắt N.T.G cùng chị ruột của mình đến nhà riêng để chất vấn. Bị Trâm Anh dọa tạt axit và sẽ cho xã hội đen “xử” nên hoảng sợ, N.T.G thừa nhận có quan hệ với chồng Trâm Anh 3 lần. Nghe xong, Trâm Anh nhiều lần chửi bới, đánh đập, xé áo của G. Trâm Anh còn gọi em dâu đem kéo, tông đơ đến cạo sạch tóc của N.T.G.
Chưa hả cơn ghen, ngày 28/11/2011, Trâm Anh ra lệnh cho nhân viên của mình là Nguyễn Thị Hương đưa chị N.T.G đến tiệm xăm hình trên đường Hoàng Hoa Thám (TP. Vũng Tàu). Tại đây, Hương nói với G: “Giờ dì (Trâm Anh – PV) cho mày 2 cách lựa chọn. Một là tạt a xít lên mặt, hai là xăm 1 con rết lên mặt và 2 con rết lên ngực”. Do không thể bỏ trốn nên N.T.G đành chọn cách xăm hình rết. Đến đêm 30/11/2011, Trâm Anh mua vé xe và cho 2 chị em N.T.G về Nghệ An.
Sau khi vụ việc xảy ra, PV Dân trí đã liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc tại Hà Nội đã nhận điều trị miễn phí vết xăm cũng như toàn bộ chi phí trong thời gian G chữa trị.
Theo Dantri
Bố mẹ giết con: Những nỗi niềm chất chứa
Nhẫn tâm đến độ cướp đi mạng sống của đứa con mình dứt ruột đẻ ra, nuôi nấng 20 năm trời là một việc làm vô nhân đạo (ảnh minh hoạ)
Nghe qua, thấy thật phẫn nộ với tội ác tày trời này, song lắng lòng lại, nghe người mẹ này giãi bày tâm can, phần nào hiểu được nỗi đau không dễ gì san sẻ...
LTS: Phạm nhân Nguyễn Thị Anh (47 tuổi), quê quán xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), đang thụ án 7 năm tù tại trại giam Đồng Sơn về tội "giết người". Nạn nhân trong vụ án không ai khác chính là đứa con trai nghịch tử học đòi vô lối, phá phách, hư hỏng còn đòi giết cả bố mẹ đẻ khiến Thị Anh và chồng phải ra tay cướp đi mạng sống của đứa con do chính mình dứt ruột đẻ ra. Nghe qua, thấy thật phẫn nộ với tội ác tày trời này, song lắng lòng lại, nghe người mẹ này giãi bày tâm can, phần nào hiểu được nỗi đau không dễ gì san sẻ, chất chứa trong lòng những người làm cha, làm mẹ khi có đứa con hư không thể giáo dục.
Từ đứa con ngỗ nghịch...
Khi tôi viết ra những dòng chữ này, thực sự trái tim tôi đang đau nhói tựa như có ngàn mũi kim đâm vào. Quá khứ đã ở lại sau lưng, những đau thương hệ lụy những tưởng đã chấm dứt khi hai vợ chồng tôi nhẫn tâm loại bỏ khỏi đời sống đứa con út ngỗ ngược do chính mình dứt ruột đẻ ra, sau tất thảy những gì mà nó gây ra. Nhưng thực sự tôi đã nhầm, những ngày tháng qua đối với tôi (và tôi tin là chồng tôi cũng vậy), đã có những ngày giông bão, đêm không bình yên vì hối hận lỡ lầm, vì hành động xốc nổi, mù quáng. Có ai ở trong hoàn cảnh như vợ chồng tôi mới thấu hiểu được, nhưng thực sự nhẫn tâm đến độ cướp đi mạng sống của đứa con mình dứt ruột đẻ ra, nuôi nấng 20 năm trời là một việc làm vô nhân đạo. Dù biết là vậy, nhưng ở vào hoàn cảnh của vộ chồng tôi lúc ấy, thực sự đó là giải pháp cuối cùng, dù rất đau lòng.
Tôi tên là Nguyễn Thị Anh (48 tuổi), còn chồng tôi là Trương Quang Kiều (51 tuổi), chúng tôi đều làm nông, với 2 sào ruộng và 3 sào vườn ở xã Đức Lĩnh. Hai vợ chồng tôi sinh được 3 cậu quý tử, ông cha bảo, "tam nam bất phú", điều này có lẽ đúng với hoàn cảnh gia đình tôi. Gắng gượng mãi, hai đứa đầu cũng học xong lớp 12 và đi làm, rồi dựng vợ gả chồng, mọi cố gắng chỉ dồn cho đứa con trai út Trương Đài Bắc. Những tưởng, bớt đi gánh lo sẽ nhẹ đôi vai tần tảo. Nhưng không ngờ, mọi bi kịch đời người cũng bắt đầu giáng xuống kể từ khi cả nhà tập trung lo cho nó ăn học. Tốt nghiệp lớp 12, trong lúc định hướng cho con đi bộ đội ít năm để rèn luyện thì hay tin con nhận được giấy báo đậu vào khoa Giáo dục thể chất trường Đại học Hà Tĩnh. Vậy là mọi người hùa vào, khuyên nó đi học đại học để sau này có cái nghiệp nuôi thân.
Học kỳ đầu của năm thứ nhất, Bắc rất siêng năng, chăm chỉ. Cứ mỗi tháng, tôi lại gửi gạo cho nó, kèm theo 650.000 đồng. Nó biết chi tiêu tằn tiện, nên tháng nào cũng dư dả, có hôm còn mua quà về cho bố mẹ. Sau Tết, Bắc xin ra ở cùng với một anh lớp trên, chứ không ở chung kí túc xá nữa, và đó cũng là khởi thủy cho những vết trượt lầm lỡ của cậu sinh viên sống xa nhà. Ra ngoài được vài tháng Bắc biết đến lô đề, cờ bạc rồi ngập đầu vào nợ nần, cầm cố. Đến trước ngày thi hết học kỳ, tôi đã phải đích thân xuống thành phố Hà Tĩnh, mang 3 triệu đồng đóng tiền nợ tại quán cơm bà Mai cạnh trường, và trả nợ ở một số quán xá gần 5 triệu nữa, Bắc mới được vào thi học phần.
Từ đó, Bắc sa vào ăn chơi, bỏ ngang học và bị đình chỉ học 1 năm. Trong thời gian ấy, nó vẫn dối cha mẹ, anh chị, thường xuyên xin tiền, có hôm về nhà lừa học bằng lái xe, xin 200 ngàn đồng, rồi gọi điện lừa anh chị mua tài liệu ôn thi, xin 800 ngàn. Đến cả việc, nhiều hôm Bắc đi xe đò từ thành phố về nhà, không có lấy một xu trả tiền cho nhà xe, phải gọi bố mẹ mang tiền ra bến. Không dừng lại ở đó, về xin tiền không có, nó đã lớn tiếng chửi rủa, thậm chí dọa nạt bố mẹ để được thỏa nguyện. Hơn một lần, nó đã vác dao dí tận cổ bố, rồi nhảy sang bóp cổ tôi dọa sẽ giết nếu không cho nó tiền để đi chơi. Những ngày tháng đó đối với vợ chồng tôi chẳng khác gì địa ngục, vừa bất lực, vừa uất hận nghẹn ngào. Nhiều bữa hai vợ chồng ôm nhau khóc tức tưởi, chẳng có ngôn từ nào diễn tả được nỗi đau ấy.
Đến lúc không chịu nổi thói ngỗ ngược của thằng con út, vợ chồng tôi đã thông báo với 2 bên nội ngoại, và mọi người tổ chức cuộc họp gia đình để chung tay giáo dục đứa con ngỗ ngược, đứa cháu bất trị. Bản cam kết cùng chung sức đồng lòng được viết ra, Bắc cũng tự nhận lỗi trước họ hàng và hứa sẽ tu tâm tỉnh trí. Ý nguyện của mọi người là tạo điều kiện cho nó học tiếp. Song, như con ngựa bất kham, rời khỏi nhà là nó lại sa vào tệ nạn. Mới xách ba lô đi được 2 ngày, đã thấy nó lò dò trở về xin tiền. Đến lúc vợ chồng tôi kiên quyết nói không, nó vác nồi cơm điện, quạt máy vứt xuống ao, rồi vác dao đòi chém bố mẹ khiến hai vợ chồng tôi phải chạy sang lánh nạn nhà hàng xóm. Đến khi về nhà, không thấy nó đâu, chiếc xe máy cũng chẳng còn. Về sau mới biết nó mang xuống thành phố cầm cố hiệu cầm đồ lấy 2 triệu đồng. Vợ chồng tôi lại phải lập bập mang tiền xuống chuộc lại. Chịu không thấu, chúng tôi đã gọi thằng anh đầu đang làm việc ở Đồng Nai đưa nó vào làm công nhân. Song cũng chỉ được nửa tháng, thằng anh đã mang em về trả, bởi đi làm việc mà suốt ngày nó cứ vờ đi vệ sinh rồi vào ngồi lỳ trong nhà vệ sinh hút thuốc.
Bản án lương tâm...
Cho đến một đêm vắng mùa đông ngày 21/12/2010, bi kịch gia đình đã giáng xuống ngôi nhà của gia đình tôi, khi sức chịu đựng của vợ chồng tôi đã vượt quá giới hạn. Tối đó, Bắc đi uống rượu về, trước khi đi ngủ, nó nói với bố mẹ là sẽ đi làm ăn xa, đề nghị chuẩn bị cho một khoản tiền lớn. Một ngày vô cùng mỏi mệt trên ruộng sâu, nên chồng tôi không muốn đôi co, ậm ừ cho qua chuyện và hứa ngày hôm sau sẽ cho tiền nên nó lăn ra ngủ. Tôi biết vì quá mệt mỏi với những yêu sách của con nên chồng hứa bừa vậy chứ thực ra, trong nhà hiện không còn một xu dính túi. Đoạn, chồng tôi đi ra sân lấy một chiếc gậy, rồi lại chỗ con trai mình rồi đánh mạnh vào mặt nó một nhát trời giáng. Khi nghe tiếng la lớn của con trai: "Bay định giết tau à"! thì từ buồng trong, tôi bật dậy, chạy ra thấy chồng tôi đang chồm hỗm lên người con, dùng hai tay bóp mạnh vào cổ. Trong lúc bấn loạn, tôi còn chưa biết làm gì thì ông ấy bảo tôi giữ hai chân kẻo "Nó mà vùng dậy được thì nó sẽ đánh chết cả nhà" nên đã lập bập làm theo chồng như một cái máy. Đến khi thấy con nằm bất động, biết chắc nó đã chết, hai vợ chồng mới bàn nhau phi tang cái xác bằng cách bỏ vào bao tải rồi vứt xuống sông Ngàn Sâu. Tội ác của vợ chồng tôi những tưởng sẽ được vùi sâu chôn chặt, nào ngờ 1 tuần sau, cái xác nổi trên mặt nước. Cơ quan Công an vào cuộc và điều tra làm rõ tấn bi kịch nhói lòng của gia đình tôi.
Quá nửa đời người sống trên cõi đời này, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày mình sẽ ra tay cướp đi mạng sống của đứa con mình dứt ruột đẻ ra, nhân vô thập toàn, sẽ có những việc mình làm không phải đạo. Nhưng tất nhiên đó không phải là việc giết con đẻ của mình. Vậy mà, tôi đã cùng chồng nhẫn tâm làm cái việc trời không dung, đất không tha ấy. Trong khoảnh khắc rồ dại ra tay với nghịch tử, cũng như cho đến bây giờ, khi đã khoác lên mình bộ quần áo sọc dọc, tôi luôn phải chịu sự giằng xé tâm can giữa một bên là chồng, một bên là con. Bản thân tôi đã quá nhiều lần phải chứng kiến. Và cũng đã không ít lần là nạn nhân của thói ngỗ ngược từ đứa con bất hiếu nên đã mụ mị làm theo lời chồng vô điều kiện, dù đó là hành động phi nhân tính. Bi kịch lẽ ra sẽ không ập đến nếu như vợ chồng tôi biết cách giáo dục con cái ngay từ đầu. Nhưng, cả hai vợ chồng đều là những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, trình độ hiểu biết pháp luật còn rất hạn chế.
Từ ngày bị bắt giam, vợ chồng tôi mới chỉ gặp nhau đôi ba lần. Lần mới nhất là dịp tòa xử án vào tháng 5/2011, nhìn ông ấy gầy gò xanh xao, tôi thương ông lắm. Biết chắc, cũng như bản thân mình, sau khi gây ra tội ác với con, ông ấy hẳn đã dày vò, ân hận lắm. Chồng tôi phải thụ án 10 năm tù, nhưng thời gian không nghĩa lý gì, bởi tòa án lương tâm mới là bản án cay nghiệt nhất đối với mỗi đời người. 2 năm trong trại giam là quãng thời gian vô tận đối với tôi, song hễ cứ đêm về, nhắm mắt lại là hình ảnh đứa con bé bỏng hiện ra, cả cái đêm tội lỗi ấy nữa, cứ ám ảnh tôi cả trong bữa ăn, giấc ngủ. Giờ đây, tôi đang gắng sống thật tốt, cải tạo thật tiến bộ để được sớm trở về. Dù biết rằng, ngày về hẳn ít người chào đón một người mẹ mang bản án giết con, nhưng tôi vẫn mong ngày được đặt chân lại mái nhà xưa, để tạ lỗi với tất cả. Ngôi nhà ấy, vì lỗi lầm của vợ chồng tôi mà suốt 2 năm nay, cửa khóa trái im ỉm, chẳng ai dọn dẹp, hương khói, phụng thờ.
Phạm nhân Nguyễn Thị Anh (Trại giam Đồng Sơn)
Theo 24h
Hành trình trốn chạy của nữ ô sin "ẵm" tiền chủ nhà Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi Ánh kể lại sự việc với người hàng xóm. Đến bây giờ khi đã bị bắt trong trại tạm giam, Nguyễn Thị Ánh (SN 1979, thường trú xã EaKnốp, huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk) vẫn không tin đó là sự thật. Thị không thể ngờ được vì sao sau ba năm, mọi tỗi lỗi tưởng chừng như...