Vụ cô gái bị tai nạn không ai cứu : Vì sao tôi chọn bỏ đi?
Tôi không vô cảm trước sự nguy kịch tính mạng của người khác. Nhưng tôi sợ chính mình tự chuốc lấy họa về sau.
Đọc bài “Vụ cô gái bị nạn không ai cứu: Tôi đau lắm!” phê phán những người qua đường đã lạnh lùng bỏ đi mà không cứu giúp nạn nhân, tôi thấy bóng dáng mình ở đâu đó trong số họ.
Câu chuyện tài xế taxi Vinasun và những người tham gia giao thông vào sáng ngày 25-6 tại giao lộ Tân Hương – Võ Công Tồn bỏ mặc hai nạn nhân khi xảy ra tai nạn đã gây nên nhiều bức xúc trong cộng đồng.
Không thể phủ nhận sự thờ ơ trước hai tính mạng đang lúc nguy kịch của tài xế và người dân là quá ư lãnh cảm, nếu không muốn gọi tên đúng cho hành vi này là độc ác. Nhưng tôi muốn mọi người hãy nhìn rộng thêm ở một khía cạnh khác.
Cha tôi là một tài xế lái xe ô tô và dù không có ý dạy con trở thành người vô cảm, nhưng từ những ngày đầu tôi lái xe máy, cha đã bảo tôi hãy tránh xa những vụ tai nạn. Bởi hơn ai hết, cha tôi biết điều đó sẽ gây nên biết bao rắc rối và phiền hà cho cả những ai có lòng tốt cứu giúp người gặp nạn.
Đã nhiều lần, cha tôi và nhiều tài xế khác là bạn của ông đã từng bị đánh, bị đuổi đòi giết khi cứu giúp những nạn nhân gặp tại giao thông. Người đuổi đánh có thể là người nhà nạn nhân, cũng có thể là người đi đường, việc tấn công như một cách đòi lại công bằng cho nạn nhân. Trong khi, những người cứu giúp đó họ không hề có lỗi, thậm chí cũng chẳng liên quan đến vụ tai nạn. Và cũng vì vậy, trong rất nhiều vụ tai nạn, khi nhận thấy nạn nhân có cơ hội sống rất mong manh thì người tài xế chọn cách bỏ mặc nạn nhân để bảo vệ tính mạng của mình, hoặc phải nhờ sự có mặt của CSGT mới có thể cứu chữa được cho nạn nhận.
Công an đang khám nghiệm hiện trường để phục vụ công tác điều tra vụ tai nạn giao thông tại giao lộ Tân Hương – Võ Công Tồn.
Không thể phủ nhận một thực tế là có nhiều người tham gia giao thông rất muốn cứu người nhưng lại sợ phiền hà. Điều này dễ nhìn thấy trong những vụ tai nạn giao thông, đặc biệt là những vụ có người gây tai nạn bỏ chạy, tai nạn xảy ra trên đoạn đường vắng thì những ai đến cứu giúp nạn nhân sau đó thường gặp rắc rối.
Video đang HOT
Tháng 2-2017, vụ việc một nam thanh niên bị đâm khi cứu giúp cô gái bị nạn ở Bắc Ninh là điển hình của sự rắc rối này. Nam thanh niên Nguyễn Hải Sơn từ việc đưa người gặp tai nạn đến bệnh việc cấp cứu đã phải nhận nhát dao đâm vào người vì người thân của nạn nhân hiểu nhầm anh Hải Sơn là người gây tai nạn.
Từ người tốt bị hóa thành kẻ xấu là chuyện chẳng lạ đối với nhiều cá nhân khi cứu giúp người bị tai nạn giao thông. Thực tế, khi một cá nhân nhập viện trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thì đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện đều khẩn cấp tìm người thân của nạn nhân để làm thủ tục nhập viện, viết giấy cam kết nếu có chuyện chẳng may xảy ra. Rất nhiều người cứu giúp nạn nhân cảm thấy lúng túng trong việc xử lý tình huống này. Chẳng sai, khi người ta sợ phải gánh lấy trách nhiệm từ trên trời rơi xuống, một mạng người đâu phải là chuyện nhỏ.
Đó là chưa kể đến, nếu không biết cách sơ cứu, chuyên chở nạn nhân đúng cách sẽ làm tăng thêm nguy hiểm cho nạn nhân. Thêm vào đó, sau khi cứu giúp nạn nhân, nhiều người lại vướng vào vòng lao lý, phải liên tục bị các cơ quan tố tụng gọi lên để đối chất, để cho lời khai, để làm nhân chứng. Khi ấy, họ phải mất thời gian, mất công việc. Như vậy, thử hỏi bạn có muốn giúp một người để rồi tự đưa mình vào biết bao phiền phức hay lựa chọn một cái nhấn ga bỏ đi.
Nhìn cảnh cô gái ra đi không một lời trăng trối với người thân, ra đi trong sự lạnh lùng của tài xế gây ra tai nạn và những người qua đường, tôi ước gì cô gái ấy đã được một người hùng nào đó cứu sống. Còn riêng tôi, thật lòng mà nói nếu có mặt ở đó, tôi nghĩ mình không đủ dũng khí để cứu giúp cô gái bị nạn ở giao lộ Tân Hương – Võ Công Tồn. Bởi tôi sợ mình tiếp tục trở thành nạn nhân của sự hiểu lầm, của những phán xét nóng vội và phải gánh nhiều hậu quả nặng nề khác.
(*) Bài viết là góc nhìn riêng của tác giả gửi đến PLO
VÕ PHẠM
Theo PLO
Vụ cô gái nằm bất động đến chết : Làm sao cứu người mà không bị vạ lây?
Trước những tranh cãi xung quanh việc cô gái nằm bất động đến chết mà không ai cứu giúp. Người cho rằng vô cảm, người lại bảo vì sợ bị vạ lây. Vậy làm thế nào để tự tin cứu người mà không sợ bị vạ lây?
Hình ảnh đau buồn khi nhiều người đi ngang qua người bị nạn nhưng không cứu giúp CẮT TỪ CLIP
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên qua sự việc đáng buồn về cô gái nằm bất động đến chết giữa đêm khuya, tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm tại TP.HCM, đã có những chia sẻ về các kỹ năng để xử lý trong những tình huống gặp người bị nạn.
Đầu tiên, ông Báu cho rằng qua quan sát clip thì thấy được người tài xế taxi đã không thực hiện bất kỳ hành động nào để cứu người bị nạn mà chỉ nhìn rồi bỏ đi ngay. Ở đây không còn là vấn đề vô cảm hay không mà là hành động trốn tránh trách nhiệm. Trong trường hợp này người tài xế taxi bắt buộc phải giúp đỡ và có trách nhiệm phải giúp đỡ, chứ không phải bỏ đi và trốn tránh trách nhiệm như vậy.
Điều quan trọng là phải ý thức được cứu người là điều rất đáng quý dù cho có bị vạ lây CẮT TỪ CLIP
Còn đối với những người qua đường nhưng không ai giúp đỡ theo ông Báu nguyên nhân của sự vô cảm này là xuất phát từ thực tế có nhiều vụ việc xảy ra, rồi thông tin đăng tải nhiều về những trường hợp giúp đỡ người bị tai nạn nhưng sau đó bị người thân của nạn nhân hành hung, hay dàn cảnh lợi dụng lòng tốt... từ đó sợ bị liên đới trách nhiệm, bị vạ lây, phiền phức rồi dẫn đến sự vô cảm.
"Trong trường hợp này, điều đầu tiên chúng ta nên suy nghĩ là nếu không giúp đỡ chỉ vì sợ bị vạ lây thì đến một ngày nào đó nếu ta gặp nạn thì ai sẽ giúp? Vì thế, điều đầu tiên trước khi nói đến việc trang bị kỹ năng thì mỗi người cần ý thức được là phải giúp đỡ người khác khi họ gặp hoạn nạn, đặc biệt là những trường hợp bị tai nạn", tiến sĩ Đoàn Văn Báu nhấn mạnh.
Nói về kỹ năng, ông Báu cho rằng trong tình huống đi đông người, hoặc đi xe máy 2 người thì sẽ đơn giản hơn trong việc xử lý tình huống để cứu nạn nhân.
Kỹ năng đầu tiên theo tiến sĩ Đoàn Văn Báu là phải biết phân tích, đánh giá và nhận biết được thương tích của nạn nhân. Vì nhiều khi chúng ta không biết kỹ năng sơ cứu mà người gặp nạn đang bị gãy xương hay bị gãy đốt sống... mà ta nâng họ lên thì vô tình không giúp được mà còn gây thêm thương tích nặng hơn cho nạn nhân.
"Vì vậy đầu tiên là phải quan sát, đánh giá thương tích của nạn nhân ở mức nào và đánh giá xem khả năng chúng ta có thể sơ cứu cho họ được hay không? Nếu trong trường hợp không sơ cứu được thì tốt nhất nên gọi cho các cơ quan chức năng và trong những trường hợp này là 115 để cấp cứu", tiến sĩ Báu nói.
Bên cạnh đó, nên chia người ra để một người trông coi nạn nhân còn một người ra đường cầu cứu thêm sự cứu giúp của người đi đường. Và như vậy khi có đông người cùng ở lại giúp đỡ nạn nhân, chúng ta sẽ tránh được những phiền phức không đáng có.
Cần trang bị kỹ năng để cứu giúp người, tránh sự thờ ơ và vô cảm CẮT TỪ CLIP
Đồng thời ông Báu khuyên khi dừng xe lại để cứu giúp người bị nạn, chúng ta cũng nên chú ý để bảo vệ tài sản của cá nhân. Vì nhiều trường hợp chúng ta chỉ lo cứu giúp mà tài sản của mình không chú ý và bị kẻ gian lấy đi.
"Không những thế, chúng ta phải lưu ý trong trường hợp không đưa đi cấp cứu được và cũng không đánh giá được thương tích như thế nào thì phải giữ nguyên hiện trường để chờ lực lượng chức năng đến. Hay trong tình huống người nhà của nạn nhân hoặc người dân hiếu kỳ nghĩ chúng ta là người gây ra tai nạn, thì cũng phải hết sức bình tĩnh. Ví dụ họ có thể xông vào để hành hung thì chúng ta phải bình tĩnh, giải thích với họ là mình chỉ là người qua đường, thông qua các vật chứng tại hiện trường như xe của mình vẫn còn y nguyên... Và nói với họ rằng tất cả hãy xác minh sau vì việc quan trọng nhất ở thời điểm đó là cứu người bị nạn", tiến sĩ Báu cặn kẽ.
Đồng thời với đó cũng cần phải ghi nhớ lại sự việc đó như là biển số xe của xe bị tai nạn, biển số xe cấp cứu, đơn vị cấp cứu là bệnh viện nào,... việc này sẽ giúp chúng ta tránh được những phiền phức sau này, cũng như hỗ trợ tốt nhất cho việc điều tra của lực lượng chức năng.
Trong trường hợp nếu đi một mình và không có khả năng giúp đỡ, thì ông Báu khuyên nên giữ nguyên hiện trường và gọi ngay cho cơ quan chức năng là 115 và 113. Sau khi dừng tại hiện trường thì bắt đầu chặn người đi đường lại để xin sự trợ giúp.
"Đấy là trong trường hợp thấy không an toàn, còn trong vụ việc của đôi nam nữ này, tình huống tai nạn rõ ràng như vậy thì nên dừng lại và giúp đỡ. Còn những tình huống thấy người nằm lề đường mà không rõ ràng thì chúng ta phải đứng ở một khoảng cách xa để gọi lực lượng chức năng cứu giúp. Nhưng trong trường hợp nào cũng không nên bỏ đi, mà đứng ở khoảng cách an toàn để chờ cơ quan chức năng đến", ông Báu chỉ dẫn.
Điều đặc biệt tiến sĩ Đoàn Văn Báu muốn gửi gắm đến tất cả mọi người qua sự việc cô gái nằm bất động đến chết giữa đêm là: "Bất cứ lúc nào, điều quan trọng nhất là chúng ta nên ý thức được là nên giúp đỡ người bị tai nạn cho dù chúng ta bị một sự phiền phức nào thì sự trợ giúp đó cũng rất là quý giá. Và nếu chúng ta không giúp đỡ người khác thì đến một ngày nào đó chúng ta có thể trở thành nạn nhân thì ai sẽ giúp chúng ta? Chỉ cần có ý thức như vậy và có lòng thương người nhân ái thì chúng ta sẽ tránh được sự vô cảm và ra tay giúp đỡ người khác".
Theo TNO
Vụ tài xế Vinasun bỏ mặc nạn nhân sau tai nạn : Diễn biến mới nhất Gây tai nạn rồi vô cảm bỏ đi, không cứu giúp 2 nạn nhân trong tình trạng nguy kịch, tài xế taxi hãng Vinasun có thể bị truy tố tới 10 năm tù. Diễn biến mới nhất liên quan đến vụ tài xế Vinasun bỏ mặc nạn nhân sau tai nạn, đại diện Vinasun chiều nay cho biết công ty đã cho ngưng...