Vụ “Chuyến bay giải cứu”: Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng có dấu hiệu xâm phạm tư pháp
Viện Kiểm sát nhận định cựu trưởng phòng 5 Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công an có dấu hiệu Xâm phạm hoạt động tư pháp nên cơ quan công tố đề nghị cần điều tra, xác minh thêm, sau khi vụ án “ Chuyến bay giải cứu” kết thúc
Sáng nay 17-7, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội đã công bố bản luận tội, đồng thời đề nghị mức án đối với cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cùng 53 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”.
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (trái) và bị cáo Hoàng Văn Hưng
Theo bản luận tội của VKSND, bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an, từng là điều tra viên thụ lý chính của vụ án. Khi được Nguyễn Anh Tuấn, cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội, liên hệ để giúp đỡ Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn, cựu phó tổng và tổng giám đốc Công ty BlueSky “chạy án”, Hưng đã nhiều lần đến nhà Tuấn để trao đổi.
Tại đây, Hưng đã nói chuyện với Hằng và Tuấn, tạo niềm tin cho Hằng là sẽ giúp cả 2 không bị xử lý hình sự. Cùng với đó, Hưng hướng dẫn Hằng cách đối phó với cơ quan điều tra. “Hành vi này có dấu hiệu Xâm phạm hoạt động tư pháp nên cơ quan công tố đề nghị cần điều tra, xác minh thêm, sau khi vụ án này kết thúc”- VKSND kiến nghị
Video đang HOT
Đọc thêmSau khi Hưng chuyển công tác, không còn nhiệm vụ trong công tác điều tra vụ án, Hưng vẫn gặp Tuấn và Hằng để cung cấp thông tin, hứa hẹn “chạy án”. Ngoài ra, Hưng còn đưa ra các lý do không đúng thực tế, sai sự thật để Tuấn yêu cầu Hằng chuyển tiền.
Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, Hưng, Tuấn và Hằng đã gặp gỡ, nhận tiền theo một số thủ đoạn: Hưng sử dụng 2 sim rác liên lạc với Tuấn qua điện thoại và ứng dụng Viber; Hằng cũng sử dụng sim rác và Viber để đảm bảo bí mật; Hưng chỉ trao đổi công việc với Tuấn, không làm việc trực tiếp với Hằng.
Kết quả điều tra lịch sử liên lạc cho thấy, từ năm 2019 đến 2022, giữa Tuấn và Hưng chỉ ghi nhận 5 cuộc gọi. Tuy nhiên, từ tháng 1-2022 đến ngày 31-12-2022, Hưng và Tuấn phát sinh 435 cuộc gọi qua ứng dụng Viber và sim rác. Giữa Hưng và Hằng không phát sinh cuộc gọi nào, còn giữa Hằng và Tuấn có 76 cuộc gọi.
Về việc giao nhận tiền, VKSND cho biết Hưng không đưa ra yêu cầu về tổng số tiền phải đưa, mà yêu cầu đưa theo từng giai đoạn điều tra vụ án, trung bình mỗi tháng một lần.
Theo cơ quan tố tụng, có đủ căn cứ kết luận Sơn và Hằng đưa hối lộ 2,65 triệu USD cho bị cáo Nguyễn Anh Tuấn để “chạy án”, Hưng lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD. Trong quá trình điều tra, thẩm vấn công khai tại tòa, Hưng không thành khẩn khai báo, không khắc phục hậu quả và cần bị áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc.
Theo đó, đại diện VKSND đề nghị Hội đồng xét xử tuyên án Nguyễn Anh Tuấn 6-7 năm tù về tội Môi giới hối lộ; Hoàng Văn Hưng 19-20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nguyễn Thị Thanh Hằng 10-11 năm tù và Lê Hồng Sơn 11-12 năm tù cùng về tội Đưa hối lộ
Trước đó, tại phiên toà, bị cáo Hoàng Văn Hưng, một mực kêu oan, khẳng định không nhận 2,2 triệu USD từ Nguyễn Anh Tuấn để “chạy án” cho Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn. Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận đã nhận số tiền 2,65 triệu USD từ Hằng và chuyển hơn 2,2 triệu USD cho Hoàng Văn Hưng.
Về cáo buộc nhận một chiếc cặp do Tuấn gửi đến bên trong đựng 450.000 USD, Hưng thừa nhận có được đưa cho chiếc cặp này nhưng bên trong không có tiền mà chỉ có 4 chai rượu vang. Trong khi đó, cựu thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn khẳng định đã đưa cho Tuấn 450.000 USD như cáo trạng truy tố.
Buộc thôi việc nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với ông Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.
Ông Nam bị buộc thôi việc do đã có vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng. Thời gian thi hành kỷ luật được thực hiện từ ngày công bố Quyết định 735 ngày 30.12.2022 của Ban Bí thư về thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm.
Ông Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản. ẢNH BCA
Trước đó, Ban Bí thư quyết định khai trừ Đảng đối với ông Vũ Hồng Nam. Theo đó, ông Vũ Hồng Nam được xác định đã suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; nhận hối lộ; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.
Vi phạm của ông Vũ Hồng Nam đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và ngành ngoại giao.
Tháng 12.2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, điều tra về tội nhận hối lộ đối với ông Vũ Hồng Nam liên quan đến vụ "chuyến bay giải cứu".
Ông Vũ Hồng Nam (60 tuổi) quê tại Nam Định, đã có thời gian làm việc lâu dài trong ngành ngoại giao, từ năm 1988 tới nay, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau và có nhiều kinh nghiệm trong công tác đối ngoại.
Ông Nam được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao từ năm 2014, đồng thời là Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Tháng 8.2018, ông Nam được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản.
Vụ 'chuyến bay giải cứu': Hơn 170 tỷ nhận hối lộ được chia như thế nào? Kết luận điều tra cho rằng, vụ án 'chuyến bay giải cứu' là đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng cả trong và ngoài nước.