Vụ cho công ty may “mượn” trường: Yêu cầu tháo dỡ toàn bộ công trình
Liên quan đến việc Trường THPT Tĩnh Gia 4 (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cho Công ty cổ phần TM-SX Quốc tế T&M vào mượn khuôn viên và phòng học để hoạt động may mặc, UBND huyện Tĩnh Gia đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu trường này chấm dứt hợp đồng và tháo dỡ công trình trước ngày 31/8.
Theo đó, ngày 27/8, UBND huyện Tĩnh Gia có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo về việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai và trật tự xây dựng của công ty cổ phần SX-TM Quốc tế T&M tại Trường THPT Tĩnh Gia 4…
Công ty cổ phần SX-TM Quốc tế T&M đã xây dựng trái phép một số công trình trong phần đất đã mượn của Trường THPT Tĩnh Gia 4.
Văn bản cho biết, ngày 20/8, UBND huyện Tĩnh Gia đã chỉ đạo Đội kiểm tra quy tắc xây dựng, phòng kinh tế hạ tầng, Phòng GD&ĐT phối hợp với UBND xã Hải An tổ chức kiểm tra, làm việc với Hiệu trưởng Trường THPT Tĩnh Gia 4 và đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần TM-SX Quốc tế T&M.
Qua kiểm tra cho thấy, trước khi công ty đi vào hoạt động tại trường, công ty có tờ trình gửi Trường THPT Tĩnh Gia 4, Hiệu trưởng trường này đã xác nhận ý kiến là nhà trường có khuôn viên thực tế như phụ lục kèm theo, nếu được thống nhất của UBND huyện, trường sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp để liên kết với trường trong đào tạo.
Tiếp đó, công ty có tờ trình gửi UBND huyện Tĩnh Gia và Ban Giám hiệu Trường THPT Tĩnh Gia 4 về việc xin mượn một phần mặt bằng của trường để làm cơ sở đào tạo công nhân may có chữ ký xác nhận của Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia Lê Thế Kỳ. Tờ trình này không gửi qua văn thư, không gửi qua Trung tâm hành chính công của huyện mà công ty chuyển trực tiếp đến Phó Chủ tịch Lê Thế Kỳ.
Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc chỉ đạo nhà trường hủy hợp đồng và tháo dỡ công trình trái phép.
Sau đó, Trường THPT Tĩnh Gia 4 đã cùng công ty cổ phần SX-TM Quốc tế T&M lập bản hợp đồng thỏa thuận. Khu vực đất cho mượn có diện tích hơn 3000 m2, trong đó có một số phòng học được cho là xuống cấp.
Tại buổi kiểm tra của ban ngành, phát hiện công ty đã xây dựng trái phép các hạng mục công trình trên diện tích đã mượn của trường gồm 3 nhà tạm lợp mái tôn (nhà kho, nhà bảo vệ, nhà chứa lò hơi); làm mái tôn xung quanh 2 dãy phòng học cũ làm cơ sở sản xuất và đào tạo…
Video đang HOT
Thời điểm kiểm tra, công ty có 300 công nhân may đang làm việc tại khu vực trên. Công ty thực hiện xây dựng, sửa chữa các hạng mục công trình không được các cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.
Trước thực trạng trên, đoàn công tác UBND huyện đã lập biên bản làm việc kiểm tra hiện trạng đối với Hiệu trưởng Trường THPT Tĩnh Gia 4 và đại diện lạnh đạo công ty, yêu cầu nhà trường chấm dứt hợp đồng cho mượn mặt bằng đối với công ty.
Tiếp đó, ngày 22/8, UBND huyện Tĩnh Gia đã ban hành Công văn về việc khẩn trương xử lý vi phạm và tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng của công ty. Trong đó, yêu cầu UBND xã Hải An lập biên bản kiểm tra hiện trạng và biên bản vi phạm hành chính đối với công ty cổ phần TM-SX Quốc tế T&M trước ngày 25/8.
Ngoài ra yêu cầu Hiệu trưởng Trường THPT Tĩnh Gia 4 chấm dứt hợp đồng cho mượn mặt bằng trước ngày 25/8 đồng thời yêu cầu công ty tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại nguyên hiện trạng xong trước ngày 31/8 và chấp hành nghiêm quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, dù chưa được cấp phép hoạt động nhưng Công ty cổ phần SX-TM Quốc tế T&M vẫn được hiệu trưởng Trường THPT Tĩnh Gia 4 cho mượn hơn 3000m2 đất trong trường, trong đó có một số phòng học để hoạt động sản xuất may mặc.
Việc công ty vào hoạt động tại trường được ưu ái từ lãnh đạo xã đến lãnh đạo huyện. Ông Lê Thế Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia đã ký xác nhận cho công ty được vào trường mượn đất hoạt động. Tuy nhiên, khi trao đổi với PV, ông Kỳ cho rằng do “nể” ông Lê Thanh Hà, Phó Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa giới thiệu và khi ký ông không hề biết việc công ty vào hoạt động chính thức mà chỉ là ký cho công ty mượn thời gian ngắn để đào tạo công nhân.
Liên quan đến sự việc, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Sở GD&ĐT, UBND huyện Tĩnh Gia tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng cho biết, đang cho kiểm tra, làm rõ, nếu đúng như báo phản ánh sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm xử lý nghiêm.
Bình Minh
Theo Dantri
Ngăn khuôn viên trường cho công ty may vào hoạt động
Không những bất chấp việc cho mượn đất của nhà trường trái quy định, ông Hiệu trưởng Trường THPT Tĩnh Gia 4 (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) còn bất chấp cả sự an toàn của học sinh...để cho một công ty may mặc vào trường hoạt động khi chưa có bất kỳ cấp có thẩm quyền nào cho phép.
Huyện, xã, trường "tiếp tay" cho vi phạm?
Theo phản ánh của một số phụ huynh thì họ vô cùng lo lắng khi ngôi trường mà con em họ đang học lại được ngăn một phần để cho một công ty may mặc vào hoạt động, sản xuất. Việc này không những làm ảnh hưởng đến việc học do tiếng ồn của nhà máy mà còn gây nguy cơ cháy nổ cao.
Một phụ huynh có con đang theo học tại Trường THPT Tĩnh Gia 4 bức xúc: "Không hiểu tại sao nhà trường lại cho công ty vào hoạt động. Nếu lỡ may có cháy nổ xảy ra thì sao? Ai chịu trách nhiệm về tính mạng của con em chúng tôi?".
Công ty mượn đất của trường và xây thêm một số công trình phục vụ cho việc sản xuất, may mặc.
Theo tìm hiểu, Trường THPT Tĩnh Gia 4 cho công ty cổ phần SX-TM Quốc tế T&M vào mượn khuôn viên và một số phòng học của nhà trường để hoạt động may mặc vào ngày 1/4/2018. Hiện công ty có 200 công nhân đang may mặc tại đây.
Hợp đồng mượn mặt bằng của nhà trường thể hiện công ty sẽ mượn nhà trường 18 tháng. Nếu có nhu cầu mượn thêm sẽ báo trước 30 ngày. Số diện tích công ty được sử dụng là 3.360m2 , trong đó có 2 dãy nhà cấp 4, mỗi dãy 3 phòng học.
Được biết, công ty cổ phần SX-TM Quốc tế T&M có tờ trình xin mượn mặt bằng của Trường THPT Tĩnh Gia 4 được ông Lê Thế Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia ký xác nhận.
Tờ trình của công ty được ông Lê Thế Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia ký xác nhận cho vào trường mượn đất.
Ông Nguyễn Bá Linh, Chủ tịch UBND xã Hải An, nơi Trường THPT Tĩnh Gia 4 đóng cho biết: "Về quản lý đất đai thì thuộc thẩm quyền của huyện nên trước khi vào mượn trường, công ty có xin huyện và được đồng ý còn cấp xã thì chỉ quản lý về con người. Khi công ty đến, họ cũng có vào xã báo cáo nên chúng tôi cũng tạo điều kiện để họ được tuyển dụng, hoạt động trên địa bàn".
Còn ông Lê Thế Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia xác nhận việc cho công ty mượn đất của trường là không đúng quy định tuy nhiên ông phân trần: "Khi công ty này về làm ở Tĩnh Gia có đặt vấn đề với huyện là Trường THPT Tĩnh Gia 4 có khuôn viên rộng, lại đang bỏ không một số phòng học nên muốn mượn một thời gian để đào tạo công nhân chờ cấp phép hoạt động nên tôi mới ký xác nhận. Tôi không hề biết việc công ty hoạt động chính thức chứ không phải đào tạo công nhân ít ngày như họ trình lên".
Ông Kỳ cũng khẳng định việc trường đồng ý, xã đồng ý thì ông mới đồng ý và việc ông ký xác nhận không vì vụ lợi cái gì mà do ông Lê Thanh Hà, Phó Ban quản lý Nghi Sơn giới thiệu nên ông nể mà ký.
"Việc công ty chính thức hoạt động tôi mới biết cách đây mấy ngày. Hôm nay tôi ra trực tiếp yêu cầu giải tán công ty ngay" - ông Kỳ cho biết thêm.
Đề nghị kiểm tra, xử lý!
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn cho rằng huyện, xã và trường đang làm sai. "Công ty cổ phần SX-TM Quốc tế T&M đầu tư trá hình đào tạo công nhân trên đất của Trường THPT Tĩnh Gia 4 là trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Riêng về đất đai, Ban quản lý Nghi Sơn không có chế tài xử phạt, chỉ thông báo với huyện để xử lý" - ông Thi nói.
Ông Thi cũng nêu quan điểm: "Việc trường cho mượn để đào tạo công nhân là hoàn toàn sai chứ chưa nói đến sản xuất vì sản xuất phải đảm bảo phòng chống cháy nổ, nếu xảy ra cháy, chết người ai là người chịu trách nhiệm? Huyện ký xác nhận như thế này là không được".
Cổng trường biến thành cổng có lô gô công ty may.
"Đáng ra chính quyền địa phương phát hiện, sau đó thông báo với các cơ quan liên quan. Trong đó nếu quản lý về đầu tư thì Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn là đơn vị cấp phép còn nếu quản lý về đất đai, về vi phạm thì chính quyền địa phương phải xử lý. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại ký cho công ty làm trong khi không công ty không có hồ sơ được Ban đồng ý. Mặt khác, Trường THPT Tĩnh gia 4 được nhà nước đầu tư đào tạo nhân lực. Trường giành đất cho mượn hay thuê là trái thẩm quyền" - ông Thi cho biết thêm.
Ông Thi cũng khẳng định, ngay chiều nay (ngày 20/8), Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn sẽ làm văn bản gửi UBND huyện Tĩnh Gia, UBND xã Hải An và Sở GD-ĐT (đơn vị trực tiếp quản lý trường này) đề nghị kiểm tra, xử lý, nghiêm cấm và hủy văn bản trái pháp luật.
Bình Minh
Theo Dantri
Nhường đất cho dự án, dân hơn chục năm mòn mỏi chờ sổ đỏ nhà tái định cư Cùng với những khó khăn, bất cập về an sinh thì đến nay, sau gần 12 năm tái định cư (TĐC), hàng chục hộ dân xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Đó là một cản trở lớn trong phát triển kinh tế của bà con vùng đồi núi này. Để có...