Vụ chìm tàu: Có “chìm xuồng”?
Đã 12 ngày sau vụ chìm tàu làm 9 người chết ở vùng biển Cồn Ngựa (xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM), dư luận vẫn thắc mắc vì sao vụ việc chưa được khởi tố điều tra.
Các luật sư, chuyên gia pháp luật, khi trao đổi với phóng viên đều khẳng định đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan điều tra cần phải khởi tố vụ án để điều tra, làm sáng tỏ những vấn đề liên quan, cũng như xử lý những người có trách nhiệm trong vụ việc.
Cần phải khởi tố vụ án
Tiến sĩ luật Nguyễn Anh Tuấn (Đại học Luật TP.HCM), cho biết, theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS), khi xác định có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra (CQĐT) có trách nhiệm khởi tố vụ án hình sự để điều tra và xử lý. “Do đây là vụ việc phức tạp, có liên quan đến nhiều đơn vị khác nhau và nhiều thông tin trái chiều, vì vậy, CQĐT cần thời gian để xác minh các dấu hiệu tội phạm trước khi có thể chính thức ra quyết định khởi tố vụ án hình sự”, tiến sĩ luật Nguyễn Anh Tuấn nhận định.
Cùng quan điểm trên, luật sư Hoàng Văn Quyết (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Sóc Trăng) cho rằng căn cứ các quy định của BLTTHS, “CQĐT chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm”.
Đã 12 ngày trôi qua, vụ chìm tàu làm 9 người chết trên biển Cần Giờ vẫn chưa được khởi tố vụ án để điều tra. (Ảnh: Lê Mai)
“Vậy cần làm rõ vấn đề trong vụ chìm tàu này, có dấu hiệu của tội phạm hay không? Khi xác định đầy đủ các vấn đề sau đây, cần nhanh chóng khởi tố vụ án để giải quyết vụ việc. Đó là: Cần xác định ai là người cho phép chở quá tải từ 12 người lên 30 người như vậy? Việc điều động tài công có đủ điều kiện điều khiển hay không? Tàu đang sửa chữa, có đủ điều kiện vận hành không, hạn đăng kiểm thế nào? Tài công có tuân thủ các qui định về an toàn giao thông đường thủy không?… Làm rõ được các vấn đề trên làm cơ sở để xử lý về hình sự về hành vi và nhóm hành vi vi phạm các qui định về an toàn giao thông đường thủy tại Bộ Luật Hình sự”, luật sư Hoàng Văn Quyết phân tích.
Trong khi đó, luật sư Trần Công Ly Tao, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM khẳng định trong vụ việc này, cơ quan điều tra cần phải khởi tố vụ án, tiếp đến là khởi tố bị can những người liên quan để điều tra xử lý theo quy định pháp luật hình sự.
Video đang HOT
Cơ quan điều tra nào khởi tố vụ án để điều tra?
Tiến sĩ luật Nguyễn Anh Tuấn cho biết, theo thông tin ban đầu, tàu xuất phát từ Tiền Giang, chìm ở biển Cần Giờ, TP.HCM, tàu mượn và điểm đến là Vũng Tàu. Căn cứ thông tư 12/2004/TT-BCA(V19) hướng dẫn Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, trong trường hợp này, CQĐT thuộc công an cấp huyện nơi tàu chìm sẽ có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự.
Cũng theo quy định của Thông tư 12, CQĐT cấp tỉnh cũng có thể điều tra những vụ án thuộc thẩm quyền của CQĐT cấp huyện nếu xét thấy cần điều tra trực tiếp. Bộ Công an chỉ điều tra những vụ án thuộc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền của CQĐT cấp tỉnh nhưng xét thấy cần điều tra trực tiếp. Trong trường hợp này, khả năng Bộ Công an sẽ không trực tiếp khởi tố điều tra mà sẽ do CQĐT thuộc Công an TP.HCM thực hiện.
Nỗi đau của những người thân các nạn nhân xấu số trong vụ chìm (Ảnh: Hưng Văn)
Trong khi đó, theo quan điểm của luật sư Trần Công Ly Tao, vụ việc xảy ra liên quan tới trách nhiệm của cá nhân, tổ chức ở nhiều địa phương khác nhau nên thẩm quyền giải quyết vụ việc thuộc Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Sẽ không khởi tố tài công
Theo tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, tàu H29-BP được điều động chở khách khi rõ ràng không đáp ứng đủ điều kiện an toàn (đang trong quá trình bảo dưỡng, số người trên tàu cũng vượt quá 2,5 lần số lượng được phép, không có lệnh xuất bến…). Vì vậy, trong vụ việc này có dấu hiệu của hai tội danh: Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ và Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thuỷ không bảo đảm an toàn.
Do tài công đã chết nên CQĐT sẽ không khởi tố bị can. Khi xác định cấu thành tội phạm, cần làm rõ ai là người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường thuỷ. Đồng thời, cũng cần làm rõ trách nhiệm của những người liên quan trong việc điều động tàu đi Tiền Giang. Nếu họ biết rõ tàu không đủ điều kiện mà vẫn tạo điều kiện cho tàu lưu thông dẫn đến gây hậu quả chết người, có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự dưới vai trò là đồng phạm.
Ngoài ra, theo tiến sĩ luật Nguyễn Anh Tuấn, nếu có căn cứ, CQĐT cũng có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự người có trách nhiệm quản lý tàu H29 tại thời điểm được điều động nhưng không làm đúng nhiệm vụ (Điều 285 Bộ luật Hình sự).
Theo Thanh Phương (Khampha.vn)
BT Thăng ngưỡng mộ người nhường áo phao
Chủ tịch nước vừa quyết định truy tặng Trần Hữu Hiệp Huân chương Dũng cảm, tưởng thưởng xứng đáng cho những hành động đầy tinh thần nghĩa hiệp của anh. Buổi lễ được Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Thanh Hoá tổ chức trang trọng và cảm động.
Đây là phần thưởng lớn giành cho Trần Hữu Hiệp, những người thân của anh, đồng thời là sự vinh danh cho những hành động quên mình vì người khác. Không gì lớn hơn sự mất mát tính mạng con người. Nhưng tai họa sẽ còn thảm khốc hơn nếu mọi người đều vô cảm quay lưng lại. Vì thế cần phải ghi nhận sự tận tâm đầy trách nhiệm của Trung tâm Y tế xã Cần Thạnh, tập thể cán bộ chiến sĩ Biên phòng Long Hòa, một số cơ quan tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Thanh Hoá, trong việc chia sẻ nỗi bất hạnh, cứu giúp, chăm sóc những người gặp nạn và gia đình của họ vượt qua thời khắc thử thách cam go nhất.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ GTVT - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng trao Huân chương dũng cảm của Chủ tịch nước truy tặng anh Trần Hữu Hiệp.
Tôi có mặt tại buổi lễ truy tặng Huân chương Dũng cảm cho Trần Hữu Hiệp trước hết là để bày tỏ lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ sâu sắc tấm gương hy sinh quên mình vì đồng đội, đồng bào của anh. Đó cũng còn là dịp để mỗi người trong chúng ta nghiêm túc suy ngẫm lại về bản thân mình.
Giữa giây phút sự sống và cái chết cận kề, mỗi người đều có quyền lựa chọn cho mình cách tốt nhất để bảo toàn tính mạng. Họ có quyền mặc nhiên làm điều đó, bởi theo lẽ thông thường thì không thứ gì trên đời này quý giá và đáng phải gìn giữ hơn cuộc sống của bản thân. Chính vì vậy mà những hành động dũng cảm tuyệt vời của anh Trần Hữu Hiệp như chúng ta đã biết, thuộc số những hành động cao cả nhất mà một con người có thể làm.
Tại thời khắc thảm hoạ xảy ra, chỉ cần Trần Hữu Hiệp so đo một giây thôi, chỉ cần anh nghĩ về bản thân mình thêm một giây, mọi việc sẽ hoàn toàn khác, mà điều chắc chắn là hàng chục người đã không còn cơ hội sống sót. Đó không còn là sự hy sinh thông thường, mà thuộc số những hành động vượt ra khỏi mọi giới hạn, mọi khuôn khổ giành cho con người để trở thành phi thường.
Giữa trùng khơi đầy bão tố, chết chóc và sự tuyệt vọng, Trần Hữu Hiệp đã cho tất cả chúng ta cơ hội được chứng nghiệm một sự thật thiêng liêng và lớn lao: Luôn còn có thứ khác quý giá hơn cả cuộc sống của mỗi cá nhân.
Trần Hữu Hiệp (bên phải) và anh trai tại trại hè Sầm Sơn 2007
Sự hy sinh của Trần Hữu Hiệp khiến chúng ta nhớ lại một sự kiện tương tự cách nay gần nửa thế kỷ, cũng xảy ra trên mảnh đất Thanh Hoá giàu truyền thống anh hùng. Giữa bom rơi, đạn nổ đầy trời, khi cái chết và sự sống hầu như không còn ranh giới, bất chấp hiểm nguy, cậu bé thiếu niên 13 tuổi Nguyễn Bá Ngọc đã lao vào cứu các em nhỏ, nhường nơi trú ẩn an toàn cho chúng. Người anh hùng nhỏ tuổi của chúng ta ngày ấy đã vĩnh viễn khép lại cuộc đời ngắn ngủi để bắt đầu một cuộc sống khác thuộc về cõi bất tử. Sau Nguyễn Bá Ngọc còn có hàng chục, hàng trăm người theo gương anh, làm rạng danh cho Xứ Thanh huyền thoại.
Giờ đây, trên vùng đất linh thiêng ấy lại sinh cho chúng ta người thanh niên dũng cảm Trần Hữu Hiệp. Hành động dùng thân mình che chở cho các em thơ của Nguyễn Bá Ngọc 50 năm trước khi đã bị thương nặng và hành động cởi áo phao nhường cho đồng đội của Trần Hữu Hiệp vào thời khắc bản thân anh cũng sắp cùng đường, là thể hiện sinh động nhất sự nối dài truyền thống tốt đẹp thương người như thể thương thân, không lời nào có thể diễn tả hết vẻ đẹp bi tráng của nó. Chúng ta mãi mãi tự hào về họ, mãi mãi biết ơn những bậc cha mẹ đã sinh thành ra họ, mãi mãi biết ơn mảnh đất đã nuôi dưỡng họ trở thành những người anh hùng.
Tấm gương Trần Hữu Hiệp xứng đáng để mỗi người chúng ta noi theo trong mọi hành động của mình. Cuộc sống này sẽ ra sao nếu thiếu vắng những hành động trượng nghĩa như vậy? Đó cần phải là câu hỏi ám ảnh thường xuyên với mỗi người trong chúng ta, nhất là với mỗi cán bộ ngành GTVT. Trước những giây phút không thể đưa ra được quyết định tức khắc, trước mọi thử thách hay cám dỗ vật chất vượt khỏi khả năng của lý trí, chúng ta hãy nhớ đến Trần Hữu Hiệp. Hãy nhớ rằng anh đã hoàn toàn quên bản thân mình trước khi hành động. Người thanh niên 25 tuổi đời ấy mãi mãi là tấm gương sáng chói để bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể soi vào.
Mặc dù Trần Hữu Hiệp không còn có thể trực tiếp nhận phần thưởng cao quý, thể hiện sự ghi nhận thiêng liêng của đất nước và nhân dân. Nhưng anh sẽ luôn hiện diện trong cuộc đời của mỗi con người trên mảnh đất này như một nhân cách lớn về tinh thần hy sinh quên mình. Những người thân của anh và tất cả chúng tôi luôn tự hào và biết ơn anh. Chúng tôi nguyện sẽ sống không chỉ vì bản thân, mà cho cả những gì anh chưa kịp sống. Cầu mong linh hồn anh đời đời yên nghỉ, trong lòng quê hương yêu dấu và trong ký ức hàng triệu người. Cầu mong anh hãy hoá thân làm nên những phần tươi đẹp nhất của đất nước, tiếp tục che chở cho cuộc sống của đồng đội, đồng bào và các thế hệ tương lai.
Hà Nội, ngày 12/8/2013
Đinh La Thăng (Bộ trưởng Bộ GTVT)
Theo giaothongvantai.com.vn
"Người nhường áo phao" từng cứu 2 em nhỏ Câu chuyện về tấm gương hy sinh dũng cảm của anh Trần Hữu Hiệp nhường áo phao cứu người trong vụ chìm tàu ở Cần Giờ đã lay động hàng triệu trái tim. Thế nhưng vẫn còn những câu chuyện xúc động về anh mà chúng tôi chưa kể. Chẳng ngần ngại nước dữ Hồi ấy Hiệp mới học cấp II trường làng....