Vụ chìm tàu: Chiếc điện thoại cứu 21 người
“Trong lúc mọi người kêu gào hoảng hốt vì tàu bị sóng biển đánh chìm. Tôi bơi và cố gắng giữ điện thoại trên tay không bị ướt để gọi cho công ty, lực lượng cứu hộ, cảnh sát 113, người thân, bạn bè. Nhờ chiếc điện thoại mà 21 người trên tàu được cứu sống’. Anh Nguyễn Văn Cương (25 tuổi) nằm trên giường bệnh Bệnh viện Cần Giờ kể lại.
Anh Cương cho biết: “Cuối tuần, Công ty Cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam cho nghỉ và các công nhân thường chạy xe máy về Sài Gòn. Tuần này, do một số anh em công nhân đi đám cưới dưới Vũng Tàu, một số người muốn đi xuống đó du lịch nên anh em đã thuê tàu chở đi xuống Vũng Tàu. Chiều ngày 2/8 tàu từ Vũng Tàu xuống Gò Công Đông (Tiền Giang) đón nhóm chúng tôi gồm 30 người trong đó 5 phụ nữ và hai vợ chồng người nước ngoài. 18h cùng ngày chúng tôi bắt đầu hành trình xuống Vũng Tàu. Khi lên tàu tôi và 7-8 người khác chủ động mặc áo phao trên người cho an toàn”.
“Đến địa phận huyện Cần Giờ, gần tới cửa biển và cách cửa biển Sao Mai (Vũng Tàu khoảng 6 hải lý) trời bỗng nổi gió, một con sóng ập tới khiến chiếc tàu bị nghiêng sang bên trái, nước tràn vào ào ạt, nhiều người hốt hoảng kêu gào. Tôi và nhiều người la lớn chạy, chạy … sang phải mạn tàu để giữ cân bằng, nhưng không kịp. Một con sóng nữa ập tới đánh lật úp tàu. Nhiều người nhảy xuống nước trước khi tàu bị lật, một phụ nữ bị mắt kẹt trong khoang không thoát ra kịp. Toàn bộ đồ đạc, tài sản bị nước nhấn chìm”- anh Cương kể tiếp.
Anh Nguyễn Văn Cương người giữ chiếc điện thoại duy nhất gọi điện cầu cứu. Ảnh Trần Quỳnh
Anh Cương kể: Chiếc tàu chìm, chỉ còn nhô lên mặt nước phần mũi tàu. Tất cả chúng tôi cố gắng bám vào phần mũi của con tàu. Một cơn sóng nữa lại ập tới đánh văng chúng tôi ra xa khỏi con tàu bị chìm. Lúc đó, tôi cố gắng giữ chiếc điện thoại trên tay không bị ướt leo lên mũi tàu để gọi điện về cho công ty, lực lượng cứu hộ, cảnh sát 113, người thân và bạn bè với hy vọng mình được cứu thoát.
Tôi gọi điện thoại đến lực lượng cứu hộ nói vị trí nơi con tàu bị chìm, đầu dây bên kia tiếp nhận thông tin họ trấn an chúng tôi sẽ cử lực lượng cứu hộ ra sớm để cứu mọi người nhưng… Một giờ, hai giờ, rồi ba giờ… Đến 6 giờ lực lượng cứu hộ mới đến.
Anh Nguyễn Trung Hiếu kể về chuyến đi định mệnh
Bị sóng đánh văng ra xa, rồi lại bơi vào bám phần còn tàu còn nổi nhưng lại tiếp tục bị đánh văng. Chúng tôi bị đánh ra rồi lại bơi vào bám lên phần tàu nổi cả trăm lần. Đuối sức nhưng chúng tôi vẫn không thôi hy vọng cứ động viên cho nhau hãy cố gắng lên. Lực lượng cứu hộ sắp đến, anh em ráng chịu một chút nữa sẽ được cứu nhưng vì quá đuối sức và uống nhiều nước nhiều người đành buông tay. Anh Nguyễn Văn Dương một trong số 21 người thoát nạn đôi mắt đỏ hoe kể.
Nằm trên giường bệnh, 3 công nhân nói trong nước mắt khi kể về trường hợp của anh Trần Hữu Hiệp bị sóng đánh cuốn trôi. Thấy một phụ nữ đi cùng đang bám trên thân tàu nhưng sức khỏe rất yếu, anh Hiệp cởi ngay áo phao trên người nhường cho người phụ nữ này. Khoảng 5 phút sau đó, một con sóng lớn ập tới đánh anh Hiệp văng ra xa rồi anh lại bơi vào thân tàu. Nhưng sau vài lần bơi ra bơi vào anh Hiệp uống nhiều nước, đuối sức về chết trên tay chúng tôi. Cố gắng giữ xác anh ấy nhưng không được một sóng ập tới kéo xác anh ra xa.
Video đang HOT
Mặc dù uống nhiều nước, lạnh và đuối sức nhưng mọi người vẫn không tắt hy vọng cố gắng giữ anh Cương đứng chắc trên mũi tàu để gọi điện và mở điện đèn sáng của điện thoại cầu cứu những chiếc tàu chạy ngang qua. Tuy nhiên, đến 22h đêm thì chiếc điện thoại của anh Cương hết pin. Con sóng ập tới đánh vào thân tàu khiến anh Cương và chúng tôi văng ra xa, chiếc điện thoại cũng bị rớt xuống nước. Anh Đặng Hồng Phương kể.
“Mỗi lần sóng đến lại đánh chúng tôi dạt ra xa rồi lại bơi bám vào thân tàu. Bầu trời lúc đó tối om, bỗng từ xa một một ánh sáng đèn pha xuất hiện và tiến gần về phía chúng tôi. Lực lượng cứu hộ đang tìm đến. Biết là tàu cứu hộ. Tôi cố gắng dốc hết sức mình đứng mũi tàu gọi cầu cứu. Tàu cùng lực lượng cứu hộ đến. Tôi biết mình và 20 người khác được cứu sống”. Anh Cương nói.
Khi nhắc về anh Trần Hữu Hiệp, người nhường áo phao cho phụ nữ sau đó đã bị nước cuốn trôi, đồng nghiệp của anh không kìm được nước mắt.
21 người cứu sống, trong đó 14 người đã được đưa về bệnh viện Cần Giờ cấp cứu. Đến chiều 3/8, tại bệnh viện huyện Cần Giờ sức khỏe các công nhân đều đã bình ổn định và được xuất viện.
Anh Hoàng Anh Tuấn nói trong nước mắt: “Giá như lực lượng đến sớm hơn được 20-30 phút thì có lẽ sẽ có nhiều người được cứu sống. Vì trước thời điểm lực lượng cứu hộ đến khoảng 30 phút nhiều người quá đuối sức nên đã đành buông tay xuống nước”.
Anh Tuấn nói thêm: “Đây là một chuyến đi định mệnh, có lẽ không bao giờ tôi đi biển nữa. Chuyến đi chơi, đi ăn đám cưới thành chuyến đi định mệnh của tất cả chúng tôi”.
Theo Khampha
6 giờ đu bám con tàu lật úp trên biển
"Mỗi cơn sóng ập tới, chúng tôi bị đánh văng ra rồi lại bơi vào, bám xác con tàu. Có người kiệt sức đành buông tay. Tôi cố giữ xác anh bạn nhưng không được", công nhân sống sót trên con tàu bị lật ở cửa biển Cần Giờ kể lại.
Nam công nhân bị nạn điều trị tại bệnh viện Cần Giờ. Ảnh: An Nhơn
Sáng nay, tại bệnh viện Cần Giờ, TP HCM, 14 công nhân được cứu sống trong vụ chìm ca nô tối 2/8 vẫn bàng hoàng khi kể lại giây phút con tàu bị sóng đánh úp. Suốt 6 giờ, họ vật lộn với từng cơn sóng dữ, hy vọng được cứu hộ.
Anh Nguyễn Văn Cương (25 tuổi, ngụ Hà Tĩnh) cho biết, cuối tuần được nghỉ, các công nhân thường chạy xe máy về Sài Gòn. Lần này, do một số người đi đám cưới ở Vũng Tàu, vài người khác cũng muốn đi chơi nên công ty thuê tàu chở tất cả ra đó. Danh sách được công ty tập hợp từ 3-4 ngày trước.
Video: Cứu nạn 21 người trên con tàu bị lật úp
18h chiều 2/8, tàu H29 từ Vũng Tàu xuống Gò Công Đông (Tiền Giang) đón mọi người và dự kiến đến Vũng Tàu 19h30 cùng ngày. Đoàn đi 30 người chủ yếu là thanh niên chưa có gia đình, trong đó có 5 phụ nữ và đôi vợ chồng người Mỹ.
Do đoạn đường ngắn nên trên đường đi mọi người không ai chợp mắt mà đùa giỡn nhau. Khoảng 19h, tàu đi ngang qua địa phận huyện Cần Giờ. Khi tới gần cửa biển và cách biển Sao Mai (Vũng Tàu) khoảng 5-6 hải lý, bất ngờ tàu bị sóng to ập tới liên hồi. "Đáng lẽ ra người lái phải cho con tàu chẻ sóng nhưng ông ấy lại lái tàu song song con sóng nên bị đánh úp", anh Cương nói.
Đa số các công nhân bị trầy xước do tác động của sóng biển . Ảnh: An Nhơn
Còn lái phụ Nguyễn Văn Dương cho biết, tàu gặp sóng to khi vừa đi qua cồn cát khoảng 1 hải lý. Chiếc tàu bị nghiêng qua trái khiến mọi người hốt hoảng. Đang trực máy tàu, anh Dương liền đẩy cửa lên để mọi người thoát ra ngoài. "Tôi bị rớt xuống biển nhưng bơi vào và bám lấy con tàu. Thấy con tàu nghiêng sang trái, tôi hô to mọi người dồn qua phải để cân bằng lại, nhưng đã quá muộn", anh Dương kể.
Sau 3-4 đợt sóng liên tục, con tàu bị đánh lật úp. Một phụ nữ bị mắc kẹt lại trong khoang. Các hành khách rớt xuống nước bơi lại đu bám hai bên thân tàu. Chỉ duy nhất anh Nguyễn Văn Cương giữ khô điện thoại di động khi đứng trên tàu nên liền gọi về công ty, cứu hộ, cảnh sát 113 cùng với tất cả người thân có thể để cầu cứu.
Thấy mọi người hoảng loạn, anh Dương trấn an bình tĩnh, giữ tàu thăng bằng để người đứng phía trên gọi cứu hộ. "Là dân đi biển, tôi yêu cầu những thanh niên khỏe mạnh dồn dưới đuôi tàu cho mũi chổng lên để những người yếu sức thì đu bám ở mũi", anh Dương nhớ lại.
Cũng theo anh Dương, khi rơi xuống, công nhân Trần Hữu Hiệp liền cởi áo phao nhường cho một phụ nữ. Tuy nhiên, sau khi bị nhiều con sóng đánh văng ra rồi lại bơi vào, anh Hiệp đuối sức gục xuống, uống nhiều nước và ngất lịm.
"Tôi đã cố giữ xác anh ấy. Tuy nhiên, khoảng 5 phút sau khi sóng ập tới trùm qua con tàu, tôi đã không thể giữ được anh ấy nữa", một đồng nghiệp của anh Hiệp rơi nước mắt khi nhớ lại.
Cứ thế, sau mỗi đợt sóng ập vào, vài người đã không thể bơi lại để bám vào thân tàu. Còn anh Cương thì cố giữ chặt để đứng trên xác tàu, dùng đèn điện thoại ra tín hiệu cầu cứu. Một giờ, hai giờ, ba giờ...trôi qua nhưng không một con tàu nào đi ngang.
Lái phụ Nguyễn Văn Dương kể lại 6 giờ vật lộn với sóng dữ. Ảnh: An Nhơn
Đến khoảng 22h thì điện thoại của anh Cương cũng hết pin. "Trời tối mịt. Sóng cứ đánh liên tiếp. Chúng tôi cứ hy vọng có tàu nào đó đi ngang nhưng không thấy. Mọi người đều kiệt sức nhưng cố bám lấy thân tàu", anh Dương kể.
Sau nhiều giờ vật lộn với sóng dữ, nhiều người đã bị cuốn đi. Đến 1h sáng, thấy ánh đèn pha từ xa, mọi người mừng rỡ vì biết mình được cứu. Đứng trên tàu, công nhân Dương liền vẫy tay cầu cứu. Lúc này chỉ còn lại 21 người đang đu bám hai bên mạn tàu. Các nạn nhân đã được đưa vào bệnh viện Cần Giờ và ở Vũng Tàu cấp cứu trong tình trạng nhiễm lạnh, trầy xước.
"Một chuyến đi định mệnh mà chúng tôi không bao giờ quên được. Có lẽ đây cũng là lần đi biển cuối cùng, bởi nó khiến chúng tôi ám ảnh", công nhân Nguyễn Chí Công nói.
Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Huỳnh Văn Luyến, Phó giám đốc bệnh viện Cần Giờ cho biết, khi nhận tin tàu chở nhiều người bị chìm, 21h30, bệnh viện đã cử xe cấp cứu cùng nhiều bác sĩ ra chờ ở Hải đội 2 Bộ đội biên phòng. Đến 2h30 phút, sau khi tàu cứu hộ đã chở được các công nhân vào bờ, 14 người đã chuyển về bệnh viện cấp cứu.
"Các công nhân bị trầy xước nhẹ ngoài do tác động của sóng. Hiện tất cả đều ổn định. Một người còn đau do tác động sóng va đập vào tàu, nhưng chỉ cần nghỉ ngơi vài giờ bệnh nhân sẽ khỏe mạnh lại", bác sĩ Luyến nói.
Tối 2/8, con tàu khách mang số hiệu H29 chở 30 người của Công ty sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam trên đường từ Gò Công Đông (Tiền Giang) về Vũng Tàu. Khi đi qua sông Soài Rạp thuộc Cồn Ngựa, Cồn Thu (Cần Giờ) thì gặp sóng lớn nên bị chìm. 21 người được cứu thoát. Trưa 3/8, thi thể đầu tiên được tìm thấy là một phụ nữ, 8 người khác vẫn còn mất tích
Theo VNE
TP.HCM: Chìm tàu khách, 8 người mất tích Chiếc tàu khách composite chở khoảng 30 người gặp sóng to, gió lớn đã chìm trên biển Cần Giờ (TP.HCM) lúc 21 giờ tối qua (2/8), hiện vẫn còn 8 người mất tích. * Tiếp tục cập nhật. Thông tin ban đầu từ lãnh đạo huyện Cần Giờ, TP.HCM cho biết: khoảng 21 giờ tối qua (2/8), tàu composite chở 30 khách đi...