Vụ chỉ được rút tối đa 5 triệu/ngày: NHNN nói gì?
Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có thông tin giải thích thêm về một số thông đến dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 19/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, trong đó có nhiều nội dung mới đáng chú ý.
Vì sao chỉ được rút 30 triệu?
Về thông tin, “đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 (ba mươi) triệu đồng Việt Nam trong một ngày”, NHNN cho rằng hiện nay, hầu hết hạn mức rút tiền mặt tại nước ngoài, đối với thẻ tín dụng, khách hàng được sử dụng trong khoảng hạn mức tín dụng xác định khi mở thẻ; đối với thẻ ghi nợ, khách hàng được sử dụng trong khoảng số dư của tài khoản thanh toán tại ngân hàng.
Dự thảo Thông tư quy định về hạn mức tối đa tương đương 30 triệu trong một ngày (không áp dụng cho việc thanh toán bằng thẻ, chỉ áp dụng cho rút tiền mặt tại nước ngoài, áp dụng cho cả thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thẻ trả trước, các ngân hàng có thể quy định hạn mức cụ thể trong giới hạn này).
“Mục tiêu của quy định này nhằm giảm thiểu chi tiêu bằng tiền mặt nói chung và chi tiêu bằng tiền mặt tại nước ngoài nói riêng; giảm thiểu nguy cơ việc “chảy máu” ngoại tệ ra nước ngoài; từng bước tạo sự minh bạch thông qua thanh toán không dùng tiền mặt…”, NHNN lý giải
NHNN cũng không quy định hạn mức đối với việc sử dụng thẻ để thanh toán hàng hóa, dịch vụ cho đơn vị chấp nhận thẻ nước ngoài, tại dự thảo Thông tư chỉ bổ sung quy định để làm rõ thẻ được sử dụng để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài theo các mục đích được pháp luật Việt Nam cho phép, phù hợp với nguyên tắc “tự do hóa giao dịch vãng lai”.
“Với các quy định như trên tại dự thảo Thông tư không làm thay đổi, cản trở việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ; từng bước giảm thiểu và kiểm soát việc rút, sử dụng tiền mặt tại nước ngoài và góp phần đáp ứng yêu cầu về giám sát, quản lý về ngoại hối”, NHNN khẳng định.
Không hạn chế rút tiền mặt tại ATM
Về thông tin “đối với giao dịch rút tiền mặt từ thẻ tại đơn vị chấp nhận thẻ, mỗi thẻ được rút tối đa là 05 (năm) triệu đồng Việt Nam trong một ngày”, NHNN cho rằng hiện nay pháp luật chỉ quy định các POS đặt tại chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng mới được phép ứng tiền mặt cho chủ thẻ.
NHNN khẳng định: “Theo đề xuất của các ngân hàng và cũng là thông lệ quốc tế để đáp ứng chi tiêu tiền mặt của chủ thẻ trong một số trường hợp (khẩn cấp, ngoài giờ làm việc, nơi không có ATM, các dịch vụ không hỗ trợ thanh toán thẻ,.v.v…), Dự thảo Thông tư dự kiến bổ sung thêm dịch vụ rút tiền mặt tại POS với hạn mức không quá 5 triệu đồng/ngày -không phải là hạn chế rút tiền mặt tại ATM và không liên quan tới ATM”.
Video đang HOT
Dự thảo dự kiến mở rộng phạm vi dịch vụ tại POS, thực tế là nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, và không thay đổi đối với các quy định về rút tiền mặt tại máy ATM trong lãnh thổ Việt Nam nên không gây ảnh hưởng đến việc rút tiền mặt bằng thẻ qua ATM của khách hàng.
NHNN cho rằng dự thảo Thông tư dự kiến bổ sung thêm dịch vụ rút tiền mặt tại POS với hạn mức không quá 5 triệu đồng/ngày -không phải là hạn chế rút tiền mặt tại ATM và không liên quan tới ATM”
Chỉ áp dụng đối với cá nhân
Về thông tin “hạn mức tín dụng trong trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản đảm bảo là không quá 80% giá trị của tài sản đó và tối đa là 1 tỉ đồng, đối với trường hợp không có tài sản đảm bảo thì hạn mức cấp tín dụng tối đa là 500 triệu đồng”, NHNN nói rõ quy định tại dự thảo Thông tư là:
“Hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi, bổ sung) như sau: (i) Trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm: hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ không quá 80% giá trị của tài sản bảo đảm và tối đa là 01 (một) tỷ đồng Việt Nam; (ii) Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm: hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ tối đa là 500 (năm trăm) triệu đồng Việt Nam”.
Theo đó, quy định trên chỉ áp dụng đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng nhằm chuẩn bị hướng dẫn cho nội dung tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (sắp trình Quốc hội). Đối với các đối tượng khách hàng khác thì dự thảo Thông tư không quy định hạn mức thẻ tín dụng tối đa.
Ngoài việc đăng tải trên Website, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức hội thảo để lấy ý kiến trực tiếp của các bên liên quan. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp thu/giải trình các ý kiến góp ý và sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư theo đúng quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Một số khái niệm cơ bản cần hiểu rõ, phân biệt
-Thẻ ghi nợ (debit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi số tiền và hạn mức thấu chi (nếu có) trên tài khoản thanh toán của chủ thẻ mở tại tổ chức phát hành thẻ.
Loại thẻ này thường được gọi là thẻ ATM hoặc thẻ debit (đa phần khách hàng được nhận lương và dùng thẻ này để rút tiền mặt tại ATM hoặc thanh toán hàng hóa/dịch vụ).
- Thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thoả thuận với tổ chức phát hành thẻ. Ví dụ: Thẻ Visa, MasterCard, JCB…
Loại thẻ này thường được gọi theo tên thương hiệu của tổ chức thẻ quốc tế (Visa, MasterCard, JCB). Loại thẻ này liên quan đến việc tổ chức phát hành thẻ cấp tín dụng cho chủ thẻ căn cứ theo các tiêu chí, điều kiện nhất định (không phải khách hàng nào cũng có thể được cấp thẻ tín dụng của ngân hàng).
- Ngoài thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng (tương đối phổ biến hiện nay), còn có Thẻ trả trước (prepaid card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ tương ứng với số tiền đã trả trước cho tổ chức phát hành thẻ.
- Thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán bao gồm Point of Sale (viết tắt là POS), Mobile Point of Sale (viết tắt là mPOS) và các loại thiết bị chấp nhận thẻ khác là các loại thiết bị đọc thẻ, thiết bị đầu cuối được cài đặt và sử dụng tại các đơn vị chấp nhận thẻ mà chủ thẻ có thể sử dụng thẻ để thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ.
POS có thể được lắp đặt tại chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức thanh toán thẻ để cung ứng tiền mặt cho chủ thẻ theo thỏa thuận giữa tổ chức thanh toán thẻ và tổ chức phát hành thẻ.
Theo PV
Vì sao lại quy định thẻ tín dụng chỉ được rút 5 triệu đồng/ngày?
Quy định của Ngân hàng Nhà nước về số tiền rút tại máy POS không quá 5 triệu đồng/ngày là phù hợp thông lệ quốc tế.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (NH). Theo đó, để hạn chế việc rút tiền mặt (ngoại tệ) từ thẻ tín dụng sau đó chi tiêu không đúng mục đích, chủ thẻ chỉ được được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng/ngày.
Thực tế cho thấy khi ra nước ngoài, phần lớn các NH chỉ cho phép chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt bằng ngoại tệ tương đương 5-10 triệu đồng/ngày. Thế nhưng, vẫn có NH cấp hạn mức rút tiền mặt ngoại tệ tương đương 50-60 triệu đồng/ngày cho một số chủ thẻ. Sau khi chủ thẻ rút tiền mặt xong, NH thu phí 4% cộng với lãi suất, tính ra cả phí và lãi mà chủ thẻ phải trả khoảng 5-6%/số tiền đã rút.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016 quy định về hoạt động thẻ được các ngân hàng thương mại đánh giá cao
Theo các NH, do chi phí của việc rút tiền mặt ở nước ngoài quá cao nên trong trường hợp cần thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ..., chủ thẻ thường thanh toán bằng phương thức cà thẻ. Tuy nhiên, do không ít chủ thẻ có mục đích chuyển tiền ra nước ngoài nên họ chấp nhận chi phí cao để rút được tiền mặt trong khi số ngoại tệ mà họ rút là của các NH Việt Nam. Như thế, chủ thẻ rút tiền mặt với số lượng lớn ở nước ngoài có thể làm cho Việt Nam đối mặt với nguy cơ chảy máu ngoại tệ. Vì thế, NH Nhà nước quy định hạn mức tối đa rút tiền mặt ở nước ngoài không quá 30 triệu đồng/ngày sẽ hạn chế được tình trạng ngoại tệ bị "bốc hơi".
Đối với giao dịch rút tiền mặt VNĐ từ thẻ tín dụng tại máy POS của đơn vị chấp nhận thẻ, dự thảo Thông tư cũng quy định chủ thẻ được rút tối đa là 5 triệu đồng/ngày. NH Nhà nước cho rằng quy định này là để hạn chế rủi ro cho chủ thẻ khi rút tiền mặt tại máy qua máy POS. Hạn mức thấp để sử dụng chỉ trong các trường hợp cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Trịnh Thường Thức, Trưởng phòng Thanh toán Thẻ Vietcombank Chi nhánh TP HCM, cho biết để bảo vệ chủ thẻ có thể gặp phải rủi ro (mất thẻ, đánh cắp thẻ...), hiện nay các tổ chức thẻ quốc tế như VISA, Master Card quy định rút tiền mặt tại máy POS không quá 200 USD/ngày (khoảng 4,5 triệu đồng). Vì thế, ông Thức cho rằng quy định của NH Nhà nước về số tiền rút tại máy POS không quá 5 triệu đồng/ngày là phù hợp thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư còn bổ sung quy định đối tượng được sử dụng thẻ là người nước ngoài phải được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên. Thời hạn hiệu lực của thẻ của người nước ngoài không vượt quá thời hạn được phép cư trú còn lại tại Việt Nam.
Nhiều NH cho biết quy định trên sẽ hạn chế được tình trạng tội phạm về thẻ có yếu tố nước ngoài. Bởi, hiện nay có rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam vài ngày chỉ mở thẻ tín dụng để chuẩn bị sẵn số tài khoản tại NH Việt Nam. Sau đó, họ về nước rồi cấu kết với kẻ xấu tiến hành các hành vi lừa đảo, yêu cầu người dính "quả lừa" chuyển tiền vào tài khoản của thẻ tín dụng.
Về hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ, NH Nhà nước dự kiến chỉ cho các ngân hàng phát hành thẻ tín dụng có hạn mức tối đa không quá 1 tỉ đồng đối với trường hợp có tài sản bảo đảm và 500 triệu đồng nếu không có tài sản bảo đảm. Đây là mức thấp vì trên thị trường hiện nay, có ngân hàng đã cấp tín dụng 10 tỉ đồng cho chủ thẻ đặc biệt. Còn hạn mức 1,5 - 2 tỉ đồng cũng được khá nhiều NH áp dụng để cạnh tranh thu hút, giữ chân khách hàng VIP với những đặc quyền trong dịch vụ du lịch, ẩm thực, golf...
Ngoài ra, để phù hợp thông lệ quốc tế và theo đề xuất của một số ngân hàng lớn, NH Nhà nước cũng dự kiến cho phép việc rút tiền mặt từ thẻ tại đơn vị chấp nhận thẻ tại điểm bán. Đồng thời, bổ sung quy định về thanh toán thẻ qua Mã phản hồi nhanh (QR Code) để quy định cụ thể về hình thức thanh toán thẻ đang có xu hướng phát triển trong thời gian tới.
Liên quan đến bảo mật, NH Nhà nước yêu cầu tất cả các giao dịch rút tiền mặt bằng thẻ phải được xác thực chủ thẻ bằng PIN hoặc mã khóa bí mật hoặc những dấu hiệu sinh trắc học của chủ thẻ. Trong trường hợp khiếu nại về giao dịch thẻ, khách hàng chỉ cần phản ánh qua các kênh tiếp nhận và không phải nộp đơn như hiện nay.
Theo Thy Thơ - Tô Hà
Trẻ 6 tuổi đã được dùng thẻ ngân hàng Dù không được rút tiền mặt nhưng theo quy định mới, trẻ từ 6 đến dưới 15 tuổi vẫn có thể sử dụng thẻ phụ của bố mẹ để thanh toán cho một số mục đích nhất định. Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động thẻ của ngân hàng đã mở rộng phạm vi sử dụng thẻ cho trẻ...