Vụ cháy Trung tâm thương mại Hải Dương: Tiểu thương có thể kiện đòi bồi thường thiệt hại
Nhiều tiểu thương tại Trung tâm thương mại Hải Dương cho rằng Ban quản lý trung tâm thương mại và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm vì để cho họ kinh doanh trong môi trường có độ rủi ro cao về cháy nổ hơn chục năm qua.
Trung tâm thương mại Hải Dương sau vụ cháy – Ảnh: Phạm Hải Sâm
5 ngày sau khi vụ cháy xảy ra tại Trung tâm thương mại (TTTM) Hải Dương, hơn 500 tiểu thương vẫn chưa hết bàng hoàng vì sau một đêm đã trở nên trắng tay.
Phớt lờ phòng hỏa
Năm 2002, tỉnh Hải Dương đã dồn các tiểu thương đang kinh doanh ổn định ngành hàng công nghệ phẩm (vải, hóa mỹ phẩm, kim khí)… tại chợ Phú Yên sang kinh doanh tại TTTM.
Theo ông Vũ Khắc Quyết, Giám đốc Ban quản lý (BQL) TTTM, do trung tâm xây dựng theo thiết kế nhằm đáp ứng cho các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh với diện tích sàn lớn nên trước khi chuyển các tiểu thương sang, trung tâm buộc phải thay đổi diện tích kinh doanh của từng hộ. Cụ thể, phải dùng các khung sắt dựng lên thành từng ô nhỏ (9 m2 đến 10 m2/ki ốt), sau đó ốp các vách ngăn, lắp cửa cuốn và phía trên mỗi ki ốt buộc phải lợp tôn để đảm bảo an toàn cho hàng hóa của mỗi hộ. Cũng theo ông Quyết, do chiều cao của các tầng trong trung tâm đều từ 6,5 m đến 7 m nên hệ thống chiếu sáng từ trên trần rọi xuống không đủ sáng phục vụ việc kinh doanh cho bà con, vì vậy buộc phải thiết kế thêm hệ thống điện mới để đấu nối với từng ki ốt. “Sau khi sử dụng hệ thống điện mới, hệ thống điện cũ và PCCC cũ bị bỏ không và hư hại dần”, ông Quyết nói.
Do chia nhỏ diện tích, thay đổi hệ thống điện… so với thiết kế, xây dựng ban đầu của TTTM nên hàng chục năm qua, hơn 500 tiểu thương tại đây bị đặt trong môi trường kinh doanh với độ rủi ro cao về cháy nổ. Tháng 2.2012, sau đợt kiểm tra, rà soát an toàn PCCC, Công an tỉnh Hải Dương đã có văn bản yêu cầu UBND TP.Hải Dương (đơn vị chủ quản của TTTM Hải Dương) phải chấn chỉnh ngay công tác phòng chống cháy nổ của TTTM, đảm bảo an toàn cho hoạt động của bà con tiểu thương. Văn bản này chỉ rõ, hệ thống PCCC của trung tâm đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, bình chữa cháy, nhiều van, vòi và đường ống cấp nước bị hư hại, chưa được sửa chữa…
Về việc này, ông Vũ Tiến Phụng, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Dương, cho rằng 2 năm qua, UBND TP đã trực tiếp làm việc với BQL TTTM nhiều lần về công tác đảm bảo an toàn cháy nổ tại đây. Năm 2012, TP cũng chi 500 triệu đồng tiền ngân sách để đơn vị này sửa chữa, nâng cấp hệ thống PCCC và cũng yêu cầu BQL sử dụng thêm kinh phí (do đây là đơn vị sự nghiệp có thu) để bổ sung trang thiết bị PCCC. Tuy nhiên việc sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị PCCC ra sao thì ông Vũ Khắc Quyết cho hay, tới tháng 7.2012 TTTM mới đầu tư 20 vòi nước cứu hỏa, 38 bình chữa cháy, gia cố lại các bể chứa nước phòng cháy. Riêng hệ thống báo cháy chưa kịp sửa lại thì đã xảy ra hỏa hoạn.
Bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm
Video đang HOT
Nhiều tiểu thương khẳng định hơn chục năm kinh doanh tại TTTM, chưa bao giờ họ được bất kỳ cơ quan chức năng nào hướng dẫn, hoặc đề nghị mua bảo hiểm cháy nổ.
Theo quy định, các TTTM thuộc diện bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ. Tuy nhiên, trao đổi với PV sau khi vụ cháy xảy ra, ông Vũ Khắc Quyết khẳng định trung tâm chưa mua bảo hiểm cháy nổ với lý do các đơn vị khảo sát không bán. “Năm ngoái, chúng tôi đã từng mời Công ty bảo hiểm quân đội, Công ty bảo hiểm Bảo Minh (chi nhánh Hải Dương) đến để tham gia bảo hiểm phòng chống cháy nổ cho trung tâm, nhưng khi đến khảo sát tại đây thì các công ty này đều từ chối”, ông Quyết nói.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, trong vụ việc này, BQL TTTM ít nhất cũng có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 285 BLHS hoặc dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về PCCC theo điều 240 BLHS.
Trả lời việc này, ông Đinh Duy Tuấn, Giám đốc Công ty CP bảo hiểm Bảo Minh – chi nhánh Hải Dương, cho biết theo Thông tư 220 của Bộ Tài chính, TTTM là đơn vị phải tham gia bảo hiểm phòng chống cháy nổ bắt buộc. Tuy nhiên, cũng theo thông tư này thì phải có điều kiện an toàn PCCC do cơ quan PCCC cấp mới được bán bảo hiểm. “Cách đây một năm, phía TTTM Hải Dương có đặt vấn đề mua bảo hiểm tại công ty. Tuy nhiên do phía trung tâm không đưa ra được căn cứ chứng minh đủ điều kiện về an toàn PCCC, mặt khác thực tế cho thấy sau khi tiến hành kiểm tra khảo sát hệ thống PCCC và tất cả các quy trình quy phạm, thì Bảo Minh nhận thấy rủi ro quá cao nên đã từ chối”, ông Tuấn nói.
Có thể kiện đòi bồi thường
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, BQL TTTM Hải Dương đã coi thường hàng hóa của người dân và chính tài sản của TTTM khi thay đổi công năng không phù hợp với thiết kế ban đầu. Điều này đã đặt tiểu thương vào môi trường rủi ro cao về cháy nổ. Ngoài ra, BQL TTTM còn vi phạm trong việc chưa thực hiện mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định tại Nghị định 130/2006/NĐ-CP và Thông tư 220/2010 của Bộ Tài chính… Do đó, BQL TTTM phải có trách nhiệm trong vụ việc. “Cụ thể là phải chịu trách nhiệm bồi thường về dân sự. Nếu CQĐT khởi tố vụ án, đề nghị truy tố, xử lý những người có liên quan đến vụ cháy thì trách nhiệm bồi thường về dân sự sẽ nhập chung vào giải quyết trong vụ án hình sự. Nếu CQĐT không khởi tố hình sự vụ án thì các tiểu thương cũng có thể khởi kiện vụ kiện dân sự yêu cầu BQL TTTM bồi thường”, luật sư Diệp nói.
Luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích thêm: Các tiểu thương khi thuê gian hàng, mặt bằng với TTTM để hoạt động kinh doanh, mua bán thì giữa các bên đã hình thành quan hệ giao dịch dân sự và làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng thuê mặt bằng, gian hàng. Khi vụ cháy xảy ra gây thiệt hại rất lớn đến tài sản của các tiểu thương, cần căn cứ xem xét vào các quy định, điều khoản trong hợp đồng để làm cơ sở xem xét giải quyết, khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Phạm Hải Sâm – Lê Nga
Theo TNO
Vụ cháy Trung tâm thương mại: Hải Dương làm thật, báo cáo...nhầm
Từ thực trạng nhầm lẫn như một căn bệnh lây lan hàng loạt trên khắp cả nước như vậy, có thể thấy chuyện xảy ra ở Hải Dương mới đây cũng chẳng có gì lạ. Có lẽ vì thế mà các tiểu thương ở Trung tâm thương mại Hải Dương khó khăn thế mà vẫn sống được đấy thôi.
Tỉnh Hải Dương báo cáo nhầm?
Ngày 16/9, UBND tỉnh Hải Dương đã gửi văn bản báo cáo Chính phủ về việc cháy Trung tâm thương mại Hải Dương vào sáng ngày 15/9.
Nội dung báo cáo khẳng định: Khoảng 3h20' ngày 15/9 mới phát hiện thấy cháy và lập tức tổ bảo vệ tiến hành công tác dập lửa tại chỗ, báo với PCCC Hải Dương. Đám cháy được phát hiện kịp thời tại quầy bán vải thuộc tầng 1 nhờ công tác tuần tra của nhóm bảo vệ 6 người. Tới 8h cùng ngày, lực lượng chức năng đã khống chế được đám cháy.
Việc xảy ra một vụ cháy lớn, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng của người dân, UBND tỉnh sớm có báo cáo với Chính phủ cũng là lẽ thường tình, tuy nhiên, vấn đề bất ngờ ở đây lại là việc nội dung báo cáo này hoàn toàn mâu thuẫn với lời tố cáo của hơn 500 tiểu thương mấy ngày nay.
Báo cáo về vụ chát trung tâm thương mại Hải Dương của UBND tỉnh khác hẳn với những gì người dân cho biết.
Tất cả các tiểu thương và nhân dân sống xung quanh trung tâm đều khẳng định cháy từ lúc 1 giờ sáng nhưng không gọi được lực lượng PCCC. Hơn 3h sáng dân phải phi xe máy tới trụ sở PCCC đập cửa mới báo được.
Dư luận bức xúc đặt câu hỏi: UBND tỉnh Hải Dương báo cáo Chính phủ như vậy dựa trên căn cứ nào? Nếu nội dung báo cáo đúng, toàn bộ những gì 500 tiểu thương nói là sai?.
Trên thực tế, để phân định đúng sai trong câu chuyện này có lẽ không phải là chuyện dễ dàng. Người ta vẫn hay nói miệng nhà quan có gang có thép, chỉ nói miệng thôi đã khó cãi rồi, đằng này lại có giấy tờ, văn bản rành rành, quả thật là khó mà thay đổi được gì.
Khi cả nước cùng nhầm
Ấy nhưng mà lắm khi cũng phải xem lại nhé, hình như có không ít trường hợp, cũng là miệng nhà quan nói mà lại không đúng sự thật. Như vụ việc đốt pháo mới xảy ra vào dịp tết âm lịch năm 2013, cũng ở Hải Dương, báo Quân đội nhân dân Online ngày 11/2 ghi nhận sáng mồng 1 Tết (10/2, dọc các tuyến đường quốc lộ và liên tỉnh, liên huyện từ Kẻ Sặt (huyện Bình Giang - Hải Dương) tới thị trấn huyện Thanh Miện, xác pháo rải rợp đường, đủ sắc màu đỏ, trắng, xanh. Tại các khu vực như ngã ba Quán Gỏi, Kẻ Sặt, xã Thanh Tùng... xác pháo đỏ rực nhiều đoạn đường, ngay trên vỉa hè và lòng đường trước cửa nhà dân. Đặc biệt, tại huyện Bình Giang, tuyến đường ngay trước trụ sở UBND huyện, xác pháo rải san sát ngay trước hiên nhiều nhà dân, nhiều cửa hàng...
Tuy nhiên, trên tờ báo Tuổi trẻ chiều 16/2, ông Hoàng Mai Khương, Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Hải Dương, khẳng định trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ trên địa bàn tỉnh không xảy ra hiện tượng đốt pháo. Ông Hoàng Mai Khương nói: "Theo như thông tin có đốt pháo, nhưng ngày 14/2 (mồng 5 tết) chúng tôi đã tổng hợp báo cáo từ các huyện gửi lên thì không có hiện tượng đó. Thậm chí có thông tin cho rằng ở huyện Kim Thành có mấy trường hợp bị thương do pháo nhưng không có. Thực tế các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra đón giao thừa, đón xuân ở các địa phương không có đồng chí nào phản ảnh hiện tượng đó. Theo yêu cầu của Chính phủ, chúng tôi đã báo cáo lên Chính phủ là không có hiện tượng đốt pháo".
Vụ nổ pháo, hình ảnh rõ ràng, sắc nét như vậy mà Hải Dương báo cáo còn nhầm thì vụ cháy, lãnh đạo tỉnh có lại một lần nữa báo cáo nhầm thì cũng chẳng có gì lạ.
Đường thôn Cổ Dũng đỏ rực xác pháo. Ảnh chụp lúc 7 giờ sáng mùng 1 Tết (Ảnh: Báo Hải Dương)
Thế nhưng nếu có 100 người đúng mà chỉ 1 người sai thì người sai đó hẳn nhiên phải chịu trách nhiệm to rồi, đằng này trên cả nước, đâu đâu cũng thấy báo cáo nhầm như bệnh trầm kha vậy thì biết trách ai?
Này nhé, thời gian vừa qua ở nước ta sự nhầm lẫn diễn ra phổ biến từ việc bé đến việc lớn, từ chuyện bình thường đến đủ thứ trọng đại. Nếu số liệu trong vài báo cáo tài chính nhầm mới là chuyện nhỏ thì việc quảng bá nhầm địa danh du lịch trong hội chợ du lịch quốc tế đã là lớn hơn và bị phê phán nhiều nhiều. Ấy vậy mà có những người còn nhầm hẳn trong những ngành quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống con người như ngành y, từ việc định cắt cái này mà nhầm sang cái nọ, đến bệnh viện chẩn đoán thai cho cụ ông tuổi thất thập cổ lai hy, ngay cả kết quả xét nghiệm máu cũng có sự nhầm lẫn như vụ việc ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Dường như, ở nước ta nhầm lẫn nhiều đến mức mà lắm khi người ta cũng chẳng phân biệt nổi đâu là đúng, đâu là nhầm.
Mới đây nhất, vụ việc sập bãi đào vàng dường như cũng được cho rằng đang có sự nhầm lẫn, khó hiểu. Vụ sạt lở bãi khai thác vàng trái phép tại khu vực rừng Vầu, rừng Xanh ở xã Minh Lương, H.Văn Bàn (Lào Cai) xảy ra trưa 5/9, theo nhiều nguồn tin từ phía người bị nạn tại các xã Tuân Đạo, Tân Lập và Quý Hòa ở H.Lạc Sơn và chính quyền địa phương tại đây xác nhận, đã có 8 nạn nhân thiệt mạng, riêng xã Tuân Đạo đã có 5 nạn nhân. Tuy nhiên, trong báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, vụ việc diễn ra chỉ có 2 người chết.
Từ thực trạng nhầm lẫn như một căn bệnh lây lan hàng loạt trên khắp cả nước như vậy, có thể thấy chuyện xảy ra ở Hải Dương mới đây cũng chẳng có gì lạ. Có lẽ vì thế mà các tiểu thương ở Trung tâm thương mại Hải Dương cũng nên biết thân, biết phận chịu khó mà làm ăn tiếp, như người dân cả nước khó khăn thế mà vẫn sống được đấy thôi. Và phải tiếp tục hi vọng, thế mới mong có ngày kiếm lại được những gì đã mất.
Theo Phunutoday
Người dân khẩn cấp di dời ra khỏi Trung tâm thương mại Hải Dương Sáng 19/9, chủ tịch UBND TP.Hải Dương Đoàn Việt Hùng cho biết đã xin UBND tỉnh chủ trương tháo dỡ khẩn cấp chợ TTTM Hải Dương để tránh nguy cơ sập đổ. Xe máy xúc, xe tải đỗ trong khu vực chợ như để sẵn sàng cho các tình huống sập đổ công trình Theo ông Hùng, "hiện tại nguy cơ chợ TTTM...