Vụ cháy chung cư mini làm 56 người chết: Truy tố chủ chung cư và 6 cán bộ
Ông chủ chung cư mini tại phố Khương Hạ (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), nơi xảy ra cháy làm 56 người chết, vừa bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.
VKSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nghiêm Quang Minh (SN 1979, trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), chủ của chung cư mini bị cháy làm 56 người tử vong về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.
Liên quan đến vụ án, các cựu cán bộ phường Khương Đình và cựu Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng quận Thanh Xuân bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị can này gồm: Phạm Tần Anh (cựu Phó Chủ tịch UBND phường), Chu Xuân Sơn (cựu Phó Chủ tịch UBND phường giai đoạn 2015-2020; thời điểm bị khởi tố là Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Nam); Nguyễn Thị Kim Trang (cựu cán bộ địa chính – xây dựng phường, giai đoạn 2010-2018; thời điểm bị khởi tố là cán bộ địa chính xây dựng phường Thanh Xuân Bắc);
Nguyễn Tuấn Anh (cựu Phó trưởng Công an phường); Nguyễn Đình Quân (cựu Tổ trưởng Tổ Thanh tra Xây dựng phường, giai đoạn 2014-2016; thời điểm bị khởi tố là Tổ trưởng Tổ Thanh tra xây dựng phường Nhân Chính); Trần Trọng Khang (nguyên Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng quận Thanh Xuân, giai đoạn 2013-2016).
Nạn nhân được đưa ra khỏi hiện trường vụ cháy. Ảnh: Đình Hiếu
Theo cáo buộc, ông Nghiêm Quang Minh là chủ sở hữu thửa đất có diện tích 240m2 ở số 37, ngách 29/70, phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.
Ngày 11/3/2015, ông Minh được UBND quận Thanh Xuân cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên thửa đất trên, diện tích xây dựng tầng 1 là 167,4m2; mật độ xây dựng 70%; tổng diện tích sàn xây dựng 1.165,9m2; tổng chiều cao công trình 20,2m, gồm 6 tầng, tầng lửng và tum thang.
Cụ thể, tầng 1 có 2 phòng, tầng lửng có 3 phòng, tầng 2 đến tầng 6 mỗi tầng có 5 phòng, tầng tum có 3 phòng, tổng số là 33 phòng).
Video đang HOT
Từ ngày 14/5/2015 đến cuối tháng 12/2015, ông Minh xây dựng và tự ý thay đổi thiết kế công trình, xây dựng thành 9 tầng và 1 tum; vượt 3 tầng so với giấy phép xây dựng; diện tích sàn tầng 1 là 240m2, vượt 132,6m2; tổng số 45 phòng (căn hộ khép kín), vượt 12 phòng, nhưng không lập hồ sơ thiết kế, thẩm duyệt, nghiệm thu, quản lý về phòng cháy chữa cháy theo quy định.
Cáo trạng chỉ ra rằng, từ tháng 10/2015 đến tháng 4/2016, ông Minh đã bán xong 45 căn hộ và đến cuối năm 2016, toàn bộ 45 căn hộ đều có người ở. Thời điểm trước khi xảy ra hỏa hoạn (12/9/2023), có 147 cư dân sinh sống trong 45 căn hộ nêu trên.
Sau khi bán toàn bộ 45 căn hộ cho các hộ dân sử dụng, ông Minh không cư trú tại tòa nhà và xác định quyền quản lý, sử dụng là của toàn bộ cư dân.
Ông Minh không có trách nhiệm đối với việc cư dân sinh sống và sự vận hành của tòa nhà. Toàn bộ xe máy, xe máy điện, xe đạp điện của cư dân đều để ở dưới tầng 1 tòa nhà, trung bình có khoảng từ 70 – 80 xe máy, xe điện các loại.
Từ ngày 31/8/2018 đến ngày 12/6/2020, Công an quận Thanh Xuân đã phát hiện nhiều vi phạm về PCCC tại nhà số 37, ngách 29/70, phố Khương Hạ, phường Khương Đình và xác định đây là cơ sở vi phạm quy định về PCCC, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì có thể dẫn đến nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy nổ, có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đến khoảng 23h20 ngày 12/9/2023, đường dây dẫn điện bị chập mạch tại khu vực bình ắc quy đặt ở giáp tường phía nam tầng 1 tòa nhà gây cháy.
Sau đó, ngọn lửa cháy lan vào dây cáp điện, các hộp công tơ điện gắn trên tường phía nam tầng 1 và lan ra xung quanh. Dù được phát hiện nhưng với bình bọt chữa cháy tại tầng 1 tòa nhà không dập được đám cháy, dẫn đến ngọn lửa bùng phát lớn.
Ngay khi nhận được tin báo về vụ cháy, Trung tâm chỉ huy Công an TP Hà Nội đã điều động các lực lượng chữa cháy đến dập lửa, cứu nạn, cứu hộ. Đến khoảng 0h15 ngày 13/9/2023, đám cháy cơ bản được dập tắt.
Hậu quả, vụ cháy đã làm 56 người tử vong, 44 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 3,2 tỷ đồng. Ngay trong ngày 13/9/2023, ông Minh bị cơ quan điều tra bắt tạm giam.
Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị truy tố trong vụ án xảy ra tại VNCERT
Ngày 20/11, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế - AIC) và 12 bị can khác về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cáo trạng, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) do bị can Nguyễn Trọng Đường làm Giám đốc (Sau đó giữ vị trí Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính của Bộ TT&TT).
VNCERT có nhiệm vụ chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về ứng cứu sự cố máy tính và an toàn thông tin mạng theo phân công của Bộ trưởng; chủ trì điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố máy tính và an toàn thông tin mạng trên toàn quốc...
VNCERT được Bộ TT&TT giao cho lập kế hoạch và trình Bộ phê duyệt Dự án mua sắm trang thiết bị và thuê dịch vụ kỹ thuật nhằm theo dõi, phân tích sự cố, tấn công an toàn thông tin mạng trên một số kênh kết nối Internet quốc tế. Tổng mức đầu tư của dự án là 95 tỷ đồng.
Quá trình triển khai thực hiện dự án, trong đó có gói thầu số 8 đầu tư mua sắm hệ thống thiết bị, phần mềm, theo hình thức đấu thầu rộng rãi, các bị can thuộc chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định giá, đơn vị tư vấn đã thực hiện các hành vi thông đồng, gian lận trong đấu thầu, vi phạm quy định về đấu thầu, để Công ty AIC trúng thầu trái quy định, gây thiệt hại của Nhà nước hơn 17 tỷ đồng.
Trong vụ án này, Nguyễn Thị Thanh Nhàn được xác định giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu.
Theo đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo nhân viên là Nguyễn Văn Thế (Trưởng ban Kỹ thuật 7), Đỗ Văn Sơn (Trưởng ban 2) và nhân viên dưới quyền thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư để tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu và gian lận trong việc lập hồ sơ dự thầu.
Bị can Nguyễn Trọng Đường (thời điểm chưa phạm tội).
Bị can Nguyễn Trọng Đường là đại diện chủ đầu tư nhưng đã chỉ đạo cấp dưới trực tiếp là Ngô Quang Huy, Trần Nguyên Chung, Nguyễn Thị Ánh Hồng thực hiện hành vi thông thầu.
Bị can Ngô Quang Huy phối hợp với đơn vị tư vấn là Công ty Khang Phát khảo sát lập dự án, trao đổi và sử dụng danh mục, dự toán của Công ty AIC, hợp thức các gói thầu tư vấn để Vụ Kế hoạch Tài chính thẩm định trình lãnh đạo Bộ TT&TT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đợt 1 của dự án.
Bị can Nguyễn Thị Ánh Hồng thực hiện các thủ tục hợp thức tư vấn thẩm định giá để VNCERT phê duyệt dự toán, triển khai đấu thầu. Bị can Trần Nguyên Chung và các thành viên Ban quản lý dự án phối hợp với nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu có lợi cho Công ty AIC, giúp doanh nghiệp này trúng gói thầu số 8.
Tại giai đoạn tư vấn lập dự án và Báo cáo nghiên cứu khả thi, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo Thế liên hệ với các hãng bán hàng hỏi giá các thiết bị theo danh mục của VNCERT, cộng thêm 40% để ra giá dự toán, đưa vào báo cáo.
Sau khi VNCERT phát hành hồ sơ mời thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo Đỗ Văn Sơn đề xuất phần tài chính tham gia gói thầu cho Công ty AIC là 70 tỷ đồng; chỉ định Công ty cổ phần Mopha (thuộc hệ sinh thái Công ty AIC) làm "quân xanh".
Quá trình lập hồ sơ dự thầu, để đảm bảo hồ sơ năng lực của Công ty AIC đáp ứng các yêu cầu của gói thầu số 8, Công ty AIC đã làm khống các tài liệu về hợp đồng lao động với một số nhân sự nhằm thể hiện năng lực chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thông tin (tăng thời gian làm việc của nhân sự chủ chốt).
Mặc dù nhà thầu là Công ty AIC không đáp ứng yêu cầu đánh giá về năng lực hợp đồng và nhân sự chủ chốt, nhưng nhóm bị can chủ đầu tư vẫn lập báo cáo đánh giá Công ty AIC là nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và được tham gia mở hồ sơ đề xuất tài chính.
Ngày 22/11/2017, bị can Nguyễn Trọng Đường ký quyết định phê duyệt Công ty AIC là nhà thầu trúng thầu gói thầu số 8.
Sau khi đấu thầu, bị can Nguyễn Trọng Đường đã nhận của Công ty AIC số tiền 1 tỷ đồng, sau đó giao cho Dương Thị Minh (Kế toán trưởng VNCERT) chia cho các thành viên tham gia dự án vào dịp Tết Nguyên đán năm 2019.
Trong đó, bị can Đường nhận 200 triệu đồng, một số bị can khác nhận từ 20 triệu đồng đến 80 triệu đồng. Số tiền còn lại, các bị can thuộc chủ đầu tư sử dụng vào mục đích phục vụ các hoạt động chung của VNCERT.
Trước vụ án này, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng bị kết án hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử ở nhiều vụ án khác và đều liên quan đến các sai phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
Nhận hối lộ tiền tỷ, nhiều cựu lãnh đạo trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội bị truy tố Viện KSND TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Đỗ Công Thành, bị can Bùi Minh Kiên (đều là cựu Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-11D, thuộc Công ty cổ phần cơ khí ô tô Xuân Mai, TP Hà Nội) về tội "Nhận hối lộ". Cùng bị truy tố về tội danh trên là bị can Trần...