Vụ cháy 300 xe gắn máy: Nhiều người nghèo mất “cần cầu cơm”
Vụ cháy bãi giữ xe trên đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8, TPHCM ngày 5/4 vừa qua không những khiến chủ bãi xe khốn đốn lo bồi thường mà nhiều lao động nghèo có xe gửi ở đây cũng đang lao đao vì không có phương tiện mưu sinh.
Ngày 8/4, PV Dân trí tiếp tục quay trở lại khu vực bãi giữ xe bị cháy của anh Võ Trung Nhân trên đường Cao Lỗ (phường 4, quận 8, TPHCM), tiếp xúc, gặp gỡ những lao động nghèo có phương tiện mưu sinh gửi trong bãi xe nhưng đã bị ngọn lửa thiêu rụi.
Gặp chúng tôi gần hiện trường vụ cháy, bà Võ Thị Bao (60 tuổi, bán nước trước Bệnh viện quận 8) có xe gửi trong bãi kể: “Tất cả vốn liếng 2 vợ chồng tôi đều dồn vào 2 chiếc xe bán bánh mì và xe bán nước. Đây chính là phương tiện để vợ chồng tôi kiếm sống qua ngày, thế nhưng một mồi lửa đã thiêu rụi tất phương tiện mưu sinh của chúng tôi. Vì cuộc sống mưu sinh nên vợ chồng tôi đành vay mượn trả góp số tiền 10 triệu đồng để mua lại chiếc xe mới để tiếp tục buôn bán, kiếm sống qua ngày”.
Sau 3 ngày thất thu vì vụ cháy, sáng 8/4, chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã tiếp tục công việc mưu sinh để nuôi gia đình
Được biết bà Bao gửi 2 chiếc xe đẩy cùng nhiều bàn ghế tại bãi của anh Nhân với số tiền 250 ngàn đồng/tháng. Sau vụ cháy, toàn bộ xe đẩy, bàn ghế và nước trong chiếc xe đã bị thiêu rụi, hư hỏng.
Cũng chung cảnh ngộ với bà Bao, chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng (33 tuổi, tạm trú phường 4, quận 8) than thở: “Gia đình tôi chỉ có chiếc xe bánh mì là phương tiện mưu sinh duy nhất, nhưng vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi toàn bộ chiếc xe và đồ đạc bên trong”.
Với những người lao động nghèo, chiếc xe bánh mì phương tiện kiếm sống chính của cả gia đình
“Sau khi xảy ra cháy, tôi có hỏi chủ bãi xe nhưng họ nói vẫn chưa có tiền để đền, vì mưu sinh nên tôi đành đi vay mượn anh chị em, bà con số tiền hơn 5 triệu đồng để sắm chiếc xe mới, tiếp tục buôn bán kiếm sồng”, chị Phượng tâm sự.
Được biết chị Phượng bán bánh mì được gần 3 năm nay, hằng ngày sau khi bán xong chị đều đưa xe vào bãi của anh Nhân gửi với giá 150 ngàn đồng/ tháng.
Video đang HOT
Toàn bộ số bàn ghế, xe đẩy vừa được bà Võ Thị Bao sắm lại để tiếp tục công việc mưu sinh
Có lẽ trường hợp bi đát nhất trong vụ cháy này là ông Nguyễn Thanh Hoàng (61 tuổi, tạm trú phường 4, quận 8). Hằng ngày ông Hoàng đạp xích lô ở chợ An Đông quận 5 để kiếm tiền nuôi mẹ già là cụ bà Phạm Thị Ba (87 tuổi). Sau khi xảy ra vụ cháy, chiếc xích lô là phương tiện kiếm sống chính của ông Hoàng đã bị thiêu rụi trơ khung, hiện ông Hoàng đang ở nhà vì không có xe để tiếp tục hành nghề.
Được biết ông Hoàng đạp xích lô được hơn 20 năm nay, hằng ngày ai thuê gì là ông chở đó. Trung bình mỗi ngày ông Hoàng kiếm được khoảng 100 ngàn đồng, một nửa số tiền đó ông để dành cho việc trả tiền trọ hàng tháng, số tiền còn lại ông dùng cho việc trang trải cuộc sống hàng ngày của 2 mẹ con.
“Chiếc xe xích lô là phương tiện mưu sinh duy nhất của tôi giờ đã bị cháy rụi, hỏi thì chủ bãi nói chưa có tiền đền, không biết bây giờ tôi lấy gì để kiếm sống đây”, ông Hoàng ngậm ngùi.
2 mẹ con ông Hoàng trong căn phòng trọ
Theo nhiều người dân sống chung dãy trọ với ông Hoàng, trường hợp của ông rất đáng thương. Hằng ngày ông Hoàng đi đạp xích lô kiếm tiền nuôi mẹ già. Cách đây 3 năm, chiếc xích lô ông để gần dãy nhà trọ đã bị các đối tượng xấu trộm mất. Sau khi mất xe, ông Hoàng không có phương tiện mưu sinh nên nhiều người sống chung khu trọ thương tình đã góp tiền giúp ông mua chiếc xe mới, tiếp tục hành nghề. Vậy mà trong vụ cháy vào chiều 5/4 vừa qua, ngọn lửa lại tiếp tục cướp đi phương tiện mưu sinh chính của người đàn ông nghèo.
Chiếc xe xích lô của ông hoàng nay chỉ còn trơ khung sắt
Được biết ông Hoàng gửi xe ở bãi của anh Nhân với số tiền 90 ngàn đồng/tháng. “Kể từ thời điểm cháy bãi xe đến nay, tôi không có phương tiện để đi làm, nhiều mối kêu chở hàng lắm nhưng không có xe để chạy”, ông Hoàng Tâm sự.
Bàn ghế, xe đẩy của những lao động nghèo gửi tại bãi xe đã bị cháy rụi
Trao đổi với PV Dân trí, ông Tế Ngọc Đức, Chủ tịch UBND phường 4, quận 8 cho biết, trước mắt việc đền bù cho các chủ xe bị thiệt hại sẽ do phía chủ bãi giữ xe và chủ phương tiện tự thoả thuận với nhau. Nếu như không đạt được thảo thuận giữa 2 bên, khi đó phường sẽ đứng ra tổ chức hòa giải. Riêng trường hợp các chủ xe thuộc diện gia đình khó khăn, chiếc xe bị cháy là phương tiện duy nhất trong gia đình dùng để mưu sinh thì phường sẽ kết hợp với Ban vận động quỹ vì người nghèo để xem xét từng trường hợp hỗ trợ giúp họ sớm ổn định cuộc sống.
Đình Thảo
Theo Dantri
2.000 thẻ BHYT cho người nghèo TP.HCM
Công ty Kinh Đô vừa phối hợp cùng Hội Bảo Trợ Bệnh Nhân Nghèo TP.HCM trao tặng 2.000 thẻ Bảo Hiểm Y Tế (BHYT) cùng 2.000 phần quà cho người nghèo các quận 6, 8, 12 và Thủ Đức với tổng trị giá 500 triệu đồng.
Đây là chương trình nằm trong các hoạt động xã hội hàng năm của Kinh Đô với tinh thần chia sẻ trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng.
Thẻ BHYT Cứu cánh cho người nghèo
Đối tượng được tặng thẻ BHYT là người cận nghèo nên mọi người đều khá vất vả với công cuộc mưu sinh và việc khám chữa bệnh khi không may đau ốm là cả gánh nặng.
Tại lễ trao thẻ BHYT tại quận 8, cụ bà Lâm Tố Muội 78 tuổi cho biết mình đã 2 lần được Hội BTBNN giúp mổ mắt miễn phí, trước Tết được phát thẻ BHYT và hôm nay thì đến lãnh cho con mình. Nhìn dáng bà cụ nhỏ nhắn, đôi mắt đã mờ vì tuổi già và vì đã qua 2 lần mổ đang chăm chú đọc từng chữ trên chiếc thẻ bảo hiểm mới thấy hết ý nghĩa của tấm thẻ BHYT với bà con nghèo.
Còn cụ Huỳnh Ngọc Quang 79 tuổi bộc bạch, "Người nghèo rất vui mừng được tặng thẻ BHYT. Chiếc thẻ mang lại niềm tin, giảm lo lắng khi không may bị đau ốm".
Cầm tấm thẻ BHYT trên tay, cô Nguyễn Thị Xíu 48 tuổi tâm sự: "Một mình buôn bán nuôi 3 con đang đi học nên có được tấm thẻ là trút được nỗi lo khi khám chữa bệnh. Lần này được tặng 2 suất nên mừng lắm!".
Khi thẻ BHYT do Kinh Đô tài trợ đến với bà con nghèo quận 12, cô Nguyễn Thị Hảo, 61 tuổi chia sẻ: "Tôi vẫn còn làm rẫy, nhưng đau ốm liên miên. Có thẻ BHYT, ngay ngày mai sẽ đi khám và chữa trị để tiếp tục công việc lo cho bản thân và gia đình".
Cô Vũ Thị Lựu, 50 tuổi lần đầu tiên được nhận thẻ bảo hiểm cũng không giấu được cảm xúc vì nhà nghèo mà từ trước đến giờ bản thân hay đau yếu phải đi khám bệnh viện nhiều lần, chi phí bệnh là gánh nặng lớn.
Trong khi đó, cô Phan Thị Lệ 60 tuổi chia sẻ: "Bản thân tôi đang bị bệnh cao huyết áp và tim trong lúc già yếu không làm ra tiền. Có chiếc thẻ BHYT được đi khám và lấy thuốc định kỳ tháng 2 lần, nếu không có thẻ BHYT khó mà kham nỗi".
5 năm đồng hành cùng BHYT cho người nghèo
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều năm qua, Kinh Đô luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chăm lo cho cộng đồng. Đợt trao thẻ BHYT một lần nữa thể hiện sự sẻ chia của Kinh Đô với bà con nghèo.
Kể từ năm 2010 đến nay, Kinh Đô đã đồng hành cùng Hội Bảo Trợ Bệnh Nhân Nghèo (BTBNN) trao tặng hơn 10.000 thẻ BHYT cho người nghèo trên địa bàn Thành phố. Công ty cũng đã đồng hành ủng hộ Hội BTBNN trong các hoạt động thiết thực như: Mang ánh sáng cho người mù nghèo, Mổ tim bẩm sinh...
Cuối năm 2013 vừa qua, thông qua Hội BTBNN, Kinh Đô đã tài trợ ca mổ mắt thứ 400.000 cho người nghèo. Tổng chi phí Kinh Đô ủng hộ các chương trình ý nghĩa của Hội BTBNN từ năm 2001 đến năm 2013 là hơn 6 tỷ đồng.
"Chúng tôi hiểu thẻ BHYT rất ý nghĩa với người nghèo, giúp giảm phần nào gánh nặng chi phí cho người nghèo khi không may bị đau ốm. Sự đồng hành của Kinh Đô trong suốt nhiều năm qua với chương trình đã khẳng định sự quan tâm của chúng tôi đối với hoạt động ý nghĩa này. Chúng tôi mong muốn trong tương lai sẽ tiếp tục đồng hành và có thể ủng hộ nhiều hơn nữa cho các hoạt động xã hội thiết thực dành cho cộng đồng", ông Nguyễn Xuân Luân - Phó Tổng Giám Đốc Tập đoàn Kinh Đô, chia sẻ.
Ông Trần Hữu Tâm - Phó Chủ tịch thường trực Hội BTBNN cũng cho biết: "Chúng tôi trân trọng sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của Chi hội BTBNN Kinh Đô suốt 17 năm qua. Ban lãnh đạo và tập thể nhân viên công ty đã luôn dành nhiều tình cảm, sự ủng hộ thiết thực cho các hoạt động của Hội. Chúng tôi tin tưởng cùng với sự phát triển lớn mạnh, văn hóa chia sẻ trách nhiệm cùng cộng đồng sẽ còn được Kinh Đô phát huy nhiều hơn, mang đến những chăm lo thiết thực cho cộng đồng".
Khôi Nguyên
Theo_VietNamNet
Lão nông nghèo cắm sổ đỏ mua 9.000 đồ cổ gắn lên tường nhà Đang yên ổn làm nghề mộc bất ngờ ông Nguyễn Văn Trường (SN 1961 ở làng Kiệu Sơn; xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) bỏ nghề chuyển sang đi buôn đồ cổ nhưng chẳng phải để mua đi bán lại kiếm lời mà cứ mua được món đồ nào ông lại lau chùi sạch sẽ để gắn hết lên tường...