Vụ “cà phê Xin Chào” ảnh hưởng ghê gớm đến môi trường đầu tư, kinh doanh TP.HCM
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội TPHCM tháng 4/2016, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, vụ việc quán cà phê Xin Chào đã làm ảnh hưởng ghê gớm đến môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố. Ông cũng bức xúc khi chỉ số minh bạch năm 2015 của thành phố bị tụt hạng.
Sáng 28/4, chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội TP tháng 4/2016, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết: “Vừa qua, việc xảy ra tại huyện Bình Chánh làm ảnh hưởng môi trường đầu tư của thành phố ghê gớm. Trong khi cả thành phố tập trung xây dựng môi trường thông thoáng hơn cho nhà đầu tư, tạo điều kiện cho hộ làm ăn kinh doanh chính đáng phát triển thì vụ việc này tác động rất lớn đến sự nỗ lực của cả thành phố”.
Chủ tịch TPHCM e ngại hậu “Cà phê Xin chào” sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư
Bên cạnh “vụ quán cà phê Xin Chào”, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng bức xức khi chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của thành phố vừa thống kê chỉ xếp thứ 47/63 tỉnh, thành.
Ông Phong cũng cho biết, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố đạt hạng 6 trên cả nước, giảm 2 bậc so với năm 2014. Trong đó có nhiều chỉ số tụt giảm nghiêm trọng. “Thảm hại nhất là chỉ số về tính minh bạch, tụt từ thứ 4 xuống thứ 17. Còn chỉ số về chi phí không chính thức từ thứ 42 xuống 54″, ông Phong nói.
Trong khi nhiều chỉ số tụt hạng thì chỉ số tăng lại tăng không đáng kể, tăng từ 1 – 2 điểm. Một chỉ số mà thành phố trụ hạng đó là chỉ số cạnh tranh bình đẳng và hỗ trợ doanh nghiệp.
Video đang HOT
“Đà Nẵng đã ba năm liền vững vị trí số 1. Một số tỉnh thành có sự bứt phá vươn lên rất rõ như Đồng Tháp… Dĩ nhiên là quy mô, số lượng doanh nghiệp và đặc điểm tình hình của thành phố có khác so với các tỉnh. Nhưng kết quả này khiến chúng ta phải suy nghĩ”, ông Phong cũng nhấn mạnh.
Ông Phong nhìn nhận thực tế trên là một điều rất “nhức nhối” và yêu cầu các địa phương, đơn vị phải có giải pháp thực sự để cải thiện tình hình.
“Rõ ràng sự đánh giá của người dân đối với chính quyền cơ sở không cao. Chúng ta ngồi đây để nâng hiệu quả nhưng kết quả thì thấy không hài lòng. Các đồng chí đứng đầu cơ sở phải bức xúc trước chỉ số này để có giải pháp thực sự. Đây phải là quyết tâm thực sự, không phải chỉ nói mang tính hình thức”, ông Phong nhấn mạnh.
Quốc Anh
Theo Dantri
Hơn hai vạn doanh nghiệp ngừng hoạt động: Nhiều vấn đề cần giải quyết
Theo Tổng cục Thống kê, quý I-2016 số doanh nghiệp (DN) phải tạm ngừng hoạt động, hoặc giải thể đã lên tới hơn 2 vạn. Đây là con số không bình thường. Từ đó đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo sự công bằng về cơ hội tham gia thị trường.
"Sức" yếu, "gánh" nặng
Những năm trước, khi nền kinh tế gặp khó khăn, tỷ lệ DN phá sản, ngừng hoạt động vào khoảng 20% so với tổng số DN thành lập mới, và đã đặt ra không ít vấn đề. Thế nhưng, trong quý I-2016, đã có hơn 2 vạn DN phải tạm ngừng hoạt động, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái và khoảng 80% so với tổng số DN mới thành lập. Ở một khía cạnh, có thể hiểu là khả năng tồn tại của DN khá "mong manh".
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, cần xem việc DN rút lui khỏi thị trường là vấn đề đáng suy nghĩ, không bình thường. Cũng theo ông Nguyễn Đình Cung, DN đang phải đối mặt với không ít khó khăn như việc gia tăng chi phí đầu vào... tiền thuê đất, sử dụng đất và sắp tới có thể là việc tăng thuế môi trường và thuế môn bài. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay vẫn chưa được cải thiện. Thực trạng trên khiến nhiều DN rơi vào tình trạng phải loay hoay tìm cách trụ vững, qua cơn sóng gió. Nhưng, đáng tiếc phải chờ bao lâu để qua sóng gió lại là câu hỏi ngỏ - ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ phải đóng cửa do làm ăn kém hiệu quả. Ảnh: Mạnh Hà
Cũng về vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, DN dân doanh quy mô nhỏ, hạn chế về công nghệ nên sức cạnh tranh thấp, do vậy khó trụ vững khi đối diện nhiều bất lợi. Chưa kể không ít DN chân chính đang điêu đứng với nạn hàng giả, hàng nhái và buôn lậu, thậm chí có khi chịu hậu quả nghiêm trọng và không thể gượng dậy...
Theo Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, các DN trong nước và hộ kinh doanh, đang chịu sự cạnh tranh dữ dội từ DN có vốn nước ngoài. Việc mở cửa thị trường diễn ra quá nhanh, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn đã làm bộc lộ hàng loạt yếu kém của DN nội như thiếu vốn, thiếu chiến lược phát triển hợp lý, liên kết theo chuỗi, hạn chế về năng lực quản trị... "Rất khó lạc quan đối với tương lai ngành bán lẻ trong những năm tới" - ông Vũ Vinh Phú nhận định.
Tạo cơ chế bình đẳng
Cũng theo ông Nguyễn Đình Cung, DN nhà nước vẫn được hưởng nhiều ưu đãi, nhất là về nguồn lực và cơ hội tham gia thị trường. Đã đến lúc cần có quan điểm công bằng với DN tư nhân và xác định rõ DN tư nhân là động lực của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, Nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, y tế và hạ tầng tối quan trọng; còn lại cần mạnh dạn chuyển cho khu vực tư nhân; khuyến khích DN tư nhân tham gia đầu tư vốn, công nghệ vào lĩnh vực hạ tầng, cấp nước, năng lượng, dịch vụ xã hội, vận tải... Đồng thời, đây cũng là cách để huy động và sử dụng tối đa nguồn lực xã hội, kiến tạo cơ chế bình đẳng, bồi đắp lòng tin để thúc đẩy DN tư nhân phát triển.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn đề nghị: Cơ quan quản lý cần nhanh chóng xóa bỏ tình trạng giấy phép con, có chính sách hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, DN cần được đối thoại với cơ quan quản lý để tìm kiếm điều kiện thuận lợi gia nhập thị trường. Có thể tạo ra cơ chế DN "chấm điểm" cơ quan quản lý, nhằm chỉ ra tồn tại cũng như kịp thời ghi nhận những chuyển biến hiệu quả. "Nhiều DN mong muốn, minh bạch hóa các công đoạn, từ quy hoạch, kế hoạch phát triển đến danh mục dự án thu hút đầu tư... và lấy đó làm thước đo, xếp hạng năng lực cạnh tranh của địa phương" - ông Phạm Đình Đoàn nói.
Có rất nhiều điều cần làm để loại bỏ những "bất thường" nhằm vun đắp niềm tin cho DN. Và mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp.
Trước tình hình doanh nghiệp phá sản tăng cao, trong tháng 4, Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh nhằm tìm các giải pháp khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp, lấy lại niềm tin thị trường.
Đổi mới là không có điểm dừng! Những ngày qua, thông tin quý I-2016 cả nước có hơn 2 vạn doanh nghiệp (DN) tạm ngừng hoạt động, chiếm hơn 80% tổng số DN mới thành lập trong cùng thời gian trên nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Hồng Sơn
Theo_Hà Nội Mới
Bất cập thuế Tiêu thụ đặc biệt: Doanh nghiệp kêu, Nhà nước có nghe tiếng? Nhiều tổ chức kinh tế, doanh nghiệp đã lên tiếng về Nghị định 108/2015/NĐ-CP và Thông tư 195/2015/TT-BTC của Bộ Tài Chính ban hành vênh với Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành. Liên quan đến những diễn biến gần đây đang được dư luận quan tâm về việc Nghị định 108/2015/NĐ-CP và Thông tư 195/2015/TT-BTC của Bộ Tài Chính ban hành...