Vụ CA dùng nhục hình: Đề nghị khởi tố Phó CA TP Tuy Hòa
Liên quan đến vụ án 5 sĩ quan công an dùng nhục hình làm anh Ngô Thanh Kiều tử vong tại Công an TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), bà Trần Thị Tâm (vợ bị hại, ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên) đã nộp đơn kháng án lên TAND TP Tuy Hòa và TAND tỉnh Phú Yên vào chiều 10-4.
Trong đơn kháng án, bà Tâm đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa về 3 tội “Dùng nhục hình”, “Bắt người trái pháp luật” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đơn kháng án nêu rõ ông Hoàn đã ra lệnh cho cấp dưới đến nhà bắt anh Ngô Thanh Kiều lúc 3 giờ ngày 13-5-2012 là hoàn toàn không đúng quy định pháp luật. Theo bà Tâm, anh Kiều không nằm trong trường hợp bắt người khẩn cấp, bắt quả tang người phạm tội hoặc đang bị truy nã. Việc anh Kiều bị bắt mà không có lệnh bắt, không có biên bản và bắt người vào ban đêm là sai nên ông Hoàn đã phạm tội “Bắt người trái pháp luật”.
Đơn kháng án cũng nêu rõ từ 8 giờ đến 14 giờ ngày 13-5-2012, ông Lê Đức Hoàn có mặt tại trụ sở Công an TP Tuy Hòa và trực tiếp phân công Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Minh Quyền lấy lời khai anh Ngô Thanh Kiều. “Ông Hoàn thường xuyên ra vào phòng hỏi cung chồng tôi và thấy các bị cáo đánh chồng tôi nhưng không ngăn cản, như vậy ông Lê Đức Hoàn cũng là đồng phạm về tội “Dùng nhục hình” – bà Tâm nói.
Bà Trần Thị Tâm (trái) và bà Ngô Thị Tuyết (chị Ngô Thanh Kiều) đến nộp đơn kháng án tại TAND TP Tuy Hòa
Về việc đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, bà Tâm cho rằng ông Hoàn là Phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, đồng thời là Trưởng ban chuyên án vụ trộm cắp mà Kiều là nghi can nhưng ông Hoàn đã ra lệnh cho cấp dưới bắt Kiều trái pháp luật, sau đó để cho cấp dưới dùng dùi cui đánh chết anh Ngô Thanh Kiều nên ông Hoàn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Đơn kháng án của bà Tâm cũng đề nghị giám định lại thương tích ở vùng bụng và vùng ngực của anh Ngô Thanh Kiều vì nội tạng của anh bị dập nhiều khúc; ruột, gan, tim, phổi, lá lách đều bị tổn thương. “Ai là người đã gây ra thương tích này?”- bà Tâm chất vấn.
Video đang HOT
Về trách nhiệm dân sự, đơn kháng án của gia đình người bị hại đề nghị Tòa án căn cứ luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để bồi thường vì đây thuộc trường hợp oan sai trong hoạt động tố tụng.
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Thân (cha bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành là người chịu mức án cao nhất – 5 năm theo bản án sơ thẩm của TAND TP Tuy Hòa – vì bị cho là dùng dùi cui đánh vào đầu anh Kiều gây chấn thương sọ não dẫn đến tử vong) cho biết Thành cũng đã có đơn kháng án vào ngày 8-4.
Đơn kháng án nêu rõ Thành không đồng ý với bản án của TAND TP Tuy Hòa và kêu oan vì cho rằng mình không trực tiếp đánh anh Ngô Thanh Kiều. “Thành cũng đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra làm rõ về hành vi phạm tội của những người đã đánh chết Ngô Thanh Kiều nhưng không nhận tội”- ông Thân cho biết.
Theo H.Ánh (Người Lao Động)
Phiên xử 5 công an đánh chết người: 'Áp lực' đến từ đâu?
Bài trả lời PV "rất thật thà" của ông Chánh án TAND TP. Tuy Hòa (Phú Yên) đã nói đến việc HĐXX phải "chịu áp lực" khi đưa ra phán quyết.
Một phiên tòa xét xử tại TAND TP.HCM
Như vậy "áp lực" đến từ đâu, và sự độc lập của HĐXX liệu có còn? PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Công Út, Đoàn luật sư TP.HCM về những vấn đề liên quan đến điều này.
Thưa luật sư, ông có ý kiến gì về những phát biểu của ông Chánh án TAND TP. Tuy Hòa trong cuộc trả lời báo chí vừa qua khi cho rằng nhiều vụ án được khởi tố tại tòa nhưng sau đó không được xử lý?
Tại khoản 1, Điều 104, Bộ luật tố tụng hình sự quy định: "Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra.".
Như vậy luật pháp thì đã có và đang còn hiệu lực thi hành thì không thể có bất kỳ ai dù có cương vị quản lý trong phạm vi quyền hạn của mình lại phê phán hoặc vô hiệu hóa điều luật này. Nói như nguyên Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Đặng Quang Phương trong một đợt tập huấn cho các thẩm phán về các Nghị quyết của TAND tối cao thì: "Gạo, nước, củi, lửa đã có sẳn, vấn đề còn lại là các anh chị có biết cách thổi cơm không mà thôi!".
Như vậy, với cách trả lời của ông Chánh án thì có thể nghi ngờ rằng các vị đã không biết cách "thổi cơm" dù có đủ các chất liệu mà luật pháp cung cấp.
Nếu ai đặt vấn đề với Chánh án TAND TP. Tuy Hòa rằng: Ông hãy cho xem một hoặc vài quyết định khởi tố vụ án, một vài kiến nghị khởi tố vụ án của TAND TP. Tuy Hòa mà "chẳng có vụ nào được xử lý cho có kết quả" (lời ông Chánh án nói về kết quả của việc khởi tố tại tòa - PV) thử xem, tôi tin rằng sẽ có những sự thật bất ngờ tiếp theo câu phát biểu mang tính khỏa lấp này.
Thậm chí với vụ "5 công an đánh chết người" vừa qua, dư luận xã hội còn thắc mắc rằng, liệu có cuộc họp liên ngành giữa 3 cơ quan: Công an, Viện kiểm sát và Tòa án TP. Tuy Hòa trước khi đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm không?
Nếu có, điều đó có thể phù hợp với quy chế phối hợp liên ngành của ba cơ quan đã ký kết với nhau, nhưng đó là điều đi ngược lại với tinh thần cải cách tư pháp là bản án phải dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa, và điều đó có thể là thảm họa cho nền tư pháp nước ta khi hiện tượng "án bỏ túi" vẫn còn mang tính quy định, buộc các thẩm phán không thể tự mình độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật.
Luật sư Phạm Công Út
Thưa ông, liệu "những áp lực" mà ông Chánh án TAND TP. Tuy Hòa phải chịu có tác động đến kết quả của vụ xét xử?
Theo tôi thì nó không công minh bởi: Thứ nhất: Quy định của pháp luật còn kẽ hở về tội danh "Dùng nhục hình".
Thứ hai: HĐXX đã không làm hết trách nhiệm của mình trong việc phát hiện tội phạm mà chấp nhận sự bất lực để "tha bổng" hành vi vi phạm pháp luật của một người nào đó. Lý giải cho điều này, ông Chánh án cho rằng (đại ý) "Trong vụ này, lực lượng cảnh sát bị mất mát quá nhiều đã là một tổn thất lớn..." thì khó có thể được dư luận xã hội chấp nhận.
Thưa ông, như vậy bản án "không công minh" này bắt nguồn từ HĐXX hay những nơi đã tạo ra "áp lực"?
Theo tôi thì đó là những nơi tạo "áp lực" (...) chưa kể đến quy trình "báo cáo án" thường có trong khá nhiều các tòa án trong nước.
Thưa ông, có cách nào để ngăn chặn việc tạo "áp lực" lên thẩm phán khi xét xử?
Để ngăn chặn những cơ quan tạo "áp lực" lên thẩm phán khi xét xử thì cần đẩy nhanh tốc độ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ chính trị, cần sớm thành lập tòa án khu vực (để không lệ thuộc, phụ thuộc vào địa phương), và cải cách lại chế độ bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán và các chức vụ quản lý. Nhiệm kỳ của thẩm phán có thể là được bổ nhiệm suốt đời (trừ khi có vi phạm pháp luật).
Xin cảm ơn luật sư!
Theo Xahoi
Vụ công an dùng nhục hình: Chờ bản án nghiêm minh Không chỉ gia đình bị hại, cả gia đình bị cáo cũng tỏ ra vui mừng khi Chủ tịch nước chỉ đạo làm rõ vụ án công an dùng nhục hình dẫn đến chết người ở Phú Yên. Văn phòng Chủ tịch nước vừa thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Chánh án TAND Tối cao,...