Vụ “bệnh án tâm thần”: Cảnh cáo trưởng khoa
Liên quan đến tiêu cực xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Hải Dương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương vừa ký công văn thông báo kết quả xử lý những cán bộ sai phạm.
Tiếp tục xem xét trách nhiệm giám đốc
Công văn (số 144/SYT- TTra, ngày 8/2/2013, do Giám đốc Sở Y tế Hải Dương Đoàn Mạnh Tiến ký) nêu rõ: Ông Ngô Lê Phong, là Trưởng khoa Khám bệnh, đảng viên, Ủy viên Tổ chức giám định pháp y tâm thần, Chủ tịch Công đoàn cơ sở, trong khi thực hiện nhiệm vụ đã có sai phạm: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ để thu lợi.
Ngày 8/2/2013, Giám đốc Sở Y tế đã có Quyết định số 103/QĐ-SYT kỷ luật hình thức cảnh cáo ông Ngô Lê Phong. Thời hạn thi hành kỷ luật là 12 tháng, kể từ ngày 9/2/2013, chuyển công tác khác.
Ông Phạm Văn Thản, là Phó trưởng Khoa 3, đảng viên, trong khi thực hiện nhiệm vụ đã có sai phạm: Tự ý cho bệnh nhân điều trị ngoại trú, không xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện là trái với quy định của bệnh viện.
Ngày 5/2/2013, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần đã có Quyết định số 11/QĐ-BV kỷ luật hình thức khiển trách ông Phạm Văn Thản. Thời hạn thi hành kỷ luật là 12 tháng, kể từ ngày 5/2/2013.
“Đối với ông Phạm Công Lạng, Bí thư chi bộ, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần, với trách nhiệm là người đứng đầu đơn vị đã để xảy ra tiêu cực trong bệnh viện, ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị cũng như của ngành. Đề nghị Tỉnh uỷ xem xét cho ý kiến chỉ đạo”- Công văn 144 nêu.
Bác sĩ Ngô Lê Phong bị cảnh cáo, chuyển công tác
Vòi tiền bán bệnh án khống
Như đã phản ánh trong loạt bài “ Bệnh án tâm thần, mua là có”, sai phạm của bác sĩ Ngô Lê Phong thể hiện rõ trong việc khám và cấp Giấy chứng nhận sức khoẻ cho cháu L.H.T (4 tuổi), con gái thứ 2 của vợ chồng chị N.T.T.
Video đang HOT
Vì muốn đẻ thêm thằng con trai nối dõi và sợ bị kỷ luật sinh con thứ ba, vợ chồng chị N.T.T mang cháu L.H.T (4 tuổi) vào Bệnh viện Tâm thần Hải Dương xin làm bệnh án tâm thần.
Tại đây, cháu L.H.T chỉ được bác sĩ Ngô Lê Phong khám qua loa trong vòng 10 phút rồi sau đó được bác sĩ này và lãnh đạo bệnh viện viết và ký đóng dấu chứng nhận cháu L.H.T từ một bé gái khỏe mạnh thành rối loạn tâm thần với giá 3 triệu đồng/1 lần xác nhận (trong tờ Giấy chứng nhận sức khỏe này có cả chữ ký và dấu đóng của Giám đốc bệnh viện).
Không những thế, bác sĩ Phong còn ngã giá, đòi thêm 3 triệu đồng chị N.T.T khi người này muốn làm bệnh án tâm thần “khống” cho cháu L.H.T.
Còn sai phạm của bác sĩ Phạm Văn Thản thể hiện trong việc tự ý cho bệnh nhân Thành điều trị ngoại trú.
Bệnh nhân này không nằm trong bệnh viện điều trị nội trú ngày nào nhưng cũng đã được bác sĩ Thản và lãnh đạo bệnh viện cấp cho một bệnh án “khống”, ghi rõ bệnh và thời gian điều trị gần 1 tháng.
Để có một bộ hồ sơ bệnh án đầy đủ mà không phải khám, điều trị nội trú ngày nào, gia đình bệnh nhân nói đã phải “lót tay” 8 triệu đồng, tuy nhiên vị bác sĩ này đã phủ nhận việc nhận tiền.
Sau khi chúng tôi đăng tải những tiêu cực trên, ông Phạm Công Lạng, Bí thư chi bộ, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hải Dương đã làm việc với báo, bước đầu thừa nhận những sai phạm của các bác sĩ nơi đây. Các bác sĩ sai phạm đã bị kỷ luật. Dư luận vẫn quan tâm đến trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện ra sao, khi để xảy ra tiêu cực tại đơn vị mình quản lý?
Theo 24h
Mua, bán bệnh án tâm thần: Sở Y tế vào cuộc
Ông Phạm Văn Tám (Phó giám đốc Sở Y tế Hải Dương) cho biết, ngay sau khi Tiền Phong đăng bài điều tra việc mua bán bệnh án tại Bệnh viện Tâm thần kinh Hải Dương, Sở đã yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện báo cáo kết quả xác minh, xử lý sai phạm.
Với những tiêu cực tại Bệnh viện Tâm thần kinh Hải Dương mà báo Tiền Phong phản ánh, quan điểm xử lý của lãnh đạo Sở Y tế Hải Dương như thế nào, thưa ông?
Ngay sau khi Tiền Phong đăng bài ngày 16/1, tôi đã đọc, lập tức làm công văn yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Tâm thần kinh Hải Dương giải trình và báo cáo xử lý sai phạm theo phản ánh của báo, gửi Sở trước ngày 22/1.
Quan điểm của chúng tôi là ai vi phạm sẽ bị xử lý, tuyệt đối không bao che. Trên cơ sở bài báo nêu, rõ ràng tôi thấy có sai phạm.
Chúng tôi đã yêu cầu báo cáo giải trình ngay, không thể chậm trễ. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, bởi đây cũng là cơ hội để chúng tôi tuyên truyền, giáo dục đối với toàn bộ cán bộ, bác sĩ, y tá trong ngành.
Qua việc Tiền Phong phản ánh, trước hết chúng tôi xin cảm ơn báo đã hỗ trợ phát hiện tiêu cực của ngành. Điều này cũng giúp chúng tôi quản lý, điều hành công việc tốt hơn trong ngành của mình.
Công văn yêu cầu làm rõ nội dung Tiền Phong phản ánh của Sở Y tế Hải Dương
Theo dư luận phản ánh, những dấu hiệu tiêu cực xảy ra ở Bệnh viện Tâm thần kinh Hải Dương đã xảy ra từ lâu, nhưng vì sao các cơ quan chức năng ở tỉnh lại không phát hiện ra sớm để ngăn chặn?
Nội dung công văn (số 50/SYT-NVY, ngày 16/1) của Sở Y tế Hải Dương nêu rõ: "Báo Tiền Phong có đăng bài: "Bệnh án tâm thần, mua là có" của tác giả Khiết Giang phản ánh về hiện tượng tiêu cực trong cấp Giấy chứng nhận sức khỏe tại Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh Hải Dương. Giám đốc Sở Y tế yêu cầu Giám đốc Bệnh viện chỉ đạo rà soát, thẩm định các nội dung theo báo phản ánh và đề xuất hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân liên quan. Báo cáo bằng văn bản về Sở Y tế trước ngày 22/1/2013".
Đúng là ở đây có những người đã lợi dụng những chính sách tốt đẹp của Nhà nước để làm lợi cho mình. Tại các cuộc họp giao ban, hội nghị, chúng tôi luôn nhắc nhở họ. Thế nhưng sự việc mà báo chí phát hiện ra khiến chúng tôi rất bất ngờ. Nếu chúng tôi mà phát hiện sớm thì chắc chắn không để những việc đó xảy ra.
Tại nhiều xã của Hải Dương có số bệnh nhân tâm thần, động kinh nhiều một cách bất thường, sắp tới Sở có rà soát lại, xem xét những bệnh án "có vấn đề" như báo nêu?
Chúng tôi sẽ rà soát lại, đặc biệt là những đối tượng được phép sinh con thứ ba mà có chứng nhận tâm thần cho một người con nào đó, những đối tượng ở các xã có nhiều bệnh nhân tâm thần.
Nếu chúng tôi phát hiện ra sai phạm sẽ xử lý ngay. Hiện cả tỉnh có hơn 6.600 bệnh nhân, tôi cho rằng con số này so với khoảng 1,7 triệu dân của tỉnh chưa phải là cao.
Ý kiến của ông như thế nào về việc một người không nằm bệnh viện điều trị một ngày nào mà vẫn có bệnh án?
Để xác định một người bị tâm thần thì phải có cả một Hội đồng giám định y khoa, do Giám đốc Sở Y tế làm Chủ tịch hội đồng. Còn nếu như anh nói và báo nêu, thì những bệnh án mà các bác sĩ ở bệnh viện đã làm là bệnh án "khống". Như vậy ở đây là anh đã lợi dụng vị trí của mình để làm những việc sai trái.
Bệnh viện Tâm thần kinh Hải Dương, nơi diễn ra cảnh mua bán bệnh án tâm thần
Ông nghĩ sao khi mà một em bé đang bình thường khỏe mạnh lại được các bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần kinh Hải Dương chứng nhận là tâm thần?
Việc một thầy thuốc không khám bệnh hoặc khám bệnh sơ sài mà đã kết luận là vi phạm quy chế người thầy thuốc, vi phạm đạo đức người thầy thuốc. Điều này chúng tôi không bao giờ ủng hộ. Ở đây còn là vấn đề lương tâm nghề nghiệp nữa. Đúng là việc làm của họ đã làm tôi giật mình, nếu ông không khám bệnh thì không phải là thầy thuốc.
Cảm ơn ông!
185 đảng viên, cán bộ sinh con thứ ba
Hôm qua, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Sai, Chi cục trưởng Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hải Dương cho biết, trong năm 2012 toàn tỉnh có số trường hợp vi phạm sinh con thứ ba tăng mạnh so với những năm trước, hơn 3.400 trường hợp. Trong đó, số đảng viên, cán bộ công chức, viên chức vi phạm sinh con thứ ba cũng tăng mạnh, 185 trường hợp.
Ông Sai cho rằng, nguyên nhân cơ bản là tâm lý muốn có đông con và phải có con trai nối dõi vẫn còn tồn tại ở một bộ phận nhân dân dẫn đến tỉ lệ sinh con thứ ba có xu hướng tăng. "Vẫn còn đảng viên, cán bộ công chức, viên chức không gương mẫu trong việc thực hiện chính sách dân số, đã tác động xấu đến công tác vận động nhân dân thực hiện. Trong khi đó, văn bản hướng dẫn xử lý kỷ luật đối với những cán bộ đảng viên vi phạm có phần nhẹ hơn"- ông Sai nói.
Theo 24h
Muốn "tâm thần xịn", chi tám triệu đồng? Tại nhiều xã của Hải Dương, thời gian qua số người có bệnh án tâm thần tăng vọt. Trong những ngày về điều tra đường dây mua bán bệnh án tâm thần tại Hải Dương, PV Tiền Phong còn được người nhà "bệnh nhân" phản ánh họ phải bỏ ra 6-8 triệu đồng để được các bác sỹ lập khống bệnh án. Tại...