Vụ bé trai Trường Gateway: Điều khó chấp nhận
Theo luật sư Nam, việc nhà trường không có hợp đồng với người đưa đón, không giám sát việc ký sổ bàn giao là điều khó chấp nhận.
Vụ bé trai L.H.L. (6 tuổi, học sinh lớp 1 Trường Gateway) tử vong trên xe đưa đón của Trường Gateway vẫn đang khiến dư luận xôn xao. Ngoài những tình tiết liên quan đến rèm cửa ô tô, quả bóng hay việc thay đổi màu áo của cháu, quy trình làm việc của phía nhà trường đang đặt dấu hỏi lớn cho công luận.
Theo như những thông tin bà Nguyễn Bích Quy (55 tuổi, trú tại Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội, người đưa đón học sinh Trường Gateway) trình bày trước đó, bà chưa được ký hợp đồng với phía nhà xe cũng như chưa có hợp đồng với nhà trường.
Điều đáng nói, bà không được hướng dẫn về cách đưa đón học sinh. Hôm sự việc xảy ra, phía nhà trường cũng không có ai đứng ra ký nhận hay giám sát việc ký sổ bàn giao học sinh của người đưa đón.
Bình luận về vấn đề này, sáng ngày 31/8, trao đổi với báo Đất Việt, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, những trường học tư nhân được mở ra giống như một tổ chức kinh doanh về đào tạo, kinh doanh về giáo dục, mối liên hệ giữa nhà trường với gia đình là một giao dịch dân sự.
“Nhà trường nhận đưa đón học sinh tại nhà, bởi vậy, kể từ khi gia đình giao con mình cho người đưa đón thì nhà trường phải có nghĩa vụ bảo đảm sự an toàn cho những học sinh đó. Phía gia đình chỉ biết xe đưa đón của nhà trường đến đón con họ là đại diện của nhà trường chứ người ta không biết những người đó làm theo hợp đồng hay chưa có hợp đồng”, luật sư Nam cho biết.
Theo luật sư Nam, người đưa đón học sinh là người đại diện cho nhà trường. Bởi vậy, những người này phải được tập huấn, hướng dẫn quy trình đưa đón và cách xử lý những tình huống trên xe. Mặt khác, những người này cũng phải được ký kết hợp đồng với bên phía nhà trường hoặc bên phía nhà xe.
“Đối với một trường gắn mác quốc tế mà không thực hiện đầy đủ những quy trình đó thì chẳng khác nào lừa dối khách hàng khi họ phải bỏ một số tiền rất lớn ra để đóng cho con em mình vào học dưới những mái trường như thế.
Công việc của người đưa đón là công việc đặc thù, liên quan đến tính mạng của con người nên việc ban hành ra những quy trình đó phải được thực hiện một cách nghiêm túc, chuẩn chỉ để tránh xảy ra những sự cố đau lòng như trường hợp của bé trai L.H.L.
Trong khi Trường Gateway còn chưa ký hợp đồng với người đưa đón, cũng như chưa ban hành ra các nội quy, quy định và tập huấn việc đưa đón, ký nhận thì cần phải xem xét lại”, luật sư Trần Thu Nam phân tích thêm.
Cũng theo luật sư Nam, không những cần ban hành nội quy cho người đưa đón mà phía nhà trường cũng cần tuyển dụng những người đưa đón có chuyên môn nghiệp vụ về y tế bởi khi lên xe, có thể có những trường hợp học sinh bị chóng mặt, buồn nôn, vì thế người đưa đón cũng cần biết cách xử lý.
Nói về việc nhà trường không cử người giám sát việc ký nhận, bàn giao học sinh, luật sư Nam cho rằng, điều này thể hiện sự tắc trách của phía nhà trường.
“Việc bàn giao học sinh này tôi nghĩ cần phải được bàn giao tay ba, có chữ ký của tài xế, người đưa đón và giáo viên chủ nhiệm, chứ không thể có chuyện khi bàn giao học sinh, phía nhà trường không có ai ở đó là điều khó chấp nhận được”, luật sư Nam chia sẻ.
Video đang HOT
Trường Gateway sau vụ học sinh tử vong nghi bị bỏ quên trên xe đưa đón Ảnh: NLĐ
Cũng chia sẻ với PV về việc này, bà Lê Thị Thu Ba, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội cho rằng, đây là điều không thể tin được và đang đặt ra một dấu hỏi lớn về sự tắc trách, thiếu chặt chẽ trong việc kiểm soát học sinh khi đến và khi về của nhà trường.
“Đây là một vấn đề đáng được lưu tâm bởi không thể để một người chưa ký hợp đồng lao động, chưa phải người của nhà trường đưa đón học sinh như thế được.
Chưa hết, ở vụ việc này cũng cần đặt ra một dấu hỏi lớn, từ lúc cháu bé bị bỏ quên trên xe đến lúc phát hiện cháu tử vong, nếu không có ai tiếp xúc với cháu, không có ai lên xe thì tại sao lại có những thay đổi như chiếc rèm cửa, quả bóng… Những tình tiết đó, cơ quan tố tụng phải làm cho rõ”, bà Thu Ba phân tích.
Một điểm đáng lưu ý nữa là về chiếc xe bỏ quên cháu L, trước đó, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, chủ nhân đứng tên đăng ký chiếc xe đó là ông Doãn Quý Phiến.
Tuy nhiên qua kiểm tra, Sở GTVT Hà Nội cho biết, quá trình truy xuất dữ liệu trên hệ thống giám sát hành trình, không có thông tin về chiếc xe này, tiến hành kiểm tra thủ tục đăng ký kinh doanh cũng không có hồ sơ về xe này.
Như vậy, tuy được Trường Gateway ký hợp đồng đưa đón học sinh nhưng chiếc xe này hoạt động chui.
Theo thông tin với báo chí, ông Đặng Văn Chung, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, theo nghị định 86, xe chở học sinh của các trường học đều thuộc diện xe hợp đồng chở khách. Do vậy, lái xe hợp đồng có trách nhiệm nắm được số lượng khách trên xe, phải kiểm tra khi xe tới điểm đến.
Ông Chung nói rõ, trong trường hợp cháu bé bị bỏ quên trên xe, có trách nhiệm của giáo viên, nhưng cũng có trách nhiệm của chính lái xe.
Theo quy định tại nghị định 86, với xe hợp đồng chở khách có tải trọng thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị/chủ xe kinh doanh phải thông báo tới Sở GTVT hành trình, số lượng khách, điểm đưa đón, trả khách. Đặc biệt, xe phải được gắn thiết bị giám sát hành trình để các cơ quan chức năng nắm lộ trình xe.
Thanh Giang
Theo baodatviet
Buổi thực nghiệm hiện trường lần 2 vụ bé trai trường Gateway tử vong không đạt yêu cầu
Thời điểm thực nghiệm lần 2, do thời tiết khu vực trường Gateway có mưa lớn, tắc đường nên không đảm bảo tính tương đồng với thời điểm xảy ra vụ án.
Ảnh thực nghiệm hiện trường vụ học sinh trường Gateway tử vong.
Trao đổi với PV ngày 31/8, luật sư Vũ Gia Trưởng - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bé Lê Hoàng L. cho biết, trong ngày hôm qua (30/8), lực lượng chức năng đã tổ chức buổi thực nghiệm hiện trường lần 2 với sự có mặt của những người liên quan đến cái chết của bé L. (học sinh lớp 1 trường Gateway) ngày 6/8.
Tài xế điều khiển chiếc xe Ford Transit 16 chỗ Doãn Quý Phiến (SN 1966), nhân viên tên Chung (người trực tiếp bế cháu bé từ xe ô tô vào phòng cấp cứu) và nhân viên y tế của trường thực hiện cấp cứu cho bé L. cũng có mặt để tham gia.
Buổi thực nghiệm lần 2 vắng mặt bà Nguyễn Bích Quy, người phụ trách đưa đón học sinh trường Gateway.
Công an quận Cầu Giấy chủ trì buổi thực nghiệm hiện trường lần 2. Buổi thực nghiệm bắt đầu lúc 15h, đến khoảng 17h mới thực nghiệm được quá trình các nhân viên y tế tiếp nhận, thực hiện cấp cứu cho cháu L. sau khi đưa từ xe vào.
Tại buổi thực nghiệm hiện trường, ông Phiến thực hiện lại việc lái xe từ bãi gửi xe Học viện Báo chí và Tuyên truyền về trường Gateway cũng như những hoạt động đã diễn ra trong khuôn viên nhà trường.
Ông Doãn Quý Phiến điều khiển ôtô đến trước cổng trường Gateway.
Công an sau đó thực nghiệm điều tra việc cấp cứu bé L. tại Phòng Y tế trường Gateway trước sự chứng kiến của luật sư, người nhà nạn nhân và các nhân viên đã bế L. từ xe vào trường.
Theo luật sư Trưởng, buổi thực nghiệm hiện trường lần 2 nhằm làm rõ quá trình di chuyển của chiếc xe 16 chỗ từ ký túc xá Học viện Báo chí tuyên truyền về tới cổng trường Gateway cùng các tình tiết khác của vụ án.
Đồng thời, làm rõ nguyên nhân cái chết của bé L., cách thức cấp cứu của nhân viên y tế trường Gateway.
Trời bất ngờ đổ mưa khi đang diễn ra buổi thực nghiệm.
Trong khi đó, ông Đinh Minh Tảo, Viện trưởng VKSND quận Cầu Giấy nhận định: "Buổi thực nghiệm vừa rồi không đạt được yêu cầu".
Theo ông Tảo, thời tiết tại buổi thực nghiệm không đúng với bối cảnh hôm xảy ra sự việc, nên nhiều khả năng cơ quan điều tra sẽ phải làm lại vì chiều 30/8 mưa gió đường sẽ tắc hơn, thời gian xe di chuyển sẽ không khớp.
Về quy trình, ông Tảo cho biết tài xế vẫn thực hiện nguyên theo lộ trình di chuyển, bắt đầu từ buổi sáng đón cháu bé đến trường sau đó đưa xe đi gửi, chiều lại quay lại trường đón cháu và di chuyển theo đúng cung đường.
Thêm việc tắc đường đã ảnh hưởng đến buổi thực nghiệm hiện trường lần 2.
Ông Tảo xác nhận, hiện VKS quận Cầu Giấy vẫn chưa phê chuẩn quyết định khởi tố với tài xế Doãn Quý Phiến vì cơ quan điều tra vẫn đang trong quá trình làm rõ một số vấn đề, củng cố hồ sơ vụ án.
Khoảng 6h ngày 6/8, ông Doãn Quý Phiến (là nhân viên lái xe hợp đồng với công ty TNHH vận tải Ngân Hà đưa đón học sinh của trường tiểu học Gateway) điều khiển ôtô đưa đón học sinh từ bãi gửi xe ở trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền đến đón bà Nguyễn Bích Quy là nhân viên đưa đón học sinh của trường Gateway.
Sau đó, xe ông Phiến đi đón 13 học sinh, trong đó có cháu Lê Hoàng L. Đến 7h25, khi đưa học sinh đến trường, bà Quy đưa các cháu học sinh xuống xe ô tô rồi đóng cửa xe lại. Sau khi bà Quy đóng cửa xe ô tô, ông Phiến điều khiển xe về bãi trông giữ trên.
Đến 15h30 cùng ngày, ông Phiến đi đến bãi xe điều khiển xe ô tô đến cổng trường tiểu học Gateway để đón các cháu học sinh. Khi bà Quy đưa các cháu học sinh ra cổng để lên xe ô tô, lúc này không thấy cháu L. nên có nhờ các cô giáo đi tìm cháu, còn bà Quy đưa 12 cháu lên xe ô tô.
Khi bà Quy mở cửa xe ô tô thì phát hiện cháu L. đang nằm ngửa dưới sàn phía sau ghế lái nên hô hoán mọi người bế cháu L. vào trong phòng y tế của trường, sau đó đưa cháu L. vào Bệnh viện E để cấp cứu.
Bác sĩ cho biết, cháu L. vào viện trong tình trạng thân thể tím tái, đồng tử giãn, phản xạ ánh sáng không còn, mạch không, huyết áp không, đã tiến hành cấp cứu mạch tuần hoàn. Sau 30 phút không có kết quả đã thông báo cho gia đình cháu đã tử vong.
Ngày 07/8, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy ra Quyết định khởi tố vụ án Vô ý làm chết người, theo điều 128 - BLHS.
Ngày 27/8, cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng bà Nguyễn Bích Quy về tội Vô ý làm chết người.
Theo Giadinh.net.vn
Sau thực nghiệm vụ bé trai trường Gateway tử vong: Viện kiểm sát quận Cầu Giấy nói gì? Buổi thực nghiệm hiện trường lần 2 về quá trình tài xế Doãn Quý Phiến lái xe từ ký túc xá Học viện Báo chí và tuyên truyền đến trường Gateway. Tuy nhiên, thời tiết mưa lớn đã gây khó khăn cho việc thực hiện. Anh hương cua bao sô 4, trơi bât ngơ đô mưa khi đang diên ra buôi thưc nghiêm....