Vụ án ông Liên Khui Thìn kiện đòi lại cổ phần: Nghị án kéo dài, tuyên án ngày 24.6
Sau khi ra tù, ông Liên Khui Thìn đòi lại 50% phần vốn góp vào Công ty TNHH sản xuất thương mại Tây Sơn để khôi phục lại hoạt động của công ty.
Ngày 17.6, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm vụ án “tranh chấp quyền sở hữu phần vốn góp trong công ty TNHH” giữa nguyên đơn là ông Liên Khui Thìn và bị đơn là các ông Phạm Minh Đạo, Phạm Nguyễn Minh Đức. Ngoài ra người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, ông Đỗ Thế Minh và phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM.
Tháng 5.2020, ông Liên Khui Thìn được TAND TP.HCM xử sơ thẩm, tuyên thắng kiện, được khôi phục 50% vốn góp ở Công ty Tây Sơn.
Tuy nhiên, sau phần thẩm vấn và tranh luận, HĐXX phúc thẩm thông báo kéo dài thời gian nghị án đến ngày 24.6 sẽ tuyên án.
Ông Liên Khui Thìn. Ảnh TRUNG HIẾU
Cũng trong phần tranh luận, đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM phát biểu quan điểm về vụ án, cho rằng việc xóa tên ông Thìn mà không hỏi ý kiến thành viên là xâm phạm quyền lợi của ông. “Bị đơn kháng cáo nhưng không đưa ra được căn cứ chứng minh nên VKS đề nghị không chấp nhận đơn kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm”, đại diện VKS nêu.
Theo hồ sơ vụ án, 25 năm trước, ông Thìn và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cùng thành lập Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tây Sơn, với vốn điều lệ là 3 tỉ đồng. Trong đó mỗi bên góp vốn 50%. Ông Thìn làm Chủ tịch Hội đồng thành viên còn bà Mai là Giám đốc công ty. Công ty Tây Sơn kinh doanh đa ngành nghề gồm: sản xuất sơn mài, thủ công gia dụng, mây tre đan, điện tử điện lạnh, xe máy, phân bón, may mặc, thương mại…
Một năm sau, ông Thìn bị bắt trong vụ án Epco cùng Tăng Minh Phụng và bị tuyên án tử hình về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN với cáo buộc chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng của các ngân hàng.
Ông Thìn sau đó được Chủ tịch nước chấp nhận đơn xin ân giảm từ án tử hình xuống tù chung thân. Hơn 10 năm cải tạo tốt, thi hành án trên 500 tỉ đồng… ông tiếp tục được giảm án rồi được đặc xá năm 2009.
Sau khi ra tù, ông Thìn cho rằng, trong thời gian mình chấp hành án, bà Mai đã chuyển toàn bộ vốn và tài sản của Công ty Tây Sơn cho ông Phạm Minh Đạo, Phạm Nguyễn Minh Đức (chồng và con bà Mai) và ông Đỗ Thế Minh (em bà Mai) mà không hỏi ý kiến của mình. Ông nhiều lần liên hệ bà Mai và người thân của bà để giải quyết nhưng họ không hợp tác.
Hồi tháng 9.2018, ông Thìn khởi kiện chồng con bà Mai ra TAND TP.HCM, yêu cầu tuyên hủy giao dịch gian dối, phục hồi quyền sở hữu 50% tài sản và vốn góp của mình trong Công ty Tây Sơn. Ngoài ra, ông Thìn cũng đề nghị toà tuyên vô hiệu các giao dịch chuyển nhượng vốn góp giữa những người này, hủy các Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ lần 1 đến lần 8 của Công ty Tây Sơn.
Trong đơn kiện, ông Thìn nêu, vốn điều lệ lúc đăng ký kinh doanh của công ty là 3 tỉ đồng và bà Mai đứng tên trên danh nghĩa một nửa. Tuy nhiên, tài sản của công ty đã bao gồm nhiều bất động sản có giá trị. Trong đó, có khu biệt thự rộng 2.000 m2 (nay là tòa nhà) tại 198 đường Võ Thị Sáu (đã được UBND TP.HCM chấp thuận cho nâng cấp thành dự án từ 2 năm trước) và dự án nhà ở du lịch 3 ha tại bờ biển Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu). Tuy nhiên, theo ông Thìn, việc bà Mai thay đổi thành viên công ty, giảm vốn điều lệ từ 3 tỉ xuống còn 1,5 tỉ, và xóa tên ông ra khỏi công ty mà không hỏi ý kiến, quyết định của Hội đồng thành viên – HĐTV là vi phạm quy định.
Tháng 5.2021, TAND TP.HCM xử sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Thìn, tuyên bố các giao dịch chuyển nhượng góp vốn giữa bà Mai với ông Minh; giữa ông Minh với ông Đức; giữa bà Mai với ông ông Đức là vô hiệu. Toà cũng tuyên hủy các giấy thay đổi đăng ký kinh doanh của Công ty Tây Sơn từ năm 2000 đến 2016.
Video đang HOT
Theo HĐXX, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) cung cấp, lời khai của đại diện các bên đương sự tại phiên tòa, có cơ sở để xác định ông Thìn góp vốn 50% với bà Mai để thành lập công ty.
Việc bà Mai chuyển nhượng phần vốn góp của mình trong công ty cho ông Minh (người chưa phải là thành viên công ty) trước khi thay đổi đăng ký kinh doanh, giảm vốn điều lệ, cũng như thay đổi, xóa tên thành viên mà chưa có ý kiến của ông Thìn, không có quyết định của HĐTV là vi phạm Luật Doanh nghiệp, xâm phạm quyền lợi của ông Thìn.
Tương tự, các giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp giữa ông Minh, bà Mai cho chồng con bà này và thay đổi thành viên công ty đều vi phạm pháp luật.
“Phía bị đơn viện dẫn công văn ngày 22.8.2000 của tòa, cho rằng ông Thìn không còn là thành viên Công ty Tây Sơn kể từ tháng 8.2000 là chưa đúng. Bởi, công văn này không phải là bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa”, bản án nêu.
Không đồng ý với phán quyết này, phía bị đơn và những người liên quan kháng cáo toàn bộ bản án.
Hiện Công ty Tây Sơn đang do ông Đức điều hành. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Mai cho rằng phần vốn góp 50% của ông Thìn vào công ty đã được cấn trừ vào một thửa đất ở Bình Dương nên đề nghị toà xác định phần vốn góp của ông Thìn không còn. Bởi trước đó, bà Mai đã tự bỏ tiền ra mua thửa đất và đã sang tên cho ông Thìn để ông đem thế chấp vay tiền ngân hàng. Do đó bà mới gạt tên ông Thìn ra khỏi công ty và chỉ chuyển nhượng phần 1,5 tỉ đồng vốn góp của bà cho người thân. Tuy nhiên bà Mai cũng thừa nhận chứng từ pháp lý liên quan đến việc cấn trừ không còn giữ.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa lý do vì sao có công văn 123 năm 2000 của TAND TP.HCM, bà Mai trình bày thời điểm sau khi TAND TP.HCM kết án ông Thìn thì bà có hỏi toà giải thích về tài sản của ông Thìn ở Công ty Tây Sơn. Khi được thẩm phán có văn bản giải thích, bà mới gạch tên ông Thìn và làm thủ tục chuyển nhượng góp vốn hơn 1,5 tỉ đồng.
Ngược lại, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đề nghị toà giữ nguyên bản án sơ thẩm. Theo phía nguyên đơn, những trình bày của bị đơn không có căn cứ và cũng không có chứng cứ. Nguyện vọng của ông Thìn muốn lấy lại phần góp vốn là để cùng bà Mai phối hợp khôi phục công ty hoạt động lại tốt hơn.
Cạnh đó, theo nguyên đơn, công văn năm 2000 mà toà thành phố trả lời bà Mai cũng không liên quan đến vụ án này mà liên quan đến vụ án hình sự. Từ công văn đó, muốn đưa ông Liên Khui Thìn ra khỏi phần góp vốn thì phải có quyết định họp của HĐTV.
Vì sao hơn 1 năm tòa chưa xét xử vụ án Khanh thiếu gia sai đàn em giết 'trùm' giang hồ ?
Ngày 13.4.2021, Viện KSND tỉnh Long An ban hành cáo trạng truy tố vụ án Khanh 'thiếu gia' (cũng là 'trùm' giang hồ) sai đàn em giết 'trùm' giang hồ.
Đến nay, đã hơn 1 năm trôi qua, TAND tỉnh này vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử. Vì sao?
Khanh "thiếu gia" dàn xếp bắn gục trùm giang hồ trên QL1
Theo cáo trạng truy tố của Viện trưởng Viện KSND tỉnh Long An ban hành ngày 13.4.2021, Tô Nhựt Khanh (thường gọi là Phát thiếu gia hay Khanh thiếu gia, 29 tuổi, ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Lý Tây, H.Châu Thành, Tiền Giang) tổ chức cho "tay chân" bắn "trùm giang hồ Châu Thành" Đ.Q.L. chết gục khi di chuyển bằng xe máy trên QL1, đoạn qua địa bàn P.Tân Khánh, TP.Tân An, Long An vào 11 giờ 30 phút ngày 25.7.2020.
"Thiếu gia" Tô Nhựt Khanh cũng là "trùm" giang hồ khét tiếng ở địa phương và có sở thích sưu tầm xe biển số đẹp. Ảnh CTV
Theo đó, sau quá trình theo dõi, khoảng 11 giờ ngày 25.7.2020, Khanh "thiếu gia" biết được ông Đ.Q.L đang chở một "tay giang hồ" có biệt danh "Rớt Mác" điều khiển xe máy mang BS 63B - 088.66 di chuyển trên QL1 theo hướng cầu Tân Hương đi TP.HCM. Khanh gọi điện thoại báo cho Trần Trung Thành (thường gọi là Thành Heo, 29 tuổi, ngụ P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, tạm trú ấp Tân Hòa, xã Tân Hương, H.Châu Thành, Tiền Giang) và Lê Thanh Phúc (29 tuổi, ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Hương, Châu Thành, Tiền Giang) biết và cả 2 mang theo súng (Khanh đã giao từ trước) để truy sát ông L.
Phúc điều khiển xe máy BS 54S8 - 8937 (được gắn chồng lên biển số giả 59S3 - 267.68) chở Thành Heo chạy theo hướng ông L. đang di chuyển. Khi đến đoạn P.Tân Khánh, TP.Tân An, Long An thì gặp ông L. Cả 2 xe chạy song song (xe Phúc chạy bên ngoài gần con lươn, xe ông L. chạy bên trong) ở cự ly khoảng 1,5 m, 2 xe chạy với vận tốc khoảng 40 km/giờ, Thành dùng tay phải móc khẩu súng từ thắt lưng quần ra bắn thẳng 1 phát vào hông trái của ông L.
Ông L. trúng đạn, gục tại chỗ và tử vong trên đường chở về Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang cấp cứu. Cả 2 sát thủ chạy thẳng về hướng TP.HCM về nhà của Thành Heo tạm lánh, phi tang được một số chứng cứ, sau đó đi biển Bà Rịa - Vũng Tàu vui chơi.
Số vũ khí mà Khanh tàng trữ bị công an thu giữ. Ảnh ẢNH: CA
Sau khi biết ông L. bị bắn chết, Khanh "thiếu gia" chỉ đạo người làm công của gia đình mình tên Võ Tuấn Vũ (22 tuổi, ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Lý Tây, H.Châu Thành, Tiền Giang) đem 2 khẩu súng, đạn, lựu đạn, còng số 8, bình xịt hơi cay... (Khanh giao Vũ cất giấu trước đó) chôn trong khu vực bãi xe Tuấn Cúc của gia đình Khanh nhằm tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Lúc này, Vũ đã biết chuyện Khanh "thiếu gia" tổ chức giết chết ông L.
Khoảng 16 giờ ngày 25.7, Khanh gọi điện thoại báo cho đàn em là Nguyễn Văn Công Minh Quốc biết chuyện. Lúc này, Quốc dưỡng thương ở nhà và đang có Tô Phước Lộc (biệt danh là Bi, 20 tuổi) và Phạm Huỳnh Phúc Thiện (19 tuổi, cùng ngụ xã Tân Lý Tây, H.Châu Thành) nên cả 2 cũng biết chuyện bắn chết "trùm giang hồ Châu Thành" Đ.Q.L.
Lúc 17 giờ cùng ngày, Khanh "thiếu gia" kêu Thiện đến nhà tạm trú của Thành Heo tháo các dụng cụ ngụy trang trên xe máy liên quan vụ án ra và đập bỏ phi tang. Thiện rủ Lộc "Bi" đi cùng để làm nhiệm vụ mà Khanh "thiếu gia" giao cho.
Bị can Trần Trung Thành. Ảnh CÔNG AN CUNG CẤP
Biết chuyện sẽ bị bại lộ, Khanh "thiếu gia" đưa 30 triệu đồng cho 2 sát thủ tiêu xài cá nhân và vận động Thành "Heo" và Phúc ra đầu thú và hứa sẽ thuê luật sư cho 2 sát thủ này. Đồng thời, dặn dò kỹ lưỡng là không được khai Khanh liên quan vụ án giết "trùm giang hồ Châu Thành" Đ.Q.L.
Ân oán giữa Khanh "thiếu gia" và cha, con "trùm giang hồ"
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Long An cũng ghi nhận, do có mâu thuẫn thường xuyên với nhóm của "trùm giang hồ Châu Thành" Đ.Q.L. và 2 phe nhóm thường xuyên "ăn miếng trả miếng" nên từ khoảng tháng 3.2019 đến tháng 2.2020, Khanh "thiếu gia" đặt mua trên mạng xã hội 4 khẩu súng đạn hoa cải tự chế, 2 khẩu súng tự chế dạng rulo, 33 viên đạn, lựu đạn và nhiều công cụ hỗ trợ, đem về cất giữ tại nhà và bãi xe Tuấn Cúc của gia đình Khanh, để sử dụng. Kết quả giám định cho thấy các khẩu súng, lựu đạn của Khanh "thiếu gia" có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng và là vũ khí quân dụng.
Sau khi có "hàng nóng", chiều 30.4.2020, Khanh "thiếu gia" mang theo súng ngắn nhờ Thiện chở bằng xe máy đi rảo trên nhiều tuyến đường ở H.Châu Thành. Khi xe đang dừng chờ đèn đỏ tại Ngã ba Phú Mỹ (ĐL.866, nút giao QL1 thuộc địa bàn xã Tân Lý Tây, H.Châu Thành) gặp Đ.Q.T (con trai 'trùm' giang hồ Đ.Q.L). Ở khoảng cách khoảng 3 m, Khanh rút súng bắn vào hông trái của Thịnh một phát gây thương tích tỷ lệ 25%.
Đến ngày 24.6.2020, Khanh "thiếu gia" biết đàn em của mình là Nguyễn Văn Công Minh Quốc bị nhóm người của "trùm giang hồ Châu Thành" Đ.Q.L chém gây thương tích 52%, Khanh đến gặp Thành Heo kể về việc phe nhóm mâu thuẫn và tại đây, Thành Heo nhận lời giết "trùm giang hồ" Đ.Q.L để trả thù cho Nguyễn Văn Công Minh Quốc. Lúc này, Lê Thanh Phúc vừa chấp hành án phạt 2 năm tù về tội cướp giật tài sản" mới về nhà cũng nhận lời tham gia.
Khanh "thiếu gia" là con một gia đình giàu có ở tỉnh Tiền Giang và "phất" lên với nhiều ngành nghề kinh doanh như cơ sở giết mổ bò, cho thuê xe ô tô và bất động sản. Khanh "thiếu gia" cũng là "trùm" giang hồ khét tiếng ở địa phương.
Viện KSND truy tố các bị cáo tội gì?
Viện KSND tỉnh Long An truy tố bị can Tô Nhựt Khanh về hành vi giết người có tổ chức, có tính chất côn đồ và thực hiện bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người. Khung hình phạt của hành vi này từ 12 năm tù đến mức án cao nhất là tử hình; Khanh còn bị truy tố về hành vi Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng tại khoản 2, Điều 304, hình phạt từ 5 đến 12 năm tù.
Bị cáo Trần Trung Thành và Lê Thanh Phúc bị truy tố về hành vi giết người tương tự như Khanh; và hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, nhưng đều ở khoản 1 Điều 304, khung hình phạt từ 1 - 7 năm tù;
Các bị can Phạm Huỳnh Phúc Thiện, Tô Phước Lộc về hành vi "che giấu tội phạm" tại khoản 1, điều 389 bộ luật Hình sự, khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm;
Bị can Võ Tuấn Vũ bị truy hành vi "tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng" ở khoản 1 Điều 304 và "không tố giác tội phạm" tại khoản 1 Điều 390 bộ luật Hình sự.
Chưa xét xử vì chưa trích xuất được một số bị án đang chấp hành án phạt tù
Ngày 29.5, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, thẩm phán Trần Văn Nhậm, Phó chánh án TAND tỉnh Long An, cho biết ngay sau khi ban hành cáo trạng truy tố, Chánh án TAND tỉnh Long An đã có phân công cụ thể một thẩm phán phụ trách nhiệm vụ chủ tọa phiên tòa.
Sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án, HĐXX do thẩm phán này phụ trách đã 4 lần có công văn đề nghị Công an tỉnh Long An liên hệ với Cục C10, Bộ Công an hỗ trợ để trích xuất bị can Tô Phước Lộc và Nguyễn Văn Công Minh Quốc khỏi trại giam Phước Hòa (ấp Phước Hòa, xã Thạnh Hòa, H.Tân Phước, Tiền Giang) để tham gia phiên tòa. Hiện bị án Lộc đang chấp hành bản án hình phạt 3 năm tù, tính từ ngày 11.9.2020; bị án Quốc chấp hành án 2 năm tù tính từ ngày 16.10.2020 đều cùng tội cố ý gây thương tích.
Hiện, TAND tỉnh Long An chưa nhận được phản hồi, hỗ trợ từ phía Công an tỉnh Long An cũng như Cục C10, Bộ Công an.
Theo đó, tuy Nguyễn Văn Công Minh Quốc chỉ là người được xác định là có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ án "thiếu gia tổ chức giết trùm giang hồ" nhưng để đảm bảo quyền lợi của Quốc thì cần phải có mặt tại tòa. Ngoài ra, trong quá trình "ăn miếng trả miếng" giữa 2 phe, Quốc cũng giữ vai trò quan trọng.
NÓNG: Bắt thêm người thứ 6 ở 'Tịnh thất Bồng Lai' Cơ quan chức năng vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Lê Thanh Nhị Nguyên - người thứ 6 liên quan vụ "Tịnh thất Bồng Lai". Ngày 27/5, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An xác nhận với Tuổi Trẻ tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với...