Vụ án oan 10 năm được gỡ vì những chuyện hi hữu
Đại biểu Dương Trung Quốc nhận định, vụ án oan 10 năm có “cơ may” được gỡ vì những chuyện hi hữu như ông Nguyễn Thanh Chấn có cha là liệt sỹ, được giảm án tử hình xuống tù chung thân, hung thủ thực sự của vụ án ra đầu thú…
Bình luận về vụ án oan 10 năm đối với công dân Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang làm dư luận choáng váng 2 ngày qua, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc đặt vấn đề có việc ép cung hay không trong quá trình điều tra. Theo như đơn thư tố cáo, bị can bị áp lực trong quá trình xét hỏi.
Về việc suốt 10 năm qua, ông Chấn đã liên tục gửi đơn tới các cơ quan chức năng nhưng những lời kêu oan vẫn “chìm” trong im lặng, ông Quốc nêu kinh nghiệm của bản thân, có những vấn đề được cơ quan chức năng trả lời (thậm chí phải trả lời nhiều lần) nhưng có việc không trả lời hoặc chưa trả lời mà các cơ quan tố tụng vẫn tiến hành xét xử.
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, vụ án làm rúng động dư luận vì một loạt các câu hỏi về cơ chế và trách nhiệm. (Ảnh: Việt Hưng)
“Không phải cá nhân tôi mà một vài vị ĐBQH khác cũng từng có việc tham gia ý kiến và không nhận được hồi âm, bản án vẫn được tuyên” – ông Quốc phán đoán, đơn từ của ông Chấn có được xem xét hay không tùy thuộc vào cách đặt vấn đề và tính thuyết phục của lập luận đưa ra. Thực tế, nhiều đương sự kêu oan nhưng việc chứng minh có oan hay không rất khó, không đơn giản.
Vụ án oan này có “cơ may” được gỡ vì những chuyện hi hữu như ông Nguyễn Thanh Chấn có cha là liệt sỹ, được giảm án tử hình xuống tù chung thân, hung thủ thực sự của vụ án ra đầu thú. Việc đầu thú có thể do chịu áp lực tâm lý, áp lực từ dư luận và chắc chắn phải nhờ nỗ lực rất lớn của gia đình người bị oan mới giải oan được cho người thân. Việc này, ông Quốc so sánh với hiện tượng “tự xử” của người dân mà nhiều đại biểu Quốc hội nhắc tới thời gian qua khi không còn tin tưởng, trông cậy được sự bảo vệ của cơ quan nhà nước.
“Việc này giống như nhiều hiện tượng khác đã xảy ra thời gian gần đây. Đó là biểu hiện sự giảm sút của hệ thống pháp luật. Người dân không còn biết bấu víu vào đâu và phải tự tìm mọi cách để cứu mình” – ông Quốc nói.
Video đang HOT
Đại biểu băn khoăn: “Tôi không rõ trong quá trình gia đình kêu oan, các cơ quan dân cử từ HĐND cho tới các ĐBQH đã tiếp cận được chưa và có tạo ra áp lực cần thiết theo quy định của pháp luật chưa. Có những vụ việc chúng tôi đưa yêu cầu tới TAND tối cao, chưa có trả lời thì vụ việc cũng đã xử lại rồi. Tôi có đặt câu hỏi “cải cách để làm gì” với Chủ tịch nước, là người đứng đầu công tác cải cách tư pháp. Lần này, có cơ hội chất vấn Chánh án TAND Tối cao tôi cũng sẽ chất vấn về vấn đề này”.
Ông Quốc bình luận, vụ án làm rúng động dư luận vì một loạt các câu hỏi về cơ chế và trách nhiệm. Sắp tới, cơ quan chức năng cần xem xét xử đúng người đúng tội, sau giải oan cho ông Chấn thì phải đền bù. Trong việc này có bài toán kinh tế đặt ra khi tiền đền bù lấy từ công quỹ nhà nước, chứ không phải những người làm sai phải bỏ tiền túi ra đền bù.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu đoàn TPHCM, nhận định: Trong tố tụng, ở nước nào cũng có sai sót nhưng sai sót này phải được đánh giá là sai sót nghiệp vụ vô ý hay do thiếu trách nhiệm hoặc thậm chí do thiên vị, do tiêu cực tham nhũng. Nếu là sai sót do nghiệp vụ tức là trong thời điểm đó, các cơ quan tiến hành tố tụng không đủ điều kiện cần thiết, khách quan để thu thập đủ chứng cứ dẫn đến đánh giá sai sự việc thì cần phải rút kinh nghiệm để sửa nhưng sai phạm đó sẽ được đánh giá ở mức độ khác.
Còn trong vụ Nguyễn Thanh Chấn, nếu có chứng cứ xác định cơ quan chức năng vô cảm với quyền của bị can, bị cáo hay cố tình bảo vệ kết quả bức cung, thậm chí có tiêu cực, tham nhũng thì phải có xử lý nghiêm khắc.
Vấn đề quan trọng nhất trong câu chuyện là việc bảo đảm quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ được có luật sư ngay từ giai đoạn đầu trong quá trình điều tra, được đối xử theo nguyên tắc suy đoán vô tội một cách triệt để, tăng tối đa các biện pháp giám sát để loại trừ hành vi bức cung và dùng nhục hình dưới mọi hình thức khác nhau một cách triệt để, có hiệu quả nhất. Làm được những việc đó sẽ hạn chế cao nhất những oan sai như này.
Cụ thể, ông Nghĩa phân tích, pháp luật hiện quy định đầy đủ đến mức người bị tạm giữ đã có quyền có luật sư trong vòng 24 giờ đồng hồ, tạm giam trong vòng 3 ngày là có quyền có luật sư. Nhưng hiện nay, quyền này trong nhiều trường hợp không được bảo đảm, chưa kể là có định kiến, thành kiến đối với bị can, bị cáo, không theo tư duy suy đoán vô tội.
“Chừng nào còn ép cung, bức cung, chừng nào nguyên tắc suy đoán vô tội còn không được áp dụng một các triệt để, chừng nào quyền có người bào chữa của bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ không được bảo đảm đúng như luật định, chừng ấy vẫn còn những trường hợp như ông Chấn” – đại biểu luật sư Trương Trọng Nghĩa nhận định.
Liên hệ đến việc hiến định nguyên tắc suy đoán vô tội trong dự thảo Hiến pháp đang bàn, đại biểu TPHCM cho rằng, chỉ cần làm đúng luật pháp, đảm bảo quyền của người bị tạm giam, tạm giữ, đối xử theo đúng nguyên tắc bị can, bị cáo phải được coi là người không có tội cho đến khi bản án có hiệu lực của tòa án, sẽ hạn chế được rất nhiều oan sai.
Về vấn đề truy cứu trách nhiệm của các cơ quan trong việc để xảy ra vụ án oan nghiêm trọng này, ông Nghĩa phân tích, hiện chưa đủ căn cứ đánh giá nguyên nhân sai sót do yếu kém về nghiệp vụ hay do điều kiện khách quan lúc xét xử vụ án 10 năm trước. Nếu vụ việc bắt đầu từ “lỗi” của CQĐT thì bên Công an sẽ phải kiểm điểm. Nếu lỗi do cơ quan công tố thì VKS cần phải kiểm điểm. Cuối cùng, việc kết án là lỗi của tòa án, cơ quan xét xử phải chịu trách nhiệm.
“Vụ án này làm chấn động dư luận như vậy, tôi nghĩ các cơ quan sẽ xem xét một cách nghiêm túc. Vấn đề là sai sót có thể xảy ra nhưng sai phạm, oan sai phải ở một tỷ lệ thấp và chấp nhận được. Oan sai đó phải vì nguyên nhân nghiệp vụ chứ không phải vì những nguyên nhân tiêu cực, tham nhũng, coi thường các quyền của công dân” – ông Nghĩa nói.
P.Thảo – Q.Phong
Theo Dantri
Không dễ vay tiền ngân hàng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình hôm qua 1-11 dành nhiều thời gian để giải trình các ý kiến của ĐBQH về xử lý nợ xấu. Chưa hài lòng với giải trình của Thống đốc, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) lên tiếng: "Các vị ĐBQH thử đóng vai một người xuống ngân hàng vay tiền xem có dễ hay không? Tôi đã thử thì thấy rất khó".
Thử đóng vai người đi vay mới thấy khó
Giải trình ý kiến của ĐBQH nghi ngờ sự chính xác của các con số thống kê, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh (ĐBQH tỉnh Lai Châu) trả lời nước đôi: "Những con số Tổng cục thống kê Việt Nam công bố về cơ bản là chấp nhận được. Còn nói là tuyệt đối chính xác thì chắc không có ai đảm bảo được điều này (!?) bởi còn phụ thuộc vào đối tượng cần điều tra. Nhiều khi điều tra viên xuống gặp rất khó và hỏi thì họ cũng trả lời chưa chắc đã chính xác...". Đánh giá kinh tế có bước phục hồi mặc dù còn chưa thật sự bền vững, Bộ trưởng khẳng định: "Chúng ta không bôi hồng cũng không tô đen. Điều quan trọng nhất là chúng ta hãy phân tích kỹ tình hình để có cái nhìn thẳng thắn. Không chỉ bàn giải pháp cho 2 năm 2014-2015 mà phải làm rõ cần chuẩn bị những gì trong trung hạn và dài hạn cho đất nước". Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tỏ ra lạc quan: "Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ phát triển với những con người thông minh và có học hành. Chắc chắn Việt Nam sẽ không thua kém các nước như Hàn Quốc và Nhật".
Đăng đàn sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình dành nhiều thời gian để giải trình các ý kiến của ĐBQH về xử lý nợ xấu. Cụ thể, đến nay, tổng số nợ các tổ chức tín dụng cơ cấu lại cho các khách hàng vay đã lên tới trên 300.000 tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 10% tổng dư nợ. Trong số này, có khoảng 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại thì đã trở thành nợ xấu. Năm 2012, toàn hệ thống đã trích lập và xử lý 70 nghìn tỷ đồng, còn 9 tháng 2013 đã trích lập và xử lý thêm 32 nghìn tỷ nữa, tổng cộng là gần 100 nghìn tỷ đồng. Theo kế hoạch sẽ cố gắng xử lý bằng nguồn này trong năm nay thêm 70 nghìn tỷ đồng.
Theo Thống đốc, trong năm nay, Công ty quản lý tài sản VAMC phấn đấu mua được 30-35 nghìn tỷ đồng nợ xấu, năm 2014 có thể lên đến 100-150 nghìn tỷ đồng. Thống đốc cũng cho biết, năm 2013, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành còn ở mức rất khiêm tốn, nhưng khu vực nông nghiệp và nông thôn đã tăng 15-18%.
Chưa hài lòng với giải trình của Thống đốc, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) lên tiếng: "Vấn đề tài chính, ngân hàng, nhất là ở nông thôn, phải có những giải pháp đặc biệt, mới có thể vượt đèn đỏ để đi như một ĐBQH đã nói. Nếu cứng nhắc như Thống đốc vừa nói thì khó lắm. Các vị ĐBQH thử đóng vai một người xuống ngân hàng vay tiền xem có dễ hay không? Tôi đã thử thì thấy rất khó".
Chia sẻ trách nhiệm
Nhắc tới vụ việc nghiêm trọng gây chết người tại Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) vừa qua, ĐB Nguyễn Văn Tiên cho rằng, phải tiền kiểm các loại quảng cáo để kiểm soát được thông tin, không để tái diễn vụ Cát Tường. ĐB Nguyễn Văn Tiên nói: "Quảng cáo hậu kiểm rất khó khăn. Những vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân chúng ta phải hết sức lưu tâm...". Chia sẻ với ngành y tế trước hàng loạt vụ việc tiêu cực vừa phát lộ, ĐB Nguyễn Văn Tiên cho rằng: "Xã hội cần bình tĩnh, khi phán xét, tránh vơ đũa cả nắm, mạt sát cán bộ y tế. Vì thực tế còn rất nhiều cán bộ y tế rất vất vả, tận tâm với nghề. Song, Bộ Y tế và các Sở Y tế cũng nên nghiêm túc nhìn nhận những gì đã xảy ra, xử lý công khai vi phạm để làm gương".
Khẳng định vai trò của Quốc hội trong quản lý ngân sách, là "người giữ tay hòm chìa khóa của nhân dân", ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) thẳng thắn: "Mọi thất thoát lãng phí hay tham ô ngân sách của Nhà nước, chúng ta chỉ dồn hết trách nhiệm vào Chính phủ, Quốc hội và ĐBQH luôn tự cho mình vô can trong những sai phạm của bộ máy hành pháp. Theo tôi, Quốc hội phải liên đới trách nhiệm". Điểm lại những vụ việc tiêu cực, gây thất thoát lớn như Vinalines, Vinashin... đề cập tới việc nâng chỉ số bội chi lên 5,3% GDP, ĐB Dương Trung Quốc cảnh báo: "Dù những vụ việc này sắp được đưa ra trước vành móng ngựa thì lòng tin của nhân dân vẫn đòi hỏi Quốc hội phải cẩn trọng hơn nữa, không phải là bó tay Chính phủ mà ủng hộ Chính phủ bằng chính trách nhiệm của mình".
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh: "Chúng ta không bôi hồng cũng không tô đen. Điều quan trọng nhất là chúng ta hãy phân tích kỹ tình hình để có cái nhìn thẳng thắn. Không chỉ bàn giải pháp cho 2 năm 2014-2015 mà phải làm rõ cần chuẩn bị những gì cho trung hạn và dài hạn cho đất nước".
Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc: "Mọi thất thoát lãng phí hay tham ô ngân sách của Nhà nước, chúng ta chỉ dồn hết trách nhiệm vào Chính phủ, Quốc hội và ĐBQH luôn tự cho mình vô can trong những sai phạm của bộ máy hành pháp. Theo tôi, Quốc hội phải liên đới trách nhiệm".
Thành Nam
Theo ANTD
Vinashin hay "Vinachia" thỏa hiệp đen bòn rút tài sản "Vinashin đã là thảm họa. Nhưng nguồn gốc thảm họa là Vinacho, và bên cạnh là Vinachia. Đấy là sự thỏa hiệp ngầm, thỏa hiệp đen để bòn rút tài sản của nhà nước" - ĐBQH Dương Trung Quốc trao đổi giờ giải lao phiên họp QH ngày 31/10. Trao đổi về công tác phòng, chống tham nhũng, ĐBQH Dương Trung Quốc cho...