Vụ án cô gái phải lòng kẻ bắt cóc mình
Việc một cô bé 11 tuổi bị bắt cóc và lạm dụng tình dục gần 20 năm, có 2 con và cam chịu sống chung với kẻ bắt cóc và vợ hắn ta quả thực đã khiến nhiều dư luận nước Mỹ bị sốc.
Vụ viêc khiến các nhà tâm lý học phải đưa ra những lý giải mới về cái mà họ gọi là hội chứng Stockholm – hội chứng tâm thần khi nạn nhân tự kết thân và hợp tác với những kẻ đã bắt cóc và hành hạ mình.
Nancy và Phillip Garrido
Vụ mất tích bí ẩn
Video đang HOT
Ngày 26/8/2009, một người đàn ông trung tuổi cùng 2 bé gái xuất hiện trong khuôn viên khu ký túc xá đại học California, Berkeley. Người đàn ông phân phát những tờ rơi kêu gọi mọi người theo đạo, còn 2 đứa trẻ bị ông ta ra hiệu đứng tách khá xa. Dừng lại mua tờ rơi, một cảnh sát sinh nghi và bí mật báo cho Cảnh sát khu nội trú. Kiểm tra chớp nhoáng, người đàn ông xuất trình căn cước có tên Phillip Garrido, 58 tuổi, sống tại Antioch, hạt Contra Costa.
Các thông tin này nhanh chóng được phối kiểm trên mạng máy tính liên bang. Nghi vấn đã được khẳng định khi hồ sơ cho biết, kẻ này là một tội phạm hiếp dâm và lạm dụng tình dục đang tạm được tại ngoại. Như vậy, theo luật y không được phép có trẻ em đi kèm. Vụ việc được chuyển lên Cơ quan an ninh bang California, cảnh sát triệu tập Phillip Garrido đến tường trình.
Sáng 27/8, Garrido có mặt tại cơ quan Cảnh sát cùng vợ, 2 bé gái lần trước và một phụ nữ trẻ. Người đàn bà này và hai đứa trẻ không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Thoạt đầu, Garrido khai cô gái tên Alissa, đây là bạn tình của y, còn hai đứa trẻ là con của y và cô ta. Trong thời gian bầu đoàn năm người kỳ lạ nhà Garrido tới trình diện, các nhân viên có mặt đặc biệt chú ý tới Alissa. Có người nhận ra cô gái trông phảng phất cô học sinh bị bắt cóc ở South Lake Tahoe gần hai mươi năm về trước, vụ án đình đám và cho đến nay vẫn chưa có lời đáp.
Khi bị gặng hỏi, Garrido hiểu ngay rằng sự thật đã bị bóc trần nên đành thú tội. Được yêu cầu xác nhận, Alissa tức Jaycee Lee Dugard lễ độ gật đầu. Người thẩm vấn vội gọi điện thoại báo tin vui cho mẹ cô hiện sống với em gái cùng mẹ khác cha ở miền Nam California.
Vụ bắt cóc và mất tích gần 20 năm trước đã làm cả nước Mỹ xôn xao. Ngày 10/6/1991, cô bé 11 tuổi Jaycee Lee Dugard mặc chiếc áo phông màu hồng, quần dài màu hồng, tươi cười nhí nhảnh như mọi khi. Cô tung tăng bước tới bến xe buýt quen thuộc thì đột nhiên, một chiếc xe con màu xám xịch đỗ bên cạnh, một người lôi tuột cô bé lên xe. Cửa xe khép lại và chiếc xe phóng bạt mạng trong tiếng kêu sửng sốt của mọi người. Ông bố dượng của Jaycee đang đạp xe phía sau một đoạn đã nhìn thấy tất cả, gò người đạp xe đuổi theo nhưng dĩ nhiên là không kịp.
Cả nước Mỹ khi đó bị ám ảnh bởi hình ảnh một nữ sinh xinh xắn yêu đời, mắt lơ và tóc hoe vàng bị bắt cóc ngay trước mắt người thân. Hàng trăm cảnh sát được tung vào cuộc nhưng không sao tìm thấy chiếc xe con màu xám bí hiểm.
Một năm sau khi Jaycee bị bắt cóc, mẹ và cha dượng của cô bé chia tay vì bà mẹ không chịu nổi chuyện ông chồng đã để con gái bị bắt ngay trước mặt mình. Thực tế thì cảnh sát đáng ra đã có thể tìm thấy Jaycee sớm hơn. Năm 2006, một láng giềng tố cáo với chức trách địa phương rằng có một phụ nữ và 2 đứa trẻ đang sống ở căn lều phía sân sau nhà Garridos. Người gọi điện cũng không quên thêm các lời bình luận Phillip Garido như là một kẻ mắc bệnh nghiện tình dục. Để kiểm chứng lời tố cáo này, một đại diện cơ quan chức năng địa phương đã đến đây để kiểm tra nhưng lại chỉ thẩm vấn Garrido về chiếc cổng.
Vấn đề là ngay cả bản thân Jaycee cũng tỏ ra cam chịu và chấp nhận cuộc sống với kẻ đã bắt cóc và cưỡng bức mình. Cô được giới thiệu là thư ký của Garrido và làm việc trong nhà in của y nhiều năm rồi. Cô luôn nhã nhặn, vui vẻ và được khách hàng khen là thông minh, rất có giáo dục, như hết thảy các cô thư ký khác. Như vậy, cô gái bị bắt cóc đã không nghĩ tới chuyện chạy trốn hay báo cảnh sát về bí mật thân phận của mình. Cô cũng không nhớ tới quyền lợi tương tự của hai đứa bé con cô và quên luôn trách nhiệm của một người mẹ.
Chân dung kẻ thủ ác và hội chứng Stockholm
Điều đáng nói là trước khi bắt giữ và cưỡng bức Jaycee Dugard, Phillip Garrido đã là một tội phạm có tiền sử cưỡng dâm dài dằng dặc. Ngay từ khi đi học, y đã đánh đập và cưỡng hiếp một cô bạn cùng trường. Tiếp đó, Garrido bị tố giác cưỡng hiếp một cô gái ở Antioch. Cô gái 14 tuổi này nói rằng hắn đã ép cô uống thuốc ngủ và cưỡng hiếp cô khi cô đang mê ngủ. Tuy nhiên, cô bé từ chối làm chứng và tội danh này bị bác bỏ.
Sau những lần phạm tội kiểu bất chợt, Garrido dành cả mùa thu 1976 để lên kế hoạch. Hắn lén đi theo phụ nữ và thuê một kho hàng nhỏ ở Reno để ở. Ngày 26/10/1976, hắn cầm theo 4 hộp axit và tấn công người phụ nữ mà hắn đang theo dõi, người này chống cự và bỏ chạy. Thất bại, hắn vào sòng bạc và giả vờ nhờ một người quen ở đó đưa về nhà rồi sau đó trói chân tay người phụ nữ này. Tại căn phòng nhỏ, hắn đã cưỡng hiếp người này liên tục suốt 6 giờ.
Trong phiên tòa, Garrido thừa nhận hắn thường thủ dâm khi nhìn thấy các bé gái trước ngôi trường tiểu học, ngoài ra còn thường xuyên dùng cần sa, ma tuý và LSD (một loại chất gây ảo giác). Hắn bị kết án bắt cóc, cưỡng hiếp và chịu án 50 năm tù và bị tống vào nhà tù ở Leavenworth, Kan. Trong thời gian thụ án tại đây, Garrido làm quen và mồi chài được một nữ nhân viên phục vụ tại các nhà tiếp dân tên là Nancy Bocanegra. Giáo sĩ của nhà tù làm chứng cho lễ cưới của hai người vào năm 1981.
Nhờ cải tạo tốt và tỏ ra thân thiện, Garrido chỉ phải ở tù 10 năm và được trả tự do có điều kiện vào năm 1988. Tuy nhiên, có vẻ như vợ của Garrido cũng là một kẻ bệnh hoạn giống y. Kể từ khi cặp đôi này cưới nhau cho đến vụ án của Jaycee vỡ lở, cảnh sát tình nghi Garrido có liên quan trong hàng loạt vụ mất tích khác.
Khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, các nhân viên FBI và cảnh sát cảm thấy ngỡ ngàng trước sự sơ sài của nơi giam giữ mà Garrido đã dựng lên cho mẹ con Jaycee. Một hàng rào dây thép ngăn cách nhà ở với khu vườn um tùm cây cối, như một bãi phế thải bỏ hoang hôi hám và bẩn thỉu. Trong vườn, y dựng nhiều lều trại nhỏ, các gian phòng be bé, nhiều hầm nhỏ như nơi trốn tìm của con trẻ. Một trong những phòng nhỏ như vậy có điện nước sơ sài, và chỉ mở cửa được từ bên ngoài. Đây là nơi Jaycee Lee Dugard bị giam hãm suốt 18 năm qua. Cách phòng này một đoạn, lủng lẳng chiếc xích đu và một số đồ chơi trẻ em đơn giản.
Hoàn cảnh như thế rất dễ dàng cho Jaycee có thể trốn thoát, nhưng trong suốt gần 20 năm, có vẻ như cô chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này. Các nhà khoa học rất chú ý đến trường hợp ứng xử không bình thường này. Đây là tổng hoà của ít nhất hai yếu tố, tâm lý và xã hội. Về mặt xã hội, pháp luật và việc thực thi pháp luật không phải lúc nào cũng thoả đáng và triệt để. Do đó, những người yếu bóng vía hay mang bản năng sinh tồn quá mạnh sẽ an phận thủ thường, cam chịu những bất công và phi lý xiềng xích mình. Về mặt tâm lý, nạn nhân của những tên tội phạm bắt cóc có thể sẽ chấp nhận tội ác của chúng, và có cảm tình với kẻ lý ra phải bị căm ghét.
Tình huống này được gọi là hội chứng Stockholm, từng biểu hiện thường thấy ở các nạn nhân bị bắt cóc, được lấy tên từ một trường hợp 5 nhân viên ngân hàng Kreditbank tại thủ đô Thụy Điển Stockholm sau khi bị cướp và giam giữ làm con tin từ ngày 23-28/8/1973 đã kết thân với bọn cướp và sau khi được giải cứu thì đã đứng ra bênh vực cho các thủ phạm. Bác sĩ Nils Bejerot đã làm việc cùng với Cảnh sát và đặt tên cho hội chứng này sau đó được loan đi khắp nơi. Từ đó trở đi các bác sĩ đã ghi lại được hàng chục trường hợp có hội chứng Stockholm và đăng tải trên tập san Y học Acta Psychiatrica Scandinavia và phân tích nguyên nhân cũng như cơ chế của hiện tượng lạ lùng này và cho rằng giới truyền thông và báo chí đã không hiểu rõ tình trạng tâm lý bất thường của các nạn nhân nên đã làm cho dư luận có những hiểu lầm và phán xét sai lạc.
Theo Nguoiduatin