Vụ án 2 nông dân nhận… hối lộ: “Đình chỉ điều tra để né bồi thường”?
“Đây không phải là một vụ án phức tạp bởi mọi thứ gần như đã rất rõ ràng. Án tham nhũng với số tiền nêu trên ở mức 7, 8 năm tù là mức án không cao, nhưng có đúng không lại là chuyện khác. Công an huyện Hàm Thuận Nam làm cách này dường như để né bồi thường, xin lỗi công khai?” – luật sư Nguyễn Kiều Hưng, hãng luật Giải Phóng đánh giá về vụ án hai nông dân ở Hàm Thuận Nam bị đưa ra tòa về tội… nhận hối lộ.
Ngày 20.8, Dân Việt có bài viết “Nông dân nhận hối lộ, cán bộ “vẽ án” như thần”, phản ánh vụ việc hai nông dân Nguyễn Thành Nam và Nguyễn Thanh Tuấn ở thôn Lò To, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận bị khởi tố, đưa ra tòa xét xử về tội… nhận hối lộ. Bản án này sau đó đã bị hủy để điều tra, xét xử lại. Rốt cuộc, Công an huyện Hàm Thuận Nam đã đình chỉ điều tra ông Tuấn và ông Nam với lý do “chuyển biến tình hình” theo khoản 1 Điều 25 BLHS.
Lý do “chuyển biến tình hình” là rất mơ hồ
Nhận định về vụ án khá hy hữu này, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, hãng luật Giải Phóng đánh giá, việc đình chỉ điều tra vì “chuyển biến tình hình” là một cách nói hết sức mơ hồ, không có căn cứ pháp lý rõ ràng.
Luật sư Hưng nhận định, đây không phải là một vụ án phức tạp bởi mọi thứ gần như đã rất rõ ràng. Án tham nhũng với số tiền nêu trên ở mức 7 và 8 năm tù là mức án không cao nhưng mức án ấy có đúng hay không lại là chuyện khác.
“Nhiều luật sư đồng nghiệp của tôi đã phân tích cách làm này của công an huyện Hàm Thuận Nam dường như là để né tránh bồi thường, xin lỗi công khai. Tôi cũng đồng tình và xin bổ sung thêm là việc đình chỉ điều tra như vậy sẽ bỏ ngỏ việc những người sẵn sàng giúp người khác rồi được bồi dưỡng theo kiểu tình làng nghĩa xóm sẽ không dám làm việc tốt nữa. Vì bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị khởi tố như hai nông dân này!” – vị luật sư nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn (phải) và ông Nguyễn Thành Nam – những người bị cho là “nhận hối lộ” trong những ngày tại ngoại chờ điều tra lại (Ảnh Phương Nam).
Trong khi đó, luật sư Phạm Hoài Nam, hãng luật Bến Nghé lại đặt ngược vấn đề về trách nhiệm của cơ quan điều tra trong vụ hai nông dân bị khởi tố tội nhận hối lộ.
“Họ (cơ quan điều tra) đình chỉ điều tra vụ án thì hai nông dân vẫn có những ngày bị giam giữ, vẫn từng phải ra tòa và mang tiếng là bị can chứ không phải là người bị oan thực sự. Việc né tránh bồi thường, xin lỗi công khai đồng nghĩa với việc họ (cơ quan điều tra) không thừa nhận việc họ khởi tố là sai. Đây là cách né tránh trách nhiệm bồi thường oan sai cho hai người nông dân này, cho thấy thái độ coi thường pháp luật của họ” – luật sư Nam khẳng định.
Luật sư Nam cũng cho rằng trong vụ án này, xuất hiện dấu hiệu vi phạm luật hình sự về “xâm phạm các hoạt động tư pháp” khi khởi tố, điều tra và truy tố người không có tội. Vì thế ông đề nghị cơ quan Cục điều tra Viện Kiểm sát tối cao cần vào cuộc xem xét, nếu có người gây ra oan sai cần phải xử lý nghiêm minh.
“Nỗi oan biết tỏ cùng ai?”
Theo hồ sơ vụ án, ông Nam là thôn trưởng thôn Lò To, xã Hàm Cần, Hàm Thuận Nam. Tháng 4.2011, ông Nam được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hàm Thuận Nam hợp đồng làm Tổ trưởng và ông Tuấn làm Tổ phó Tổ tiết kiệm vay vốn do Hội Nông dân xã Hàm Cần quản lý.
Nhiệm vụ của hai người là nhận giấy đề nghị vay vốn của người nghèo; tổ chức họp để bình xét cho vay; lập danh sách các gia đình cần vay rồi lập hồ sơ gửi cho ban giảm nghèo cấp xã. Sau đó, họ trình hồ sơ cho UBND xã xác nhận rồi chuyển lên Ngân hàng CSXH huyện Hàm Thuận Nam làm thủ tục vay, ký nhận tiền mang về cho các hộ dân nghèo.
Đa số hộ nghèo ở Lò To khi vay vốn đều không rành viết đơn nên họ giao hết cho ông Tuấn viết giúp, họ chỉ ký tên. Ông Nam thấy ông Tuấn thường xuyên bỏ bê việc đồng áng gia đình để lo làm thủ tục cho các hộ dân và đi lại cực khổ (đường từ thôn Lò To đến Ngân hàng CSXH huyện gần 30 km) nên trong một cuộc họp hướng dẫn cho các hộ nghèo vay vốn; ông Nam đề nghị bà con nên phụ tiền xăng xe, tiền điện thoại cho ông Tuấn đi lại, liên hệ để vay giúp tiền cho bà con và mọi người có mặt đều đồng ý.
Theo cáo trạng của VKSND huyện Hàm Thuận Nam, trong hai năm 2013-2014, lợi dụng nhiệm vụ được giao, ông Tuấn “đã ép buộc” những hộ dân cần vay từ 10 triệu đến 30 triệu đồng phải bồi dưỡng từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng. Ông Tuấn đã “nhận hối lộ” của 12 hộ dân tổng cộng 13,6 triệu đồng.
Đến ngày 6.8.2015, TAND huyện Hàm Thuận Nam xử sơ thẩm đã tuyên phạt ông Tuấn 8 năm tù, ông Nam 7 năm tù dù những người dân được triệu tập tới tòa làm chứng đều khẳng định họ chỉ phụ tiền công cho ông Tuấn đi vay giúp chứ không hề đưa hối lộ.
Video đang HOT
Trao đổi với PV, ông Nam cho biết cảm giác hiện nay của ông là nỗi oan ức không biết tỏ cùng ai. Còn ông Tuấn cho biết ông và gia đình chỉ mong cơ quan chúc năng trả lại sự trong sạch.
“Nhà tôi cũng làm nông như mọi người nhưng tới mỗi đợt xét duyệt cho các hộ dân vay vốn tôi phải phải bỏ hết việc nhà và mất cả tuần để viết giúp đơn, rồi đi nhiều nơi để ký xác nhận. Đơn được duyệt, tôi lại phải vượt 30km đi làm thủ tục rồi nhận tiền về giao không sót một đồng cho từng hộ dân được vay. Người dân thấy ông vất vả, họ bồi dưỡng chứ tôi không hề ép buộc ai” – ông Tuấn nói.
Trường hợp của gia đình ông Nam thê thảm hơn: “Khi nghe nói tôi bị giam 8 năm tù thì nhiều mối làm ăn cắt đứt, đòi lại vốn khiến tôi giờ phải đi vay nóng để trả tiền cho họ”.Cả hai nông dân này đều mong các cơ quan chức năng minh oan cho họ để chí ít họ được sống yên ổn ngay tại quê nhà.
“Thôn Lò To xa trung tâm, thuộc vùng chân núi nên ở đây không có báo chí, chẳng có internet để mọi người biết rằng chúng tôi bị oan. Khi đi ra đường, tôi có cảm giác mọi người nhìn mình như tội phạm. Ngay cả quyết định đình chỉ điều tra dân ở đây cũng không biết thì lấy gì để nói mình oan đây?” – ông nông dân Nguyễn Thành Nam than thở.
Theo Danviet
Chuyện cỏn con ở Kẻ Chợ
Nếu Hà Nội tiếp tục công bố "định mức văn phòng" mới thì dân Kẻ Chợ chắc chắn sẽ hết lòng ủng hộ!
Khi nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói câu "người ta ăn của dân không từ thứ gì", điểm qua các báo mới thấy bò, dê, lợn, gà đi "lạc" vào nhà quan, không thấy báo nào nói "cỏ mọc nhầm trong vườn quan".
Có lẽ lúc đó các giống vật - nguyên liệu chính chế biến thành sơn hào hải vị vẫn còn an toàn, vẫn chưa nhiễm chất độc như cá biển mấy tỉnh miền Trung gần đây.
Bây giờ, đang có phong trào tẩy chay rượu ngâm động vật như tắc kè, rắn, cá ngựa hay bộ phận của con dê, thay vào đó là rượu ngâm thực vật như Ba kích, Hà thủ ô hay rượu 138. Hỏi mấy đưa cháu rượu 138 là gì, chúng chỉ cười không nói.
Người Việt hiện đại có câu "ăn Bắc, mặc Nam" nghĩa là các món ăn nấu theo kiểu Bắc - đặc biệt là ẩm thực Hà Nội - thường rất ngon miệng, đạt đến độ tinh tế được quốc tế thừa nhân.
Nói về "mặc", tức là độ "chịu chơi" thì phải hỏi mấy "anh hai Sài Gòn".
Dư luận bức xúc vì mỗi năm Hà Nội dùng tới tới 700 tỷ đồng để cắt tỉa cây hoa, cây cảnh (ảnh: kinh tế đô thị).
Có phải xu hướng ăn "thực vật" khiến "một bộ phận nho nhỏ" trong "bộ phận không nhỏ" gần đây chuyển sang ăn... cỏ?
Chuyện này bắt nguồn từ thông tin Chủ tịch Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho biết ngân sách phải chi 53 tỷ đồng cho việc "cắt cỏ, tỉa cây" trên đại lộ Thăng Long.
Có lẽ vì thế nên xuất hiện câu đồng dao: "Bộc đừng ăn cỏ đồng xa, ăn cỏ "Kẻ Chợ" mới là cỏ ngon".
Từ "bộc" thường còn kèm bên trái từ khác song dẫu thiếu một từ dân chúng vẫn hiểu "bộc" là gì, còn nếu có người không hiểu thì đành chờ cho họ hiểu, không nên vội và cũng không vội được!
"Kẻ Chợ" vốn là tên người xưa gọi mảnh đất nghìn năm văn hiến, còn nói "cỏ Kẻ Chợ" là cỏ ngon có thể chưa đúng, có thể là cỏ ngon với "bộc này" nhưng lại là cỏ đắng với "bộc khác".
Các cụ dạy "đắt xắt ra miếng", hay "của rẻ là của ôi, của đầy nồi là của không ngon".
Người đi chợ, ngoại trừ trường hợp bị gian thương lừa, những "của ngon" bao giờ cũng là của đắt.
Tôm sông con to nhất chỉ bằng chiếc đũa ăn cơm, nhảy tanh tách trong rổ, mặc cả giá 200.000 đ/kg, cô bán hàng bảo bác đi mua tôm nuôi, tôm ấy con to mà lại rẻ.
Chỉ công cắt cỏ trên 24 km đại lộ Thăng Long ở Kẻ Chợ, tiền thuế của dân phải chi đã là 53 tỷ đồng, tính ra số "cỏ" này trị giá tương đương với 3.466.667 kg gạo ngon (15.000đ/kg).
Nếu tính theo giá thóc ở đồng bằng Nam Bộ 6.000 đ/kg thì tương đương ngót nghét chín nghìn tấn, giá trị như thế nên bảo cỏ ở Kẻ Chợ là "cỏ ngon" chắc không sai bởi theo triết lý của các cụ, cỏ đắt thế thì phải là "cỏ ngon" chứ chẳng lẽ lại là "cỏ đắng"?
"Cỏ Kẻ Chợ" ngon thế nên dân Kẻ Chợ tiền đâu mà mua, dù có muốn mua cũng khó cạnh tranh với các "quân xanh, quân đỏ" vì ngay tại phiên Thảo luận về dự thảo Luật Đấu giá tài sản ngày 19/11/2015, nhiều đại biểu cho rằng "tình trạng dàn trận "quân xanh, quân đỏ" khi đấu giá, đấu thầu diễn ra phổ biến và khá nghiêm trọng". [1]
Có người ngại "đấu thầu" nên chạy vào tận Hậu Giang hay công ty bia đâu đó tưởng kiếm được "cỏ ngon" không ngờ lại vớ toàn "cỏ đắng"!
Ngồi tính kiểu "đếm cua trong lỗ" thì thế này, chiều rộng đại lộ Thăng Long là 140 mét, trừ 8 làn xe và các rào chắn còn lại khoảng 80 mét cho các dải đất dự trữ, cây xanh và cỏ mọc.
Một lao động một ngày cắt tỉa, dọn dẹp, trồng mới... nghĩa là "hầm pà lằng" mọi việc được 3 mét chiều dài (240 mét vuông), một tháng được khoảng 45 mét; 500 thợ một tháng dọn được cả tuyến (24 km).
Mỗi tháng lương thợ cho là 4 triệu, 500 thợ một tháng mất 2 tỷ đồng.
Mỗi tháng cắt cỏ một lần, số tiền chi cho thợ cả năm sẽ là 24 tỷ, phần còn lại là 29 tỷ đồng trừ chi phí phân gio, vật tư không biết bao nhiêu dành cho việc chuyển cỏ về trang trại để "bộc" nghiên cứu?
Vừa qua, sau bão số 2 hàng loạt cây xanh bật gốc còn nguyên bầu bọc lưới ở Hà Nội đã được ông Chủ tịch thành phố hứa làm rõ, ngay sau đó thành phố công bố đích danh mấy ông chỉ đạo, mấy ông nhà thầu nhận trồng cây, việc làm kịp thời này nhận được sự đồng tình, hoan nghênh của những người đóng thuế.
Khi công bố thông tin cắt cỏ trên 24 km đại lộ Thăng Long hết 53 tỷ đồng, chắc chắn ông Chủ tịch Hà Nội đã biết số tiền này được hạch toán như thế nào, giá như ông công bố luôn cho dân biết như vụ cây bật gốc, đừng để cho dân "đếm cua trong lỗ" thì hay biết mấy!
Nhân chuyện "cắt cỏ" trên đại lộ Thăng Long, dân Kẻ Chợ cũng mong ông Chủ tịch thành phố tìm hiểu xem vì sao gói thầu duy trì cây xanh, thảm cỏ đoạn đường Vành đai III đoạn từ nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ đến nút giao Phù Đổng với chiều dài 15 km được thực hiện với mức "thầu" trên 43 tỷ đồng? [2]
Được biết nút giao thông Phù Đổng nằm trên cao tốc Hà Nội-Bắc Giang, từ nút giao Pháp Vân-Cầu Giẽ đến nút giao Phù Đổng chắc chắn phải đi qua cầu Thanh Trì.
Thông số kỹ thuật cầu Thanh Trì cho thấy cầu chính dài 3.084 m với tổng chiều dài (tính cả phần đường dẫn) hơn 12.000 m, tức là 12 km.
Gói thầu dài 15 km, trong đó phần liên quan đến cầu Thanh Trì đã là 12 km, phần còn lại không biết trồng bao nhiêu cỏ?
Trên 12 km toàn tuyến cầu Thanh Trì có bao nhiêu đoạn có dải phân cách cây xanh, có bao nhiêu đoạn trồng cỏ, hay là người ta phải tính cả cây xanh, cỏ dại phía dưới gầm cầu?
Thói xấu tồn tại lâu nay "Hà Nội không vội được đâu" đã được Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hoàng Trung Hải yêu cầu loại bỏ, thế nhưng vì sao vẫn tồn tại câu chuyện mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đề cập:
"Thành phố chỉ đạo xử lý, Chủ tịch huyện Gia Lâm vẫn cho rằng việc... cỏn con"?
Cũng tại Gia Lâm, còn một "việc cỏn con" khác mà báo An ninh Thủ đô đã viết: "Xe quá tải hoạt động ầm ầm trên đường Ỷ Lan".
Ảnh chụp màn hình Báo An ninh Thủ đô
Bài báo trên đăng ngày 20/7/2015, khi ông Nguyễn Đức Chung vẫn còn lãnh đạo Công an thành phố, liệu với cương vị mới, ông còn quan tâm đến vấn đề này, có nên bỏ vài tiếng thị sát hiện trường xem một năm sau báo An ninh Thủ đô nói sai hay đúng?
Mỗi "việc cỏn con" ở Hà Nội có giá vài chục tỷ đồng, nhiều "việc cỏn con" riêng cho "cắt cỏ" gộp lại là 700 tỷ đồng, vậy Hà Nội còn bao nhiêu việc "cỏn con" khác nữa?
Tháng 3/2016, liên quan đến một việc "cỏn con" của Hà Nội trong thi tuyển viên chức giáo dục, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói: "làm sai thì nhận đi cho tiến bộ". [3]
Quan chức đồng liêu phải "sẵng" với nhau như thế đủ thấy, Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm.
Việc cần làm ngay có lẽ là hai vị Bí thư - Chủ tịch thành phố hãy khiến cấp dưới phải biết tuân thủ ý kiến chỉ đạo, phải biết rằng với lãnh đạo ở Hà Nội việc có thể là "cỏn con" cũng như ở Sài Gòn việc có thể "bé bằng cái móng tay" nhưng với người dân đó lại là cuộc sống, là sinh mạng chính trị của một con người, một gia đình.
Cổ nhân dạy "tích tiểu thành đại", nhiều cái "cỏn con" sẽ thành "cỏn lớn", nhiều nỗi "bức xúc con" sẽ thành "bức xúc lớn", khi đã là "bức xúc lớn" thì hậu quả khôn lường, điều đó chẳng phải là lý thuyết, điều đó ai làm lãnh đạo cũng biết, chỉ có điều khi đã biết thì giải quyết như thế nào, giải quyết nhanh hay chậm?
Thành phố đang chuyển mình với những quyết sách, chỉ đạo theo tư duy mới, liệu Hà Nội có nên "tìm người tài, không tìm người nhà", có nên cứ để các ý kiến của Bí thư, Chủ tịch thành phố bị cấp dưới xem là "việc cỏn con" nên chả việc gì phải vội?
Được biết Hà Nội đã công bố định mức "cắt cỏ" mới, một số công nhân cắt cỏ đã phải nghỉ việc, nếu Hà Nội tiếp tục công bố "định mức văn phòng" mới, nếu một số "cắp ô" tiếp tục được bố trí như người cắt cỏ thì dân Kẻ Chợ chắc chắn sẽ hết lòng ủng hộ.
Vẫn biết lãnh đạo Hà Nội là rất khó vì phải "cân bằng" nhiều yếu tố, song có khó thì mới cần người tài, cần người có tầm, có tâm chứ không phải cần nhà hùng biện.
Theo Giáo Dục
Nhân viên ngân hàng được minh oan sau 5 năm vướng lao lý Công an Hà Nội đến nhà trao quyết định đình chỉ điều tra bị can với Vũ Ngọc Dương, dù hai cấp xét xử đều xác định anh phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ảnh minh họa Sáng 22/8 trong căn nhà trên phố Khâm Thiên (Hà Nội), bố của Vũ Ngọc Dương (29 tuổi) - người bị kết...