Vụ án 10 năm: Có ép cung hay không?
Có hay không sự vi phạm tố tụng trong vụ án 10 năm trước. Lý do vì sao trong quá trình điều tra, ông Chấn cho rằng mình không phạm tội mà vẫn nhận tội?
Như đã đưa tin, cách đây gần 10 năm, ông Nguyễn Thanh Chấn bị tòa sơ thẩm tại Bắc Giang và phúc thẩm tại Hà Nội tuyên án tù chung thân về tội giết người. Nhưng mới đây, một thanh niên là Lý Nguyễn Chung (người cùng thôn) đã đứng ra đầu thú thừa nhận mình chính là người gây án. Do vậy, ông Chấn được tạm trả tự do. TAND Tối cao đã quyết định đưa vụ án ra Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao để xét xử tái thẩm.
Tại cuộc họp báo sáng nay (5/11), đại diện VKSND Tối cao đã giải thích câu hỏi vì sao vụ án không được kháng nghị xét xử lại theo thủ tục “giám đốc thẩm” mà lại là “tái thẩm”.
Trả lời báo chí, vị đại diện cho rằng, hiện nay, tình tiết mới và cơ bản nhất là đối tượng Lý Nguyễn Chung ra đầu thú. Đây là tình tiết mới và có thể làm thay đổi toàn bộ bản án. Ngoài ra, chưa có tình tiết nào khác. Vì vậy, theo nguyên tắc tố tụng, vụ án được xử lại theo thủ tục tái thẩm.
Vị đại diện VKS cũng cho hay, nếu trong quá trình điều tra xét xử tiếp theo mà thấy xuất hiện tình tiết mới quan trọng, thủ tục xét xử vẫn có thể thay đổi.
Ông Nguyễn Thanh Chấn về nhà trong vòng tay người thân
Tuy nhiên, sáng nay báo chí cũng đặt câu hỏi về việc có hay không sự vi phạm tố tụng trong vụ án 10 năm trước. Lý do vì sao trong quá trình điều tra, ông Chấn cho rằng mình không phạm tội mà vẫn nhận tội? Trong đơn kêu oan ông Chấn đã trình bày rằng mình bị ép cung. Vậy cơ quan điều tra (VKSND Tối cao) có xem xét vấn đề này không? Đại diện VKS cho rằng, trong quá trình điều tra, xét xử tới đây, những vấn đề này đều sẽ được xem xét đầy đủ. Nếu có vi phạm tố tụng sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân để xử lý.
Trả lời chúng tôi, Luật sư Ngô Ngọc Thủy (Trưởng Văn phòng Luật sư Ngô Ngọc Thủy, Hà Nội) xác nhận, VKS kháng nghị “tái thẩm” là chính xác. Bởi hiện nay, tình tiết mới có thể làm thay đổi bản án là việc một đối tượng khác ra nhận tội. Người đang chịu án có thể bị oan. Ngoài ra, các cơ quan điều tra chưa tìm thấy căn cứ nào nói rằng có vi phạm tố tụng trong vụ án.
“Không thể xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm trong trường hợp này.” – Luật sư Thủy nói.
Video đang HOT
So sánh với kỳ án hiếp dâm của 3 anh em tại Hà Đông, Hà Nội, ông Thủy cho rằng tính chất hoàn toàn khác. Vụ án đó được “giám đốc thẩm” là do có dấu hiệu vi phạm tố tụng. Còn chi tiết “huyệt trai trinh” chỉ là do một vài người nói ra, không có căn cứ khoa học và luật pháp.
Trong một bài phân tích của mình, Luật sư Phạm Hồng Hải (Trưởng văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải, Hà Nội) cũng từng viết: Cả giám đốc thẩm và tái thẩm được hiểu không phải là một cấp xét xử mà là một thủ tục đặc biệt theo đó bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực được xem xét lại trên cơ sở có kháng nghị của người có thẩm quyền khi phát hiện có vi phạm pháp luật trong việc xử.
Bộ luật tố tụng hình sự quy định: Thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.
Giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị khángnghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật trong việc xử lý vụ án.
Theo Bộ Luật tố tụng hình sự: Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, baogồm: Việc điều tra xét hỏi tại phiên toà phiến diện hoặc không đầy đủ; Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử; Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự. Những tình tiết được dùng làm căn cứ để kháng nghị tái thẩm là tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định của Tòa án bao gồm: Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật; Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai; Vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật; Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật.
Theo Khampha
Người tù oan làm gì trong tối xảy ra án mạng?
Người bị tù oan 10 năm đã làm gì vào thời gian án mạng xảy ra?
Ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, ở xã Nghĩa Trung, Việt Yên) vừa được tạm trả tự do sau 10 năm ngồi tù oan. Suốt thời gian dài đằng đẵng, ông và gia đình liên tục kêu oan và mới đây, thủ phạm thực sự của vụ án mới ra đầu thú. Vậy, ông Chấn đã bị oan như thế nào, khi xảy ra vụ án, ông đã ở đâu, làm gì?
Như đã đưa tin, TAND Tối cao vừa ra quyết định đưa vụ án giết người (đã kết án cách đây 10 năm) tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang ra Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao để xét xử tái thẩm.
10 năm trước đó, một vụ giết người đã xảy ra tại thôn Me. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan (39 tuổi) bị sát hại với nhiều vết thương ở đầu, mặt và bụng. Không lâu sau, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt ông Nguyễn Thanh Chấn. Ông bị truy tố và đưa ra xét xử về tội giết người.
Bị cho là sàm sỡ nạn nhân
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bắc Giang, khoảng 22h, ngày 15/8/2003, người trong thôn Me nghe tiếng trẻ con khóc trong nhà chị Hoan. Khi chạy sang, họ thấy nhà chị Hoan không bật điện, nhưng cửa chính mở liền báo cho mẹ đẻ chị. Bà mẹ sang nhà con gái thì phát hiện chị Hoan đã chết với nhiều vết thương ở đầu, mặt và bụng.
Cáo trạng cho rằng, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Chấn bán tạp hóa gần sân bóng thôn Me. Chiều 15/8/2003, dân thôn Me tổ chức đá bóng. Trận bóng kết thúc vào khoảng 19h cùng ngày. Lúc này, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) bảo chồng đi xin nước về để nấu, bán hàng.
Ông Nguyễn Thanh Chấn với những lá đơn kêu oan suốt 10 năm trời
Ông Chấn đã đạp xe sang nhà chị Viễn ở cuối sân bóng. Đoạn đường này qua nhà chị Hoan. Lúc này, chị Hoan đang ở trong nhà với đứa con nhỏ (1,5 tuổi). Ông Chấn thấy nhà anh Minh (hàng xóm chị Hoan) không có ai ở nhà liền dựng xe đạp cạnh thành giếng nhà anh rồi đi vòng ra phía sau nhà chị Hoan qua ruộng khoai. Lúc này, cửa sau nhà chị Hoan mở nên ông Chấn lẻn vào.
Thấy con chị Hoan đang chơi trên gường, chị đứng trước tủ quần áo, ông Chấn liền đòi "quan hệ". Chị Hoan không đồng ý, ông liền lao vào ôm chị từ phía sau. Hai tay ông Chấn vòng lên ngực chị Hoan sờ soạng. Chị cố chống cự và vơ được một vỏ chai bia dưới nền nhà định đánh vào đầu ông Chấn nhưng ông đỡ được và giằng lấy. Rồi ông Chấn quật chị Hoan ngã xuống đất.
Một tay ông giữ tay chị Hoan, gối tỳ vào sườn chị. Rồi ông thò tay còn lại vào túi quần rút ra một con dao bấm, đâm nhiều nhát vào bụng, mặt và sườn chị Hoan.
Trong lúc giằng co, chị Hoan có giơ tay đỡ khiến lưỡi dao bị gãy. Ông Chấn đã cho chuôi dao vào túi rồi nâng đầu chị Hoan lên đập xuống đất nhiều lần. Do mặt nạn nhân chảy nhiều máu, ông Chấn lấy chiếc gối đậy vào mặt rồi tắt điện, đi ra.
Chở nước cho vợ xong, ông về nhà tắm giặt, lấy xà phòng và bàn chải rửa sạch máu dính ở quần áo, rửa sạch chuôi dao, cất vào tủ.
Cáo trạng còn cho rằng, ngày 28/9/2003, ông Chấn đến cơ quan điều tra tự thú.
Có chứng cứ ngoại phạm
Trên thực tế, quá trình điều tra, ông Chấn đã khai nhận hành vi giết người. Nhưng tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo lại không nhận tội. Ông Chấn đã bị tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên án tù chung thân.
Trong thời gian ở tù, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn nhiều lần kêu oan.
Trong những lá đơn kêu oan, ông Chấn cho biết: Cơ quan công an bắt giữ tôi vì cho rằng tôi đã giết chết chị Hoan khi đi xin nước, vào thời gian khoảng 19h đến 19h25. Thực tế, trong thời gian đó, tôi đang bấm điện thoại cho anh Thực (ở Yên Sơn, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Số máy và thời gian còn lưu lại ở tổng đài bưu điện huyện Việt Yên.
Trong các lá đơn do bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) cũng khẳng định, khoảng thời gian đó chồng bà đang ở nhà bấm điện thoại cho ông Thực gọi nhờ. Trước tòa phúc thẩm, ông Thực làm chứng điều này.
Đơn của 2 vợ chồng ông Chấn cũng viết, sau khi phát hiện chị Hoan chết, bà Hội (mẹ chị) đã nhờ ông gọi giúp ông Đệ y sĩ, gọi cho em rể của chồng chị Hoan (tên Chung ở Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) và gọi điện báo Công an huyện. Ông Chấn chính là người đã đi mua gà, quan tài về để gia đình chị Hoan khâm liệm. Vậy nhưng ông lại bị công an bắt giữ vì cho rằng đã giết chị Hoan.
Ông Chấn còn cho rằng, trong quá trình điều tra, ông phải nhận tội là do bị "ép cung". Ông trình bày rằng do bố là liệt sỹ mất sớm, gia đình khó khăn nên không có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn. Ông không hiều biết về pháp luật, lại quá sợ hãi nên đành nhận tội.
Sau nhiều năm kêu oan, đến nay, Lý Nguyễn Chung (người cùng thôn) mới ra đầu thú, nhận là người đã gây ra cái chết của chị Hoan. Lúc này, nỗi oan khuất của ông Nguyễn Thanh Chấn mới được xem xét.
Trong đơn kêu oan, bà Chiến (vợ ông Chấn) còn trình bày rằng, tối hôm chị Hoan bị giết, có hai thanh niên làm ở trạm bơm bị ốm, đi xe đạp vào nhà ông Đệ mua thuốc. Họ nhìn vào nhà chị Hoan thì thấy một thanh niên cởi trần ôm ngang người nạn nhân dốc đầu xuống nền nhà nhưng nghĩ là vợ chồng đánh nhau nên không can thiệp. Lúc đó, họ vào đến nhà ông Đệ, nhìn đồng hồ treo tường là 19h45. Hôm sau, ông Đệ nghe họ kể lại và báo công an.
Theo Khampha