Vụ 8 sinh viên uống rượu, 2 người tử vong ở TP.HCM: Bác sĩ tiết lộ triệu chứng của 6 người nguy kịch còn lại
Bác sĩ ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết 6 người còn lại bị đau bụng, chóng mặt, nôn ói nhiều, có uống thuốc nhưng không hết.
Liên quan đến vụ việc 8 sinh viên nhậu cùng nhau, sau đó 2 người tử vong, 6 người nguy kịch, sáng 6/8, qua trao đổi với tờ Tuổi Trẻ, bác sĩ Trần Thanh Dũ – phó trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định – xác nhận tối 5/8, bệnh viện tiếp nhận 4 sinh viên nhập viện trong tình trạng ngộ độc ethanol, tiên lượng nguy kịch. Trong số này, có 2 sinh viên từ Bệnh viện Lê Văn Việt, 2 sinh viên còn lại được người nhà trực tiếp đưa đến bệnh viện.
8 sinh viên uống rượu, 2 người tử vong, 6 người nguy kịch – Ảnh minh hoạ
Bác sĩ Dũ cho biết, theo lời kể của một số sinh viên đang điều trị, ngày 4/8 vừa qua, 8 sinh viên nhậu cùng nhau tại quán nhậu trên đường Tăng Nhơn Phú B và có uống một loại rượu ‘không rõ loại gì’. Sau khi uống về, 1 người tử vong tại phòng trọ.
‘7 người còn lại bị đau bụng, chóng mặt, nôn ói nhiều, có uống thuốc nhưng không hết. Sau đó có các triệu chứng co giật, lơ mơ, hôn mê nên được người nhà chuyển đến bệnh viện cấp cứu’, bác sĩ Dũ thông tin.
Cũng theo tờ Tuổi trẻ, trước đó, Bệnh viện Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) tiếp nhận 3 sinh viên nhập viện trong tình trạng nguy kịch, ngộ độc ethanol. Trong đó, 1 bệnh nhân hôn mê sâu, tử vong sau 30 phút nhập viện, 2 bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu. Còn bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức tiếp nhận 4 bệnh nhân, 2 trường hợp sau đó tự chuyển Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Như vậy, hiện tại có 4 bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Nhân dân Gia định và 2 bệnh nhân ở bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.
Video đang HOT
Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức đang tích cực điều trị cho bệnh nhân – Ảnh: Tuổi trẻ
Trước đó, vụ việc 3 phụ nữ tử vong sau 2 ngày nhậu liên tiếp ở Cà Mau hồi cuối tháng 7 cũng gây xôn xao dư luận. Cả 3 phụ nữ đều có biểu hiện nôn ói, khó thở… nên được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cấp cứu. Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển, 1 người đã tử vong; 2 người còn lại cũng tử vong sau đó. Nguyên nhân chẩn đoán ban đầu do ngộ độc rượu.
Mật cá có phải 'thần dược' như lời đồn?
Không biết xuất phát từ đâu mật của các loại cá được đồn thổi là "thần dược" bách bệnh.
Một gia đình 8 người sống tại Bắc Kạn bị ngộ độc thực phẩm nặng phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh, trong đó 2 trường hợp nguy kịch phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân là do món lòng cá nấu với mật cá trắm và cây mật gấu có chứa độc tố.
Đây là vụ việc mới nhất, trước đó, rất nhiều trường hợp ngộ độc hết sức đáng tiếc do ăn mật cá xảy ra.
Suýt mất mạng vì ăn mật cá
Ông Nguyễn Văn T, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đến giờ vẫn không quên lần ngộ độc thực phẩm suýt mất mạng của mình. Chỉ vì nghe theo lời đồn, mật cá tốt cho sức khỏe, ông và cùng anh em đã không ngần ngại nhắm nguyên một cái mật cá to bằng ngón tay cái với rượu.
Các trường hợp ngộ độc mật cá được cấp cứu tại BV Bạch Mai.
"Con cá trôi 8kg, mấy anh em hấp lên ăn. Đang ăn thì nhớ tới là còn cái mật cá, thế là bỏ ra. Cái mật dài bằng ngón tay, tôi pha vào rượu, chia ra mỗi người một chén", ông T kể lại.
Chỉ 2 tiếng sau, mọi người đều có dấu hiệu đau bụng, riêng ông T. bị nặng nhất. Rất may nhà ở gần Bệnh viện Bạch Mai nên ngay lập tức gia đình đã đưa ông vào Bệnh viện cấp cứu. Dù kịp thời can thiệp thải độc tố, nhưng ông phải trải qua 1 tuần nằm trong bệnh viện, uống hàng chục loại thuốc khác nhau mới hồi phụ được sức khỏe.
Ngộ độc mật cá thường diễn ra rất nhanh, chỉ sau khoảng 2 đến 3 giờ sau khi ăn mật cá. Biểu hiện ban đầu có thể là nôn, đau bụng, đi ngoài ra máu, tuy nhiên, người bệnh nhanh chóng rơi vào trạng thái liệt giường, rối loạn chức năng thận, viêm gan...và nếu không kịp thời cấp cứu và điều trị bệnh nhân sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong.
Mặc dù mật cá gây ngộ độc cấp tính nặng, tuy nhiên, do những đồn thổi về công dụng "thần dược" của mật cá, khiến cho nhiều người bất chấp cảnh báo. Như trường hợp ông Đinh Văn Bảy, quê Nam Định, lên làm lao động tự do ở Hà Nội, chỉ sử dụng có 3 giọt mật cá trắm thôi, nhưng cũng khiến ông mất cả tháng ốm yếu vì ngộ độc.
"Tôi được cho cái mật bằng ngón tay cái, nghe nói là uống thì khỏe nên cũng pha 3 giọt vào lưng cốc rượu, uống xong đến 7h tối thấy chóng mặt, nôn, đi ngoài", ông Bảy chia sẻ.
Mật cá được đồn là có thể chữa mờ mắt, đau mắt đỏ, hen suyễn; chữa được cả co giật; bệnh tiêu hóa, rồi còn giúp bổi bổ cơ thể, tăng cường sinh lực...Thậm chí, nuốt mật cá sống có thể chữa được ung thư...
Thế nhưng, thực tế đang chứng minh điều hoàn toàn ngược lại, bổ đâu chưa thấy mà đã có người ăn mật cá phải trả giá bằng cả tính mạng.
Mật cá chứa độc tố tổn thương gan, thận
Hiện chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định mật cá tốt cho sức khỏe nói chung, chứ chưa nói đến việc điều trị khỏi hàng loạt các bệnh như nhiều người đang tin.
PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, trong mật cá có chứa độc tố alcol steroid 27C. Chất này gây tổn thương chủ yếu là gan và thận.
"Tháng nào bệnh viện Bạch Mai cũng có từ có 5 đến 7 ca cấp cứu nặng do ăn mật các loại cá thế nhưng đáng tiếc là cộng đồng vẫn rất chủ quan, coi thường tính mạng, sức khỏe", PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh nêu thực trạng.
Theo ông, tình trạng ngộ độc mật cá nặng hay nhẹ tùy thuộc vào số lượng, tuy nhiên, nếu là ăn mật của con cá trên 3kg thì chắc chắc sẽ gây ngộ độc cấp, thậm chí là tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Đúng là trong Đông y mật cá được coi là vị thuốc có thể chữa được một số bệnh như mờ mắt, bệnh phụ khoa. Các sách y học cổ truyền mô tả là mật cá có thể áp dụng trong một số bài chữa ích khí, tước khí.. Tuy nhiên, đều hướng dẫn là mật phải phơi khô, tẩm mật ong, chấm ngoài da, chấm lên chỗ tiêm... Ngoài ra, liều lượng mật cá bao nhiêu đủ để làm vị thuốc thì chỉ có các lương y là nắm rõ, người dân tuyệt đối không làm theo một cách tù mù.
PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh cũng khuyến cáo kể cả khi nấu chín mật cá vẫn gây ngộ độ nặng.
Nhiều người nghĩ là giống mật gấu. Trong khi mật gấu tốt như thế thì chắc mật cá không bằng thì cũng phải được 5-7 phần. Hơn nữa, mật cá phổ biến, giá lại rẻ chỉ có 5-7 nghìn đồng/cái, thậm chí là cho không.
"Tuy nhiên, tuyệt đối không nên tin vào những lời đồn thổi, cần quan tâm đến khoa học chính thống, nếu không sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là mất mạng", PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh nhấn mạnh.
TP HCM: Phát hiện 2 người bị sốt rét ác tính về từ châu Phi Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM đang điều trị hai bệnh nhân về từ châu Phi bị sốt rét ác tính với mật độ sốt rét cao TS-BS Hồ Đặng Trung Nghĩa, Trưởng Khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết sau gần hai năm không ghi nhận bệnh nhân sốt rét ác tính thì vừa qua...