Vụ 500 GV mất việc: Bộ GD&ĐT giúp huyện tìm giải pháp
Lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục vừa có buổi làm việc với UBND huyện Krông Pắk liên quan đến vụ gần 500 giáo viên (GV) sắp mất việc. Sau khi làm việc, lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết sẽ có báo cáo lên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề xuất các phương án để xử lý tình trạng trên.
Ngày 30.3, bà Ngô Thị Minh Trinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) cho biết, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) Trần Kim Tự cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với UBND huyện Krông Pắk.
Bà Ngô Thị Minh Trinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk trả lời báo chí.
Ngoài nắm tình hình chuyên môn, tại buổi làm việc UBND huyện Krông Pắk đã báo cáo với đoàn về tình hình dôi dư hàng trăm GV hợp đồng tại huyện. Theo đó, hiện toàn huyện này có hơn 200 GV không có vị trí tuyển dụng nên buộc huyện phải ra thông báo chấm dứt hợp đồng hôm 6.3 vừa qua như Dân Việt đã phản ánh. Tuy nhiên, trước phản ứng trái chiều từ phía các GV cũng như dư luận, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo tạm dừng thực hiện quyết định trên, vẫn tiếp tục cho các GV giảng dạy, tìm hướng xử lý phù hợp hơn.
Ngoài ra, sắp tới, huyện sẽ tổ chức thi tuyển viên chức ngành giáo dục năm 2017 cho 370 GV đang dạy hợp đồng tại huyện. Do kỳ thi chỉ lấy 83 chỉ tiêu nên sắp tới huyện sẽ có thêm gần 300 GV bị chấm dứt hợp đồng.
Theo bà Trinh, huyện Krông Pắk đang đưa ra nhiều phương án nhằm xử lý tình trạng dôi dư hơn 200 GV không có vị trí tuyển dụng. Các phương án đã được huyện tính tới gồm: rà soát xin thêm vị trí xét tuyển; rà soát nhu cầu các huyện lân cận để xin điều chuyển GV; xin kinh phí để tiếp tục đào tạo số GV dôi dư để đưa về các trường mầm non (vì hiện nay bậc mầm non đang còn thiếu nhiều GV)…
Video đang HOT
Theo lãnh đạo huyện Krông Pắk, huyện này đang đưa ra rất nhiều phương án nhằm giải quyết tình trạng dôi dư GV hợp đồng.
Trả lời câu hỏi của PV về việc huyện đã có phương án gì để xứ lý tình trạng dôi dư gần 300 GV sau kỳ thi tuyển viên chức giáo dục sắp tới, bà Trinh cho biết, trước mắt huyện chỉ tập trung giải quyết để sắp xếp ổn thỏa hơn 200 GV không có vị trí xét tuyển. 370 GV dự kỳ thi tuyển viên chức sắp tới của huyện trước đó đã có thỏa thuận rất rõ trong hợp đồng. Nếu các GV này không thi đậu thì buộc phải nghỉ việc theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Về câu hỏi, có hay không việc UBND huyện “âm thầm” đưa các quyết định chấm dứt hợp đồng đối với hơn 200 GV không có vị trí xét tuyển, bà Trinh cho biết, đây có thể là thông tin vỉa hè không chính xác. Bà Trinh khẳng định, huyện vẫn đang thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng đối với hơn 200 GV này.
Theo Danviet
Vụ gần 500 giáo viên sắp mất việc: Đề xuất xin cơ chế đặc thù
Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, báo cáo Bộ Nội vụ để đề xuất xin cơ chế đặc thù nhằm giải quyết hậu quả của việc UBND huyện Krông Pắk hợp đồng dư thừa hàng trăm giáo viên (GV).
Ngày 13.3, ông Miêng Klơng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk- cho biết, vừa tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ về việc giải quyết tình trạng dư thừa hàng trăm GV tại huyện Krông Pắk (Dân Việt đã đưa tin).
Gần 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp.
Theo ông Miêng Klơng, trước mắt việc tạm dừng chấm dứt hợp đồng với hơn 200 GV là cần thiết, nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp căn cơ. Để giải quyết ổn thỏa tình trạng dư thừa GV tại huyện Krông Pắk, trước mắt huyện cần rà soát, phân loại lại toàn bộ các hợp đồng đã ký trước đây.
Đối với các GV đang hợp đồng mà không có vị trí tuyển dụng thì nhất thiết phải chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên cần phải có cách làm phù hợp nhằm ổn định tinh thần cho các giáo viên; đề xuất tỉnh cho cơ chế về tài chính nhằm hỗ trợ các GV này giảm bớt khó khăn sau khi mất việc làm.
Về việc thi tuyển viên chức giáo dục của huyện Krông Pắk sắp tới, ông Miêng Klơng cho biết đang tham mưu để UBND tỉnh trình Bộ Nội vụ để Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế đặc thù. Theo đó, đối với trường hợp các GV đáp ứng được về mặt chuyên môn nhưng các tiêu chí khác không đạt yêu cầu vẫn cho thi nhưng có cam kết bổ sung các tiêu chí sau. Đối với trường hợp có trình độ chuyên môn chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (chủ yếu là cử nhân Ngoại ngữ và Tin học nhưng không thuộc ngành Sư phạm) thì xem xét vận dụng cho thi tuyển.
Bên cạnh đó, Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất Chính phủ cho cơ chế đặc thù để huyện Krông Pắk được giãn lộ trình tinh giảm biên chế theo nghị quyết của Trung ương.
Ngoài các giải pháp trên thì huyện Krông Pắk nói riêng và các huyện khác cần rà soát lại nhu cầu GV trên địa bàn để nghiên cứu điều chuyển số GV dôi dư này về những vùng còn thiếu. Tuy nhiên, theo ông Miêng Klơng, giải pháp này khó khả thi do đa phần các GV đã có cuộc sống ổn định.
"Chúng tôi vẫn đang tiếp tục bàn bạc để đưa ra những giải pháp khả thi để giải quyết theo hướng có lợi nhất đối với các giáo viên hợp đồng đang dôi dư tại huyện Krông Pắk. Nếu giải quyết theo quy định thì không cần phải bàn cãi, vấn đề ở đây là làm sao xử lý vụ việc theo hướng nhân văn nhất trong khuôn khổ của pháp luật cho phép"- ông Miêng Klơng nói.
Phó chủ tịch huyện Krông Pắk nói chưa phát hiện tiêu cực, việc dôi dư giáo viên có thể do số lượng học sinh giảm.
Về trách nhiệm để xảy ra tình trạng dôi dư hàng trăm giáo viên tại huyện Krông Pắk, ông Miêng Klơng thừa nhận với tư cách là Giám đốc Sở Nội vụ, bản thân ông có những thiếu sót và rất "tâm tư". Tuy nhiên theo ông Miêng Klơng, ngoài trách nhiệm của những người đứng đầu phải được xử lý thì cũng cần làm rõ trách nhiệm của người tham mưu.
Trước đó, trao đổi với PV Dân Việt, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết chưa phát hiện tiêu cực trong việc huyện ký hợp đồng với hàng trăm giáo viên dẫn đến tình trạng dôi dư như hiện tại. Bà Trinh cho rằng, có thể thời điểm đó các trường có nhu cầu còn thời điểm hiện tại, do tình trạng học sinh giảm nên mới xảy ra tình trạng thừa giáo viên.
Theo Danviet
Tỉnh họp khẩn, hơn 500 giáo viên hồi hộp chờ 'giải cứu' Đến trưa nay, UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn đang họp khẩn với các sở, ngành và UBND huyện Krông Pắk bàn cách giải quyết vụ 500 giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc. Nhận được tin, hàng trăm giáo viên đang hồi hộp chờ 'giải cứu'. Trưa 11.3, bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk...