Vụ 10 năm oan sai: Ông Chấn sẽ được bồi thường khoảng 520 triệu đồng
Trong suốt quá trình điều tra vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn (trú tại Bắc Giang) đã có nhiều uẩn khúc chưa được làm sáng tỏ, khiến dư luận nghi ngờ. Đến nay, sau hơn 10 năm ngồi tù, ông Chấn bị kết án tù chung thân về tội “giết người” – được chính người vợ của mình lần ra manh mối minh oan – nhiều “góc khuất” của vụ án dần dần được hé lộ, đưa ra ánh sáng.
Vào sáng 4.11, tại Trại giam Vĩnh Quang (Tổng cục VIII, Bộ Công an), Viện KSND Tối cao đã công bố quyết định kháng nghị tái thẩm bản án đối với ông Nguyễn Thanh Chấn bị tuyên phạt tù chung thân về tội “giết người” và công bố quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).
Bị ép cung khai nhận giết chị Nguyễn Thị Hoan vào đêm 15.8.2003, ông Chấn đã phải ngồi tù 10 năm một cách oan uổng. Sau khi vợ của ông Chấn là bà Nguyễn Thị Chiến lần được manh mối, xác định hung thủ và gửi bằng chứng cho cơ quan chức năng, đến ngày 25.10.2013, hung thủ thật sự – tức Lý Nguyễn Chung (người cùng thôn với ông Chấn) – đã ra đầu thú.
Bị ép cung, “dạy” thực nghiệm hiện trường
Chia sẻ với phóng viên Lao Động và đời sống, luật sư Nguyễn Đức Biền – người được chỉ định bào chữa cho ông Nguyễn Thanh Chấn 10 năm trước – kể: “Tại phiên toà, anh Chấn liên tục kêu oan, bị ép cung, tuy nhiên trong hồ sơ lại ghi việc thực nghiệm hiện trường thuần thục. Tôi có hỏi anh Chấn rằng nếu không thực hiện hành vi tội phạm, sao lại thực hiện thành thục vậy thì anh Chấn trả lời là do điều tra viên dạy thực nghiệm”.
Về việc bị điều tra viên ép cung, “dạy” thực nghiệm hiện trường, đến ngày hôm nay – khi được tha về với gia đình – ông Chấn vẫn bị ám ảnh bởi những buổi ép cung, có đến chết ông cũng không thể quên được.
“Khi lấy lời khai của tôi, các cán bộ người thì hỏi, người khoá tay, người cầm dao lăm lăm đe doạ, thậm chí có người còn cầm búa giơ lên đe nếu không khai thì cho chết. Khi bị tạm giam, có đêm tôi bị chuyển tới 3-4 buồng. Hơn 1 tuần không được ngủ nên đầu óc quay cuồng, lâng lâng, không còn muốn phản kháng nữa, họ bắt ghi gì thì ghi nấy, nhiều khi chẳng cần đọc nội dung mà tôi cũng cứ ký vào cho xong”.
Không chỉ bị điều tra viên “bắt nạt”, ông Chấn còn bị “đầu gấu” là phạm nhân cùng buồng đánh. “Khi vào buồng của phạm nhân Phạm Duy Hồng, tôi bị tên này dùng dép đánh vào 2 mang tai, sau đó bắt hát” – ông Chấn bức xúc. Sau khi bị đe dọa, ép cung, ông Chấn được điều tra viên đọc cho viết đơn xin thú tội và đọc cả nội dung viết thư về cho vợ là bà Chiến.
Tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Chấn đều kể lại câu chuyện mình bị ép cung trước toà, song không được xem xét. “Để thực nghiệm hiện trường, các điều tra viên cho 1 tù nhân giả làm cô Hoan. Cán bộ còn đưa cho lúc cái thìa, khi cái lược để giả làm hung khí. Tôi phải tập nhiều lần cho đến khi thành thạo. Sau đó, họ đưa đến một nhà dân gần trại giam để thực nghiệm hiện trường, bắt tôi diễn lại và quay phim” – ông Chiến kể.
Tuy nhiên, cũng theo lời ông Chấn thì chưa bao giờ những người đó bắt ông thực nghiệm tại đúng hiện trường nơi xảy ra vụ án ở thôn Me; chính vì vậy, đây vẫn là câu hỏi lớn đến nay chưa có lời giải đáp
Video đang HOT
Hung thủ thay 100 sim điện thoại trong vòng hai tháng để tránh bị phát hiện
Mặc dù hung thủ Lý Nguyễn Chung (SN 1988, trú tại Lạng Sơn) chỉ thỉnh thoảng xuống thăm bố là ông Lý Văn Chúc (lấy vợ ở thôn Me); tuy nhiên, ấn tượng để lại của những người dân thôn Me với hung thủ không có gì tốt đẹp.
Bà Phạm Thị Đào (trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung) cho biết: Chính con gái tôi (SN 1984) mách rằng nhiều lần nhìn thấy Chung rình trộm tắm, do ở nông thôn, nhà tắm chỉ được quây bằng tấm phên, tấm nứa. Chồng tôi cũng nhiều lần bảo rình để bắt quả tang nó, nhưng chưa được.
Gần nhà Chung có gia đình 2 cô con gái, Chung cũng rình trộm và bị người mẹ phát hiện. Bị bà ấy mắng, nó liền dọa đốt nhà và phá cả ruộng khoai nhà bà ấy.
Về phía Lý Nguyễn Chung, ngay sau khi bị gia đình ông Chấn phát giác được hung thủ thực sự, biết không thể lẩn trốn nên y đã ra đầu thú.
Tại cơ quan điều tra, Lý Nguyễn Chung khai nhận chính mình đã giết chị Hoan để lấy tiền và hai chiếc nhẫn vào tối 15.8.2003; khi đó, y mới 14 tuổi 8 tháng.
Sau khi giết chị Hoan, Chung về nhà thay quần áo dính máu ra ngâm ở chậu. Đến khoảng 4h ngày hôm sau, bà Nguyễn Thị Lành giặt quần áo thấy trong nước ngâm bộ quần áo của Chung có màu hồng thì gọi Chung dậy hỏi: “Có phải hôm qua mày làm chuyện đó không?”, Chung đã thừa nhận.
Lúc đó, bà Lành và ông Chúc bảo Chung về quê ở Lạng Sơn. Chung tiêu hết số tiền 59.000đ lấy được của chị Hoan, sau đó trốn vào Đắc Lắc làm ăn.
Để tránh bị lộ tung tích, trong vòng 3 năm đầu, Chung liên tục đổi chỗ ở và làm trăm công việc cốt để xa quê hương và che giấu tội ác của mình.
Sau khi lẩn trốn được một thời gian, thỉnh thoảng Chung về thăm gia đình vào những dịp quan trọng, sau đó lại trốn biệt tăm tích để tránh bị nghi ngờ.
Việc Chung biến mất khỏi địa bàn không gây chú ý nhiều với người dân, bởi Chung theo bố về khu vực thôn Me mà không hề thông báo tạm trú tạm vắng, nên có đi hay về cũng ít người để ý.
Theo Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao, ngay sau khi nhận được đơn kêu oan của gia đình ông Chấn tố giác Chung, cơ quan chức năng đã điều tra, xác minh hung thủ thật sự là Chung nên tổ chức truy tìm.
Khi xác định hung thủ đang ở Đắc Lắc, Cơ quan điều tra đã cử một tổ lần theo chỗ ở của Chung. Tuy nhiên, Chung rất ranh mãnh khi liên tục thay đổi số điện thoại để “cắt đuôi” Cơ quan điều tra.
Theo thống kê, chỉ trong vòng 2 tháng, Chung đã sử dụng gần 100 sim điện thoại và thay đổi chỗ ở liên tục.
Thậm chí, có thời điểm Chung từ Gia Lai, Đắc Lắc trốn về Quảng Ninh rồi sau đó đi sang Trung Quốc, nhưng sau lại quay về lại Đắc Lắc, vì ở đó hắn đã có vợ, một đứa con lớn và một em bé sắp sinh.
Được Cơ quan điều tra kiên trì vận động, ngày 25.10.2013, đối tượng Lý Nguyễn Chung đã đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào ngày 15.8.2003 để cướp tài sản.
Liên quan đến vụ án, Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao cũng đã bắt khẩn cấp ông Lý Văn Chúc (SN 1950, bố của Lý Nguyễn Chung) về hành vi đe doạ giết bà Nguyễn Thị Lành (vợ ông Chúc ở thôn Me, đồng thời là nhân chứng của vụ án) về hành vi “đe doạ giết người”
Ông Chấn sẽ được bồi thường bao nhiêu tiền?
Về việc bồi thường cho những tổn hại của ông Nguyễn Thanh Chấn, một số số luật sư cho biết, theo quy định tại khoản 2, Điều 32 “Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước”, trong trường hợp Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm và đình chỉ vụ án vì ông Chấn không thực hiện hành vi phạm tội giết người, thì Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại Hà Nội – đã từng tuyên ông Chấn có tội – phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Chấn.
Bởi trên thực tế, TAND Tối cao là cơ quan cuối cùng xác định ông Chấn là người có tội, nên phải chịu trách nhiệm.
Trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn đã bị tạm giam khoảng gần 3.700 ngày (từ 28.9.2003 đến ngày 4.11.2013), chiểu theo “Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước”, ông Chấn sẽ được bồi thường khoảng trên dưới 520 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu xác định ông Chấn bị oan, tòa án sẽ phải khôi phục danh dự cho ông Chấn bằng việc cải chính, xin lỗi công khai bằng các hình thức như trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của ông Chấn có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương, đăng lời cải chính, xin lỗi trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp.
Theo Laodong
TS-LS Phan Trung Hoài - thành viên Tổ biên tập sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS năm 2003: Bộc lộ khiếm khuyết trong mô hình tố tụng
"Vụ án 10 năm oan sai của công dân Nguyễn Thanh Chấn đã lộ diện những điểm yếu cốt tử của nền tư pháp hình sự nước ta, trong đó không chỉ thể hiện những khiếm khuyết trong mô hình tố tụng hình sự (TTHS), trong đó sự vận hành của các chủ thể thực hiện các chức năng cơ bản trong TTHS chưa được thông suốt, bình đẳng và minh bạch, mà còn thiếu vắng những định chế giám sát và phản biện, dẫn đến nguy cơ oan sai cao, có khả năng xâm phạm quyền con người trong hoạt động tư pháp".
Luật sư Phan Trung Hoài.
Đó là ý kiến chia sẻ của TS-LS Phan Trung Hoài - người được Liên đoàn Luật sư Việt Nam phân công phụ trách Tiểu ban Luật TTHS và là thành viên Tổ biên tập sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS năm 2003. Ông nói:
- Rồi đây, sau quyết định tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, trách nhiệm công vụ, hành chính, dân sự hay hình sự của các cơ quan, cá nhân gây ra sự oan sai này sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, mấu chốt nhất vẫn là vấn đề khả năng tiếp cận, giám sát và phản biện của các chủ thể thực hiện các chức năng cơ bản của TTHS, vấn đề đánh giá và thu thập chứng cứ, cũng như nhận thức, trách nhiệm của những người được Nhà nước và nhân dân tin cậy thực hiện và bảo đảm công lý.
Có thể nhận rõ sự hạn chế vai trò và sự hiện diện của người bào chữa ngay từ khi vụ án được khởi tố. Những chi tiết mà ông Chấn kể lại với báo chí cho thấy, các cơ quan tố tụng có thể đã không quan tâm vấn đề bảo đảm quyền được tiếp cận với người bào chữa ngay từ khi bắt tạm giam và các buổi hỏi cung, thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường không có mặt người bào chữa. Cần lưu ý là ngay từ đầu, ông Chấn bị khởi tố về hành vi giết người mà mức hình phạt cao nhất có thể là tử hình thì cơ quan điều tra bắt buộc phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại khoản 2, Điều 57 Bộ luật TTHS. Quan trọng nhất là những chứng cứ buộc tội ông Chấn không được thu thập và đánh giá theo đúng trình tự, thủ tục chặt chẽ theo luật định, dẫn đến vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội.
- Vậy theo ông, để góp phần hạn chế những trường hợp oan sai như vụ án này, nhìn từ góc độ TTHS, cần quan niệm và hướng hoàn thiện pháp luật như thế nào?
- Theo suy nghĩ của tôi, một trong những định hướng căn bản trong việc hoàn thiện mô hình TTHS và sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo đảm quyền bào chữa phải góp phần nâng cao vị thế và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư trong đời sống và trong hoạt động tố tụng; gia tăng phạm vi, quyền hạn, trách nhiệm của người bào chữa trong quá trình TTHS. Trên cơ sở đó, cần quy định các trình tự, thủ tục một cách cụ thể, rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, đảm bảo tính khả thi, tạo điều kiện cho việc hành nghề được thuận lợi, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của luật sư trong quá trình TTHS. Trong điều kiện mô hình TTHS của nước ta hiện nay, việc đảm bảo cho ba chủ thể có trách nhiệm buộc tội, bào chữa và xét xử thực hiện tốt chức năng của mình cần được quán triệt và thực thi đầy đủ, nếu thiếu đi bất cứ yếu tố nào, phá vỡ sự cân bằng trong TTHS thì đều dẫn đến không thực hiện được mục tiêu cơ bản của Bộ luật TTHS đề ra.
Muốn vậy, người bị tạm giữ, bị can có quyền tiếp xúc ngay từ đầu với người bào chữa nhằm đảm bảo tính khách quan của lời khai, loại bỏ các hình thức mớm cung, bức cung, nhục hình. Quyền gặp mặt một cách riêng tư của người bào chữa là cơ sở triển khai hoạt động bào chữa của luật sư trong TTHS. Về bản chất, đây là quyền lợi của các chủ thể tham gia tố tụng và của người bào chữa, nhưng trong quy định của Bộ luật TTHS hiện hành và trong thực tế, đây là quyền lợi bị xâm hại nhiều nhất, đặc biệt trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Chỉ khi nào cơ quan điều tra và các điều tra viên chia sẻ quan niệm coi người bào chữa là người phản biện, đóng góp vào quá trình tiếp cận với sự thật khách quan của vụ án, cũng như tòa án trở thành người trọng tài phân định và bảo đảm việc tranh tụng dân chủ giữa bên buộc tội và gỡ tội, thì khi đó các tổ chức, cá nhân mới có cơ hội tiếp cận với công lý.
Trong kiến nghị lần này, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề xuất một trình tự để tòa án tiến hành đánh giá về tính hợp pháp của quá trình điều tra, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của các bên tranh tụng, loại bỏ các chứng cứ buộc tội được thu thập không hợp pháp, từ đó việc tranh tụng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội liên quan đến việc đánh giá chứng cứ có cơ hội được thực hiện ngay trước khi tiến hành tranh tụng. Bởi lẽ, suy cho đến cùng, để lọt những chứng cứ buộc tội giả tạo, bị dàn dựng hoặc không đủ căn cứ xác thực dẫn đến xét xử oan sai là trách nhiệm của hội đồng xét xử các cấp.
- Xin cảm ơn luật sư!
Theo Laodong
Vụ 10 năm oan sai ở Bắc Giang: Triệu tập điều tra viên gây án oan Theo nguồn tin của Báo Lao Động, Viện KSND và Công an tỉnh Bắc Giang đã triệu tập một số điều tra viên tham gia vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn từ hơn 10 năm trước để làm rõ những vấn đề liên quan đến hoạt động tố tụng của những điều tra viên này. Ngày 7.11, trao đổi với phóng viên, bà...