VTV Đặc biệt – Câu chuyện trăm năm: Đau đáu nỗi nhớ quê hương của những người con Việt trên đất Pháp
Qua bộ phim tài liệu lên sóng VTV Đặc biệt – Câu chuyện trăm năm, khán giả sẽ được theo dõi những góc nhìn mới về cộng đồng người Việt tại Pháp trong một thập kỷ qua.
Tháng 6/1919, nhân danh Nhóm người An Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc ký tên dưới bản yêu sách tám điểm gửi đến Hội nghị Versaille đòi các quyền tự do, dân chủ, tự quyết của nhân dân Việt Nam. Đây là hoạt động chính trị công khai đầu tiên của Người ở Paris, cũng đồng thời là thời điểm ra đời của một tổ chức chính trị xã hội đầu tiên của người Việt Nam ở nước ngoài- tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp ngày nay.
Suốt 100 năm qua, Hội người Việt Nam tại Pháp luôn hoạt động theo tôn chỉ của Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập, đó là luôn đồng hành, gắn bó với Tổ quốc. Bộ phim Câu chuyện trăm năm là hành trình trở về quá khứ nhằm phác thảo quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp suốt 100 năm qua.
Vậy bộ phim sẽ mang tới cho khán giả những điều đặc biệt nào? Cùng lắng nghe những chia sẻ dưới đây của nhà báo Khương Quỳnh Liên – Ban Truyền hình Đối ngoại, Đài THVN – đơn vị sản xuất bộ phim Câu chuyện trăm năm – để hiểu hơn về tác phẩm này.
Đề tài về cộng đồng người Việt ở Pháp đã đến với ê-kíp như thế nào?
Năm 2016, Ban Truyền hình Đối ngoại sản xuất bộ phim VTV Đặc biệt Nguyễn Ái Quốc ẩn số từ nước Pháp, BTV Trần Thu Hà và tôi đã tiếp cận được những tài liệu theo dõi những người Việt Nam ở Pháp của cảnh sát, tình báo Pháp, đặc biệt là hồ sơ mật liên quan đến thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh mà thời đó là Nguyễn Ái Quốc ở Pháp. Sau đó chúng tôi lại tiếp tục tiếp cận được rất nhiều hồ sơ, tài liệu quí khác liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng người Việt tại Pháp. Chúng tôi thấy có rất nhiều điểm khác biệt và đáng chú ý của cộng đồng này và đã nảy ra ý tưởng thực hiện bộ phim Câu chuyện trăm năm.
Vậy quá trình ê-kíp sản xuất triển khai đề tài này ra sao? Trong quá trình đó, thách thức lớn nhất mà ê-kíp gặp phải là gì?
Video đang HOT
Đoàn làm phim đã có một tháng ghi hình tại Pháp. Chúng tôi đã gặp được con của những thế hệ người Việt đầu tiên sang Pháp, con của những người lính thợ. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, rất nhiều nông dân Việt Nam bị ép sang Pháp. Trên những con tầu từ Việt Nam đến Pháp họ bị nhốt trong những gian phòng chật hẹp dưới hầm tầu, tối tăm, thiếu không khí. Đến Pháp họ lại phải làm việc trong các nhà máy thuốc súng độc hại. Sau giờ làm việc họ bị nhốt trong các trại. Họ phải chịu đói, rét. Rất nhiều người chết vì bệnh tật. Rất may là chúng tôi đã kịp thời tìm gặp được những nhân chứng sống của một thời oanh liệt đó.
Một trong những khó khăn của chúng tôi là nhiều nhân vật đã tuổi cao, sức yếu. Thậm chí có những nhân vật chúng tôi phải phỏng vấn ngay trên giường bệnh. Có những nhân vật sức khỏe yếu nên việc phỏng vấn phải kéo dài và dừng lại liên tục để nhân vật nghỉ. Có những nhân vật không còn minh mẫn nữa chúng tôi phải thật kiên trì gợi đi gợi lại để họ có thể nhớ lại. Việc phỏng vấn như vậy mất rất nhiều thời gian và công sức.
Phong trào yêu nước của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp thời đó cũng sôi động không kém ở trong nước. Ngay trong lòng nước Pháp, họ đồng hành cùng dân tộc trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Họ tổ chức các hội như Hội đồng bào thân ái hay Liên hiệp Việt Kiều trong đó có đủ các thành phần từ trí thức, du học sinh, người lao động… Có những người đã có hoạt động yêu nước ở Việt Nam, bị theo dõi, cho vào sổ đen đã sang Pháp bằng con đường du học rồi lại tiếp tục là nhân tố nòng cốt. Tất cả những người Việt Nam sang Pháp đều được các cơ quan có thẩm quyền ở Pháp lập hồ sơ theo dõi. Họ ghi toàn bộ tên tuổi, quá trình hoạt động như thế nào, hằng ngày đi đâu, làm gì, đến hội nào… Họ tập hợp hồ sơ từng người vào trong một hồ sơ lớn về hội những người Việt Nam tại Pháp. Chúng tôi đã tiếp cận được những tài liệu đó.
Chúng tôi đã gặp được các nhiều chuyên gia Pháp nghiên cứu về những người Việt Nam ở Pháp như nhà sử học Alain Ruscio, Daniel Héméry hay nhà báo Pierre Daum… Họ cũng chính là nhân vật trong phim. Trước đấy, họ đã có thời gian dài đi khắp các kho lưu trữ để tìm hiểu và có rất nhiều thông tin hữu ích chia sẻ với chúng tôi. Một nguồn quan trọng nữa là thế hệ sau của những người Việt Nam đầu tiên sang Pháp. Những người lính thợ bị đày ải khổ cực ngày trước đã mất nhưng con họ đã đi tìm hiểu về cha mình, về nguồn gốc của mình. Có những nhân vật khi 60 tuổi, cha mẹ đã mất, không nói được tiếng Việt. Nhưng sau khi nghỉ hưu họ lại có mong muốn tìm về nguồn cội để hiểu về nguồn gốc của cha mẹ mình. Hay chúng tôi gặp những bạn trẻ, họ nhận thấy sự khác biệt rằng, nhà mình vì sao ăn bằng đũa, nhà các bạn ăn bằng thìa, dĩa; Tại sao mâm cơm nhà mình có toàn thịt kho, nem còn nhà các bạn ăn phô mai, bánh mì… Khi đủ lớn, họ đã tìm về Việt Nam, tự hào về nguồn gốc của mình và quảng bá văn hóa Việt Nam tới thế giới.
Trong quá trình thực hiện Câu chuyện trăm năm, điều chị và ê-kíp sản xuất ấn tượng nhất là gì?
Một điều rất ấn tượng khi làm phim tại Pháp là chúng tôi cảm nhận được từ các chính khách Pháp, những người dân Pháp đều dành những lời khen ngợi và tình cảm tốt đẹp cho cộng đồng người Việt Nam. Có câu chuyện mà tôi rất ấn tượng khi trò chuyện với một chính khách Pháp, ông kể, cháu ông khoe giỏi thứ nhì lớp, ông hỏi sao không phải là nhất thì cô bé trả lời rằng vì trong lớp có một bạn là người Việt Nam. Nhiều người Việt đã rất thành công, được ngưỡng mộ trên đất Pháp như họa sĩ Lê Bá Đảng, họa sĩ Điềm Phùng Thị, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo – người được ghi danh vào 2 cuốn từ điển của Pháp… Và, ngay cả những người Việt Nam bình thường cũng rất cần cù, thông minh, được bạn bè Pháp khen ngợi, yêu quý. Chúng tôi đã đến những vùng mà Hội người Việt Nam ở đó có tới 3/4 là người Pháp, vì yêu mến mà họ tham gia để học nấu ăn, học võ… của người Việt. Có một chính khách Pháp đã phát biểu rằng, sau một trăm năm, cộng đồng người Việt Nam ở Pháp lại trẻ hơn bao giờ hết.
Lên sóng VTV Đặc biệt, vậy điều tạo nên sự đặc biệt cho Câu chuyện trăm năm là…?
Lần này chúng tôi sẽ không tái hiện bằng phục dựng mà bằng đồ họa. Ví dụ như tái hiện lại cảnh lính thợ Việt Nam đến Pháp, bị sĩ quan Pháp đánh đập trên những con tàu biển hay việc Việt kiều Pháp thức cả đêm may cờ để chào đón hội nghị Paris…
Qua bộ phim, ê-kíp mong muốn truyền tải thông điệp nào tới khán giả?
Thực tế thì không có cộng đồng người Việt nào trên thế giới được Nguyễn Ái Quốc sáng lập như ở Pháp. Thứ nữa, là cộng đồng người Việt yêu nước tại Pháp hoạt động trong 100 năm qua theo ý chí và tinh thần của Nguyễn Ái Quốc: đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Chúng tôi đã gặp gỡ những cụ già 90, 100 tuổi rồi nhưng đến giờ vẫn đau đáu “ngày đất khách, đêm quê hương”, không lúc nào họ không nghĩ về Việt Nam. Trong chiến tranh kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, họ đi làm rất vất vả, làm đủ nghề với đồng lương ít ỏi nhưng vẫn luôn có một quỹ quyên góp gửi về quê hương. Một lòng theo tiếng gọi yêu nước của Nguyễn Ái Quốc. Thời bình, họ lại có những quỹ từ thiện gửi áo ấm, thuốc men… cho đồng bào ở nhà.
Quan trọng hơn qua Câu chuyện trăm năm, đó còn là hành trình nhiều năm truyền bá, lan tỏa văn hóa Việt trong một cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Bộ phim tài liệu Câu chuyện trăm năm lên sóng khung giờ VTV Đặc biệt vào 21h40 ngày 31/8 trên kênh VTV1.
Theo vtv.vn
Trưng bày hơn 100 tài liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp của Người
Ngày 28-8, triển lãm "Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế" đã diễn ra tại Hà Nội.
Công chúng tham quan triển lãm. Ảnh: Dangcongsan.vn
Triển lãm giới thiệu đến công chúng hơn 100 tài liệu, hình ảnh được lựa chọn kỹ lưỡng từ các cơ quan lưu trữ, cơ quan văn hóa của Việt Nam, Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp và Hoa Kỳ về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ.
Trong đó có nhiều tài liệu đặc biệt và nổi bật trong cuộc đời, sự nghiệp của Bác như: Bản yêu sách của nhân dân An Nam do Nguyễn Ái Quốc thay mặt nhóm người Việt Nam yêu nước ký tên gửi Hội nghị Hòa bình Versailles ngày 18-6-1919; thư của Nguyễn Ái Quốc gửi Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đại biểu Hội nghị Hòa bình RobertLansing ngày 18-6-1919 về việc gửi bản yêu sách của nhân dân An Nam...
Triển lãm sẽ góp phần giúp công chúng hiểu rõ hơn những tư tưởng và cống hiến của Người cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp hòa bình, tình hữu nghị và phát triển vì tiến bộ của Việt Nam và thế giới.
Đây cũng là dịp để mỗi chúng ta ôn lại lời căn dặn của Người, thêm ý chí, quyết tâm và sức mạnh đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu như Người mong muốn; góp phần bồi dưỡng lòng tự hào về truyền thống yêu nước, tinh thần trách nhiệm trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
MAI AN
Theo SGGP
Không khoảng cách: Hành trình "đá" 12 năm thăng trầm của Ngũ Cung Chương trình Không khoảng cách phát sóng hôm nay, 18/8 sẽ giới thiệu tới khán giả câu chuyện về Ngũ Cung (Pentatonic) và hành trình 12 năm gắn bó với rock của ban nhạc này. Nhiều thế hệ mê nhạc rock hẳn đã từng say đắm những giai điệu mạnh mẽ, những ca từ bay bổng, mang âm hưởng núi rừng Tây Bắc...