VSD: Phát huy thành tựu, không ngừng phát triển
Trong 6 tháng đầu năm 2019, mặc dù giữ được đà tăng trưởng tuy nhiên kinh tế thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp hơn dự báo.
Trong nước, 6 tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thị trường tiền tệ, tỷ giá và mặt bằng lãi suất ổn định. Nhờ các nhân tố tích cực trên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang duy trì và phát triển; quy mô thanh khoản thị trường được cải thiện.
VSD phát huy thành tựu, không ngừng phát triển
Tính đến ngày 14/6/2019, chỉ số VN-Index đạt 953,61 điểm, tăng 6,8% so với cuối năm 2018, quy mô vốn hóa thị trường đạt 4,34 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2018 tương ứng với 78,4% GDP của năm 2018. Theo đó, hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) trong 6 tháng đầu năm 2019 cũng đạt nhiều thành tựu, thể hiện qua hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng sau:
Tích cực tham gia xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) thế hệ 2 và các văn bản hướng dẫn dưới luật có liên quan: Sau hơn hai năm xây dựng, đến nay, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) thế hệ hai đã cơ bản được hoàn thành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán (TTCK). Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), năm 2019, VSD đã phối hợp với đơn vị đầu mối của UBCKNN tiếp tục hoàn thiện nội dung các chính sách có liên quan đến hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán trong dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) thế hệ hai. Hiện dự thảo Luật Chứng khoán đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2019. Sau khi ban hành Luật Chứng khoán (sửa đổi) thế hệ 2 sẽ là nền tảng pháp lý quan trọng cho các hoạt động trên TTCK nói chung và hoạt động sau giao dịch nói riêng, góp phần thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư (NĐT) trong nước và ngoài nước tham gia thị trường.
Tích cực tham gia xây dựng hệ thống công nghệ thông tin mới cho toàn thị trường: Công nghệ thông tin là nền tảng quan trọng đảm bảo cho thị trường vận hành an toàn, hiệu quả, thông suốt và bảo mật cũng như phát triển các sản phẩm dịch vụ mới. Với ý tưởng hình thành hệ thống công nghệ thông tin thống nhất cho toàn thị trường kết nối trực tiếp từ khâu đăng ký, lưu ký giao dịch đến bù trừ thanh toán, thực hiện quyền, gói thầu “Thiết kế, lắp đặt cung cấp và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin” đã và đang được Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) TP. Hồ Chí Minh (HOSE), Sở GDCK Hà nội (HNX) và VSD phối hợp với nhà thầu tích cực triển khai dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCKNN. Trong 6 tháng đầu năm 2019, VSD đã phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư là HOSE và phía nhà thầu hoàn thành một số công việc chuẩn bị cho việc kiểm thử, nghiệm thu hệ thống. Hệ thống mới đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao năng lực tổ chức, quản lý và vận hành thị trường, góp phần phát triển các sản phẩm dịch vụ mới tiệm cận thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Đa dạng hóa các dịch vụ sau giao dịch cho TTCK: Trong 6 tháng đầu năm 2019, VSD đã tập trung hoàn thành công tác chuẩn bị cho việc triển khai cho một số sản phẩm sản phẩm mới theo lộ trình sản phẩm đã được phê duyệt như chứng quyền có bảo đảm (CW), hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (HĐTL TPCP), cụ thể:
- Đối với sản phẩm CW: Để đáp ứng kỳ vọng của nhiều công ty chứng khoán và đông đảo NĐT trên thị trường, với vai trò là đơn vị cung cấp dịch vụ sau giao dịch cho sản phẩm này, trong thời gian qua, VSD đã thực hiện cải tiến hệ thống để đáp ứng các hoạt động dịch vụ cung cấp cho sản phẩm chứng quyền, đầu tư về nhân sự, hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ nhằm đảm bảo sự ổn định và chính xác khi sản phẩm chứng quyền được triển khai. Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của UBCKNN, VSD đã hoàn thiện hệ thống và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để bắt đầu triển khai cung cấp dịch vụ cho CW từ tháng 6/2019.
- Đối với sản phẩm HĐTL TPCP: Bám sát lộ trình phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm từng bước đa dạng hóa sản phẩm phái sinh, dưới sự chỉ đạo của UBCKNN, VSD đã hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, ban hành các quy chế nghiệp vụ hướng dẫn cho các thành viên bù trừ (TVBT), phối hợp với HNX, ngân hàng thanh toán và các TVBT hoàn thiện hệ thống để sẵn sàng thực hiện bù trừ, thanh toán cho sản phẩm HĐTL TPCP trong tháng 7/2019.
Video đang HOT
Với sự chuẩn bị thấu đáo của VSD và các Sở GDCK, thành viên thị trường và các tổ chức phát hành, hai sản phẩm này khi ra đời sẽ không chỉ góp phần đa dạng hóa sản phẩm mà còn tăng thêm sức hấp dẫn của thị trường đối với các NĐT trong và ngoài nước, góp phần hoàn thiện cấu trúc sản phẩm và tăng quy mô thanh khoản cho thị trường, phù hợp với tiến trình phát triển chung của thế giới.
Đảm bảo cho TTCK vận hành an toàn, thông suốt và hiệu quả: Trong 6 tháng đầu năm 2019, VSD đã thực hiện tốt hoạt động nghiệp vụ về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, đảm bảo cho TTCK vận hành thông suốt, an toàn, bảo mật, cụ thể:
- Về hoạt động cho TTCK cơ sở: Tổng số chứng khoán đăng ký tại VSD thời điểm 15/6/2019 là 154 tỷ chứng khoán, tăng 3,1% so với năm 2018. Số lượng chứng khoán lưu ký tại VSD đạt 86 tỷ chứng khoán, tăng 3,6% so với năm 2018 và chiếm hơn 55% tổng số chứng khoán đăng ký. Tính đến 15/6/2019, VSD đã cấp 30.864 mã số giao dịch cho NĐT nước ngoài, bao gồm 4.309 tổ chức và 26.555 cá nhân. Trong 6 tháng đầu năm 2019 (tính đến 15/6/2019), tổng giá trị thanh toán tiền giao dịch chứng khoán qua VSD đạt 1,6 triệu tỷ đồng và không có thành viên nào phải sử dụng đến Quỹ hỗ trợ thanh toán.
- Về hoạt động cho TTCK phái sinh: Tính đến ngày 15/6/2019 đã có 73.338 tài khoản của NĐT được đăng ký trên hệ thống bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh của VSD, tăng 28,3% so với năm 2018. Số lượng hợp đồng mở có hiệu lực đến thời điểm ngày 15/6/2019 là 26.425 hợp đồng, tăng 22% so với năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2019 (tính đến 15/6/2019), tổng giá trị giao dịch đạt hơn 1 triệu tỷ đồng; hoạt động bù trừ giao dịch ký quỹ và thanh toán giao dịch được VSD thực hiện an toàn, suôn sẻ. Tổng giá trị thanh toán lãi/ lỗ vị thế đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng và không có trường hợp nào phải sử dụng đến Quỹ bù trừ để đảm bảo khả năng thanh toán.
Để bắt nhịp với những thay đổi của TTCK Việt Nam, cũng như để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của NĐT, VSD cam kết sẽ cố gắng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, phát huy các giá trị cốt lõi, tập trung phát triển hạ tầng công nghệ, đảm bảo vững chắc cho sự ổn định và phát triển của TTCK Việt Nam và đóng góp tích cực cho các mục tiêu kinh tế chung của đất nước. Trên tinh thần đó, trong 6 tháng cuối năm 2019, VSD sẽ tập trung vào triển khai một số nhiệm vụ quan trọng nhằm hoàn thành kế hoạch đặt ra trong chương trình công tác năm 2019, cụ thể: (i) Tiếp tục tham gia hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK Việt Nam trong đó tập trung vào hoàn thiện xây dựng dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi thế hệ hai và các văn bản hướng dẫn liên quan đến các hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán; (ii) Tiếp tục hoàn thành hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ sau giao dịch trong gói thầu “Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin”; (iii) Triển khai cung cấp một số sản phẩm/dịch vụ mới như: bù trừ thanh toán cho sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (HĐTL TPCP); dịch vụ cho sản phẩm Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
Khối lượng công việc những tháng cuối năm của VSD là không nhỏ, tin tưởng rằng, dưới sự chỉ đạo sát sao của cơ quan quản lý, với sự hỗ trợ, sát cánh của thành viên, tổ chức phát hành và sự ủng hộ, đồng hành của các NĐT trong và ngoài nước cũng như của các đối tác, VSD sẽ tiếp tục vững bước, vượt qua những khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2019, làm tiền đề cho sự phát triển của những năm tiếp theo và góp phần nâng cao vị thế của VSD cũng như góp phần thiết thực vào sự ổn định và phát triển của TTCK Việt Nam, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
PV.
Theo tapchitaichinh.vn
Quỹ mở nhọc nhằn kiếm lãi
TTCK Việt Nam giảm thanh khoản, giảm tăng trưởng kể từ đầu năm đến nay, khiến câu chuyện tăng trưởng của các quỹ đầu tư bị chững lại. Hầu hết các quỹ, cả quỹ có quy mô lớn hay nhỏ, có quá khứ tăng trưởng tốt hay chưa tốt, đều chịu chung tình cảnh kiếm lãi khó khăn.
Tỷ suất lợi nhuận của hầu hết các quỹ đã dương trở lại, nhưng vẫn thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm.
Tỷ suất sinh lời kém tích cực
Sau khi ghi nhận mức sinh lời âm 8,3% trong năm 2018 sau 4 năm tăng trưởng liên tiếp, báo cáo của Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF (VCBF-BCF) do Công ty Liên Doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) quản lý cho biết, giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) của Quỹ tính đến 12/06/2019 đang ở mức 17.953,7 đồng, tương ứng mức tỷ suất sinh lời 2,37% từ đầu năm 2019.
VCBF-BCF là quỹ mở có chiến lược đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết và đăng ký giao dịch có giá trị vốn hóa lớn, thanh khoản tốt với tỷ trọng cổ phiếu lên đến trên dưới 98%, một số cổ phiếu chiếm tỷ trọng phân bổ tài sản đáng kể của quỹ có thể kể đến như FPT, MBB, VNM, MWG, QNS... Kết quả đầu tư của VCBF-BCF đã phản ánh rõ tình hình TTCK diễn biến kém tích cực, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn suốt từ đầu quý II/2019 đến nay.
Với Quỹ đầu tư Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VF4), Quỹ được quản lý bởi CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) với tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu lên đến 94,5% tài sản tính đến cuối tháng 5/2019, chủ yếu là các mã vốn hóa lớn đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), tính từ đầu năm đến nay, tỷ trọng sinh lợi NAV/CCQ cũng chỉ đạt 2,04%.
Kết quả đầu tư của VF4 bị ảnh hưởng đáng kể khi nhiều cổ phiếu trong nhóm được phân bổ tài sản đầu tư lớn nhất như VNM, BID, MBB, MWH... đều trong xu hướng giảm giá hoặc đi ngang từ đầu năm. Tại Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFMVF1) cũng do VFM quản lý với danh mục đầu tư chủ yếu vào cổ phiếu, tỷ suất sinh lời dù có tích cực hơn so với VF4, nhưng cũng chỉ đạt 2,32%.
Trường hợp của Quỹ đầu tư giá trị MB Capital (MBVF), Quỹ đầu tư cổ phiếu năng động Bảo Việt (BVFED) hay Quỹ đầu tư cổ phiếu Techcom (TCEF) mức sinh lời từ đầu năm đến nay còn khiêm tốn hơn.
Trong khi giá trị NAV/CCQ của MBVF đến 31/05/2019 đạt 14.518 đồng, tăng 1,67% tính từ đầu năm thì giá trị NAV/CCQ của BVFED đến 13/06/2019 đạt 14.338 đồng, tương ứng tỷ suất sinh lời đạt 1,32%. Với TCEF, tình hình còn khó khăn hơn với mức sinh lời từ đầu năm đến ngày 14/6 âm 0,2%. So với cuối tháng 1/2018, tỷ suất sinh lời của TCFF đã âm 26,6% trong hơn 1 năm qua, cách xa mục tiêu lợi nhuận 12%/năm đề ra.
So với các quỹ mở đầu tư trái phiếu hoặc cân bằng cả cổ phiếu và trái phiếu, nhìn chung các quỹ đầu tư vào cổ phiếu có mức sinh lời thấp hơn đáng kể trong 5 tháng đầu năm 2019.
Cũng thuộc quản lý của VCBF, Quỹ đầu tư cân bằng chiến lược VCBF (VCBF-TBF) đã đạt tỷ suất lợi nhuận 3,33% tính đến 12/06/2019. Trong khi đó, Quỹ đầu tư Trái phiếu Việt Nam (VFMVFB) của VFM với tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi lên tới gần 90% tài sản, đang đạt tỷ suất sinh lời 3,62% từ đầu năm đến nay, gấp rưỡi mức sinh lời của 2 quỹ mở cổ phiếu cùng do VFM quản lý.
Tỷ suất lợi nhuận của một số quỹ mở từ đầu năm đến nay.
Tỷ suất sinh lời của các quỹ hầu hết đã dương trở lại, không còn thua lỗ như 2018 nhưng nếu so với lãi suất các kênh đầu tư khác, đơn cử là gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm hiện dao động quanh mức 7%-8%/năm, sau 5 tháng đầu tư, mức sinh lời của nhiều quỹ mở đang có phần thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm.
Nếu tính cả mức phí quản lý tài sản trong khoảng từ 1,5-2% giá trị tài sản/năm, hiệu suất sinh lời hiện chỉ đủ bù phí quản lý. Trong khi đó, thị trường đang cho thấy nhiều khó khăn, rủi ro tiếp tục suy giảm có thể quay trở lại có thể xem là nguyên nhân lý giải cho việc nhiều quỹ đầu tư bị rút ròng khá đáng kể từ đầu năm đến nay.
Tại quỹ Quỹ Đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh (VEOF), giá trị tài sản ròng của quỹ theo báo cáo đến ngày 13/06 đạt 641,5 tỷ đồng, giảm 22,1% so với đầu năm, dù giá trị NAV/CCQ tăng trưởng. Số lượng đơn vị chứng chỉ quỹ ước tính chỉ còn 45,6 triệu đơn vị, giảm 15,3 triệu đơn vị so với đầu năm. Tại Quỹ Đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh (VFF), giá trị tài sản ròng của Quỹ là 232 tỷ đồng, giảm 39,8% so với mức 385,6 tỷ đồng cuối năm 2018.
Triển vọng nào cho quỹ mở?
Đóng cửa phiên giao dịch 14/6/2019 tại 953,61 điểm, dù vừa trải qua gần 1 tháng giảm điểm liên tiếp và mất đi 3,4% điểm số, nhưng so với đầu cuối năm 2018, chỉ số VN-Index vẫn có mức tăng 6,8%.
TTCK Việt Nam đã trải qua gần nửa đầu năm 2019 với diễn biến bớt nhiều tiêu cực so với cuối năm 2018 khi vùng hỗ trợ 880-890 điểm của VN-Index liên tục bị thử thách. Tuy vậy, sau sự khởi sắc của quý I/2019 việc thị trường chuyển sang đi ngang với VN-Index tăng giảm đan xen trong vùng 950-1.000 điểm, các cổ phiếu vốn hóa lớn mất đà tăng giá đã khiến hiệu suất sinh lời của các quỹ mở chịu ảnh hưởng đáng kể.
Điều này thực tế không khó hiểu khi quỹ đầu tư có lợi thế nhờ quy mô vốn lớn, quản lý điều hành chuyên nghiệp, nhưng chính quy mô lớn lại là bất lợi là quỹ đầu tư thường đạt hiệu quả cao hơn trong xu hướng tăng điểm dài hạn, trong ngắn hạn khi thị trường diễn biến tiêu cực, quỹ đầu tư sẽ khó đảo danh mục, bán và chờ mua lại giá thấp hơn như nhà đầu tư nhỏ lẻ. Khi muốn thoái vốn cổ phiếu đầu tư cũng mất thời gian nhiều hơn do khối lượng nắm giữ lớn.
TTCK Việt Nam ở trong xu hướng giảm trong hơn một năm trở lại đây trong khi kinh tế Việt Nam vẫn trong xu hướng tăng trưởng và có triển vọng tăng trưởng tích cực, đặt ra câu hỏi liệu đà giảm này có sớm kết thúc? Về vĩ mô, Báo cáo của Ngân hàng thế giới (World Bank) mới đây cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể duy trì ở mức 6,5-6,6% trong giai đoạn 2019-2021. Cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề có triển vọng tăng trưởng, nhưng đang bị điều chỉnh về vùng giá hấp dẫn theo thị trường sẽ là cơ hội để các quỹ đầu tư cải thiện tỷ suất lợi nhuận đầu tư từ nay đến cuối năm.
Bên cạnh đó, việc TTCK phái sinh giao dịch sôi động hơn và sản phẩm chứng quyền được triển khai ngày 28/6 tới đây sẽ có lợi cho các quỹ đầu tư khi tạo thêm công cụ phòng ngừa rủi ro tốt hơn trong giai đoạn thị trường cổ phiếu suy giảm. Có thêm công cụ mới, các quỹ thay vì "chịu trận" bị động như trước đây sẽ có thể cải thiện tỷ suất lợi nhuận ngay cả khi thị trường rơi điểm.
Đối với các quỹ trái phiếu, cơ hội ngày càng rõ ràng hơn khi mặt bằng lãi suất trái phiếu do các doanh nghiệp phát hành tăng từ mức 9 - 10%/năm trước đây,lên trung bình 11-12%/năm, thậm chí có doanh nghiệp phát hành tới 14-15%%/năm. Tất nhiên, lãi suất cao đi kèm rủi ro cao, nhưng sản phẩm trái phiếu đa dạng và lợi tức cao hơn là cơ hội cho các quỹ trái phiếu kiếm lãi.
Giữa hàng chục quỹ đầu tư đang hoạt động với nhiều quỹ có đặc điểm hoạt động tương đồng, quỹ nào có khả năng bảo vệ tài sản nhà đầu tư tốt hơn, đem lại mức sinh lời tốt hơn tất yếu sẽ thu hút dòng tiền. Tuy nhiên, thị trường cần vượt qua tình trạng yếu thanh khoản và kém sôi động, bởi nếu cứ tiếp diễn như hiện nay thì quỹ tốt cũng nhọc nhằn kiếm lãi.
Khắc Lâm
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Tháng 8, kịch bản nào cho TTCK Việt Nam? Thị trường Việt Nam là một trong các thị trường tâm điểm thu hút dòng tiền đầu cơ thông qua các quỹ ETFs. Tháng 8 tại Việt Nam trùng với tháng mưa Ngâu. Tháng theo quan niệm dân gian, người dân thường kiêng làm việc lớn. Thị trường chứng khoán (TTCK) những năm qua cũng có diễn biến tăng, giảm xen kẽ trong...