VPBank bán 50% cổ phần tại FE Credit, chuẩn bị tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF) – công ty con thuộc tập đoàn tài chính SMBC Group của Nhật Bản.
Như vậy, sau 6 tháng kể từ ngày hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng vốn vào tháng 4 vừa qua, mọi thủ tục cần thiết đã kết thúc và SMBCCF chính thức trở thành một cổ đông lớn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit). Đồng thời, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng sẽ được đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC. Tuy nhiên, thương hiệu FE Credit tiếp tục được giữ nguyên. VPBank vẫn nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit, 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về một nhà đầu tư khác.
Với kinh nghiệm của một công ty tài chính tiêu dùng lớn hàng đầu Nhật Bản, và đang hoạt động tích cực tại các thị trường châu Á khác như Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan và Trung Quốc, sự tham gia của SMBCCF được cho là sẽ thổi một nguồn năng lượng mới vào FE Credit – công ty đang chiếm tới 50% thị phần tài chính tiêu dùng ở Việt Nam.
Tại Đại hội đồng cổ đông VPBank diễn ra tháng 4 vừa qua, một lãnh đạo cao cấp của ngân hàng này khẳng định việc bán 49% vốn tại FE Credit không đồng nghĩa với việc VPBank từ bỏ “gà đẻ trứng vàng”, và nhấn mạnh những quả trứng vàng sẽ tiếp tục được sinh ra ở FE Credit với sự tham gia của SMBCCF.
Đối với VPBank, tác động từ thương vụ chuyển nhượng vốn này sẽ còn lớn hơn nữa. Việc hoàn tất chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của FE Credit cho SMBCCF sẽ mang lại cho VPBank một lượng vốn rất lớn, là bước đệm để hiện thực hóa kế hoạch tăng vốn điều lệ của ngân hàng trong năm 2022 đã được Đại hội Đồng cổ đông thông qua.
Theo kế hoạch này, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng lên 75.000 tỷ đồng trong năm 2022, từ mức 25.300 tỷ đồng hiện tại, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Nguồn để tăng vốn điều lệ sẽ đến từ nguốn chủ sở hữu, dự kiến sẽ đạt 90.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2021.
Video đang HOT
Tính đến hết quý III, vốn chủ sở hữu của VPBank là hơn 57.000 tỷ đồng. Ngân hàng này đang hoàn tất phát hành 1,97 tỷ cổ phiếu từ nguồn cổ tức và thặng dư cổ phần để nâng vốn điều lệ lên 45.000 tỷ đồng vào cuối năm nay. Như vậy, mục tiêu đạt được 90.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu của VPBank đã trở thành hiện thực.
Theo các chuyên gia, nền tảng vốn tốt là một lợi thế không nhỏ đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, khi nền tảng vốn lớn sẽ nâng cao khả năng mở rộng hoạt động kinh doanh và phòng ngừa những rủi ro tiềm ẩn. Dự kiến hệ số an toàn vốn của VPBank sẽ tăng lên 17% sau thời điểm thương vụ chuyển nhượng vốn FE Credit hoàn tất. Đây là tỷ lệ an toàn vốn thuộc nhóm cao nhất hệ thống.
Tại Đại hội Đồng cổ đông VPBank, lãnh đạo ngân hàng này cũng đã chia sẻ sẽ tìm hướng để tận dụng nguồn vốn để phát triển mạnh hơn nữa những phân khúc chiến lược là khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời mở rộng, tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở các mảng mới như: ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản. Thương vụ FE Credit-SMBCCF đã hoàn tất, VPBank đã hoàn thành xong quá trình chuẩn bị vốn để hướng đến những mục tiêu lớn hơn.
Agribank dẫn đầu tỷ lệ giải ngân theo gói cam kết hơn 20 nghìn tỷ đồng của 16 ngân hàng thương mại
Trong tổng số 8.865 tỷ đồng đã giải ngân của gói cam kết giảm lãi suất của 16 ngân hàng thương mại (NHTM), đạt 43,01% so với cam kết, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) dẫn đầu với số tiền giải ngân lên tới 4.726 tỷ đồng, chiếm hớn 53%.
Thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước (NHNN), 16 NHTM đã đồng thuận (thông qua Hiệp hội ngân hàng) giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.
Riêng 04 NHTM Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tính từ 15/7 đến 31/8/2021, 16 NHTM mại gồm: Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, LienViet PostBank, TPBank, VIB, ACB, Seabank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/8/2021 cho khách hàng 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.
Sau khi công bố số tiền này, NHNN đã công khai danh sách số tiền giải ngân của 16 ngân hàng. Cụ thể như sau:
(1) Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank): Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 4.726 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,06 triệu tỷ đồng cho trên 3 triệu khách hàng.
(2) Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 1.032 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 910.556 tỷ đồng cho gần 304.765 khách hàng.
(3) Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank): Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 857 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 701.322 tỷ đồng cho 302.977 khách hàng.
(4) Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank): Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 943 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 725.167 tỷ đồng cho 238.865 khách hàng.
(5) Ngân hàng TMCP Quân đội (MB): Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 550 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 93.613 tỷ đồng cho 103.978 khách hàng.
(6) Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank): Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 155 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 49.371 tỷ đồng cho 842 khách hàng
(7) Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank): Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 137 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 125.677 tỷ đồng cho 218.312 khách hàng.
(8) Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank): Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 83 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 9.095 tỷ đồng cho 6.186 khách hàng.
(9) Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB): Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 83 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 89.335 tỷ đồng cho 65.423 khách hàng.
(10) Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank): Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 37 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 69.595 tỷ đồng cho 32.423 khách hàng.
(11) Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank): Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 30 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 11.683 tỷ đồng cho 123 khách hàng.
(12) Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB): tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 05 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 8.439 tỷ đồng cho 8.358 khách hàng.
(13) Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB): tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 48 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 25.925 tỷ đồng cho 2.150 khách hàng.
(14) Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank): Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 03 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 3.206 tỷ đồng cho 4.839 khách hàng.
(15) Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB): tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 126 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 77.885 tỷ đồng cho 20.916 khách hàng.
(16) Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank): tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 51 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 38.016 tỷ đồng cho 11.879 khách hàng.
Chứng khoán ngày 29/9: LHG, HPG, VPB được khuyến nghị Một số mã cổ phiếu nhà đầu tư cần chú ý trước phiên giao dịch 29/9. Khuyến nghị mua LHG với giá mục tiêu 66.500 đồng/cp CTCK Bản Việt (VCSC): Công bố báo cáo lần đầu cho CTCP Long Hậu (LHG) với khuyến nghị MUA và giá mục tiêu 66.500 đồng/CP. LHG là chủ đầu tư các khu công nghiệp (KCN) Long Hậu...