Vớt cá chết trên sông, một thanh niên chết đuối
Chiều ngày 22/4, thân nhân anh Lôi (SN 1996, dân tộc Bahnar, trú xã Ayun, Mang Yang, Gia Lai) cho biết, thi thể anh đã được đưa về nhà để tổ chức mai táng.
Theo người nhà nạn nhân, cách đây một thời gian, anh Lôi cùng một số người trong xã sang tỉnh Attapeu của nước bạn Lào làm kinh tế. Sáng ngày 20/4, anh Lôi thấy một con cá chết đang trôi trên sông Sê Sa Nan nên liền nhảy xuống sông vớt.
Do nước sông lớn nên trong lúc bơi vào bờ, anh Lôi bị chuột rút rồi chìm xuống dòng nước.
Một số người trên bờ đi cùng anh Lôi đã gọi điện về quê báo cho thân nhân nạn nhân biết sự việc. Chiều cùng ngày, gia đình đã nhờ người lặn vớt thi thể nạn nhân.
Trưa ngày 21/4, thi thể anh Lôi đã được tìm thấy và được giao cho gia đình đưa về quê mai táng.
Thiên Thư
Theo Dantri
Nữ dân quân vượt mưa bom, bão đạn đưa bộ đội vượt sông Thạch Hãn
Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, bà cùng bố chồng đã vượt qua bao gian khổ, hiểm nguy, dũng cảm dùng thuyền đưa bộ đội qua sông, góp phần đem lại chiến thắng trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Đến thăm bảo tàng Thành cổ, rất nhiều du khách đã nán lại rất lâu trước bức ảnh cụ già ngồi trên thuyền, nở nụ cười sảng khoái bên cạnh một thiếu nữ ôm súng, cùng hàng chục chiến sĩ bộ đội giải phóng. Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi nghe anh hướng dẫn viên giới thiệu về nguồn gốc bức ảnh, càng khâm phục hơn khí chất của các nhân vật này, vì trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, bên cạnh những đau thương, mất mát, bức ảnh đó mang đến sự tươi vui, niềm tin vào ngày toàn thắng.
Video đang HOT
Đi tìm nhân chứng lịch sử...
Theo lời giới thiệu của nhân viên bảo tàng, bức ảnh trên được chụp vào những năm 1972. Thời điểm đó, chiến tranh diễn ra rất ác liệt, hàng vạn chiến sĩ quân giải phóng đã ngã xuống trong cuộc giao tranh với quân đội Mỹ để bảo vệ từng tấc đất Thành cổ.
Nhiều người đến thăm bảo tàng Thành cổ đều nán lại xem bức ảnh ông lão cùng cô du kích chèo đò đưa bộ đội qua sông.
Được biết, người lái đò đưa bộ đội qua sông thời điểm ấy là cụ Nguyễn Con (quê ở làng Giang Hến, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, hiện cụ đã mất) và cô gái là con dâu của cụ - bà Nguyễn Thị Thu.
Lần theo những thông tin có được, chúng tôi tìm về Tiểu khu 5, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, nơi bà Thu đang sinh sống. Sau hơn 40 năm, cô du kích ngày nào giờ đã bước sang tuổi lục tuần và đã lên chức bà.
Mặc dù khá bận bịu với việc mưu sinh, quần quật xoay xở đủ đường để đảm bảo cuộc sống, nhưng mỗi khi có dịp lật lại ký ức, bà vẫn chưa thể quên những trận chiến khốc liệt năm nào. Trong nhà của bà Thu hiện còn treo rất nhiều bức ảnh được chụp hồi chiến tranh, cả những bức ảnh chụp chung với các cựu binh từng tham gia chiến dịch Thành cổ khi họ về thăm lại chiến trường xưa.
Bà Nguyễn Thị Thu bồi hồi nhớ lại những lần vượt "mưa bom, bão đạn" cùng cha đưa bộ đội vào chiến đấu tại Thành cổ
Lúc đó, bà Thu mới chỉ 17-18 tuổi nhưng đã trở thành cô du kích nhỏ can đảm nhận nhiệm vụ làm giao liên, cùng bố chồng đưa bộ đội giải phóng vượt sông Thạch Hãn để vào Thành cổ chiến đấu.
Dù biết rằng, đảm nhận những công việc ấy, hai cha con sẽ gặp hiểm nguy khi bị địch phát hiện và ném bom. Tuy nhiên, với khí chất kiên cường và niềm tin vào sự thắng lợi của cách mạng, dẫu có phải hy sinh, hai cha con đã tự nguyện nhận mọi nhiệm vụ. Rất nhiều lần đối diện với cái chết trước mặt nhưng hai cha con đã khôn khéo lái thuyền sang hướng khác để tránh bom đạn, quyết tâm đưa bộ đội vượt sông an toàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên giao.
Bà Thu nhớ lại: "Vào năm 1972, cũng là thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất giữa bộ đội ta với quân Mỹ. Với âm mưu hòng chiếm lại Thành cổ Quảng Trị, Mỹ - Ngụy đã dốc toàn bộ lực lượng đóng ở miền Trung, cùng với trang bị vũ khí hiện đại. Tuy với quân số ít hơn nhưng quân ta vẫn trụ vững, tận dụng mọi cơ hội để phản công địch. Trong cuộc giao tranh ấy, ta và địch giành giật từng tấc đất, từng căn nhà Thành cổ. Để bảo vệ Thành cổ và đánh bật các cuộc phản công của địch, quân đội ta phải huy động, bổ sung lực lượng. Thế nhưng, địch đã sử dụng một lượng lớn máy bay oanh tạc trên không, kiểm soát bầu trời nên chỉ cần phát hiện mục tiêu là chúng sẵn sàng ném bom.
Ngày ấy, việc quân đội ta xâm nhập được vào Thành cổ rất khó khăn. Thực tế là đã có rất nhiều bộ đội giải phóng đã ngã xuống trong quá trình vượt sông Thạch Hãn. Chính vì vậy mà người ta gán cho con sông này một cái tên rất đau thương là "dòng sông chết". Nhiệm vụ cấp bách được đặt ra là làm thế nào để đưa bộ đội qua sông an toàn và hết sức bí mật. Vì thông thuộc luồng lạch nên cha con tui đã tình nguyện nhận nhiệm vụ đưa bộ đội vào Thành cổ chiến đấu, rồi đưa những người bị thương ngược sông về tuyến sau. Lúc đó tui cũng mới tròn 18 tuổi, từng có thời gian làm giao liên ở địa phương nên được cấp trên tin tưởng".
Trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm Thành cổ, sông Thạch Hãn đoạn từ xã Triệu Long, Triệu Giang, Triệu Thành trở thành huyết mạch quan trọng của quân dân ta. Bến đò làng Tiền (quê hương bà Thu) trở thành điểm đón, đưa quân Giải phóng vào chiến trường.
Giữa "mưa bom, bão đạn" của kẻ thù, hai cha con bà Thu vẫn kiên cường, tận dụng tốt mọi thời cơ để chèo đò đưa bộ đội qua sông một cách an toàn nhất. Bà Thu nhớ lại: "Những chuyến đò chở bộ đội vượt sông có thể xuất phát bất cứ lúc nào, không kể ngày hay đêm. Khi phát hiện địch ngưng sử dụng máy bay oanh tạc và ném bom thì ta phải tranh thủ để tránh thương vong. Tuy vậy, dòng sông Thạch Hãn những thời điểm ấy luôn đục ngầu một màu đỏ do quân địch thường xuyên dội bom B52. Vẫn biết là khó khăn nguy hiểm, nhưng chúng ta không thể trì hoãn được mà phải khẩn trương, việc duy trì và bảo vệ Thành cổ lúc đó là nhiệm vụ sống còn, quan trọng hơn tất cả.
Bức ảnh được chụp vào những năm 1972 trên đoạn sông Thạch Hãn, đến nay bà vẫn còn lưu giữ, xem đó như là một kỷ niệm khó phai
Cho đến bây giờ, bà Thu cũng không nhớ kỹ đã bao nhiêu lần chở bộ đội qua sông trong những ngày đêm khói lửa ấy, chỉ biết rằng mỗi ngày chiếc đò nhỏ ấy vượt sông khoảng 40 lần chở bộ đội, vũ khí, lương thực tiếp tế cho Thành cổ. "Có lần tui và cha vừa đưa hơn 20 chiến sĩ vượt sông trở về thì bất ngờ gặp máy bay địch, chúng ồ ạt thả bom xuống Thạch Hãn. Nhìn hướng bom, bố chồng tui la lên, bảo nhảy xuống sông ngay lập tức. Vừa nhảy ra khỏi thuyền và lặn xuống thì thuyền bị trúng bom, tan nát hết. Nhưng cũng may là cả hai bố con đều sống sót" - bà Thu hồi tưởng.
Ngoài công việc giao liên, đưa bộ đội miền Bắc vào chiến đấu tại chiến trường, cha con bà Thu còn đảm trách nhiệm vụ đưa bộ đội bị thương về an dưỡng ở tuyến sau. Trong những lần ấy, chứng kiến bộ đội ta bị thương vong rất nhiều, bà đã cảm thấy vô cùng day dứt.
Lặng lẽ giữa đời thường
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng trong ký ức của nhiều người, những cựu binh trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị vẫn chưa thể quên trận chiến "mùa Hè đỏ lửa" 1972. Theo một số tài liệu lịch sử ghi lại: "Trong 81 ngày đêm, từ 28/6 - 16/9/1972, Mỹ ngụy đã ném xuống Thành cổ Quảng Trị 328.000 tấn bom đạn, 9.552.000 viên đạn pháo 105 mm, 55.000 viên đạn pháo 155 mm, 8.164 viên đạn pháo 175 mm, hơn 615.000 viên đạn hải pháo, 2.240 lần oanh tạc của không quân. Tổng số bom đạn trong 81 ngày đêm bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945. Có ngày số bom Mỹ ném ở Quảng Trị vượt xa số bom Mỹ ném trên toàn miềnNam trong các năm 1968 - 1969".
Những đóng góp của bà Thu đối với cách mạng được Đảng và Nhà nước ghi nhận
Chiến tranh kết thúc, bà trở về với cuộc sống đời thường. Trong ký ức của bà Thu, những ngày tháng được sát cánh cùng bộ đội giải phóng đương đầu với quân Mỹ càng không dễ gì quên. Bà vẫn thường bị ám ảnh bởi bom đạn và sự chết chóc. Bản thân bà cũng từng bị thương nên sức khỏe cũng đã giảm sút rất nhiều.
Vượt qua mọi đau thương, bà cùng chồng chung tay xây dựng cuộc sống. Rồi những đứa con lần lượt ra đời, vợ chồng bà phải làm việc cật lực hơn để trang trải cho cuộc sống và nuôi nấng các con nên người.
Hiện tại, 4 người con của bà đã khôn lớn, lập gia đình và có công việc ổn định. Bao nhiêu năm qua, bà Thu vẫn cùng chồng là ông Nguyễn Câu miệt mài đi cào hến trên đoạn sông Thạch Hãn chảy qua thị trấn Ái Tử. Tuy vậy, nguồn thu nhập cũng hết sức bấp bênh, mỗi ngày vợ chồng bà cũng chỉ kiếm được từ vài chục đến một trăm ngàn.
Ngoài công việc cào hến để mưu sinh, bà Thu còn chăn nuôi gia súc, gia cầm để trang trải thêm cho cuộc sống
Cùng với đó, bà chăn nuôi thêm con lợn, con gà để bán lấy tiền đắp đổi cuộc sống. Dù cuộc sống chưa đến mức dư giả được bao nhiêu nhưng bà vẫn cảm thấy hạnh phúc vì sống sót đến hôm nay. Bà Thu tâm sự: "Chiến tranh đã để lại bao đau thương, mất mát, chia rẽ hạnh phúc của biết bao gia đình. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống để mang lại sự bình yên cho đất nước. Đó là sự hy sinh to lớn không gì bù đắp được. Mình được sống đến hôm nay là may mắn lắm rồi".
Đăng Đức
Theo Dantri
Kẹt xe nhiều giờ liền trên đèo Mang Yang Khoảng 2 giờ sáng 18.3, trên quốc lộ 19 đoạn qua đèo Mang Yang, thuộc khu vực giáp hai huyện Đắc Pơ và Mang Yang (Gia Lai) xảy ra vụ kẹt xe nhiều giờ liền, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Sáng nay, việc lưu thông qua đoạn đèo Mang Yang vẫn gặp nhiều khó khăn Đến sáng nay, hàng trăm xe...